Trong Tây Du Ký, Hoàng đế Đường Thái Tông từng xuống âm phủ để chất vấn về cái chết của Long Vương sông Kinh Hà. Sau đó Thái Tông đã phải vay kho vàng của một cặp vợ chồng nghèo mới có thể trở lại dương gian. Vì sao lại như vậy?
Chuyện kể rằng, Long Vương sông Kinh Hà vì muốn phá cửa hàng của vị thầy tướng số tên là Viên Thủ Thành ở Trường An mà đã làm sai chiếu chỉ của Ngọc Đế, phạm vào luật Trời. Ông bèn cầu xin vua Đường giúp đỡ nhưng kết quả vẫn bị chém đầu, còn Đường Thái Tông thì vì không giữ đúng lời hứa nên cũng buộc phải xuống âm phủ. Tại điện Sâm La, sau khi nghe Thái Tông phân trần, lại thấy số mệnh của Long Vương đã định, nên mười vị Diêm Vương đã sai Thôi phán quan và Chu thái úy đưa Thái Tông trở về dương thế.
Tranh vẽ cảnh xử án dưới Địa phủ (ảnh: Internet).
Hồi thứ mười một viết:
Thái Tông trong lòng lo sợ, cúi mặt than thầm, lẳng lặng đi theo Phán quan, Thái úy qua sông Nại Hà quái ác, cõi khổ huyết hồn. Đến trước thành Uổng Tử, lại nghe thấy tiếng người ồn ào huyên náo, gọi rõ ràng: “Lý Thế Dân đến rồi, Lý Thế Dân đến rồi”. Thái Tông nghe gọi ruột gan rụng rời, thấy một lũ ma quỷ cụt chân gãy tay, không đầu không cổ bước ra chặn đường, thét:
– Trả tính mạng ta đây! Trả tính mạng ta đây!
Sợ quá, Thái Tông co rúm người lẩn tránh, chỉ dám gọi:
– Thôi tiên sinh, cứu ta với!
Phán quan nói:
– Tâu bệ hạ, bọn họ là hai khối sáu mươi tư giặc cỏ bảy mươi hai nơi, là hồn ma của các vương tử, đầu mục, bị nghiệp oan chết uổng, lang thang không nơi nương tựa, chẳng được siêu sinh, chẳng có tiền nong tiêu xài, rặt là bọn cô hồn quỷ đói, bệ hạ cho chúng một ít tiền thì tôi mới cứu được.
Thái Tông nói:
– Trẫm tay không tới đây, làm gì có tiền!
Phán quan nói:
– Tâu bệ hạ, trên trần gian có một người gửi một số vàng bạc ở âm phủ. Bệ hạ đứng tên đặt tờ văn tự, tôi có thể đảm bảo, vay ông ấy một kho, cấp phát cho lũ quỷ đói ấy, thì mới đi qua được.
Thái Tông hỏi:
– Người ấy là ai? Phán quan đáp:
– Người ấy ở phủ Khai Phong, tỉnh Hà Nam, họ Tướng tên Lương, có mười ba kho vàng bạc ở đây, bệ hạ vay, về dương gian trả cũng được.
Thái Tông bằng lòng, tình nguyện đứng tên, làm văn tự giao cho Phán quan đi vay một kho vàng, nhờ Thái úy cấp phát cho hết.
Tranh vẽ Hoàng đế Đường Thái Tông (ảnh: Zhuanlan).
Sang hồi thứ mười hai, Thái Tông sai Uất Trì Cung mang một kho vàng đến phủ Khai Phong, Hà Nam, tìm đến nhà Tướng Lương. Trong truyện viết:
Nguyên ông này làm nghề bán hàng nước, cùng vợ là Trương thị bán chậu sành ngoài cửa. Mỗi khi bán được đồng tiền nào, họ chỉ ăn uống qua loa, còn bao nhiêu đem bố thí cho các nhà sư, hoặc mua vàng mã cúng đốt gửi kho âm phủ, vì vậy được dồi dào phúc quả. Ở trần gian họ là một người nghèo tốt bụng, nhưng dưới âm phủ lại là người trưởng giả lắm ngọc nhiều vàng. Thấy Uất Trì Cung mang vàng bạc đến nhà, hai ông bà sợ hãi hồn bay phách tán. Lại thấy cả quan viên bản phủ, ngoài cửa nếp nhà tranh ngựa xe tấp nập, hai ông bà như ngây như dại, nói không thành tiếng, chỉ biết quỳ xuống sụp lạy.
Uất Trì Cung nói:
– Mời ông bà đứng dậy. Tôi tuy là quan khâm sai, nhưng là người mang vàng bạc của nhà vua đến trả nợ ông bà.
Vợ chồng run rẩy đáp:
– Chúng tôi chẳng có một chút vàng bạc nào cho ai vay cả, đâu dám nhận thứ của bất minh ấy!
Uất Trì Cung nói:
– Tôi đã hỏi thăm và được biết ông bà là người nghèo nhưng hay bố thí sư tăng; đủ ăn đủ tiêu, còn thừa thì mua vàng mã đốt đi ký gửi dưới âm phủ, nên dưới âm phủ ông bà mới có nhiều tiền bạc. Hoàng đế Thái Tông chết đi ba ngày, rồi lại hoàn hồn sống lại. Ngài đã vay của ông bà một kho vàng bạc ở dưới ấy, nay trả lại ông bà đủ số. Ông bà mau nhận lấy để chúng tôi trở về.
Hai vợ chồng Tướng Lương chỉ biết ngẩng mặt lên trời vái lạy, không dám nhận, nói:
– Nếu chúng tôi nhận số vàng bạc này, thì sẽ chóng chết. Đúng, chúng tôi có đốt vàng mã gửi kho, song việc ấy mờ mịt lắm. Vả lại đức vua vay vàng bạc ở dưới ấy thì có gì làm bằng chứng đâu? Chúng tôi quyết không dám nhận.
Uất Trì Cung nói:
– Nhà vua nói việc vay tiền của ông bà đã có Thôi phán quan làm chứng. Ông bà nhận đi cho.
Tướng Lương nói:
– Có chết chúng tôi cũng không dám nhận.
Uất Trì Cung thấy Tướng Lương một mực chối từ, đành làm sớ sai người tâu về triều. Thái Tông xem sớ, biết Tướng Lương không nhận vàng, than rằng:
– Thật là một người lương thiện!
Lập tức lệnh cho Hồ Kính Đức mang số vàng ấy dựng một ngôi chùa, một nếp sinh từ, mời sư tăng làm lễ cầu phúc, coi như đã trả nợ cho ông ấy. Chiếu chỉ đến nơi, Kính Đức ngoảnh mặt về phía cửa khuyết tạ ơn, đọc chiếu chỉ cho mọi người cùng biết, rồi đem số bạc ấy mua một khoảnh đất đẹp, rộng năm mươi mẫu, khởi công dựng một ngôi chùa, đặt tên là “chùa Sắc Kiến Tướng Quốc”. Bên trái là sinh từ của vợ chồng Tướng Lương, dựng bia khắc chữ “Uất Trì Cung giám tạo”. Ngày nay tức là chùa Đại Tướng Quốc vậy.
Hai vợ chồng Tướng Lương là người lương thiện, họ sống cuộc sống nghèo khó về vật chất nhưng lại giàu có về tinh thần, thiếu thốn về của cải nhưng lại dồi dào về phúc đức, là kẻ cơ hàn trên dương thế nhưng lại là bậc tài phú dưới âm gian. Điều ấy cho ta thấy việc hành thiện không phân sang hèn hay bần phú, làm được trong khả năng của mình đã là đáng quý rồi.
Uất Trì Cung giải thích rằng: “Hoàng đế Thái Tông đã vay của ông bà một kho vàng bạc ở dưới âm, nên nay xin trả lại”. Nhưng điều bất ngờ là cặp vợ chồng ấy chỉ ngẩng mặt lên trời vái lạy: “Nếu chúng tôi nhận số vàng bạc này, thì sẽ chóng chết. Chúng tôi quyết không dám nhận”.
Nếu là một người bình thường, họ hẳn sẽ vui mừng khi quan triều đình phán rằng số vàng này thuộc về họ, nhưng cặp vợ chồng chỉ trả lời rằng việc đó “mờ mịt lắm”, họ đã xem danh lợi thật nhẹ nhàng. Trong thâm tâm họ chỉ hành sự theo đạo lý, còn tài phú thì nhẹ như gió thoảng mây bay.
***
Trong cuốn “Tư Mã Ôn công gia huấn” thời Bắc Tống có viết: “Tích tiền bạc để lại cho con cháu, con cháu chưa chắc đã biết giữ. Để sách lại cho con cháu, chưa chắc chúng đã đọc. Chi bằng âm thầm lặng lẽ tích âm đức, tính kế lâu dài cho chúng thì hơn”.
Âm đức là gì? Ấy là làm việc tốt mà không cần báo đáp, làm những việc mà ta nên làm dù người khác có dị nghị hay đàm tiếu ra sao. Từ việc lớn như thấy người gặp nguy nan dũng cảm ứng cứu, đến việc nhỏ như tiện tay nhặt rác trên đường giúp người không trượt ngã cũng là âm đức. Âm đức giống như hạt giống, chỉ cần hạt nẩy mầm thì không lo không có cơ hội gặt hái.
Cũng như trong câu chuyện trên, Hoàng đế Thái Tông là người giàu có nhất trong thiên hạ, nắm trong tay cả xã tắc giang sơn, thì cuối cùng vẫn chỉ là kẻ trắng tay bên cầu Nại Hà. Còn cặp vợ chồng nghèo Tướng Lương, cho dù phải chắt chiu từng đồng để sống, thì lại là “bậc trưởng giả lắm ngọc nhiều vàng” dưới âm gian. Chỉ đến khi trăm tuổi lâm chung, người ta mới nhận ra rằng hết thảy danh lợi trong đời đều không thể sánh nổi một chút âm đức tích được khi còn sống. Của cải khi sinh không mang theo đến, khi tử không mang theo đi, chỉ có âm đức mới thực là thứ theo ta không tách rời.