Tiếp theo Phần 1

2. Sửa chữa sai lầm, chuyển họa thành phúc

Yên Huệ An, người ở Trấn Giang phủ huyện Đơn Dương. Yên Huệ An là con đầu của một gia đình giàu có nên được chiều chuộng hết mức, hy vọng có được công danh hiển đạt. Thời trẻ anh thường tụ tập với bạn bè đồng trang lứa, đem chuyện nam nữ ra để bàn luận cười đùa. Cạnh nhà có một người thiếu nữ, lúc đầu anh thường đục tường nhìn trộm, về sau liền trèo tường sang để đùa cợt, cả ngày chỉ nghĩ đến chuyện dâm dục, bỏ bê đèn sách, đến ngày thi cử thì trong đầu không có lấy một chữ.

Hai năm sau đó, anh lấy cớ là ôn thi để lên kinh thành sống, thường xuyên ra vào các tửu lầu, chơi bời, cờ bạc, lại thích đọc sách tà dâm.

Đến năm thứ ba, khi đang đi trên phố anh gặp một người phát sách thiện, liền cầm lấy thì thấy đó là cuốn “Cảm ứng biên” và “Âm chất văn”. Vì tò mò anh mở ra đọc, đọc xong anh kinh tâm động phách nghĩ: “Những hành vi miêu tả trong cuốn sách này giống hệt mình, dường như là đang viết cho mình vậy, sao ta lại ngu xuẩn đến vậy? Người xưa khuyên răn tránh chuyện tà dâm, ta lại đam mê luyến ái, không biết kiềm chế bản thân, thế là ta đã tự hại mình rồi!”

Ngay hôm đó anh liền thắp hương quỳ trước trời đất thề rằng sẽ không phạm tà dâm nữa và quyết chí thức tỉnh. Trong thời gian học tập sẽ không mê luyến sắc dục; và phát nguyện sẽ in và tặng hàng nghìn cuốn sách thiện này, để chuộc lại những tội lỗi trước đây. Sau đó anh thực hiện đúng như lời hứa, đến năm thứ hai, anh đi thi được đứng đầu thi huyện. Từ đó anh càng cố gắng khuyến thiện cho mọi người, in một lượng sách thiện lớn để phát, và đã thức tỉnh được rất nhiều người.

Tuy nhiên có một người bạn không nghe lời anh mà sửa đổi, vì gian dâm bị người ta phát hiện vây đánh nên đành phải nhận bồi thường tiền bạc và bị ghi nợ. Sau đó người bạn này lại sợ cha biết được sẽ không tha cho mình nên trong lúc cùng quẫn đã nhảy xuống sông tự tử. Sớm biết thế này thì sao không nghe lời khuyên của Yên Huệ An? Yên Huệ An nhờ biết hối cải kịp thời, cố gắng khuyến thiện cho mọi người, nên anh không chỉ được hưởng thọ lớn mà con cái cũng đều phú quý.

Biết sửa chữa sai lầm, và làm việc tốt để bù đắp là vô cùng quan trọng; kiên trì khuyên răn mọi người hướng thiện càng là một việc tốt to lớn, được tiêu tội đắc phú, đó là bởi “Thiên đạo họa dâm, bất gia hối tội chi nhân.” (Trời phạt tội tà dâm, nhưng sẽ tha cho những người biết hối cải)

3. Viết sách tà dâm gặp ác báo, liên lụy đến gia đình

Vào năm Vạn Lịch nhà Minh, có một vị tiến sỹ tên là Trương Mỗ, rất có tài văn chương, nhưng ông không dùng cái tài của mình vào việc chính đạo mà lại thích viết những sách tà dâm và đưa ra xã hội. Anh cho rằng mượn những câu chuyện trong xã hội để viết thì sẽ không ảnh hưởng đến âm đức của mình.

Một đêm nọ, Trương Mỗ mơ thấy cha mình về quở trách: “Con viết sách tà dâm khiến cho thế nhân hỗn loạn, tưởng giả thành thật, rất nhiều người vì đọc sách của con mà thất đức không biết kiểm điểm. Dưới âm phủ trừng phạt tội tà dâm là nặng nhất. Con vốn có tiền đồ rộng mở, phúc trường lộc thọ, nay vì viết sách tà dâm nên đã bị hủy hết rồi. Phúc đức tổ tông mấy đời để lại cũng bị con hủy hoại trong chốc lát, phải làm thế nào đây?!”

Trương Mỗ sợ hãi tỉnh giấc, trong lòng vô cùng lo lắng. Một thời gian sau, trên đường đi nhậm chức ở Phúc Kiến thuyền của gia đình ông bị gió thổi mạnh khiến cho cả gia đình đều bị chết đuối.

Đáng tiếc thay cho người có tài văn phú, huệ căn được bồi dưỡng từ đời này sang đời khác lại không nghĩ xem làm thế nào để tích lũy phúc đức cho xã hội, tạo phúc cho mọi người, từ đó tích phúc đức cho bản thân. Ngược lại lại gây ra tội ác khiến thiên thượng phẫn nộ, cắt đứt phúc đức của tổ tiên mấy đời và phúc đức của con cháu. Đây đúng là tự nhảy vào lửa, thà rằng không màng đến danh tiết bản thân, cũng không trân trọng bản thân, nhưng lẽ nào lại không yêu thương con cháu, không kính trọng tổ tiên? Thật quá đáng thương. Sách tà dâm làm bại hoại luân lý, mê hoặc bản chất thanh khiết của con người, khiến cho người ta gây ra biết bao nhiêu tội ác, đúng là một mối nguy hại lớn cho con người.

(Còn nữa)

Theo Minhhua.net