Từ xưa đến nay, những người có thể nghiêm khắc với bản thân về vấn đề sắc dục thì nhất định sẽ được phúc báo. Còn những người tham lam dâm dục, làm ra những chuyện trái với luân thường đạo lý sẽ phải chịu sự trừng phạt.
Tiết nghĩa đạo đức luôn là thiện tâm vốn có của mỗi con người. Từ xưa những bậc nhân sĩ có đạo đức, có hàm dưỡng đều lấy thanh tịnh làm gốc, luôn giữ tâm thành kính, dùng đức hạnh trong sạch để bồi dưỡng bản thân và dùng tâm chính khí hạo nhiên để kiềm chế ái dục.
Vì “háo sắc tham dục” là việc làm trái với thiên lý nhân luân, họa loạn thường đạo, Trời đất không dung, Thần Phật phẫn nộ. Nếu người quân tử coi đó là tai họa mà biết tránh thì sẽ được phúc tinh soi chiếu, Thiên thượng bảo hộ đắc phúc; kẻ tiểu nhân coi đó là vui thú mà lao vào thì sẽ chuốc lấy tai ương, ác báo vào thân. Phúc họa không tự nhiên đến, tất cả đều là do con người tự chiêu mời. Trong lịch sử rất nhiều người vì tham sắc dục mà đã hủy hoại tiền đồ, sự nghiệp.
Thời Xuân Thu, Thái Ai Hầu là vị vua nước Thái (nước chư hầu) và là họ hàng xa với hoàng đế nhà Chu. Thái Ai Hầu là một người đam mê sắc dục. Ông ta lấy người con gái lớn của vua nước Trần (Trần Vương). Người con gái thứ hai của Trần Vương là Vi Quy là một cô gái vô cùng xinh đẹp. Vi Quy được gả cho Tức Hầu, vị quân chủ nước chư hầu giáp biên giới với nước Thái.
Một lần khi Vi Quy trở về nước Trần để thăm cha mẹ sau khi lấy chồng. Khi nàng đi qua nước Thái, Thái Ai Hầu đón nàng vào cung điện và tổ chức yến tiệc để tiếp đãi.
Điên đảo vì nhan sắc tuyệt đẹp của Vi Quy, Thái Ai Hầu đã nảy sinh ham muốn sắc dục. Những cử chỉ và ngôn ngữ của Thái Ai Hầu lập tức trở nên buông lung và không còn giữ được sự tôn trọng với nàng. Ông ta hoàn toàn quên mất những phép tắc lễ nghĩa khi tiếp khách.
Vi Quy đương nhiên cảm thấy rất không vui trong lòng. Sau khi thăm hỏi cha mẹ, Vi Quy trở về Tức quốc. Lần này, Vi Quy đã chọn một con đường đi vòng qua biên giới của Thái quốc.
Khi về đến nhà, nàng kể với chồng là Tức Hầu về những cử chỉ dâm đãng của Thái Hầu Vương. Tức Hầu vô cùng giận dữ sau khi nghe vợ kể và quyết định trả thù.
Tức Hầu phái một sứ thần cống nạp nước Sở. Trước mặt Sở Vương, dùng lời gây chia rẽ: “Quý quốc vốn là nước giàu binh mạnh, chư hầu đều thuần phục. Duy chỉ có Thái hầu cậy vào thế lực mà chẳng chịu phục tùng nước Sở. Nay Đại vương giả tấn công nước tôi, nước tôi sẽ cầu viện nước Thái. Thái Ai Hầu tất sẽ đến ứng cứu. Lúc đó quân nước tôi sẽ cùng với quân của Đại vương, trong ngoài tiếp ứng. Hai phương tấn công, chắc chắn sẽ đánh bại quân Thái Ai Hầu và bắt sống được hắn. Lúc đó chắc chắn hắn sẽ phải thần phục Đại vương”.
Sở Văn Vương rất tâm đắc với kế sách đó. Năm 684 TCN, Sở Vương đã đem quân giả tấn công nước Tức. Tức Hầu như kế hoạch cầu cứu Thái Hầu Vương. Thái hầu quả nhiên xuất quân đội cứu viện nước Tức. Quân Tức cùng quân Sở đã cùng nhau hợp lực đánh bại quân Thái. Thái Ai Hầu bị bắt về làm tù binh của nước Sở. Thái Ai Hầu biết rõ mình đã trúng kế của Tức Hầu, lập lời thề quyết sẽ báo thù này.
Về sau, Sở Văn Vương phóng thích Thái Ai Hầu về nước. Lúc Thái Ai Hầu chuẩn bị lên đường đã ở trước mặt Sở Văn Vương mà ra sức tán dương vẻ đẹp của Vi Quy. Sở Văn Vương nghe xong liền động tâm sắc dục, chờ cơ hội thuận tiện sẽ đem quân giao chiến nước Tức để cướp Vi Quy.
Một lần, Sở Văn Vương lấy cớ đi du tuần các địa phương, rồi tiến về nước Tức. Tức Hầu thiết yến tiệc nghênh tiếp trong cung, rất mực ân cần khoản đãi. Nhưng đến giữa buổi yến tiệc, Sở Văn Vương đòi Tức phu nhân ra tiếp rượu. Tức Hầu vì sợ uy của Sở Văn Vương, không dám chống đối, không thể không cho Vi Quy ra. Sở Văn Vương lần đầu nhìn thấy Vi Quy, vô cùng sửng sốt, quả nhiên là một mỹ nhân tuyệt sắc.
Vào một hôm khác, Sở Văn Vương tổ chức thiết yến tại quán xá, lấy cớ đáp lễ. Nhưng thực tế là đã ám phục binh sĩ, chờ Tức Hầu nhập tiệc liền bắt giam và mang Vi Quy về nước Sở, lập làm phu nhân.
Trong 3 năm ở nước Sở, Vi Quy lúc nào cũng lạnh như băng, vô cùng kiệm lời. Sở Văn Vương cảm thấy rất kỳ lạ, một lần hỏi nàng sao lại như vậy. Vi Quy mắt nhòe lệ cất lời: “Thiếp là một người vợ bị bức bách phục vụ hai người chồng, thử hỏi thiếp phải đối mặt với người khác thế nào đây?” Vừa nói lệ vừa rơi không ngừng.
Để làm vui lòng Vi Quy, Sở Văn Vương nói: “Tất cả là lỗi của tên Thái Ai Hầu. Nàng đừng buồn. Ta sẽ báo thù này cho nàng”. Sau đó Sở Văn Vương mang quân tấn công nước Thái. Thái Ai Hầu biết rằng không thể kháng cự và đã đầu hàng trong nhục nhã. Cuối cùng, Thái Ai Hầu bị chết sau 9 năm bị nhốt trong tù nước Sở.
Thái Ai Hầu khi nhìn thấy sắc đẹp của Vi Quy đã nảy sinh ham muốn dâm dục và đã có những lời lẽ, cử chỉ thất lễ với nàng. Chính việc đó đã gây ra cho ông ta một bất hạnh đầu tiên khi bị bắt bởi Sở Vương. Nhưng ông ta vẫn không nhận ra rằng chính tà niệm dâm đãng đã mang tới bất hạnh cho mình.
Thay vào đó, để trả thù ông ta lại cố hết sức để khêu gợi ham muốn dâm dục của Sở Vương và xúi giục tấn công nước Tức. Ông ta đã không lường trước được rằng điều này cuối cùng lại khiến Sở Vương một lần nữa tấn công nước Thái để làm vui lòng Vi Quy. Điều đó khiến ông ta một lần nữa trở thành tù nhân của nước Sở. Cuối cùng, dẫn đến cái chết bất hạnh không thể tránh được.
Có thể thấy rằng dù là ham muốn sắc dục của bản thân hay khơi dậy tâm sắc dục của người khác cũng sẽ đem đến những điều bất hạnh cho chính người đó.
Cổ nhân có nói: “Thường là những kẻ háo sắc, nghĩ là điều đó đem lại cho họ cảm giác sung sướng. Nhưng họ không biết rằng đó chỉ là những cảm giác nhất thời. Còn những khổ đau mà nó gây ra thì lại là trong cả cuộc đời”. Thực sự những lời này quả là rất có đạo lý.
Cũng chính vì sắc dục mà Tức Hầu đã tìm cách báo thù. Ông ta đã dẫn ba nước Sở, Thái, Tức rơi vào một cuộc chiến tranh không đáng có. Nhưng cuối cùng, ông ta cũng phải gánh chịu nỗi bất hạnh mất vợ. Còn Sở Văn Vương vì tham sắc dục mà đi chiếm đoạt vợ của người khác. 15 năm sau khi lên ngôi, đã chết đột tử vì bạo bệnh.
Có thể thấy, những vị Vương hầu này bởi vì ham mê sắc dục, không giữ được đạo đức bản thân mà tự gây ra đại họa cho mình. Bởi vậy, người ta không nên quá ham mê sắc dục rồi trở nên mê lạc, chìm đắm trong đó để rồi gặp phải đại họa như trường hợp của ba vị quân chủ trên.
Theo Chanhkien.org