Trong kho tàng điển tịch Trung Hoa, Sơn Hải Kinh là một bộ sách đặc biệt, được xếp vào “Tam huyền”, tức một trong ba bộ sách huyền bí nhất thời cổ đại.
Sơn Hải Kinh bao gồm 18 quyển: 5 quyển đầu gọi là “Sơn Kinh”, hay “Ngũ Tạng Sơn Kinh”, ghi chép về núi non và sản vật; 13 quyển sau gọi là “Hải Kinh”, ghi chép về hình thế địa lý và phong thổ các vùng.
Mặc dù là bộ sách văn hóa xuất sắc nhất Trung Quốc thời cổ đại nhưng vì những kiến thức ghi chép trong đó rộng rãi và uyên thâm khác với Nho giáo, nên đây luôn bị coi là cuốn sách kỳ quái vô lý. Trên thực tế, đây là bộ tác phẩm chuyên ngành ghi chép về địa lý tự nhiên và văn vật từ thời cổ đại. Chỉ với hơn ba vạn chữ, bộ sách có nội dung bao la vạn tượng, gồm đủ cả trời Nam biển Bắc, trải khắp các phương diện như thiên văn, địa lý, động vật, thực vật, tôn giáo, thần thoại… Nó cũng miêu tả nguồn gốc và sự phát triển của văn hóa Trung Hoa, môi trường sinh thái tự nhiên phụ thuộc vào sự tồn tại và phát triển này.
Truyền thuyết hay sự thật?
Năm xưa trong quá trình trị thủy, Đại Vũ từng xây dựng các đài Chúng Đế, đó là: Đế Nghiêu Đài, Đế Khốc Đài, Đế Đan Chu Đài, Đế Thuấn Đài, Cộng Công Đài. Vậy ai trông coi những đài ấy? Sơn Hải Kinh chép: Thần giữ đài là Lục Ngô, là quái vật mặt người thân hổ, trong Hải Nội Tây Kinh được gọi là “Thú khai sáng”, thân to lớn như hổ, đứng trên núi Côn Luân, nhìn chăm chú về phương Đông.
Tranh vẽ Thần Lục Ngô (ảnh: Sơn Hải Kinh Wiki).
Theo Sơn Hải Kinh, Thần thú Lục Ngô là Sơn Thần thủ vệ đế đô Hoàng Đế trên gò núi Côn Luân. Lục Ngô là một vị quái thần, người và hổ cùng chung một thể, có mặt người, thân hổ, móng hổ, mọc chín cái đuôi. Ngoài đế đô Hoàng Đế, nó còn kiêm quản biên giới của 9 khu vực trên trời và mùa vụ vườn hoa của Thiên Đế. Hình thái của Lục Ngô có hai cách miêu tả: một là mặt người, thân hổ, chín đuôi; một cách khác là chín đầu, mặt người, thân hổ. Sơn Hải Kinh – Tây Kinh thứ ba viết: “Gò núi Côn Luân thực ra là đế đô của Hoàng Đế, do thần Lục Ngô cai quản. Thần đó thân hổ mà chín đuôi, mặt người mà móng hổ. Cũng là Thần, cai quản chín bộ trên trời và mùa vụ vườn hoa của Thiên Đế”. Thân thể Lục Ngô là một con hổ lớn, đứng trên Côn Luân và nhìn về phía Đông.
Ở phía đông của Bột Hải có một nơi vực sâu muôn trượng gọi là Quy Khâu. Sông ngòi ao hồ nơi đất liền đều chảy về đây. Tương truyền, mực nước ở đây không lên không xuống dù tất cả sông biển đều đổ về. Trên mặt nước mênh mông có 5 ngọn núi thần đang trôi nổi, đó chính là Đại Dư, Viên Kiệu, Phương Hồ, Doanh Châu, và Bồng Lai. Mỗi ngọn núi cao và rộng khoảng 3 vạn dặm, phần bằng phẳng trên đỉnh núi cũng hơn 9 ngàn dặm. Các hòn núi cách nhau khoảng 7 vạn dặm. Trên mỗi núi đều có lâu đài lầu các nguy nga xây toàn bằng hoàng kim và bạch ngọc. Hoa thơm cỏ đẹp, cây trái thơm ngon bốn mùa không dứt, ăn vào thơm tho và trường sinh bất tử. Năm ngọn núi chính là nơi ở của các vị Thần tiên.
Sơn Hải Kinh kể rằng, những vị Thần tiên thường bay qua bay lại trên năm ngọn núi mà vui chơi để tiêu dao ngày tháng. Có một điều làm họ không được thoải mái là năm ngọn núi như là năm cái hồ lô lớn trôi nổi trên biển cả mênh mông, khiến họ đi lại không được tự tại như ý, nên cùng thỉnh cầu với Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ngọc Đế bèn ra lệnh cho Thần ở Bắc Hải là Ngung Cường tìm cách giải quyết. Ngung Cường điều 15 con Cự Ngao (ba ba lớn) chia làm 5 nhóm, mỗi nhóm 3 con chịu trách nhiệm giữ lấy một ngọn núi. Ba con ba ba khổng lồ, một con lặn xuống biển đội núi lên, hai con còn lại khống chế hai bên cho núi đừng di chuyển, cứ 6 vạn năm sẽ thay phiên một lần. Vì thế mà 5 ngọn núi thần tiên được cố định không còn nổi trôi di chuyển trên biển Đông nữa.
Nhưng chẳng bao lâu sau, có một người khổng lồ của nước Long Bá đến nơi này, thân hình của hắn cao vút tận mây xanh, hắn bước đi trong biển Đông như đi trong ao cá sau vườn, chỉ vài ba bước là đã đi khắp cả 5 ngọn núi thần tiên. Hắn phát hiện trong nước có Cự Ngao, bèn lấy cần móc mồi câu, câu một hơi 6 con ngao lớn, đặt lên vai vác về nhà. Hai hòn núi tiên Đại Dư và Viên Kiệu bị mất 6 con Cự Ngao, không có gì cầm giữ lại, nên trôi dạt lên Bắc Cực và chìm xuống biển mất dạng. Ngọc Hoàng Thượng Đế biết tin, bèn thi triển thần uy làm cho người nước này nhỏ lại chỉ cao hơn người thường một cái đầu mà thôi.
Đó là những điều được miêu tả trong Sơn Hải Kinh, các sách xưa cũng có ghi lại chuyện 5 tiên đảo bị chìm hết hai, nên chỉ còn lại có Phương Hồ, Doanh Châu và Bồng Lai, tục gọi là Bồng Lai Tam Đảo. Vì là nơi tiên ở nên còn gọi là “Bồng Lai Tiên Cảnh” để chỉ cảnh đẹp của tiên giới mà trên trần không thể có được. Những câu chuyện cổ xưa này từ lâu đã được coi là huyền thoại vì không có bằng chứng, nhưng các học giả phương Tây đã xác nhận sự tồn tại của Đại Tây Châu và Thái Bình Châu.
Những phát hiện đáng kinh ngạc của giới khảo cổ học
Tiến sĩ Mertz là một nữ học giả người Mỹ từng nghiên cứu Sơn Hải Kinh, để quan sát tình hình thực tế bà đã xách ba lô lên đường tới Trung Quốc. Giống như một người lữ hành thời cổ đại, bà cũng dùng chân để đo và khảo sát những ngọn núi đó. Cách tiếp cận của bà là: Nếu Sơn Hải Kinh ghi chép người Trung Quốc cổ đại đi về phía đông, bà cũng đi về phía đông. Nếu viết đi bộ ba trăm dặm, bà sẽ đi bộ ba trăm dặm và xem sẽ phát hiện ra điều gì.
Sau nhiều lần thất bại khi khảo sát khoảng cách về hướng đi tới các hệ thống núi, sông hồ, và khoảng cách giữa các dãy núi, cuối cùng bà đã thành công. Bà phát hiện rằng dãy núi Rocky, Sierra Nevada, Cascade và Coast ở miền Trung và Tây Hoa Kỳ bên bờ biển Thái Bình Dương hoàn toàn trùng hợp với những ghi chép về hướng của bốn hệ thống núi, đỉnh núi, hướng chảy của sông, động thực vật và khoảng cách giữa các ngọn núi được ghi chép trong Sơn Hải Kinh. Cũng thông qua khảo sát thực địa này, bà còn phát hiện người Trung Quốc cổ đại sớm đã đặt chân tới châu Mỹ.
Sau khi đích thân thám hiểm sông núi hồ biển ở châu Mỹ và đọc lại Sơn Hải Kinh, vị tiến sĩ này bày tỏ sự thán phục tận trong tâm: Đối với những người Trung Quốc dũng cảm cương nghị đã lên những đỉnh núi tuyết từ 4000 năm trước để vẽ bản đồ, chúng ta chỉ có thể cúi đầu bái phục.
Cừu trư trong Sơn Hải Kinh là một loài động vật ở châu Mỹ (Ảnh: Wikimedia Commons).
Trong phần “Đông Sơn Kinh” của Sơn Hải Kinh có ghi chép về một loại động vật tên là “Cừu trư” (Dasypodidae), là một họ động vật có vú trong bộ Cingulata. “Có chỗ giống như hình con thú, hình dáng lại giống như một con thỏ, mắt diều hâu, đuôi rắn, thấy người thì ngủ, gọi là Cừu trư”. Loài động vật này có hình dáng giống như một con thỏ, mắt tròn và đuôi dài, nhìn thấy người thì bất động. Nếu bạn từng gặp loại động vật này ở châu Mỹ, bạn sẽ không nghi ngờ về loại động vật được miêu tả trong Sơn Hải Kinh này. Cừu trư ở châu Mỹ quả thật là loại động vật như vậy, nó quả thật điềm đạm đáng yêu như một con thỏ. Nhưng tại sao nó giống một con thỏ? Không những hình thể giống, đôi tai dài của nó lại càng giống hơn. Loài vật này còn có một thói quen khác, khi gặp nguy hiểm nó sẽ co lại thành một quả bóng như hình con tê tê, và dĩ nhiên sẽ bất động.
Sơn Hải Kinh – Đại Hoang Tây Kinh viết: “Ngoài biển Tây Bắc, ở góc Đại Hoang có núi không liền, tên gọi “Bất Chu Phụ tử”, Thọ Ma đứng nghiêm dưới mặt trời không có bóng hình, hô gọi lớn không có tiếng vọng. Ở đó rất nóng, không thể đi đến được”. Hàng trăm hàng nghìn năm nay, các học giả đều đang tìm núi Bất Chu này, tìm đi tìm lại, thì ra là ở châu Phi. Ở Đông Phi có một nơi gọi là “Thung lũng tách giãn lớn” (Great Rift Valley) sâu 6 – 7 nghìn mét, chẳng phải là “có núi không liền” đó sao?
Sơn Hải Kinh – Hải Nội Bắc Kinh có đoạn: “Nước Cô Xạ ở giữa biển, thuộc các Cô Xạ, phía tây nam, núi bao quanh”. Đây đương nhiên là các đảo Nhật Bản rồi. “Cô Xạ” ở đây có thể là đảo Sakhalin mà người Nhật gọi là Karafuto, do đó có thể suy đoán “Cô Xạ” chính là “Khổ Di”. Người Khổ Di là người Quỷ Phương thời Thượng cổ, khi đó khu vực lạnh giá phương Bắc gần địa cực gọi là Quỷ Phương.
Khi Tư Mã Thiên biên soạn Sử Ký, ông từng gặp một quyển sách mà ngay cả ông cũng không dám bình luận: Sơn Hải Kinh. Cuối cùng ông viết trong Sử Ký rằng: “Về những vật kỳ lạ viết trong Sơn hải kinh, ta không dám nói đến”. Thực tế, không chỉ Tư Mã Thiên mà sử học gia các thời đại gặp được Sơn Hải Kinh đều đau đầu về nội dung của nó và không biết quy về loại gì.
Sở dĩ các nhà sử học có cách nhìn nhận khác nhau là vì Sơn Hải Kinh thực sự cổ quái. Trong sách miêu tả một thế giới gần như ly kỳ, ví như: “Trên núi Thanh Khâu có con cáo chín đuôi. Trên núi Trường Hữu có quái thú Trường Hữu, bách tính trông thấy chúng thì sẽ gặp lũ lụt. Trên núi Kỳ Quá có loài động vật tên gọi Cừ Như, có hình mặt người, ba chân. Thần Anh Chiêu giữ núi Hoài Giang có mặt người, thân ngựa, vằn hổ và cánh chim”… Những quái thú tương tự như vậy trong Sơn Hải Kinh nhiều không kể xiết, không biết Trái Đất thời viễn cổ có phải thực sự có quái thú hoành hành hay không?
Điều kỳ dị của Sơn Hải Kinh còn vượt xa những thứ này, toàn bộ sách chỉ có 31.000 chữ, nhưng đã ghi chép 40 quốc gia liên bang cổ đại, 550 tòa núi, 300 con đường thủy, hơn 100 nhân vật lịch sử và hơn 400 loại quái thú. Trong đó có đề cập tới nhiều phương diện: địa lý, thần thoại, tôn giáo, dân tộc, động vật, thực vật, khoáng sản, các khu vực xa xôi khác nhau, thứ gì cũng có bao hàm toàn diện.
Rất nhiều học giả nghiên cứu Sơn Hải Kinh giả thiết rằng, điều Ngũ Tạng Sơn Kinh ghi chép chính là thời kỳ cuối kỷ băng hà thứ tư. Vùng Trung Nguyên đương thời có rất nhiều chủng loại vật mới quy mô lớn, như tê giác lông dài và các quái thú khác. Các nhà khoa học Mỹ dùng máy tính phục dựng các động vật tuyệt diệt cổ đại, so với các quái thú được ghi chép trong Sơn Hải Kinh thì có nhiều điểm tương đồng. Vào lúc ấm áp, khi thời kỳ băng giá sắp đến, diện mạo địa chất đã xảy ra biến hóa to lớn, các hoạt động tạo núi hoặc núi lửa liên tiếp xảy ra, động thực vật bị tuyệt diệt lượng lớn. Đây chính là hiện tượng kỳ lạ “núi có lửa, không cỏ cây” được ghi chép trong Ngũ Tạng Sơn Kinh. Cổ nhân muốn ngụy tạo ra những hiện tượng phù hợp với lý luận khoa học ngày nay thì hoàn toàn không thể làm được.
Bộ sách Sơn Hải Kinh bao hàm toàn diện, phong phú và kỳ dị khó hiểu này rốt cuộc là ai viết ra? Đến nay vẫn chưa có kết luận xác định. Sơn Hải Kinh liên quan đến một vùng không gian cực kỳ rộng lớn trên địa cầu. Ngày nay trên phạm vi toàn cầu đã lần lượt tìm được những động vật, thực vật và quái vật mà bộ sách này ghi chép và đề cập tới.