Lương Vũ Đế là vị hoàng đế khai quốc của triều Lương thời Nam-Bắc triều. Thời kỳ ông trị vì là một trong những giai đoạn ổn định nhất và thịnh vượng nhất Nam triều. Ông còn nổi tiếng là vị vua xuất gia đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa.
Nước Việt ta có vua Trần Nhân Tông, tuy ngồi trên ngai vàng nhưng luôn một lòng hướng Phật. Sau khi nhường ngôi cho con và dẹp loạn quân Nguyên Mông đem lại an bình cho đất nước, ông quyết định rời bỏ cung điện vàng ngọc, xuất gia tu hành trên núi Yên Tử, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, sau là Trúc Lâm Đại sĩ. Về sau, ông đã làm nên huyền thoại Trúc Lâm Yên Tử và trở thành một thiền sư đắc đạo.
Nếu như người Việt có hình ảnh Phật Hoàng Trần Nhân Tông đáng tự hào, thì dân tộc Trung Hoa rộng lớn cũng có một Hoàng Đế Bồ Tát uy đức, tiếng tăm lẫy lừng mà ngàn đời sau vẫn còn ca tụng. Sự vĩ đại ấy không phải ở sức mạnh quân sự hay chiến lược tinh vi mà thể hiện ở một lối sống hướng thiện vượt trên mọi thị phi để tìm đến một đời sống an vui, thoát khỏi mọi khổ đau ràng buộc của kiếp người. Ông chính là Lương Vũ Đế, vị vua hòa thượng đầu tiên của Trung Hoa.
Lương Vũ Đế là một thiên tài
Lương Vũ Đế (464-549), tên thật là Tiêu Diễn, tự là Thúc Đạt, sinh ra tại Nam Lan Lăng, Trung Đô Lý vào thời Nam triều (420-589). Ông là hậu duệ của Tiêu Hà, một Thừa tướng nổi tiếng của nhà Hán. Lương Vũ Đế cai trị đất nước trong 48 năm (502 – 549), hưởng thọ 85 tuổi. Trong số các hoàng đế Trung Hoa kể từ thời Tần Thủy Hoàng (259 – 210 TCN), Lương Vũ Đế là hoàng đế có tuổi thọ cao thứ 2 sau vua Càn Long (1711 – 1799) của triều đại nhà Thanh.
Ông là vị vua hiếm thấy trong lịch sử Trung Hoa với tài văn võ song toàn. Theo Tư Trị Thông Giám, một quyển sách cổ ghi chép lịch sử Trung Quốc, vua Vũ Đế “có một kiến thức uyên bác và thông thạo trong các lĩnh vực văn chương, thuyết âm dương ngũ hành, tiên tri, cưỡi ngựa, bắn cung, âm nhạc, viết chữ thư pháp và cờ vây”. Tài năng thiên bẩm trong lĩnh vực văn chương và quân sự đã khiến ông nổi tiếng từ lúc 7, 8 tuổi .
Lương Vũ Đế còn rất thông minh và ham đọc sách từ nhỏ. Ông đặc biệt có năng khiếu về văn chương. Thời trẻ, ông là một trong “Cánh Lăng bát hữu” gồm các quan lại trẻ có tài văn học. Trong đó, ông là người có tài năng và sự hiểu biết vượt xa hết thảy những người khác.
Vị hoàng đế trị vì lâu nhất trong thời Nam triều
Lương Vũ Đế làm vua trong 48 năm. Ông đã duy trì một triều đại dài nhất trong tất cả hoàng đế thời kỳ Nam – Bắc triều.
Thời gian trị vì ban đầu của Lương Vũ Đế được đánh giá là giai đoạn đỉnh cao của triều nhà Lương. Ông đặc biệt lưu ý đến sự sụp đổ của triều đại nhà Tề nên đã ra sức mẫn cán làm việc, giải quyết các vấn đề triều chính. Bất kể thời gian nào trong năm, ông đều dậy trước 5h sáng để xem lại các bản tấu sớ do quần thần trình lên. Để khuyến khích hạ thần bày tỏ ý kiến và tìm kiếm người tài, ông đặt 2 chiếc hộp trước cổng cung điện. Một hộp gọi là Hộp Phê bình, hộp còn lại là Hộp Kiến nghị.
Nếu có quan viên hay cá nhân nào chưa được tưởng thưởng hoặc đề bạt vì những thành tựu đóng góp của mình, hoặc có nhân tài nào chưa được triều đình trọng dụng, thì người đó có thể đưa ra đề xuất vào Hộp Kiến nghị. Nếu thường dân muốn phê bình hoặc kiến nghị lên triều đình, họ cũng có thể bỏ thư vào Hộp Phê bình.
Lương Vũ Đế rất chú trọng việc chọn lựa và bổ nhiệm quan lại. Ông luôn mong rằng các quan lại địa phương phải trung thực, liêm khiết và công chính. Ông cũng đặt ra một sắc lệnh rằng: Nếu quan tri huyện ở khu vực nhỏ có đóng góp hay thành tích nổi bật sẽ được thăng cấp lên thành tri huyện ở địa khu lớn hơn. Nếu tiếp tục có thành tích xuất sắc thì có thể được thăng cấp lên thành tri phủ. Sau khi trật tự này được thiết lập, hoạt động của bộ máy quan chức và hệ thống bổ nhiệm trong triều Lương đã được cải thiện rất nhiều.
Sẵn sàng từ bỏ ngôi vị, một lòng hướng tâm tu Phật
Thời kỳ Nam – Bắc triều là một giai đoạn rất quan trọng đối với sự phát triển của Phật giáo ở Trung Quốc. Lương Vũ Đế đã có công rất lớn trong việc truyền bá, giúp Phật giáo lan rộng khắp miền Nam Trung Quốc. Trong thời gian làm vua, ông từng 4 lần lên chùa đi tu, ông là vị “vua hòa thượng” đầu tiên của Trung Hoa.
Hồi nhỏ, Lương Vũ Đế tin vào Đạo giáo. Tuy nhiên đến năm thứ 3 sau khi lên ngôi, nhằm ngày Phật Đản mùng 8/4 năm 504, nhà vua dẫn một đoàn hơn 20.000 người gồm cả tăng sĩ và cư sĩ thế tục, đến trước Trùng Vân Điện cử hành đại lễ “Xã Đạo Phụng Phật”. Tại đó, ông tuyên bố mình đã bỏ Đạo theo Phật. Ông hy vọng có thể ứng dụng những nguyên lý trong Phật giáo vào việc cai trị đất nước, đồng thời có thể giúp người dân buông bỏ chấp trước vào danh lợi và hướng đến một đời sống an vui vĩnh hằng, vượt ra khỏi những khổ đau của kiếp người.
Sau khi công khai là một tín đồ Phật giáo, Lương Vũ Đế đã 4 lần lên ở chùa Đông Thái. Năm 527, ông lên chùa sống trong một căn phòng đơn giản với một chiếc giường nhỏ, chén bát, ấm trà bằng đất nung.
Hằng ngày ông đọc kinh Phật, sáng gõ chuông, tối đánh trống, ban ngày nhổ cỏ, quét dọn như các chư tăng khác. Vì nước không thể không có vua, nên các quần thần đã lên chùa xin ông trở lại. Sau nhiều lần như vậy, ông đành phải trở về hoàng cung.
Tháng 12/529, Lương Vũ Đế lại đi kiệu đến chùa Đông Thái, mở lễ hội vô giá, quyết đi tu, không trở về cung, Bá quan phải lấy 100.000 quan tiền, xin nhà chùa cho chuộc Hoàng Đế Bồ Tát. Vua buộc lòng phải về cung. Lúc ấy vua hơn 66 tuổi. Lương Vũ Đế hai lần gởi sách để lại chùa Đồng Thái. Trong các quyển sách đó ông luôn dùng hai chữ Đốn Thủ, thể hiện sự nghiên cứu sâu sắc về Phật giáo.
17 năm sau, vào năm 546, Lương Vũ Đế đã 83 tuổi, ông tiếp tục đi kiệu đến chùa Đông Thái, không muốn trở về. Thái Tử là Tiêu Cương phải dẫn theo quần thần, mang số tiền vàng lớn chuộc vua về. Một năm sau tức vào năm 547, Lương Vũ Đế lại đến chùa Đồng Thái lần thứ 4, mở lễ hội vô giá, cởi bỏ hoàng bào mặc bộ pháp y, ở trong căn phòng giản dị. Vua lại sống trong chùa Đồng Thái 37 ngày. Quần thần lại dùng số tiền lớn hàng tỷ quan chuộc vua về, lúc ấy nhà vua 84 tuổi.
Nhờ sự truyền bá của ông, dưới thời Lương Vũ Đế, Phật giáo đã có sự ảnh hưởng lớn, lan rộng khắp Trung Quốc và đạt đỉnh cao trong thời kỳ Nam – Bắc triều. Thời điểm đó, tất cả mọi người, từ hoàng đế đến thành viên trong hoàng tộc, từ tầng lớp quý tộc đến thường dân đều tín ngưỡng Phật giáo. Phật giáo đã đạt được sự hưng thịnh chưa từng có vào thời điểm ấy và trở thành quốc giáo của Trung Hoa.
Năm xưa, Phật Thích Ca Mâu Ni cũng từ vị Thái tử Tất-Đạt-Đa của vương quốc Ca-Tỳ-La-Vệ quyết tâm rời bỏ nhung lụa nơi hoàng cung, trải qua hành trình đầy khó khăn, gian khổ đi tìm đạo. Cuối cùng đạt được sự giác ngộ, thấy được chân lý vũ trụ và hồng truyền Phật Pháp. Ngày xưa ai ai cũng muốn làm vua để được hưởng cuộc sống giàu sang, vinh hoa phú quý, nhưng vì sao những vị vua này lại sẵn sàng từ bỏ điều đó mà một lòng hướng tâm tu Phật?
Bởi theo Phật gia giảng rằng, đời người bất quá cũng chỉ mấy chục năm, tiền tài là vật ngoại thân, khi sinh không mang theo đến, khi tử không mang theo đi, đến khi hết mệnh lìa đời vẫn phải nhập lục đạo luân hồi mà hoàn trả nợ nghiệp. Chỉ có tìm đạo, tu tâm, nâng cao cảnh giới tinh thần, đạt đến sự giác ngộ mới có thể thấy được chân lý vũ trụ, vĩnh viễn thoát khỏi bể khổ luân hồi mà tiến vào một thế giới thánh khiết và tốt đẹp không gì sánh được khác.