Người ta thường nói: “Chuyện thầm thì ở thế gian, trời nghe tựa sấm; lòng tà ngõ tối, thần thấy rõ ràng.” Tức là mọi lời nói và hành vi của con người, Thần hay Trời đều nắm rõ như lòng bàn tay, không gì là không biết. Nhưng mà con người sao có thể hiểu được Trời muốn nói gì với mình đây? Trời nói với con người bằng cách nào đây?

untitled-1150

Câu hỏi này vào hơn 3.000 năm trước, tức là năm 1044 TCN đã có đáp án rất rõ ràng! Năm đó, Châu Võ Vương phát binh đánh chiếm thành Triều Ca, ép Ân Trụ Vương tự thiêu. Võ Vương chặt đầu Trụ Vương treo trên cờ trắng. Sau đó Võ Vương phóng thích cho người chú của Trụ Vương là Cơ Tử từng bị Trụ Vương nhốt trong ngục. Khi đó, Cơ Tử vì khuyên can Trụ Vương hãy làm một quân vương nhân đức, đừng có vui chơi phóng túng, hoang dâm vô đạo, thậm chí ông còn giả vờ điên dại, tự hành hạ chính mình để cảm hóa Trụ Vương, mong Trụ Vương tỉnh ngộ, chớ làm một bạo chúa hôn quân. Nhưng Trụ Vương không tỉnh ngộ, lại còn nhốt Cơ Tử vào ngục. Võ Vương biết Cơ Tử là người thông hiểu trời đất, liền đến thỉnh giáo Cơ Tử: “Chiểu theo ý Trời thì cuộc sống của người dân sẽ ổn định, nhưng ta không biết những phép tắc luân thường, nên thỉnh tiên sinh chỉ giáo.” (Sử Ký – Tống vi tử thế gia đệ bát)

Cơ tử nói: “Thời trước có ông Cổn muốn ngăn chặn đại hồng thủy, do không hiểu về tính chất của nước, nên đã làm đảo loạn Ngũ hành, vì thế mà Trời phẫn nộ, khi đó chín loại thiên pháp mà ông Cổn sử dụng để trị quốc an dân chỉ như thùng rỗng kêu to, xã hội trở nên bại hoại. Vì thế mà ông ta bị Trời diệt. Vua Vũ kế nghiệp cha, nhờ trị thủy thành công mà hưng khởi, được Trời ban cho chín loại thiên pháp trị quốc an bang. Từ đó, những phép tắc đã ra đời.” Chín phép tắc lớn mà Cơ Tử nói đến: một là ngũ hành; hai là ngũ sự; ba là bát chính; bốn là ngũ kỷ; năm là hoàng cực; sáu là tam đức; bảy là kê nghi; tám là thứ trưng; chín là hướng dụng ngũ phúc, úy dụng lục cực (Sử ký – Tống vi tử thế gia đệ bát). Trong đó, chúng ta cần nói loại thứ tám “thứ trưng”, gồm: mưa, nắng, âm u, lạnh, gió, thời gian.

Cơ Tử nói: “‘Thứ trưng’ chính là các điềm báo thiên tượng mà trời ám thị cho con người, những điềm báo này chính là ngôn ngữ mà Thiên Đế nhắn nhủ với quân vương của chúng ta, tức là thiên tử hay hoàng đế. Những điềm báo này chủ yếu bao gồm năm loại hiện tượng tự nhiên: mưa, nắng, nóng, lạnh, gió. Khi tuân theo những quy luật tuần hoàn của tự nhiên thì nhất định có mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở. Nếu như một trong các hiện tượng đó xảy ra quá nhiều, thì đó chính là một loại hung tượng; nếu như một trong các hiện tượng đó xảy ra quá ít, thì đó cũng là một loại hung tượng.

Khi hoàng đế có thái độ tốt tại nhân gian thì Trời sẽ làm ra thiên tượng để biểu thị sự hài lòng: khi thiên tử có thể khấu bái trời đất một cách cung kính, trang trọng, thì sẽ có mưa thuận gió hòa; khi thiên tử có thể trị vì quốc gia trật tự và an định, vậy sẽ có cảnh sắc tươi đẹp khắp nơi; nếu thiên tử có trí huệ, xử lý công việc một cách công bằng, vậy thì trời nóng sẽ đến đúng lúc; nếu thiên tử biết lắng nghe lời phải, suy tính sâu xa, vậy thì khí lạnh sẽ có thể đến đúng lúc; khi thiên tử có thể lấy đức mà cảm hóa dân chúng, người dân sống thiện lương, khi đó thời tiết cũng trở nên mát mẻ.

Khi thiên tử làm điều không tốt tại nhân gian, trời sẽ làm ra những thiên tượng để biểu thị sự không đồng tình. Nếu như thiên tử ngông cuồng, ngỗ ngược, đảo lộn trắng đen, bức hại người lương thiện, làm bách tính oán hận, thì sẽ xuất hiện mưa lớn và lũ lụt; nếu như thiên tử làm trái với kỷ cương, lệnh ban ra không thuận lòng dân, nhân tâm giả tạo, đen tối, dùng hình phạt bừa bãi, khinh sư diệt tổ, lạm sát vô cớ, thì sẽ có nắng nóng gay gắt, đại hạn triền miên; nếu làm quan mà không chăm lo việc nước, không chính trực với dân mà ăn chơi xa xỉ, thì trời nóng khắc nghiệt kéo dài; nếu trị quốc mà không có chính sách lâu dài, sớm nắng chiều mưa, khiến người dân ai oán kêu than, thì giá rét bao trùm khắp nơi; nếu quân thần không phân rõ chính tà, mê muội dâm loạn, thì sẽ có cuồng phong không ngớt, bão cát xuất hiện liên tiếp.”

Có thể thuật lại ý chỉ của Thần linh một cách cụ thể, rõ ràng, chính xác như vậy, Cơ Tử đúng là quá tài giỏi! Ông quả là nhân vật số một trong lịch sử! Lật lại lịch sử Trung Hoa cổ xưa, những minh quân nào có thể kính trọng trời đất, biết thuận theo mệnh Trời, chắc chắn có thể từ những chân ngôn của Cơ Tử mà thu được nhiều lợi ích. Dân chúng của họ cũng nhờ có vị quân vương nhân đức mà được hưởng cuộc sống mưa thuận gió hòa, sung túc an vui. Nhiều vị minh quân cũng có thể quan sát những thiên tượng lớn dị thường mà tự xét lại bản thân, bù đắp thiếu sót. Năm xưa Châu Thành Vương (1020-996 SCN) đã hãm hại Châu Công (Cơ Đán, em trai Châu Võ Vương, chú của Châu Thành Vương), ép Châu Công phải bỏ đi. Khi đó trời xuất hiện mưa lớn và cuồng phong, hiện tượng vô cùng lạ thường. Châu Thành Vương thấy thiên tượng lạ thường này, biết việc mình hãm hại chú là sai lầm lớn. Biết sai liền sửa, Châu Thành Vương tắm gội, thay y phục nghênh đón Châu Công trở lại triều nhiếp chính. Châu Công giúp đỡ Thành Vương dẫn quân đông chinh, bình định phản loạn, phong chư hầu trên diện rộng, củng cố vững chắc vương triều Tây Chu, Cơ Đán Thành Vương nhờ thuận thiên ý, trọng dụng Chu Công mà được hưởng thành quả, ngày càng phồn thịnh.

Điển hình là thời Khang Hy hoàng đế triều đại nhà Thanh. Có một năm, một trận động đất mạnh xảy ra tại Bắc Kinh, người trong Tử Cấm Thành đều hoang mang lo sợ, Khang Hy nói với văn võ quần thần: “Trẫm thấy mình vô đức, việc nước chưa lo chu toàn, cho nên trận động đất này là lời cảnh tỉnh đối với trẫm, đợi khi mọi người bớt sợ hãi, trẫm sẽ mau chóng tìm nguyên nhân dẫn đến thiên tai này. Là do quan phủ sách nhiễu chiếm đoạt của cải của dân để lấy lòng quan trên chăng? Hay do đại thần kéo bè kết đảng làm mưa làm gió? Hay mỗi lần dẫn quân đều không quản được việc quan binh đốt nhà, cướp của nhà dân? Hay thu thuế không đúng chăng? Do quan viên xử án gây bất mãn và oan sai cho người dân chăng? Hay do vương công đại thần không quản thúc thuộc hạ để chúng làm hại người dân? Chỉ để xảy ra một trong các việc trên, cũng đủ dẫn đến tai họa rồi. Phải chú trọng phép tắc mà vẫn thanh liêm, thi hành phép nước công bằng mà vẫn có đạo lý, trừ bỏ hung tàn, mới không hổ thẹn với Trời. Cho nên, trẫm bảy tỏ lòng mình, để cho các quần thần lớn nhỏ trong ngoài triều cùng nhau cố gắng làm tốt.” (Thanh Sử Cảo – Thánh Tổ bản kỷ nhất) Lời nói này khiến người ta có cảm nhận sâu sắc rằng Khang Hy đại đế từ đáy lòng mình luôn yêu dân kính Trời, ông có thành tâm thành ý tự xem xét và quy chính lại bản thân. Một vị vương giả nhân từ, thương dân như thế, lập nên một triều đại Khang Hy thịnh vượng cũng là điều tất nhiên, cũng không uổng công người đời ca tụng ông là vị hoàng đế nhân đức: “Đạo thịnh đức chí thiện, dân chi bất năng vong” (Người sống có đạo, có đức, có thiện tâm, thì nhân dân sẽ không quên).

Lật lại lịch sử nền văn minh lâu đời của Trung Hoa, chúng ta thấy rằng ở mỗi triều đại, lòng tín Trời kính Thần là quy luật chính bất di bất dịch trong đời sống tinh thần của người dân. Sự phẫn nộ của Trời cao có quan hệ trực tiếp đến những hành vi tà ác và đạo đức bại hoại của con người. Những thiên tượng như động đất, lũ lụt, hạn hán, nạn châu chấu, bão cát, thời tiết nóng như thiêu đốt, thời tiết lạnh bất thường, chính là lời cảnh cáo của Trời đối với con người, mỗi khi gặp phải những thiên tượng tiêu cực và đại tai nạn giáng xuống, hoàng đế đều phải ban bố “Tội kỷ chiếu” (Tự trách tội bản thân) để tạ tội với trời. “Vua Vũ, vua Thang biết trách tội bản thân, vì thế nên triều đại của họ mới thịnh vượng” (Tả Truyện – Trang Công thập nhất niên). Tô Thức trong Khất Hiệu Chính Lục Chí tấu thượng tiến Trát Tử nói rất chí lý rằng: “Trách tội mình để thu phục lòng người, sửa sai để làm đúng với thiên đạo”.

Về mối quan hệ giữa người với Trời, tổ tiên của chúng ta có nhận thức rõ ràng, minh bạch và cung kính hơn so với chúng ta. Cũng chính nhờ nhận thức như vậy, mới tạo dựng nên một dân tộc Trung Hoa hưng thịnh và huy hoàng đời này nối tiếp đời khác đến ngày nay.

Từ xưa đến nay, người thuận ý Trời thì hưng, người trái ý Trời thì vong. Thời nhà Thương, Vũ Ất Đế (1147–1113 TCN) thường ngày khi vui đùa, hay lấy gỗ và bùn đất để nặn ra một số búp bê, đặt tên là “Thiên thần”. Ông sai người nhấc búp bê lên để cùng chơi với ông. Nếu như “Thiên thần” chơi thua, Vũ Ất liền nghĩ cách làm nhục “Thiên thần”. Ông ta lấy một cái túi da bên trong đựng đầy máu tươi, treo trên cao, rồi tự mình nằm trên mặt đất ngửa mặt lên trời, dùng kéo đâm vào cái “túi máu” đó, Vũ Ất gọi là “xạ thiên”. Không lâu sau, khi Vũ Ất Đế đến Hoàng Hà, vùng sông Vị thủy để săn bắn, thì bị sét đánh chết. Một đế vương mà hành vi đạo đức suy đồi như vậy, trời cao nhất định không bỏ qua cho ông ta.

t3_Heaven_Punishes_the_Evil

Người Trung Quốc có câu nói dân gian là: “Người không trị thì Trời trị”, “Thiện ác tất có báo ứng, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.” (Nguồn: FalunArt.org)

Tương tự như vậy, kẻ đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc là Mao Trạch Đông từng ngông cuồng phát ngôn rằng: “Nhân định thắng thiên” (Người phải thắng Trời), “Đấu với Trời là niềm vui vô tận”. Trận đấu đó đã kéo dài suốt 60 năm, đấu đến nỗi vùng đất Trung Hoa đâu đâu cũng hoang tàn đổ nát, đấu đến nỗi làm cho hơn 80 triệu đồng bào mất mạng oan uổng. Hành vi ngang ngược của ác đảng Trung Cộng đã khiến cho Trời giận người oán thán. Mười mấy năm nay, các loại thiên tai ở Trung Quốc liên tiếp xuất hiện để cảnh tỉnh con người: bão, lốc xoáy xảy ra dày đặc; bão cát đầy trời, diện tích ảnh hưởng ngày càng lớn; hạn hán liên tiếp trên diện rộng; lũ lụt và mưa lớn diễn ra khắp nơi không theo mùa; động đất lớn từ Đường Sơn cho tới Tứ Xuyên; châu chấu xuất hiện hàng loạt trên những vùng đất ngấm đầy thuốc trừ sâu; thủy triều đỏ liên tiếp xảy ra ở vùng ven biển; nước xanh bất thường liên tiếp xuất hiện trong các ao hồ… Những hiện tượng thời tiết bình thường nay lại trở thành những hiện tượng “thời tiết cực đoan” hiếm thấy chưa từng xảy ra trong lịch sử. Ví dụ như hiện tượng mưa dầm trước nay luôn xuất hiện theo mùa và có quy luật, nhưng giờ đây không có mưa dầm thì đã là hiện tượng dị thường rồi. Theo kinh nghiệm dân gian thì các hiện tượng “lũ lụt” và “hạn hán” không thể đồng thời xảy ra như trong mấy năm gần đây. Trong lịch sử chưa từng xảy ra những hiện tượng thiên tai dị thường như vậy.

Hiện tượng thời tiết xem ra có vẻ “kỳ dị”, thực ra lại là điều tất nhiên. Những thiên tai này là sự cảnh cáo của Trời đối với con người, cũng là sự trừng phạt đối với con người.

Thiên tai liên tiếp tại Trung Quốc Đại Lục, hơn nữa tần suất ngày một tăng chính là sự khuyên nhủ và cảnh cáo của Trời cao đối với chính quyền bạo ngược Trung Cộng. Hy vọng chính quyển tà đảng độc tài, chuyên chế tàn bạo hãy buông lưỡi dao đồ tể mà quay về với nhân nghĩa. Nhưng sự nhẫn nại của Trời cao là có hạn, không thể cứ đợi mãi được. Người Trung Quốc có câu nói dân gian là: “Người không trị thì Trời trị”, “Thiện ác tất có báo ứng, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.” Lịch sử vì con người mà tồn tại, nó cũng có thể vì hành vi của con người mà cải biến. Hãy nhìn xem vương quốc cổ đại Atlantis chìm dưới đáy biển Đại Tây Dương, trước khi bị chìm xuống đáy biển, họ cũng “phồn vinh” giống như chúng ta hiện nay, chỉ vì con người trong vương quốc đó đã mất đi sự ước thúc của đạo đức, toàn bộ xã hội từ trên xuống dưới đều xa đọa, thối nát. Vậy thì họ phải bị Trời – hay bị thiên tai tiêu hủy hoàn toàn; hơn nữa, có nhiều bằng chứng cho thấy rằng lịch sử nhân loại đã từng có 81 lần bị tiêu hủy hoàn toàn như vậy. Có thể tránh được thiên tai hay không, mấu chốt là ở nhân tâm. Nếu như mỗi người chúng ta đều có thể thực sự hành xử theo thiên đạo, duy trì đạo đức, nhân tâm hướng thiện, thì Trời cao tự nhiên sẽ cho thời tiết mát mẻ, mưa thuận gió hòa.

Ngày mà nhân tâm hướng thiện, vòm trời được thanh bình, ngày ấy đã không còn xa nữa rồi.

Nguồn: Chanhkien.org