Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã “thay hình đổi dạng”, và phát triển trở thành nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng có rất nhiều “góc khuất” phía sau những gì đã và đang diễn ra với dòng tiền “vào” và “ra” của Trung Quốc; làm thế nào chính phủ nước này có được khoảng 4 nghìn tỷ đô-la Mỹ tính đến thời điểm năm 2019, và dòng tiền khổng lồ đó đã được rót vào đâu!?
Nền kinh tế Trung Quốc đã có thặng dư thương mại “dai dẳng” với Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới, chuỗi cung ứng của thế giới tập trung vào Trung Quốc, nơi này cũng chính là “công xưởng của thế giới”. Có thể thấy rằng vai trò của Trung Quốc “rất nổi bật” đối với nền kinh tế toàn cầu. Và để hiểu hơn về những “bí ẩn” của nền kinh tế này, hãy cùng nhìn vào dòng tiền “vào” và “ra” của chính quyền Trung Quốc.

Tính đến năm 2019, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới với GDP là 14,4 nghìn tỷ đô-la Mỹ (chỉ đứng sau GDP của Hoa Kỳ là 21,4 nghìn tỷ đô-la Mỹ). Làm thế nào mà Trung Quốc lại có thể đi từ một xã hội nghèo trong những năm 1950 trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới chỉ sau 60 năm?

Trước tiên, chúng ta cần nhìn lại lịch sử của Trung Quốc vài thập kỷ về trước, khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lên nắm chính quyền, qua các cuộc cải cách, vận động từ tập thể hóa đến quốc hữu hóa, các tài nguyên và đất đai đã trở thành tài sản của quốc gia, của chính quyền Trung Quốc. Thêm vào đó là chiến dịch “Đại nhảy vọt” đã gây ra nạn đói khủng khiếp, dẫn đến việc 30 triệu người Trung Quốc bị chết đói. Sau hàng thập kỷ sống trong tình cảnh đói khổ, bạo lực và bất ổn, nhân dân Trung Quốc khao khát thoát nghèo, mong được sống trong ổn định; chính vì lẽ đó, tự bản thân người dân nước này vô cùng mong muốn cống hiến cho công việc, họ có sức làm việc bền bỉ, hết mình, cùng với khả năng học hỏi mạnh mẽ. Đến thời Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc bước vào thời kỳ “mở cửa”, nền kinh tế “tự do hóa” và từng bước tăng trưởng.

Từ đây, chính quyền Trung Quốc bắt đầu các phương thức kiếm tiền từ trong nước, bằng các thủ đoạn như: hy sinh môi trường sống, tận dụng lực lượng lao động nghèo, mổ cướp tạng… để theo đuổi chính sách tăng trưởng bất chấp.

Không có toàn cầu hóa, Trung Quốc sẽ chẳng có gì
Trung Quốc là một quốc gia đông dân nhất thế giới nơi người lao động chăm chỉ làm việc do nỗi sợ nghèo đói vẫn còn ám ảnh. Trung Quốc “nghiễm nhiên” có được lực lượng lao động hùng hậu. Đây cũng là sự thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với toàn cầu hóa, “cuộc chơi” được thiết lập [tại Trung Quốc] bởi các nước giàu như Mỹ, EU để tận dụng nguồn lao động giá rẻ, tài nguyên, và xả thải công nghiệp…

Trung Quốc bắt đầu trở thành cái gọi là “công xưởng của thế giới”, họ đã mở cửa các thành phố dọc theo bờ biển của mình từ những năm 1970, và trở thành trung tâm sản xuất của hầu hết các quốc gia phát triển. Xuất khẩu của họ tự nhiên tăng cao, chính quyền này dễ dàng xuất hàng hóa sang các nước phương Tây khác, chủ yếu là Mỹ và nhận lấy ngoại tệ. Hậu quả nguy hiểm nhất của việc Trung Quốc trở thành “công xưởng” “bất khả chiến bại” của thế giới là sự tận diệt nguồn năng lượng và nguyên liệu của trái đất. Để nuôi cỗ máy sản xuất của mình, Trung Quốc phải tiêu dùng một nửa xi-măng, gần một nửa lượng thép, một phần ba đồng, và một phần ba nhôm của thế giới.

Trung Quốc dùng miếng mồi thị trường 1,4 tỷ dân cùng các chính sách bảo hộ xuất khẩu phá vỡ mọi quy tắc của thương mại thế giới. (Ảnh: Shutterstock)
Trung Quốc dùng miếng mồi thị trường 1,4 tỷ dân cùng các chính sách bảo hộ xuất khẩu phá vỡ mọi quy tắc của thương mại thế giới. (Ảnh: Shutterstock)
Chính quyền Trung Quốc có thực sự mang lại việc làm và lợi ích cho người dân của họ? Câu trả lời là KHÔNG, vì trước đó chính quyền này đã “công hữu hóa” toàn bộ tiền và việc làm của người dân, giờ đây họ chỉ đi một “nước cờ” đơn giản là cho phép người dân Trung Quốc có việc làm thuê và được tự do kiếm tiền – vốn là quyền cơ bản của người dân Trung Quốc đã bị chính chính quyền này tước đoạt đi mà thôi.

Khoản tiền tiết kiệm khổng lồ từ người dân Trung Quốc
Theo thống kê của Conversable Economist, Trung Quốc có tỷ lệ tiết kiệm quốc gia cao nhất thế giới, đạt đỉnh 52% GDP trong năm 2008; và vào khoảng 45,8% GDP vào năm 2017, trong khi Hoa Kỳ có mức tiết kiệm quốc gia là 18,9% GDP và tỷ lệ tiết kiệm cho toàn thế giới là 26,4% trong cùng kỳ. Có thể thấy, tỷ lệ tiết kiệm của Trung Quốc là một trong những mức cao nhất trên thế giới. Một lý do mà Trung Quốc có thể đầu tư rất nhiều, từ năm này qua năm khác, là dựa vào nguồn tài trợ từ tỷ lệ tiết kiệm cao. Đây cũng là lý do Trung Quốc duy trì tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương mại (NHTM) cao nhất thế giới, ở mức 20% tổng huy động trước thương chiến với Mỹ và hiện còn khoảng 12,5% tại các NHTM lớn

Theo Economic Synopses, có 4 yếu tố chính góp phần vào hành vi tiết kiệm của người dân nước này, từ đó tạo ra nguồn tiền tiết kiệm khổng lồ cho Trung Quốc:

Đầu tiên, cải cách kinh tế ở Trung Quốc bắt đầu từ năm 1978 khiến thu nhập của người dân rơi vào tình trạng “bấp bênh”, nhiều công việc được trả lương rất thấp. Người dân mang tâm lý “tiết kiệm nhiều hơn” vì họ cảm thấy không có sự đảm bảo về tương lai.
Thứ hai, kể từ năm 1978, chính phủ Trung Quốc đã dần dần chuyển gánh nặng “thu nhập hưu trí” cho các hộ gia đình. Do đó, tăng tiết kiệm là cần thiết cho việc nghỉ hưu và đảm bảo cuộc sống khi về già; điều này tiếp tục khiến tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tăng cao hơn.
Thứ ba, hệ thống tài chính và thị trường tài chính của Trung Quốc vẫn còn kém phát triển và chỉ gần đây mới bắt đầu cải cách. Do đó, việc vay mượn cho nhà ở, giáo dục, chăm sóc y tế và các chi phí lớn khác là rất khó khăn, người dân chủ yếu dựa vào nguồn tiền tiết kiệm cá nhân để chi tiêu.
Thứ tư là giá bất động sản rất cao so với thu nhập. Theo ước tính của Economic Synopses, một người lao động Trung Quốc trung bình cần phải tiết kiệm toàn bộ thu nhập hàng năm của mình trong khoảng 50 năm để mua một căn hộ. Chi phí bất động sản cao như vậy đã thúc đẩy việc gia tăng tỷ lệ tiết kiệm.
Ngoài ra, các chuyên gia của tạp chí Forbes đã đưa ra giả thuyết rằng một hiện tượng xã hội quan trọng là yếu tố chính thúc đẩy tỷ lệ tiết kiệm cao, đó là việc kế hoạch hóa gia đình “cực đoan” ở Trung Quốc. Điều này đã gây ra sự mất cân bằng giới tính ở mức cao, dẫn đến áp lực về “thị trường hôn nhân”, khiến người dân tăng tỷ lệ tiết kiệm nhằm tăng tính cạnh tranh trong hôn nhân.

Doanh nghiệp nước ngoài đổ tiền vào Trung Quốc với hy vọng chiếm thị trường đông dân nhất thế giới
Trung Quốc là một thị trường tiêu dùng khổng lồ và đầy tiềm năng, đây quả là “món béo bở” dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, các công ty nước ngoài đã “đổ tiền” của họ vào các dự án đầu tư tại Trung Quốc, cũng như tận dụng thị trường này để tiếp thị và bán sản phẩm của mình tại đây. Jacob Parker – phó chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung, một nhóm thương mại đại diện cho lợi ích của các công ty Mỹ tại Trung Quốc, cho biết: “Trung Quốc là một thị trường trị giá 600 tỷ đô-la Mỹ cho nền kinh tế Mỹ”.

Theo tapchitaichinh.vn, vào thời điểm cuối năm 2019, các công ty nước ngoài không ngừng rót thêm tiền đầu tư vào Trung Quốc, ngay cả sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi các công ty Hoa Kỳ tìm kiếm địa điểm khác để đầu tư. Có thể thấy, “sức mua” khổng lồ của thị trường 1,4 tỷ người này dường như quá khó để các công ty có thể bỏ qua. Trong 9 tháng đầu năm 2019, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc tăng gần 3% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng trên tương đương với tốc độ tăng trưởng đầu tư của năm 2018.

Đổi lại, Trung Quốc được gì? Theo CNN, Trung Quốc buộc các công ty trao các bí mật thương mại để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường. Trong một số lĩnh vực, Bắc Kinh sẽ chỉ cho phép các công ty nước ngoài hoạt động thông qua các liên doanh mà các đối tác Trung Quốc chiếm đa số cổ phần; từ đó, các công ty Trung Quốc từng bước nắm trong tay công nghệ của các đối tác nước ngoài, tạo cơ sở cho một thị trường hàng nhái giá “cực rẻ” tràn lan khắp trong nước và thế giới.

‘Món hời’ từ các dự án xây dựng
Trung Quốc có quy mô đất đai rất lớn, và theo nguyên tắc của chính phủ nước này, tất cả các vùng đất đều thuộc về quốc gia, hay nói cách khác là thuộc về chính quyền Trung Quốc. Vì vậy, chính quyền có thể sử dụng nguồn tài nguyên này để thành lập một loạt các khu công nghiệp, đặc khu kinh tế… để thu hút đầu tư nước ngoài. Có một thực tế là chính phủ nước này có nguồn đất “miễn phí”; và các doanh nghiệp nước ngoài phải đầu tư tiền, “công thức” kinh doanh, tài sản “sở hữu trí tuệ” vào đây để có thể tồn tại và thiết lập dự án kinh doanh ở Trung Quốc.

Nền kinh tế Trung Quốc được xếp hạng hấp dẫn ở vị trí thứ hai thế giới đối với các công ty đa quốc gia trong giai đoạn 2017-2019, chỉ sau Mỹ. Với mức tăng trưởng ổn định trong vài năm, dòng vốn FDI tiếp tục tăng trong giai đoạn 2017-2018, từ 136 tỷ lên 139 tỷ USD. Sự tăng trưởng này được các doanh nghiệp nước ngoài ưa chuộng, bởi các kế hoạch tự do hóa nền kinh tế, sự phát triển nhanh chóng của khu vực công nghệ cao và thành lập các khu thương mại tự do của Trung Quốc, theo Santandertrade. Điều này đã trở thành “món hời”, mang lại nguồn tiền dồi dào cho chính quyền Trung Quốc.

Lạm dụng nguồn tài nguyên dồi dào và hy sinh môi trường sống của người dân
Trước hết, đất nước này đang bị mất đi một số lượng tài nguyên lớn “không thể tái tạo” mỗi năm do việc khai thác bừa bãi để sản xuất và xuất khẩu. Điều rõ ràng tại quốc gia này là hầu hết “mọi tài sản thuộc về chính phủ”, từ đất, nước, rừng cây, cho đến các loại khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên khác. Việc xuất khẩu một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên với giá thấp mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho chính quyền nước này. Theo ông Mani, cựu Phó chủ tịch tại Reliance Industries Limited: “Mặc dù đây không phải là một chiến lược “khôn ngoan” dài hạn, cũng như sẽ mang lại những tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, việc này lại có thể mang đến cho Trung Quốc nguồn thu nhập lớn trong vài thập kỷ qua”.

Không có gì lạ khi khoảng 90% nguồn cung các loại kim loại, đất hiếm (như kẽm, lithium và các nguyên liệu khác dành cho ngành điện tử) của thế giới đến từ Trung Quốc. Theo Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, đất hiếm thực sự được tìm thấy tương đối nhiều trong lớp vỏ Trái đất, tuy nhiên, chúng được coi là “hiếm” khi có rất ít nơi trên thế giới khai thác hoặc sản xuất, vì điều này có khả năng gây hại cho môi trường. Dù vậy, theo nhóm kiểm tra thực tế và giám sát của tờ BBC, khoáng sản đất hiếm là “át chủ bài” của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, do đó, chính quyền này sẵn sàng sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này với giá thành sản xuất thấp nhất thế giới, mà không quan tâm tới vấn đề ô nhiễm môi trường. Dần dần, Trung Quốc trở thành quốc gia xuất khẩu hơn 95% đất hiếm trên toàn cầu. Họ sử dụng “sức mạnh” này để đe dọa Mỹ trong thương chiến, đẩy giá thị trường, bất chấp việc kiếm tiền như vậy có thể đe dọa đến mạng sống của người lao động, người dân Trung Quốc

Xây dựng nền kinh tế bất chấp việc hủy hoại môi trường sinh thái
Theo investopedia, giống như hầu hết các quốc gia muốn phát triển nền kinh tế, bước đầu tiên của Trung Quốc là xây dựng ngành công nghiệp nặng. Ngày nay, Trung Quốc có những công ty hàng đầu thế giới về sản xuất, và họ đã sản xuất gần một nửa lượng thép của thế giới. Mặc dù hệ lụy của việc phát triển này là tình trạng ô nhiễm không khí ở Trung Quốc đã vượt mức báo động, chính quyền này vẫn “sẵn lòng hy sinh” nguy cơ về sức khỏe của người dân để đổi lấy lợi ích về kinh tế.

Chính quyền Trung Quốc cũng “không ngần ngại” khi “ra tay” hủy hoại sự sống của các con sông vùng đông Á. Chẳng hạn, đối với nguồn tài nguyên “nước”, Trung Quốc đã ‘bóp nghẹt’ sông Mê Kông – “huyết mạch” của hàng triệu người dân châu Á, bằng cách thiết lập hàng trăm con đập nhằm thay đổi sông Mê Kông, từ đó khiến hệ sinh thái sông Mê Kông bị phá hủy, hạn hán ngày càng trầm trọng ở khu vực hạ nguồn.

sông Mekong
Hạn hán khiến một số đoạn ở hạ lưu sông Mê Kông trơ cát. (Ảnh: Getty Images)
Fitch Solutions cho biết rằng nguyên nhân chính của việc thay đổi sông Mê Kông là nhằm “mở lối đi” cho việc thông thương hàng hóa lớn. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tại Stimson còn nhấn mạnh rằng, đối với Bắc Kinh, nước được coi là một “mặt hàng có chủ quyền” để sử dụng tiêu hao hơn là nguồn tài nguyên được chia sẻ công bằng cho các bên liên quan ở hạ nguồn. Có thể nói, việc lợi dụng nguồn tài nguyên để kiếm lợi là “thủ đoạn bất chấp” của chính quyền Trung Quốc.

Ngành công nghiệp ‘có một không hai’: mổ cướp tạng sống
Có thể nói, ngành công nghiệp “bán tạng kiếm lời” của các tù nhân lương tâm đã mang đến nguồn tiền khổng lồ cho chính quyền Trung Quốc, khi điều này đã và đang diễn ra trong suốt 20 năm qua tại đại lục, dưới sự bảo trợ của chính quyền nước này. Ngài Geoffrey Nice QC của Vương quốc Anh, quan tòa của “Tòa án độc lập về tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức liên quan đến tù nhân lương tâm ở Trung Quốc”, đã công bố phán quyết cuối cùng về tội ác cướp mổ nội tạng bán kiếm lời của ĐCSTQ vào ngày 1/3. Bản báo cáo cho thấy chính quyền này đã thực hiện từ 60.000 đến 90.000 ca cấy ghép tạng mỗi năm (thay vì 10.000 ca với nội tạng thu hoạch từ tử tù như họ đã tuyên bố), với số tiền thu được từ mỗi ca cấp ghép lên tới hàng chục ngàn đô-la Mỹ.

mổ cướp nội tạng đem lại nguồn thu khổng lồ
Thu hoạch và cấy ghép nội tạng từ những tù nhân lương tâm đem lại một nguồn thu khổng lồ cho ĐCSTQ… (Ảnh: Getty Images).
Theo The Sydney Morning Herald, từ năm 2000 đến 2006, số bệnh viện thực hiện cấy ghép nội tạng đã tăng từ 91 lên 1.000, số lượng của họ tăng lên gấp bội giống như “măng mọc sau cơn mưa”. Theo một bài phát biểu nội bộ của Thứ trưởng Bộ Y tế lúc đó là Huang Jiefu, Trung Quốc đã tiến hành 34.726 ca ghép tạng từ năm 2000 đến 2004, với các ca cấy ghép gan tăng 18 lần và ghép phổi tăng 24,5 lần.

Tòa án về vấn đề Trung Quốc cho biết, nguồn nội tạng cấy ghép chủ yếu là thu hoạch từ nhóm người tu luyện Pháp Luân Công – một môn tu luyện tâm và thân, thực hành các nguyên lý đạo đức theo Chân-Thiện-Nhẫn, vốn được ưa chuộng khắp Trung Quốc và trên thế giới. Ngoài ra, người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên của một số dân tộc thiểu số Kitô giáo cũng chịu chung số phận, theo independent.co.uk.

Một bảng giá toàn diện và “trắng trợn” về cấy ghép nội tạng được đưa ra, với chi phí ghép thận là 65.000 USD, ghép gan là 130.000 USD, ghép tim là từ 130.000 đến 160.000 USD. Tờ independent.co.uk cũng đưa tin rằng Trung Quốc đang kiếm được khoảng 800 triệu bảng mỗi năm từ việc buôn bán nội tạng tà ác này.

Có thể nói, ĐCSTQ đã đưa nền kinh tế của mình vươn lên “đỉnh cao” của thế giới, bất kể phải đánh đổi cả môi trường sống và an toàn sức khỏe của nhân dân, và bất kể có hy sinh bao nhiêu máu và nước mắt của người dân đất nước này.

 

Theo: NTD.com