Có một lần, Khổng Tử và các đệ tử của mình rơi vào tình cảnh nghèo đói, đến nỗi bảy ngày rồi vẫn chưa ăn cái gì. May thay, Tử Cống phải rất vất vả mới có thể từ trong đám đông đứng chờ tiếp tế cứu nạn mà đổi lấy được một ít gạo, mang về để Nhan Hồi nấu cháo cho mọi người ăn.
Tử Cống vô tình đi ngang qua nhà bếp nấu cháo, lại nhìn thấy Nhan Hồi đang dùng thìa ăn cháo một mình.
Tử Cống rất thất vọng, chạy đến hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy, một người nhân nghĩa liêm khiết, liệu có vì lâm vào cảnh khốn khổ mà không giữ gìn tiết tháo không?”. Khổng Tử trả lời: “Vậy thì còn nói gì là người nhân nghĩa liêm khiết cơ chứ?”. Tử Cống lại hỏi rằng thế Nhan Hồi có phải là người lúc khó khăn mà vẫn giữ nhân nghĩa, liêm khiết không? Khổng Tử đáp Nhan Hồi chắc chắn sẽ không thay đổi. Lúc này Tử Cống mới kể lại cho Khổng Tử những sự tình mà ông vừa mới nhìn thấy ở căn bếp.
Do đó, để xác thực với mọi người, Khổng Tử đã dẫn các học trò đến gian bếp nấu cháo và nói: “Nhan Hồi, chỗ cháo này thật không dễ dàng gì mới có được, ta muốn mang lên cúng tổ tiên trước, con đi lo liệu đi”.
Nhan Hồi lắc đầu, nói: “Thưa thầy không được ạ, lúc con nấu nồi cháo này, trên trần nhà có một mảnh vữa rơi xuống nồi cháo, thật đáng tiếc, nhưng mà, con đã đem chỗ cháo bị bẩn ở trên ăn rồi. Mặc dù là vậy, cháo này vẫn không thể đem cúng tổ tiên được”. Khổng Tử trả lời: “Nếu ta là con, ta cũng sẽ làm vậy”.
Trong câu chuyện này, Tử Cống chính là bị giả tướng làm mê hoặc và hiểu lầm Nhan Hồi. Từ điều đó chúng ta có thể thấy, khi gặp bất kể sự việc gì, không thể kết luận bừa bãi mà phải quan sát nhiều hơn, suy ngẫm nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn, vậy mới là sáng suốt, mới có thể tiếp cận gần hơn tới chân tướng.
Dịch từ: http://www.xinsheng.net/xs/articles/gb/2019/8/19/55477.html
Đăng ngày: 19/8/2019