Sự ra đi của Dương Khiết – nữ đạo diễn làm nên siêu phẩm “Tây du ký” khiến làng giải trí Hoa ngữ xót xa và bàng hoàng. Sinh thời bà từng viết tự truyện kể về quá trình làm bộ phim này, trong đó có những sự kiện rùng rợn khiến bà vững tin con người có linh hồn.
Ngày 15/4, nữ đạo diễn Dương Khiết, “mẹ đẻ” của bộ phim kinh điển Tây du ký (1986), qua đời tại Bắc Kinh, hưởng thọ 88 tuổi. Dương khiết sinh ngày 15/4/1929 tại tỉnh Hồ Bắc, là nữ đạo diễn thế hệ thứ nhất của truyền hình Trung Quốc, đồng thời cũng là nhà điều hành sản xuất. Từ năm 1982 -1988, đạo diễn Dương Khiết đã mất 6 năm để dàn dựng bộ phim thần thoại đầu tiên Tây du ký trên màn ảnh nhỏ Trung Quốc và nay đã trở thành tác phẩm kinh điển gắn bó với tên tuổi của bà trong suốt 30 năm qua.
Dưới đây là một phần trong cuốn tự truyện “Con đường Tây du 30 năm của tôi – Xin hỏi đường ở nơi đâu” của cố đạo diễn Dương Khiết, kể lại 2 sự kiện kỳ lạ mà đoàn làm phim gặp phải.
Ngày 2/10/1987, đoàn làm phim đến Thanh Tây Lăng – lăng mộ hoàng đế Ung Chính thời nhà Thanh, để quay cảnh Hoàng đế Đại Đường nghênh đón bốn thầy trò Đường Tăng từ Thiên Trúc thỉnh kinh trở về, đây chính là cảnh cuối cùng trong phim “Tây du ký”. Cảnh Hoàng đế Đại Đường đưa tiễn Đường Tăng cũng được quay ở chỗ này.
Cả 2 lần quay này, đoàn làm phim đều nghỉ tại nhà khách ở phụ cận Thanh Tây Lăng. Bước qua đại môn là một căn phòng lớn không khác nào cung điện, cửa chính của nó bị khóa chặt. Phía sau có vài ngôi nhà được xây sau này cho lữ khách ở lại. Lần trước, các nhân viên chủ chốt ở trong dãy nhà đầu tiên, những người khác thì ở tại một số căn phòng bên cạnh một khuôn viên trong nhà khách. Lần này, cả đoàn làm phim cùng ở tại khuôn viên trong nhà khách.
Khi họ đến Tây Lăng, trời đã không còn sớm, mọi người liền cất hành lý rồi đến căn tin ăn cơm. Sau đó, đạo diễn Dương Khiết cùng Dương Bân (Na Tra), Trì Trọng Thụy (Đường Tăng) rời nhà ăn trươc.
Giữa nhà ăn và nhà khách chính là dãy phòng mà đoàn làm phim nghỉ lại vào lần trước. Khoảng đất giữa dãy phòng và căn nhà phía trước mọc rất nhiều cây trúc, khiến nơi đây rất tối. Trong lần quay cảnh tiễn Đường Tăng lên đường sang Thiên Trúc thỉnh kinh, Trì Trọng Thụy chưa tham gia đoàn làm phim, nên lần này Dương Khiết đã chỉ cho Trì Trọng Thụy biết, đồng thời miêu tả lại bộ dạng nơi này khi họ tới lần trước.
Đang nói, Dương Bân đột nhiên chỉ về phía cuối rừng trúc hô: “Mọi người xem, đối diện có người đi đến!“
Dương Khiết và Trì Trọng Thụy cũng thấy có bóng người, dáng cao gầy, nhưng không thấy rõ mặt, đang chậm rãi đi về phía họ. Nữ đạo diễn lúc đó hỏi lại: “Là ai vậy? Mấy cậu có thấy rõ không?“.
Cả Dương Bân và Trì Trọng Thụy đều đáp: “Không thấy rõ mặt! Không biết là ai“.
Dương Khiết nói: “Đi! Chúng ta đi gặp hắn, để xem là ai!“.
Họ liền tiến về hướng người kia. Dương Khiết không chú ý bóng người đó, vừa đi vừa nói với Trì Trọng Thụy: “Lúc trước ở đây không có cây trúc, mọi người còn ngồi trước cửa ăn dưa hấu, không nghĩ tới mới qua vài năm mà chúng đã mọc rậm rạp, cao lớn như vậy“.
Đang nói, bỗng nhiên Dương Bân la lên: “Anh chị xem kìa! Người nọ lui về rồi!“.
Dương Khiết lúc này mới chú ý tới bóng người kia dường như đang tránh né họ, thật sự đang rút lui, lại còn bước đi chậm rãi như mộng du. Bà tưởng là người nào đó trong đoàn phim bèn nói: “Chúng ta đi nhanh lên, đuổi theo xem là ai!“.
Họ bước nhanh tới, nhưng bóng người kia lại còn nhanh hơn, lập tức biến mất ngay cuối dãy phòng. Khi đi đến cuối dãy phòng, nhóm của Dương Khiết phát hiện một lối đi bên phải nối với một cổng vòm. Dương Bân chỉ vào cổng vòm nói: “Anh ta ở chỗ đó! Lại còn duỗi đầu ra xem chúng ta kìa“.
Dương Khiết quay đầu nhìn lại nhưng không thấy ai. Thế nhưng cả Dương Bân và Trì Trọng Thụy đều nói: “Thật sự có người ở đó! Hắn còn nghiêng người xem chung ta mà!“. Dương Bân còn mô tả lại tư thế của người nọ.
Nghe vậy, Dương Khiết gọi 2 người cùng đi qua xem, nhưng không biết tại sao họ đều đứng như trời trồng. Thấy vậy bà nói: “Để chị đi xem“.
Nói xong bà tiến tới cổng vòm nhưng chỉ thấy đối diện là một quảng trường rất lớn, phía xa có một con đường nhỏ, trên đường không có bóng người nào. Bên trái là một khu đất trống lớn, phía xa có một nhà vệ sinh cũ nát, còn bên phải là một không gian rộng lớn cũng không có bóng người nào.
Dương Khiết quay lại nói với Dương Bân và Trì Trọng Thụy: “Không có ai hết! Hai người có hoa mắt không vậy?“.
Dương Bân quả quyết nói: “Không có! Em mới thấy rõ ràng bóng người kia xuất hiện ở cổng vòm, nghiêng người nhìn chúng ta mà!“. Trì Trọng Thụy nói: “Em cũng nhìn thấy“.
Hai người đều nhìn thấy nhưng ở đó thực sự không có ai hết nên Dương Khiết lại hỏi: “Hai người có hoa mắt không vậy?“. Họ không đáp lại, bà không biết lúc đó cả hai người đã bị dọa đến kinh hồn táng đảm nên điềm nhiên về phòng như không có chuyện gì xảy ra.
Hôm sau, mọi người đi Tây Lăng quay phim. Khi ở nhà bảo tàng của Tây Lăng, Dương Khiết nhìn thấy một bản giới thiệu như sau: Hành cung phụ cận Tây Lăng, là quàn của vua Quang Tự trong 3 năm, để chờ cung điện đặt linh cữu xây xong. Sau này, linh cữu của Trân phi cũng được đặt tại đây nửa năm trước khi chôn cất.
Lúc đó Dương Khiết sinh ra hứng thú với hành cung này liền gọi phó chủ nhiệm sản xuất đoàn phim Lý Hồng Xương đến xem bản giới thiệu, bà còn hỏi: “Không biết hành cung ở đâu? Khi nào rảnh chúng ta đi xem thử?“.
Lý Hồng Xương nói: “Ơ này! Chỗ chúng ta ở không phải là hành cung sao?“.
Nghe vậy, Dương Khiết giật mình nói: “Cái gì, chúng ta sẽ nghỉ tại hành cung? Linh cữu của vua Quang Tự đặt tại chỗ đó?“
Lý Hồng Xương đáp: “Đúng vậy! Chúng ta ở trong dãy phòng phía trước là được!“
Dương Khiết lúc này mới nhớ tới bóng người xuất hiện tối hôm qua, kinh sợ đến nỗi mồ hôi lạnh chảy khắp người. Bà nghĩ rằng chẳng lẽ đó là âm hồn vua Quang Tự?
Khi đó, ngay tại chỗ quay phim lại xuất hiện một chuyện kỳ dị: Lúc diễn viên quần chúng đều hóa trang xong rồi đang chờ tới cảnh diễn của mình, người quản lý đạo cụ Chân Chí Tài đang khát nước thì nhìn thấy một người phụ nữ mặc quần áo vải hoa tay bế một đứa trẻ đẩy cửa vào một căn phòng ở nhà bảo tàng, bèn cầm ly đi theo để xin nước uống. Không ngờ khi vào phòng lại không thấy người phụ nữ kia ở đâu! Ông tìm khắp phòng cũng không thấy cửa ra khác. Vậy cô ta đi đâu rồi?
Chân Chí Tài sợ hãi, ra sức chạy khỏi căn phòng này.
Con gái Nha Nha của Dương Khiến ngồi dưới gốc cổ thụ bên nhà bảo tàng đã chứng kiến toàn bộ sự việc. Cô cũng nhìn thấy người phụ nữa kia đi vào phòng, tóc thắt bím, mặc quần áo vải hoa, tay bế đứa trẻ. Sau đó Chân Chí Tài cầm ly đi vào theo rồi nhanh chóng rời đi, nhưng là không thấy người phụ nữ kia đi ra.
Hai sự kiện kỳ dị này khiến Dương Khiết vô cùng kinh ngạc, không thể nào giải thích được! Khi ăn trưa, bà kể lại 2 việc này, tất cả mọi người đều cảm thấy kỳ quái.
Đến buổi chiều, đoàn phim lại đến Tây Lăng quay cảnh trên không cuối cùng để làm bối cảnh khi bốn thấy trò Đường Tăng phi thăng. Trên đường đi, Dương Khiết bỗng nhiên ngứa miệng, Tuần Hạo ngồi bên cạnh nhìn thấy kinh ngạc nói: “Đạo điễn! Miệng chị sao lại sưng lên thế?“.
Dương Khiết nghe vậy liền sờ miệng mình thì quả thật như vậy. Miệng bị sưng lên không khác nào Trư Bát Giới, lại còn không ngừng sưng lớn hơn. Xe chạy đến nơi, Vương Sùng Thu nhìn thấy hoảng sợ: “Mau quay về tìm bác sĩ!”
Vì thế họ lập tức lên ôtô chạy về nhà khách cho bác sĩ Tào đi theo đoàn phim thăm khám. Ông tranh thủ thời gian cho Dương Khiết uống thuốc, sau đó lập tức bắt bà về Bắc Kinh chữa trị.
Dương Khiết và Vương Dùng Thu không ngờ về đến nhà thì bà hoàn toàn khỏi hẳn, trên đường đi miệng đã tiêu sưng từ từ. Thật sự rất quái lạ! Lúc đó bà nghĩ chẳng lẽ âm hồn kia trách mình kể chuyện của hắn cho quá nhiều người nghe?
Hồi tưởng lại những chuyện này, bà thật sự không hiểu ra sao cả! Rốt cuộc những thứ họ trông thấy là gì?Là người hay quỷ? Không ai trả lời đươc. Tuy nhiên về sau, phó quay phim Đường Kế Toàn mới nói cho Dương Khiết biết ông lão canh cổng ở hành cung từng kể với hắn rằng: “Nơi đây không chỉ là quàn của vua Quang Tự và Trân phi, mà còn có không ít người đã chết trên quảng trường kia. Vào thời kháng Nhật, “Cách mạng văn hóa”, đều có rất nhiều oan hồn. Vào buổi tối ở đây thường xuyên nghe được tiếng khóc la…”. Đường Kế Toàn từng muốn đến xem quảng trường kia nhưng lại không dám.
Dương Khiết cho biết, trước đây bà vẫn muốn biết trên đời này thật sự có linh hồn không, thể nghiệm phong phú lần này đã cho bà đáp án! Bà vững tin: Linh hồn là có thật. Do đó, nữ đạo diễn cảm thấy cái bóng kia và người phụ nữ bí ẩn đích thực là linh hồn người chết, họ tồn tại và quanh quẩn tại nơi lúc còn sống đã ở qua!
Tú Văn biên dịch
Theo tinhhoa