Tràng hạt của Đức Phật được cất giữ trong ngôi chùa trên một hòn đảo ở giữa hồ nước mênh mông. Trụ trì chọn ra 7 đệ tử có tâm tính tốt để cùng ông trông coi báu vật. Tuy nhiên, một ngày nọ tràng hạt bỗng dưng biến mất …

42772-trang-hat-cua-duc-phat

Một ngôi chùa dựng nên giữa hồ để cất giữ tràng hạt của Đức Phật. (Ảnh minh họa từ Internet)

Có một ngôi chùa rất nổi tiếng, vì trong đó lưu giữ một tràng hạt bằng ngọc mà trước đây Phật Tổ đã từng đeo.

Trong chùa chỉ có lão trụ trì và 7 đệ tử biết nơi cung dưỡng tràng hạt này. 7 vị đệ tử này có ngộ tính rất tốt nên lão trụ trì cảm thấy rất yên tâm nếu sau này truyền y bát cho bất kỳ ai trong số họ.

Họ cùng nhau tu dưỡng và sống trong thiền viện nhỏ cạnh chùa. 7 vị đệ tử ai nấy cũng mong sớm hoàn thành tâm nguyện tu luyện của mình trong môi trường thanh tịnh này. Họ một lòng hướng Phật, tu tâm dưỡng tính. Tuy nhiên một ngày nọ, trụ trì đột nhiên bảo với họ rằng tràng hạt của Đức Phật đã bị đánh cắp.

Tất cả đều bàng hoàng, bởi họ đã thay phiên nhau canh giữ cánh cửa duy nhất có thể vào chùa suốt ngày đêm, ngăn không cho bất kỳ ai xâm nhập. Vậy làm sao tràng hạt có thể mất được?

Do đó, sư trụ trì gọi 7 người đệ tử đến nói: “Các ngươi ai đã cầm tràng hạt, chỉ cần trả lại chỗ cũ, ta sẽ không truy cứu, Phật Tổ hiển linh ắt cũng sẽ không trách tội”.

Ông cho họ 7 ngày để suy nghĩ.

7 đồ đệ vốn đã có mối quan hề rất khăng khít với nhau, nhưng sau khi nhận tin tức chẳng lành, bầu không khí dần trở nên căng thẳng.

7 ngày trôi qua, vẫn không tìm thấy tràng hạt, lão trụ trì lại kêu các đệ tử đến và nói: “Chỉ cần ai thừa nhận riêng với ta thì tràng hạt sẽ thuộc về người đó”.

2 tuần nữa lại trôi qua, vẫn không ai lên tiếng…

Lão trụ trì rất thất vọng nói: “Ngày mai các ngươi hãy xuống núi. Người đang giữ tràng hạt nếu muốn ở lại thì hãy ở lại”.

Để chứng minh mình thật sự vô tội, các nhà sư lập tức thu xếp đồ đạc và lên thuyền rời khỏi ngôi chùa ngay sáng hôm sau. Tất cả đều ra đi ngoại trừ một vị đệ tử mù đang tụng kinh trước Phật tượng.

Các nhà sư khác nhìn thấy điều này, lòng bỗng nhẹ nhõm, bởi cuối cùng đã có người thừa nhận việc đánh cắp tràng hạt của Đức Phật.

Sau khi từ biệt các đồ đệ, trụ trì quay sang vị đệ tử mù và hỏi: “Tại sao con không rời khỏi đây? Có phải con đã đánh cắp tràng hạt? Con đã để tràng hạt ở đâu?“.

Vị sư mù trả lời: “Không, con không lấy cắp”.

Lão trụ trì: “Vậy vì sao con ở lại để phải chịu tiếng xấu?”.

Nhà sư mù trả lời: “Trong 7 ngày qua, mọi người nghi kỵ lẫn nhau khiến không khí rất đỗi nặng nề. Vậy nên nếu có người đứng ra nhận thì những người khác sẽ được giải thoát. Tràng hạt mất rồi, nhưng Phật vẫn còn“.

Sau khi nghe điều này, trụ trì đã lấy tràng hạt huyền thoại từ chiếc áo choàng của mình ra và đeo nó lên cổ vị đệ tử mù, ông nói: “Tràng hạt của Đức Phật vẫn còn ở đây, và con là người duy nhất học được cách chịu trách nhiệm”.

Cảm ngộ

Không phải tất cả mọi chuyện đều cần phải rõ ràng, mà quan trọng hơn rõ ràng lại chính là: Có thể gánh vác, có thể thực hiện, có thể hóa giải, có thể xoay chuyển, có thể cải biến, có thể nghĩ cho mình, càng có thể nghĩ cho người khác; đây chính là đạo lý.

Không nên để ý người khác ở sau lưng nhìn nhận bạn như thế nào, bởi vì những điều ấy không cải biến được sự thật nhưng lại có thể khiến tâm bạn đảo loạn.

Tâm nếu rối loạn thì hết thảy đều rối loạn. Người thấu hiểu bạn ắt sẽ không cần giải thích, người đã không thông hiểu cho bạn thì giải thích cũng vô dụng.

Đây không chỉ là một loại cảnh giới, mà còn là trí huệ.

Lê Hiếu, theo Cmoney