108 anh hùng hảo hán Lương Sơn từ bốn phương tụ nghĩa, nguyện kết huynh đệ cùng tử sinh, chí làm trai tung hoành thiên hạ. Tuy nhiên, “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”, vận mệnh mỗi anh hùng đều đã định trước từ tên và hiệu của họ.
1. Tống Giang
Tống Giang có các tên hiệu là Hô Bảo Nghĩa, Cập Thời Vũ, Tống Công Minh, ứng với sao chiếu mệnh Thiên Khôi Tinh. Sao Thiên Khôi là sao về nghiệp văn chương, nên định sẵn Tống Giang là người thông kinh sử, giỏi văn chương, giỏi quyền biến.
Ông là bậc trung thần hiếu tử, gặp thời thế có thể giúp vua trị nước, vỗ yên bách tính. Nhưng gặp thời tao loạn, ông luôn biết giữ mình, không hiển lộ chí hướng. Nhưng trong một lần say rượu, ông đã để lộ hết tâm can trong bài thơ “Tạo phản” của mình:
“Từ nhỏ đã thông kinh sử,
Lớn lên lại thạo quyền mưu,
Khác nào mãnh hổ ngủ đồi hoang,
Kín nanh giấu vuốt mà nhẫn nhịn.
Chẳng may thích chữ hai má.
Hàm oan đi đày Giang Châu,
Một mai may báo được oan cừu,
Máu nhuộm Tầm Dương giang khẩu.
Tâm ở Giang Đông thân ở Ngô,
Giang hồ phiêu bạt chí tang bồng,
Ngày sau như thỏa bình sinh chí,
Dám cười Hoàng Sào chẳng trượng phu”.
Tên hiệu Hô Bảo Nghĩa có nghĩa là kêu gọi bảo vệ nghĩa khí, thật ứng với thủ lĩnh Lương Sơn thay Trời hành Đạo. Tên hiệu Cập Thời Vũ có nghĩa là mưa đúng lúc, đúng như bản chất ông giao thiệp rộng, kết nghĩa với nhiều anh hùng hảo hán, thường xuyên giúp người lúc khó khăn, như cơn mưa kịp thời đúng lúc vậy.
Chính vì nghĩa hiệp, chẳng màng an nguy cá nhân, và giúp người đúng lúc nên Tống Giang báo tin giúp các hảo hán Tiều Cái, Ngô Dụng, Công Tôn Thắng… trốn thoát lên Lương Sơn. Chính tính cách này đã tạo được uy tín rất cao của ông trong giới sỹ phu cũng như giang hồ. Còn tên hiệu Công Minh có nghĩa là công bằng, công tâm và anh minh, sáng suốt. Do đó, tài cao chí lớn mà vẫn ẩn giấu chờ thời, thao quang dưỡng hối, nhẫn nhục chịu đựng oan khuất bất công, giống như mãnh hổ đang giấu nanh che vuốt.
Cái tên Tống Giang cũng nói cho chúng ta biết nhiều điều về vận mệnh của ông. Chữ “Tống” (宋) nếu thêm hai chữ “Hỏa” sẽ thành chữ “Vinh” (榮), cho thấy Tống Giang vinh hoa phú quý có được từ trong khói lửa. Vinh hoa và uy tín của Tống Giang tăng lên sau mỗi trận chiến Chúc Gia Trang, Cao Đường Châu, Thanh Châu, bắt Cao Cầu, rồi các cuộc chinh phạt đánh nước Liêu, chiếm Đàn Châu, Kế Châu, Bá Châu, U Châu, và hai chiến dịch gặp cường địch là Điền Hổ và Phương Lạp. Nhưng khi không còn chiến hỏa nữa, vinh hoa và cuộc đời ông đã kết thúc ở đây, ông bị gian thần hãm hại, vua ban cho thuốc độc mà chết.
Tên gọi “Giang” (江), nghĩa là sông, cũng nói nhiều điều về vận mệnh của ông. Là chức quan nhỏ, rồi thành tội phạm đi đày, cuộc đời ông bắt đầu thay đổi từ bài thơ phản nghịch viết bên sông Tầm Dương kia. Và khi lên vùng sông nước Lương Sơn Thủy Bạc, chí anh hùng thỏa sức vẫy vùng, quyền mưu, cơ trí bỗng có nơi dụng võ, giương cao ngọn cờ “Anh hùng tụ nghĩa”, “Thế Thiên hành Đạo”, làm triều đình run sợ.
Cứ đà chiến thắng như chẻ tre này thì triều đình nhà Tống sẽ về tay các anh hùng hảo hán, như thơ Tống Giang viết: “Dám cười Hoàng Sào chẳng trượng phu”. Nhưng Tống Giang lại không thực hiện chí lớn “Thay Trời hành Đạo” lật đổ triều đình thối nát, nơi loạn thần, nịnh thần hoành hành, mà lại muốn về quy thuận triều đình, muốn được mở mày mở mặt với tông thất họ hàng vì vẫn sợ chữ “tạo phản” như người đời vẫn nói: “Ngàn năm ai có khen đâu Hoàng Sào”.
Chữ “Giang” (江) gồm 3 chấm Thủy là nước và chữ “Công” (工), nghĩa cổ là Quan. Ông muốn quy thuận triều đình về làm quan, muốn xuất đầu nở mày nở mặt. Chữ Công mà xuất đầu (thò đầu) thì thành chữ “Thổ” (土), mà Thổ khắc Thủy, nên mệnh ông bị phá từ đó, dẫn đến kết cục phải uống thuốc độc tự tử.
Ngô Dụng, tự Học Cứu, hiệu là Trí Đa Tinh, ứng với sao chiếu mệnh Thiên Cơ Tinh, đứng thứ 3 sau Tống Giang và Lư Tuấn Nghĩa. Thiên Cơ Tinh là ngôi sao mưu thần, định sẵn ông sẽ là mưu sỹ, là quân sư cho thủ lĩnh Tống Giang. Tên tự Học Cứu có nghĩa là ông giỏi nghiệp học, có đào sâu nghiên cứu, kiến thức uyên bác, nhưng không chỉ là hàn lâm lý thuyết mà ông giỏi áp dụng sở học vào thực tế. Cái tên Dụng đã nói rõ “Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng” (Trời sinh ra tài năng của ta ắt sẽ sử dụng).
Tên hiệu Trí Đa Tinh nghĩa là ngôi sao túc trí đa mưu, có khả năng ”trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, có tài quân sự, phán đoán, bày binh bố trận khiến đời người sau này vẫn phải thán phục. Tên hiệu này cũng đã nói rõ số phận ông là vị quân sư không thể thiếu của các anh hùng Lương Sơn.
Trong các chiến thắng liên tiếp của Tống Giang đều có bóng dáng của quân sư Ngô Dụng. Ông còn giúp Tống Giang thu phục được nhiều tướng giỏi vốn là tướng giỏi của triều đình, mà nếu không có mưu kế ấy thì có lẽ họ sẽ phá tan Lương Sơn như Hô Duyên Chước, Trương Thanh…
Tên họ “Ngô” (吳) cũng nói nhiều điều về vận mệnh của ông. Cũng như Tống Giang, thời khắc then chốt thì lại tính toán sai, đúng là cờ nhầm một nước mà thua cả ván. Ông vẫn mong muốn được xuất đầu nở mày nở mặt, muốn thành một quan văn trong triều. Thử hỏi cái triều đình thối nát, loạn thần nịnh thần lộng hành, thao túng bức hại biết bao anh hùng, bao danh tướng phải “buộc lòng lên Lương Sơn” như thế, thì cái chức quan văn trong triều có khác chi người phụ nữ làm cảnh?
Chữ “Nữ” (女) bên cạnh chữ Ngô thành chữ “Ngu” (娛) tức là vui vẻ, mua vui. Quả là vậy, khi về quy hàng triều đình, ông được ban chức quan Thừa Tuyên Sứ quận Vũ Thắng, đây là chức quan hữu danh vô thực, không có quân, không có chức phận, chỉ ngồi chơi xơi nước, có đúng là làm cảnh mua vui không?
Có lẽ cám cảnh cái thân vào luồn ra cúi, làm vật trang trí mua vui cho triều đình mà khi nghe tin Tống Giang và Lý Quỳ đã chết, Ngô Dụng đem xác hai người an táng tại đầm Lục Nhi ngoài thành Sở Châu. Nơi đây có ao đầm ngòi rạch mênh mông, tùng bách rậm rạp xanh tươi, địa thế rồng cuộn hổ ngồi, núi non nhấp nhô uốn lượn, sườn núi đá xếp như bậc thềm, một nơi trông rất giống Lương Sơn Bạc. Rồi ông cùng Hoa Vinh treo cổ tự vẫn tại đây.
3. Lâm Xung
Lâm Xung hiệu Báo Tử Đầu, ứng với sao chiếu mệnh Thiên Hùng Tinh. Ông ngồi ghế thứ 6 trong hàng ngũ các tướng Lương Sơn. Tên hiệu Báo Tử Đầu nghĩa là đầu báo, đúng như tướng mạo oai phong của giáo đầu 80 vạn cấm quân: “Đầu báo, mắt tròn, râu hùm, hàm én, thân cao tám thước (khoảng 1,9 – 2 mét), trạc 34, 35 tuổi”.
Báo Tử Đầu Lâm Xung thành thạo rất nhiều loại binh khí nhưng tài nghệ tuyệt luân nhất của ông là kỹ thuật đánh Bát Xà Mâu. Thương pháp của Lâm Xung cũng thuộc loại xuất quỷ nhập thần, ông từng chiếm ưu thế khi so tài với Đại đao Quan Thắng (hậu duệ của Quan Vân Trường). Lâm Xung cũng từng đánh ngang với với Lỗ Trí Thâm khi ông chỉ có hai tay không và chân mang xiềng xích, trong khi Trí Thâm mang vũ khí sở trường.
Sao Thiên Hùng Tinh đã mang ý nghĩa của một anh hùng thiên tướng. Ông được mọi người ca ngợi bởi tài năng đức độ và thừa nhận là người có võ công cao nhất trong Thủy Hử truyện.
Tên ông Lâm Xung đã nói lên sự khiêm nhường. “Xung” có nghĩa là “khiêm xung”, nhún nhường, lặng lẽ. Có lẽ vì thế mà tài năng võ công bậc nhất Lương Sơn, nhưng ông chưa bao giờ chủ động ra tay trước, chỉ xuất chiêu sau khi đối thủ đã tấn công trước. Ông là một Nho tướng, trung hậu, trượng nghĩa, khiêm nhu, nhẫn nhịn, có tài năng và ôm chí lớn kinh bang tế thế, đúng như ông tự viết về mình qua mấy câu thơ:
“Trượng nghĩa ấy Lâm Xung
Chất phác tận hiếu trung
Giang hồ danh dự nổi
Non nước rạng anh hùng”.
Cuộc đời Lâm Xung trước khi lên Lương Sơn rất éo le: Bị bạn thân (Lục Khiêm) phản bội và bị bọn gian thần hãm hại đến thân bại danh liệt mất hết nhà cửa, vợ bị giết. Lâm Xung vốn có thù sâu với Cao Cầu, nhưng lần nào cũng không giết được Cao Cầu. Triều đình liên tục phát binh chinh phạt, Lâm Xung lập nhiều chiến công. Một lần nghĩa quân Lương Sơn bắt được Cao Cầu, được tin Lỗ Trí Thâm báo, Lâm Xung rất lấy làm vui mừng mang đao định giết chết hắn nhưng bị Tống Giang cản lại không cho giết, Lâm Xung lấy làm uất hận thổ huyết!
Báo Tử Đầu (Đầu báo) Lâm Xung (Xung còn có nghĩa là xông lên) nên ông luôn là người gánh chịu gian nan, đúng là: “Gian nan là nợ anh hùng phải vay”. Cả đời chỉ vì một chữ Nghĩa, mọi hành động đều suy nghĩ cho người khác, chưa bao giờ nghĩ về mình, luôn hết lòng vì huynh đệ. Vậy mà lần duy nhất muốn giết Cao Cầu trả thù cho huynh đệ, trả thù nhà, thì lại bị chính người ông kính trọng Tống Giang ngăn cản. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của ông.
Khi quy hàng triều đình cũng chính là cắt nanh vuốt của Báo Tử Đầu vậy. Và khi đánh thắng Phương Lạp, bằng hữu tri kỷ của ông Lỗ Trí Thâm nghe tiếng sóng tín triều sông Tiền Đường ngộ Đạo, viên tịch, thì ông không còn lý do sống tiếp nữa. Lâm nghĩa là khu rừng, khi con báo xông ra khỏi rừng rồi thì không còn là chúa tể rừng xanh nữa: “Hổ lạc Bình Dương bị khuyển khi” (Hổ xuống đồng bằng bị chó khinh).
4. Lỗ Trí Thâm
Lỗ Trí Thâm tên thật là Lỗ Đạt, biệt hiệu là Hoa Hòa Thượng, ứng với sao chiếu mệnh Thiên Cô Tinh. Sao Thiên Cô nghĩa là ngôi sao cô độc trên trời, nói rõ ông là hiệp khách độc hành, như ra tay dạy Trịnh Đồ, lỡ tay hơi mạnh khiến hắn mất mạng, nhổ cây dương liễu thu phục nhóm lưu manh, đi theo ngầm bảo vệ Lâm Xung trên đường đi đày, bắt sống Hạ Hầu Thành, bắt sống Phương Lạp…
Cái tên Lỗ Đạt nói rõ ông là người thoáng đạt, không câu nệ tiểu tiết, xuất gia mà vẫn uống rượu, ăn thịt, không ngồi thiền, nhưng ông luôn giữ được cái tâm ngay thẳng, trong sạch, thuần thiện, vì nghĩa. Trong Phật gia luôn có câu rằng “Trực tâm thị Đạo trường” (Trực tâm chính là Đạo trường), hay “Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”, rất đúng với Lỗ Đạt.
Còn cái biệt hiệu Hoa Hòa Thượng nghĩa là vị hòa thượng ăn chơi như công tử, ám chỉ ông vẫn rượu thịt, không giữ giới, gần giống như từ “Sư hổ mang” trong tiếng Việt.
Tên Lỗ Trí Thâm do sư phụ ông Trí Chân trưởng lão đặt cho, nó chứa đựng nhiều bí ẩn đến lai lịch nguồn gốc thâm sâu của ông. Trí Thâm nghĩa là ‘Trí huệ sâu xa’. Vị sư phụ cao tăng này đã nhìn ra chân diện mục ẩn chứa trong cái xác phàm của kẻ vũ dũng thô kệch kia là một bậc Giác giả, có sứ mệnh xuống trần diễn chữ Nghĩa, và cảnh tỉnh con người đi sai đường tu luyện, không nhắm vào cái tâm mà tu, trái lại lại đi theo hình thức như tập trung vào ngồi thiền, không ăn thịt…
Lỗ Trí Thâm đến Đại Tướng Quốc Tự, Trí Chân trưởng giả đã tiên đoán rằng: “Ngộ lâm nhi khởi, ngộ sơn nhi phú, ngộ thủy nhi hưng, ngộ giang nhi chỉ”. Lâm tức chỉ Lâm Xung. Sơn là nói đến Nhị Long sơn, nơi Lỗ Trí Thâm làm đầu lĩnh. Thủy ám chỉ vùng đầm lầy Lương Sơn. Giang ắt nói đến Tống Giang. Vậy câu này có nghĩa là gặp Lâm Xung thì bắt đầu, đến Nhị Long sơn thì giàu có. Bước vào vùng Lương Sơn thì hưng thịnh, đến khi gặp Tống Giang là kết thúc.
Lần thứ hai khi gặp lại sư phụ, Trí Chân trưởng lão lại bật mí cho đệ tử một thiên cơ nữa: “Phùng hạ nhi cầm, ngộ lạp nhi chấp, thính triều nhi viên, kiến tín nhi tịch”.
Thực tế, gặp Hạ thì bắt, ông đã bắt sống tướng Hạ Hầu Thành của Phương Lạp; gặp Lạp thì trói – ông đã bắt trói Phương Lạp; khi nghe tiếng sóng triều cũng là lúc viên tịch. Nghe tiếng sóng “Tín triều” sông Tiền Đường, ông đại ngộ, ngồi đả tọa rồi ra đi, để lại bài kệ rằng:
“Bình sinh chẳng tu thiện quả,
Chỉ thích giết người phóng hỏa.
Chợt tỉnh tháo tung thừng vàng,
Tới đây giật phăng khóa ngọc.
Tiền Đường nghe sóng triều vang dội,
Mới tỉnh ra rằng ta là ta”.
Kính Sơn Đại Huệ thiền sư cuối cùng chỉ vào quan tài của Lỗ Trí Thâm mà rằng: “Lỗ Trí Thâm, Lỗ Trí Thâm! Khởi thán tự rừng xanh. Hai con mắt phóng hỏa, một mảnh tâm sát nhân. Bỗng đi theo thủy triều, quả nhiên tìm không ra. Ồ! Thân được giải thoát khắp trời đều là bạch ngọc, khiến cho mặt đất thành hoàng kim”. Hai câu sau “thân được giải thoát khắp trời đều là bạch ngọc, khiến cho mặt đất thành hoàng kim” là thần tích xuất hiện khi một người đã giác ngộ, là Phật mới có được vinh diệu này. Vì vậy Lỗ Trí Thâm sau khi chết đã được giải thoát, trở thành đấng giác ngộ.
5. Võ Tòng
Võ Tòng, biệt hiệu Hành Giả, ứng với sao chiếu mệnh Thiên Thương Tinh. Sao Thiên Thương Tinh, cho thấy mệnh Võ Tòng gắn liền với đau khổ, tai ương. Quả thật, mồ côi cha mẹ từ bé, được đại sư Thiếu Lâm truyền thụ võ nghệ cao cường.Một lần say rượu đánh bất tỉnh tên quản sự huyện Thanh Hà, tưởng hắn chết nên bỏ trốn, sau đó bị bệnh sốt rét, tay không, say rượu đánh chết mãnh hổ núi Cảnh Dương, đánh chết Tây Môn Khánh, bị đi đày đến nhà giam Mạnh Châu, giết Tưởng Môn Thần, giết Trương Đô Giám và tàn sát nhuốm máu lầu Uyên Ương, trong trận đánh Phương Lạp, ông bị chặt đứt tay.
Cái tên Võ Tòng đã nói lên anh hùng nghĩa hiệp võ công siêu phàm, tay không đấm vỡ đầu hổ trên đồi Cảnh Dương sau khi đã uống hết rượu trong quán. Chữ “Tòng” còn một âm “Tùng”, nghĩa là cây tùng. Tùng là biểu tượng của tinh thần kiên cường bất khuất, chính trực chất phác, không sợ đông hàn, bốn mùa xanh tốt.
Võ Tòng nói với Trương Thanh hãy cứu mạng hai viên công sai áp tải mình, rằng: “Võ Tòng bình sinh chỉ đánh kẻ mạnh trong thiên hạ. Hai vị công sai này đối với đệ rất cẩn thận, dọc đường phục dịch đệ, nếu đệ hại họ, lẽ Trời sẽ không dung tha. Huynh nếu quý mến đệ, thì cứu hai vị này, chớ có hại họ”. Thật đúng là:
“Tùng xanh cốt cách thật thanh tao
Nắng hạ, tuyết đông chẳng quản nào”
Còn cái tên hiệu Hành Giả cũng rất ứng với vận mệnh Võ Tòng. Đời ông là chuỗi dài bất tận của nỗi cô đơn, đối diện với hiểm ác, dấn thân vào tử địa, chỉ biết duy nhất lấy rượu bầu bạn, giải sầu. Nếm trải hết thế sự đổi thay, trải qua hết lòng người gian hiểm, nếm hết những nóng lạnh chốn nhân gian, nhìn thấu cõi hồng trần luẩn quẩn trong tranh tranh đấu đấu, giam hãm trong danh lợi tình.
Thoáng chốc trăm năm đã qua, chẳng có phút giây tĩnh tâm nghĩ suy về kiếp người. Thế nên, sau khi đánh thắng Phương Lạp trở về, Võ Tòng bị thương đứt một tay, ông không theo đại quân chiến thắng trở về nhận vinh hoa phú quý mà xuất gia tại chùa Lục Hòa tại Hàng Châu, tìm thấy bản ngã đích thực, sống an nhiên tự tại với thiên nhiên, với lời kinh tiếng kệ, với tiếng chuông chùa, sống an lạc yên vui đến 80 tuổi mới viên tịch:
“Nghe chuông phiền não tan mây khói
Ý lặng, thân an, miệng mỉm cười
Hơi thở nương chuông về chánh niệm
Vườn tâm hoa tuệ nở xinh tươi”.
Theo ĐKN