Phó Chiêu, người Linh Châu (nay là huyện Linh Vũ tỉnh Ninh Hạ), là một vị quan thanh liêm xuyên suốt ba triều Tống, Tề, Lương. Ông là người coi trọng tu dưỡng bản thân và thương yêu dân chúng.

120502042459100551

Phó Chiêu mồ côi cha từ thưở nhỏ, cuộc sống rất khó khăn. Năm mười một tuổi, ông đã từng đi bán lịch để mưu sinh, thứ sử Ung Châu Viên Ỷ đi qua nhìn thấy rất kinh ngạc. Sau đó Viên Ỷ đích thân đến nơi ở của Phó Chiêu để thăm ông, Phó Chiêu vẫn ngồi yên đọc sách, thần sắc không thay đổi, Viên Ỷ liền khen ngợi: “Đứa trẻ này thần thái không hề tầm thường, tương lai nhất định sẽ trở thành quan lớn.”

Phó Chiêu học sâu hiểu rộng, tiếng lành đồn xa, tài tử Ngu Thông khi đó đã làm thơ khen ngợi rằng: “Anh diệu thiện sơn đông, tài tử khuynh Lạc Dương. Thanh trần thùy năng tự, cập nhĩ cấu di phương.” Khen ngợi học thức của ông có thể kế thừa được truyền thống của cổ nhân. Vị quan ở Đơn Dương Viên Xán khâm phục cách ứng xử và học thức của Phó Chiêu, mời ông làm Chủ bộ ở quận, và cho các con bái ông làm thầy. Mỗi lần Viên Xán đi qua cửa nhà Phó Chiêu đều khen rằng: “Đi qua trước cửa nhà thấy yên tĩnh như bên trong không có người, vén màn nhìn vào thì thấy ông ấy ngồi trong phòng. Đây quả là bậc hiền tài!”

Đầu năm Vĩnh Minh, triều đình cử ông làm phò tá cho Nam Quận Vương. Sau khi Nam Quận Vương thừa kế ngôi vị, các chư hầu trước kia thường tranh quyền đoạt lợi để thăng quan tiến chức, nhưng Phó Chiêu luôn giữ mình trong sạch, không theo đuổi quyền lực, trước sau giữ trọn chính đạo, cuối cùng không gặp phải tai họa.

Triều đình cử Phó Chiêu làm Trung thư, nắm quyền viết chiếu thư, “thời cư thử chức giả, gia quyền khuynh thiên hạ”, thời đó các quan địa phương thường biếu lễ vật cho trung thư, một năm phải đến hàng trăm vạn. Người tiền nhiệm đã từng nói với người khác rằng: “Chẳng cần cầu mong làm quan địa phương làm gì, chỉ một chức này thôi một năm cũng kiếm được hàng trăm vạn.” Lã Văn Hiển cũng làm cùng chức vụ với Phó Chiêu cũng kiếm được vô số tiền tài, xây nhà cao cửa rộng. Còn Phó Chiêu thì sống liêm khiết thanh tịnh, chưa từng lạm dụng chức quyền để vơ vét của cải, không lừa dối mình, không phạm pháp, đồ dùng trong nhà và y phục đều rất giản dị, ngay cả đế nến cũng không có, thường phải cắm nến trên giường, hàng ngày ăn cơm rau mà trong lòng thanh thản.

Năm Thiên Lam thứ mười một, Phó Chiêu làm Tín Vũ tướng quân, nội sử An Thành. Quận An Thành từ thời nhà Tống vì có nhiều binh loạn, nên từ đêm khuya cho đến sáng, trong phủ quan thường có tiếng gầm rất đáng sợ, mọi người thường gặp phải quỷ thần, những vị quan ở đây ít ai có được cái kết tốt đẹp, mọi người đều rất sợ hãi, phủ quan bị coi là nơi bị ma ám. Sau khi Phó Chiêu đến cai quản, một người trong quận đêm nằm mơ thấy binh mã mặc áo giáp đến, trong đó có người nói: “Phó Công là người thiện cần phải tránh, không được xâm phạm.” Đám quân sỹ đồng loạt biến mất. Người nằm mộng bỗng giật mình tỉnh giấc. Một lúc sau, mưa to gió lớn nổi lên, toàn bộ mấy căn phòng đổ sập, đó chính là nơi mà người đó nằm mơ thấy quân binh dẫm lên, từ đó trong quận trở nên bình yên, không xảy ra tai họa nữa. Trong thành vốn có mãnh thú thường xuyên đến quấy phá, từ khi Phó Chiêu đến, làm nhiều việc thiện, chú trọng giáo hóa, an định lòng dân nên mãnh thú cũng không đến quấy phá nữa. Mọi người đều cho rằng đây là nhờ Phó Chiêu trung trinh, chính trực, thiện hóa lòng người, khiến cho quỷ thần phải tránh, mãnh thú phải chạy xa, tai họa biến mất.

Năm Thiên Lam thứ mười bốn, Phó Chiêu nhậm chức tướng quân Tri Vũ, thái thú Lâm Hải. Trước đây ở Lâm Hải có vùng đất có mật ong, các thái thú tiền nhiệm đều đóng cửa khu vực này, không cho người dân thu hoạch mật để tư lợi riêng. Phó Chiêu cho rằng ngày xưa Chu Văn Vương giao hoa viên cho người dân, không kiếm lợi, từ việc to mà suy ra việc nhỏ, thế là liền hạ lệnh không đóng cửa khu mật ong, để mọi người cùng được hưởng lợi.

Phó Chiêu rất am hiểu quân sự, người thời đó gọi ông là “Học phủ”. Ông đã viết những cuốn sách như “Xử thế huyền kính” để khuyên răn con người hướng thiện, hoằng dương những quan niệm đạo đức dạy người ta hành thiện tích đức, truy cầu hoàn thiện đạo đức trong văn hóa truyền thống. Một số cuốn sách tiêu biểu của ông như: “Tuế hàn nãi kiến tùng bách bản sắc”, viết về người quân tử cần giống như cây tùng, cây bách mạnh mẽ và kiên trì ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn. “Bất căng tế hành, chung hủy đại đức“, dạy con người ta trong cách ứng xử cần duy trì sự thanh tỉnh, không được vì việc nhỏ chuyện nhỏ mà không cẩn thận, dẫn đến hủy hoại cả đức hạnh lớn. “Khiêm khiêm quân tử, ty dĩ tự mục; phạt căng hảo chuyên, cử sự chi họa dã”, viết về người quân tử có đạo đức có tu dưỡng luôn giữ thái độ cung kính lễ phép, giữ quy tắc; còn kẻ khoe khoang kiêu ngạo sẽ luôn tự chuốc lấy tai họa. “Trung tín cẩn thận, thử đức nghĩa chi cơ dã; hư vô ngụy quyệt, thử loạn đạo chi căn dã” chỉ ra sự trung tín cẩn trọng, đây đều là nền tảng của nhân ái đạo đức; còn sự dối trá lừa gạt là ngọn nguồn của mối họa. “Cải qua nghi dũng, thiên thiện nghi tốc. Mê đồ tri phản, đắc đạo vị viễn”, nói lên rằng cần có dũng khí sửa đổi lỗi lầm của bản thân, tu thiện càng sớm càng tốt. Lạc đường mà biết quay trở lại thì con đường đến với đạo cũng không xa nữa.

Phó Chiêu suốt đời thành thật, thật lòng yêu dân, làm quan không mưu lợi, không làm chuyện mờ ám, không chạy theo quyền quý, cũng không ai dám nhờ vả ông, chú trọng tu thân dưỡng đạo, cả ngày ngồi thẳng, coi việc đọc sách và viết văn làm thú vui, ngay cả lúc già cũng không tỏ ra già yếu. Sách sử có viết: “Kỳ cư thân hành dã, bất phụ ám thất, loại giai như thử. Kinh sư hậu tiến, sùng kỳ học, trọng kỳ đạo, nhân nhân tự dĩ vi bất đãi.” Ý nghĩa là: Cuộc đời ông vô cùng quang minh lỗi lạc, những hậu bối ở kinh thành đều ngưỡng mộ học vấn và đạo nghĩa của ông, không ai có thể sánh được. Con trai trưởng của Phó Chiêu là Phó Tư, giữ chức Thượng thư lang; con trai thứ hai là Phó Quăng, con trai thứ ba là Phó Tổ, giữ chức thái thú cai quản quận Viên Châu; con trai Phó Tư là Phó Chuẩn giữ chức thượng thư. Con cháu đời sau của Phó Chiêu đều được hiển đạt và có thanh tiết.

(Trích Lương thư, Phó Chiêu truyền)
Theo Minhhue