Trong văn hóa truyền thống, dâm dục được xếp đầu trong vạn tội ác. Nhận thấy rõ báo ứng của tham dâm háo sắc, một hiền nhân cũng đã viết thêm chú thích vào “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” nhằm khuyên răn người đời, nhờ đó được phúc báo tốt lành.
Vào triều Minh có một vị đại thần tên Mạo Khởi Tông, tự Tông Khởi, xuất thân từ một vọng tộc ở Giang Tô. Trong thời gian nhậm chức, ông luôn noi theo gương danh thần Bao Chửng vào thời Bắc Tống. Ông thiên tính ngay thẳng, là một vị quan rất thanh liêm. Trong vài chục năm Mạo Khởi Tông làm quan, không ai dám nhận ủy thác của người khác hối lộ hay tặng quà cho ông.
Mạo Khởi Tông nhậm chức ở Đoan Châu, nơi đây nổi tiếng với nghiên mực Đoan Khê nhưng ông không hề lấy một cái nghiên mực nào, vì vậy mà bị người đương thời gọi là “tên ngốc”. Nhưng “tên ngốc” này và con trai cả của ông là Mao Tương đều nổi tiếng khắp thiên hạ bằng khí phách văn chương. Lúc trẻ, Mạo Khởi Tông còn có một giai thoại về giới sắc rất thú vị.
Mạo Khởi Tông viết thêm vào “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”
Lúc trẻ, mỗi sáng sớm Mạo Khởi Tông đều thành kính đọc “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” nên ông rất hiểu đạo lý nhân quả báo ứng. Khi đó có một phụ nữ đã có chồng muốn bỏ trốn cùng Mạo Khởi Tông, nhưng bị ông thẳng thừng từ chối.
Mạo Khởi Tông là người rất tôn kính thần linh, tâm địa đoan chính thuần khiết, nên rất được thần linh ưu ái. Vào kỳ thi hương năm Mậu Ngọ, khi ở trong trường thi, Mạo Khởi Tông cảm thấy đầu óc mụ mị như đang nằm mơ, thậm chí ngay cả bài thi cũng không thấy rõ, nhưng ông vẫn làm được bài thi như có thần linh trợ giúp, kết quả ông đã thi đậu.
Dù Mạo Khởi Tông không thi đậu kỳ thi hội tiếp theo nhưng ông vẫn kiên trì đèn sách. Có một ngày, ông suy xét đến vấn đề tham dâm háo sắc sẽ tiêu giảm công danh và tổn hại phúc đức, nhưng thường bị kẻ sĩ xem nhẹ. Do đó Mạo Khởi Tông đã liệt kê rất nhiều trường hợp gặp báo ứng dưới hai câu “Kiến tha sắc mỹ, khởi tâm tư chi” (thấy người khác có sắc đẹp, dấy tâm riêng tư) trong “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, nhằm chứng minh hậu quả đáng sợ của tà dâm. Sau khi viết xong, ông đốt nó ngay trước tượng thần để cầu thần soi sáng tâm chí.
Sự nguy hại của sắc tâm
Chú thích dưới hai câu “Kiến tha sắc mỹ, khởi tâm tư chi” nói rõ, trong rất nhiều ác nghiệp chỉ có sắc giới là dễ phạm vào nhất. Từ xưa đến nay, những người suy đồi đạo đức dẫn đến rước lấy tai họa đa số bắt đầu từ sắc dục. Chỉ cần trong đầu nảy sinh suy nghĩ tà dâm rất nhỏ thì ác niệm sẽ nổi lên và đi theo sít sao.
Vậy sắc tâm sẽ sinh ra tâm nguy hiểm nào đây? Trong sách viết, không có duyên phận mà lại hiếu thắng theo đuổi sẽ sinh ra tâm vọng tưởng; vì đạt được sắc đẹp sẽ nhiều lần tính kế, dụ dỗ người khác; nếu gặp phải cản trở sẽ nổi lên tâm giận dữ phẫn hận; người bị sắc dục dụ dỗ đến thần hồn điên đảo sẽ sinh ra tâm mê loạn tình chí; nhìn thấy người khác đẹp đẽ mà mình không đẹp sẽ sinh ra tâm ghen tị; vì chiếm đoạt sắc đẹp thậm chí còn có thể khởi tâm sát nhân.
Sắc dục có thể phá hủy sự nghiệp, đạo đức, tiêu giảm công danh, phúc thọ. Hầu hết các loại nghiệt duyên đều sinh ra vì sắc. Những dân lành không có con nối dõi hay văn nhân tài tử chán nản cả đời đều vì sắc mới lâm vào khốn cảnh này.
Cổ nhân có nói: “Thường là những kẻ háo sắc, nghĩ là điều đó đem lại cho họ cảm giác sung sướng. Nhưng họ không biết rằng đó chỉ là những cảm giác nhất thời. Còn những khổ đau mà nó gây ra thì lại là trong cả cuộc đời”. Thực sự những lời này quả là rất có đạo lý!
La Hiến Nhạc mơ thấy thần dụ
Việc Mạo Khởi Tông viết thêm chú thích khi sao chép “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” do La Hiến Nhạc trợ giúp.
Vào tháng Giêng năm Mậu Thân Sùng Trinh (năm 1628), La Hiến Nhạc mơ thấy ba vị thần nhân, gồm một ông lão tóc trắng và hai bên là hai thiếu niên. Ông lão đưa ra một quyển sách rồi nói với thiếu niên đứng bên trái: “Ngươi hãy đọc nó lên“.
Thiếu niên đọc một hồi lâu, La Hiến Nhạc nghe ra đó là toàn bộ lời chú giải của Mạo Khởi Tông với “Kiến tha sắc mỹ”. Sau khi thiếu niên đọc xong, ông lão nói hai chữ: “Nên thế”. Sau đó ông lại bảo thiếu niên bên phải đọc một bài thơ:
Tham tương chiết quế nghiễm hàn cung,
Tu tín tam thiên sắc thị không;
Khán phá thế gian mê nhãn tương,
Bảng hoa nhất đáo mãn thành hồng.
Đại ý bài thơ này nói rằng, Mạo Khởi Tông bẻ cành quế ở cung Quảng Hằng là vì ông không bị dụ dỗ trước sắc đẹp, tin rằng nhan sắc trong tam thiên đại thiên thế giới vốn là không. Ông viết thêm chú giải khuyên người đời giới sắc, giúp con người thế gian nhìn thấu nhan sắc mê hoặc con người, không tham luyến chấp nhất. Vì công đức khuyến thiện này mà Mạo Khởi Tông được đề danh bảng vàng, được người dân toàn thành chúc mừng.
Kỳ mộng “bảng hoa” ứng nghiệm
Sau khi thiếu niên ngâm thơ xong, ông lão cười sang sảng rồi rời đi. Sau khi tỉnh dậy, La Hiến Nhạc liền miêu tả tỉ mĩ điều nhìn thấy trong mơ, gửi thư cho con trai Mạo Khởi Tông và viết: “Phụ thân của ngươi sẽ thi đậu, nhưng “bảng hoa” trong giấc mơ chỉ cái gì thì ta không biết“. Kết quả đến ngày yết bảng, Mạo Khởi Tông quả nhiên đậu tiên sĩ.
Sau này, Mạo Khởi Tông tìm thấy chú thích về “bảng hoa” trong sách lưu trữ của Trân Tông Cửu, ý tứ là vào triều Đường, lúc Lễ bộ yết bảng, hễ ai mang họ lạ đều được gọi là “bảng hoa”. Họ Mạo thuộc họ lạ nên hai chữ “bảng hoa” mà Lê Hiến Nhạc nghe thấy trong mơ chính là chỉ Mạo Khởi Tông.
Có người bình luận rằng, người đọc sách có thể đạt được công danh không chỉ vì trài trí văn vẻ mà còn phải có phúc báo. Nhìn vận mệnh của Mạo Khởi Tông có thể thấy ông không hề giống người sẽ thi đậu tiến sĩ, nhưng ông vẫn đậu tiến sĩ sau hai sự kiện lạ trên. Đây chẳng phải là phúc báo của Mạo Khởi Tông hay sao?
Tú Văn, theo Epoch Times