Nhằm chuyển hướng suy nghĩ của người dân về đại dịch viêm phổi Vũ Hán, ĐCSTQ đã sử dụng chức năng quảng cáo trên facebook (Facebook Ads) để đăng tải các bài viết có nội dung về việc chỉ trích tổng thống Donald Trump, và “viết lại” các câu chuyện về đại dịch trên các trang Facebook, Instagram của chính phủ Trung Quốc (các trang mạng có hàng chục triệu người theo dõi của họ).
ĐCSTQ đã “chạy” rất nhiều quảng cáo trên mạng xã hội, với các nội dung không liên quan đến chính trị. Thông qua đó, họ muốn quảng bá rộng rãi đến độc giả trên khắp thế giới về những trang mạng xã hội tiếng Anh do chính các công ty truyền thông lớn của Trung Quốc kiểm soát. Chẳng hạn như: Thời báo Hoàn Cầu, Tân Hoa Xã, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và Mạng truyền hình Quốc tế Trung Quốc (CGTN)
Theo đó, các quảng cáo có nội dung liên quan đến chính trị đã thu hút khoảng 45 triệu lượt xem từ ngày 15/2/2020; điều này minh chứng rõ nét cho việc khuếch trương chiến dịch đánh lạc hướng dư luận đầy trơ tráo của Bắc Kinh. Bà Renée DiResta, giám đốc nghiên cứu kỹ thuật tại Stanford’ s Internet Observatory đã cho biết rằng, các bài viết trên kênh truyền thông của chính phủ Trung Quốc trong năm 2019 chủ yếu là “những hình ảnh thân thiện, đáng yêu của gấu trúc và mèo con (làm nổi bật nghệ thuật và văn hóa Trung Hoa) và làm khuếch đại những luận điệu chính trị tình cảm nhẹ nhàng”. Nhưng điều đó đã thay đổi kể từ tháng 2/2020.
“Các bài viết về virus corona được phủ sóng ngày một dày đặc hơn trên các kênh truyền thông Trung Quốc. Hầu hết là các bài báo ca ngợi sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình – chủ tịch nước CHND Trung Hoa, và nhấn mạnh khả năng phòng dịch của chính phủ Trung Quốc”, nhóm của bà Renee DiResta gồm các chuyên gia nghiên cứu về những tuyên truyền có mục đích và các thông tin sai sự thật, cho biết.
Họ đã nghiên cứu hàng trăm bài viết về các kênh truyền thông của chính quyền Trung Quốc, được đăng tải trên trang The Atlantic. “Kể từ tháng 3/2020, các bài viết kích động khiến dư luận phẫn nộ đã xuất hiện, và được quảng cáo đan xen với những quảng cáo khác, nhằm lên án tổng thống Hoa Kỳ – ông Donald Trump, khi ông gọi virus corona là virus Trung Quốc”.
Các bài quảng cáo về chính trị không hề xuất hiện công khai trên Facebook, không nhắm thẳng vào một đối tượng nào đó và cũng không tiết lộ người chi tiền quảng cáo là ai. Tuy nhiên, Facebook lại có chức năng hiển thị các quảng cáo liên quan. Và một trong số các quảng cáo liên quan xuất hiện trên Facebook và Instagram đã được tìm thấy trong thư viện bài viết của các kênh truyền thông Trung Quốc. Tất cả các bài viết ấy, đều có thể được tìm kiếm trực tuyến một cách dễ dàng.
Các bài viết “kịch động” có nội dung như:
- “Tổng thống Trump… dường như đang thiếu kiên nhẫn khi kiểm soát dịch bệnh. Ông và nội các của mình vẫn đang lừa dối người dân Mỹ”, đây là tiêu đề của một bài đăng trên Thời báo Hoàn cầu vào ngày 13/4;
- “Phân biệt chủng tộc bằng ‘ngòi bút”, bài viết được nhật báo Tân Hoa Xã đưa tin, đề cập đến việc Tổng thống Trump loại bỏ từ (virus) “corona” và thay thế nó bằng (virus) “Trung Quốc” trong một diễn văn của mình;
- “Những nỗ lực của Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch #COVID19 đã nhận phải sự phỉ báng và bôi nhọ không ngừng kể từ khi dịch bệnh bắt đầu… #WesternFallacyDebunked”, một quảng cáo “chạy” từ ngày 27/3 đến 2/4 trên Thời báo Hoàn cầu.
- “Tổng thống Donald Trump và phe đối lập đã lợi dụng hiện tượng tất yếu xảy ra trong tự nhiên – đại dịch toàn cầu, để chính trị hóa chúng theo cách đáng xấu hổ nhất từ trước đến nay”, một quảng cáo khác, được đăng trên CCTV vào ngày 13/4.
Trong khi đó, nhiều quảng cáo đã miêu tả sinh động và tích cực về chủ tịch Tập Cận Bình khi đối phó với sự bùng phát dịch bệnh này.
Việc Hoa Kỳ khẳng định tên gọi của virus này là “virus Vũ Hán” đang bị tấn công mạnh mẽ và trở thành tiêu điểm trên các kênh truyền thông thân Bắc Kinh tại Mỹ. Họ cho rằng Hoa Kỳ đang phân biệt chủng tộc. Mặc dù, trước đó cụm từ “virus Vũ Hán” đã được chính kênh truyền thông của chính phủ Trung Quốc sử dụng. Chẳng hạn như: Nhật báo Tân Hoa Xã, Thời báo Hoàn cầu, và những tờ báo khác. Trước đây, các dịch bệnh như Ebola, Zika, virus West Nile, dịch bệnh Lyme và cúm Tây Ban Nha đều được đặt tên theo những nơi virus xuất hiện.
Emerson Brooking, chuyên viên tại Phòng thí nghiệm nghiên cứu pháp y kỹ thuật số của Hội đồng Đại Tây Dương, chia sẻ với The Epoch Times rằng “bước tất yếu kế tiếp” là Bắc Kinh sẽ sử dụng tầm ảnh hưởng của mạng lưới internet/kỹ thuật số của mình để “đột phá” các chướng ngại về quảng cáo chính trị. Ví dụ, Fanpage chính thức của thời báo Hoàn Cầu có hơn 52 triệu người theo dõi, trong khi thời báo New York Times chỉ có hơn 17 triệu người.
Brooking cho biết ĐCSTQ tìm cách chuyển sự chú ý của dư luận sang các nước bị “thất thủ trầm trọng” vì dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, để khiến công chúng quên đi “mớ hỗn loạn” do dịch bệnh gây ra trong nước (Trung Quốc).
Walter Lohman, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Quỹ Heritage cho rằng, bản chất của các bài quảng cáo chính trị trên mạng xã hội của ĐCSTQ chính là “một mặt trận khác” của họ nhằm tấn công Hoa Kỳ. Và theo một nhận định khác: “Đây còn là mối đe dọa đến sự sinh tồn của cả nhân loại”.
“Trong khi các hãng truyền thông như tờ báo Washington Post đã bị lên án vì chạy quảng cáo cho tờ Trung Quốc Nhật Báo (China Daily), thì những quảng cáo chính trị đó, lại được Facebook gắn mác là ‘quảng cáo thông thường’ ”, theo chia sẻ của ông Lohman với The Epoch Times. “Đây là một điều khác biệt, ở chỗ các quảng cáo này không bị gán là quảng cáo (cũng không được trích dẫn nguồn rõ ràng)”.
Những fanpage trên các trang mạng xã hội của ĐCSTQ như Facebook và Twitter đã trở thành công cụ chính của chính quyền nước này nhằm đẩy mạnh tuyên truyền của mình. Các hãng truyền thông nhà nước như Tân Hoa Xã vào tháng trước đã bắt đầu chèn các hashtag như “#Trumpandemic (đại dịch Trump)” và “#TrumpVirus (VirusTrump)” trong các bài viết của họ.
Trong một cuộc điện đàm vào cuối tháng 3/2020, Tổng thống Trump và chủ tịch nước CHND Trung Hoa – ông Tập Cận Bình đã nhất trí “giảm thiểu các cuộc ‘khẩu chiến’ của họ về vấn đề virus corona”.
Nhưng ông Brooking và các chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc khác đều cho rằng thỏa thuận trên (nếu có thể xảy ra) chỉ là tạm thời.
Ông cho biết: “Các cuộc khẩu chiến dần ít đi, nhưng điều này không có nghĩa là nó đã ngừng lại”. Những tranh luận giữa Tổng thống Trump và chủ tịch Tập Cận Bình thực sự đã giảm bớt, nhưng các thuyết âm mưu về virus corona vẫn tiếp tục lan truyền với tốc độ đáng báo động.
“Cuộc bút chiến này quả là quá quan trọng đối với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, vì thế cả hai bên khó có thể từ bỏ nó hoàn toàn”, ông Brooking nói thêm.
Các tài liệu nội bộ của chính phủ Trung Quốc do The Epoch Times thu thập được, đã nhấn mạnh rằng việc chính quyền Trung Quốc cố tình báo cáo không đúng số ca nhiễm virus Corona Vũ Hán là nguyên nhân gây ra dịch bệnh . Đồng thời, việc ĐCSTQ kiểm soát nghiêm ngặt các tin tức về dịch bệnh do người dân chia sẻ, đã góp phần làm cho dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu.
Ông Lohman cho rằng Bắc Kinh sẽ làm bất kỳ điều gì cần thiết để bảo vệ sự thống trị của họ và điều này sẽ “liên quan đến một cuộc chiến công khai nhắm thẳng vào Hoa Kỳ”.
Đại diện của Facebook đã không trực tiếp phản hồi các bình luận của The Epoch Times khi được yêu cầu. Phát ngôn viên của Facebook đã nói với thời báo VICE News rằng hệ thống Facebook của họ đã không “tìm thấy” một số quảng cáo này (mặc dù lẽ ra hệ thống phải “thấy”). Trong khi đó, những quảng cáo “được chạy ở các quốc gia nào, thì Facebook lại không tiết lộ công khai”.
“Chúng tôi đang tiến hành kế hoạch nhận dạng các trang fanpage trên Facebook do nhà nước kiểm soát, bao gồm cả Trung Quốc Đại Lục, và sẽ có nhiều điều sớm được chia sẻ đến người dùng”, phát ngôn viên Facebook nói. “Chúng tôi vẫn đang làm việc với các nhà sản xuất và những chuyên gia bên thứ ba về vấn đề này để đảm bảo rằng chúng tôi có đầy đủ thẩm quyền thực hiện việc này”.
Facebook cho biết rằng các quảng cáo trên những trang mạng xã hội nhà nước mà không gắn mác là “chính trị” sẽ “dễ dàng biến mất khi bị vô hiệu hoá.
Điều này làm cho dư luận gần như không thể đánh giá được toàn bộ quy mô trong nỗ lực tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc”, theo tờ báo VICE cho biết.
Vào tháng trước, gần 15.000 chuyên viên kiểm duyệt nội dung trên Facebook đã phải nghỉ phép do đại dịch, công ty này đang ngày càng dựa vào các thuật toán và lập trình AI để thay thế các nhân viên kiểm duyệt Facebook.
‘Quyền lực mềm’ của ĐCSTQ
ĐCSTQ đang cố gắng sử dụng “quyền lực mềm” của họ, để làm thay đổi dư luận trên toàn thế giới, vốn đang quay lưng lại với Bắc Kinh, theo Steven Mosher, chủ tịch Viện nghiên cứu dân số và là thành viên sáng lập của Ủy ban chống lại mối nguy hiểm hiện tại: Trung Quốc, cho biết.
“Vào năm 2007, Hồ Cẩm Đào (cựu tổng bí thư của ĐCSTQ) đã tuyên bố trong Đại hội Đảng lần thứ 17 rằng: đến lúc Trung Quốc phải chống lại phương Tây và tung ra quyền lực mềm của riêng mình”, ông Mosher chia sẻ với The Epoch Times. “Kể từ đó, ĐCSTQ đã dùng hàng tỷ đô-la Mỹ để mở rộng phạm vi truyền thông ra khắp thế giới”.
Trung Quốc đã cố tình che giấu tổng số ca nhiễm bệnh viêm phổi Vũ Hán ở Đại Lục nhằm bảo vệ hình ảnh của mình đối với người dân trong nước và cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, danh sách các quốc gia bày tỏ sự tức giận và thất vọng về việc xử lý dịch bệnh của ĐCSTQ ngày càng gia tăng.
Các quan chức Bắc Kinh trước đây đã đưa ra những cáo buộc rằng, nguồn gốc thật sự của virus Corona Vũ Hán là từ Hoa Kỳ. Dường như, đây là một phần trong kế hoạch tuyên truyền rộng lớn hơn của ĐCSTQ, bằng cách sử dụng các “vũ khí” vốn có của họ, bao gồm các kênh truyền thông “trực tuyến, ấn phẩm và truyền hình trực tiếp mà chính quyền Trung Quốc đã mua hoặc ‘nuôi dưỡng’ trong suốt 12 năm qua”, ông Mosher nói.
Mức độ hoặc ảnh hưởng của những quảng cáo này đối với công dân Mỹ vẫn chưa rõ nét.
“Khi người ta biết càng ít về bản chất thật sự của ĐCSTQ, họ sẽ càng dễ bị dao động trước việc đánh lạc hướng thông tin của chính quyền này”, ông Mosher nói. Tuy nhiên, “nhờ có” virus Corona Vũ Hán mà ngày càng có nhiều người đã dần nhận ra mức độ nguy hiểm của chính quyền Bắc Kinh, ông nói thêm.
“Một vài quảng cáo trên Facebook không đủ khả năng để xóa tan nỗi sợ hãi và lo lắng của người dân Hoa Kỳ. Họ đã bắt đầu cảm nhận được rằng những tội ác và sự vô trách nhiệm của ĐCSTQ đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình và chính bản thân họ”, ông nói.
Mặc dù các quảng cáo chính trị này không rõ ràng và gây ra cảm giác “bối rối, mơ hồ”, ông Lohman nói rằng có nhiều khả năng, người dân sẽ có phản ứng tập trung vào việc ủng hộ một phe nhất định.
“Những ai nhận được lợi ích từ chính quyền Trung Quốc sẽ cảm thấy ‘có chỗ dựa’, và cũng có những người khác cảm thấy như vậy”, ông nói thêm. “Và tất nhiên, những người phản đối đối với chính quyền Tổng thống Trump chắc hẳn cũng sẽ cùng phe này”.
Attila Tomaschek, chuyên gia bảo mật kỹ thuật số tại ProPrivacy.com nói với The Epoch Times rằng, bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ đang hoạt động hết tốc lực và đây không phải là điều đáng ngạc nhiên, vì đó là cách thức hoạt động của chính quyền này. Mặc dù một số quảng cáo chính trị thu hút số lượng lớn lượt xem, ông nói rằng hầu hết người dân Mỹ đều hiểu rằng cần phải thận trọng trước bất cứ những gì mà phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên truyền, vì có vẻ như mọi thông tin đã được “xử lý”.
Một cuộc khảo sát ngày 8/4 từ Harris Poll cho thấy 77% người dân Mỹ trên toàn quốc đã lên án ĐCSTQ về sự lây lan của virus Corona Vũ Hán. Tương tự, các chính trị gia của các đảng phái chính trị với 67% thuộc đảng Dân chủ, 75% thuộc phe Độc lập và 90% thuộc đảng Cộng hòa đã cho rằng ĐCSTQ cần chịu trách nhiệm trước sự lây lan của virus này.
Trong khi đó, ĐCSTQ muốn lợi dụng đại dịch để “thể hiện bản thân như một hình mẫu” phòng chống dịch. Ông Mosher cho biết thêm rằng chính quyền Trung Quốc đang lo lắng các quốc gia khác sẽ đoàn kết chống lại họ.
“Lý do căn bản là do chính quyền Trung Quốc đang “gây chiến” với Hoa Kỳ trên hầu hết mọi lĩnh vực. Và ĐCSTQ cũng đang cố gắng trong vô vọng để chuyển bại thành thắng, đặc biệt là trong vấn đề ‘virus ĐCSTQ’ “, ông nói.
Một số chuyên gia Trung Quốc chia sẻ với The Epoch Times rằng các công ty công nghệ của Mỹ không nên cấm các quan chức và phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc hoạt động trên diễn đàn của họ, trong khi một số chuyên gia khác thì lại không đồng tình với ý kiến trên.
“Các quan chức và các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đang cố gắng tiếp cận ‘khán giả’ toàn cầu. Đó là lý do tại sao họ cố gắng truy cập vào các mạng truyền thông xã hội. Nói chung, chính phủ và người dân Hoa Kỳ không nên bỏ lỡ cơ hội để vạch trần những mâu thuẫn này, trong cả lĩnh vực kinh doanh lẫn truyền thông,”, ông Lohman cho biết.
“Từ lâu, tôi đã nghĩ rằng chúng ta nên đòi hỏi sự bình đẳng hoàn toàn đối với Trung Quốc trong tất cả mọi lĩnh vực”, ông Mosher nói thêm.
Một số chuyên gia cho rằng Hoa Kỳ sẽ hạn chế quan hệ với chính quyền Trung Quốc. Sự phản đối của lưỡng đảng đối với ĐCSTQ có thể đã ở mức cao nhất trong mọi thời đại vì đại dịch toàn cầu lần này.
Ngoài ra, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã kêu gọi áp dụng lệnh trừng phạt đối với chính quyền Trung Quốc trong việc che đậy và nói dối về đại dịch, khiến cho virus lây lan sang hơn 200 quốc gia.
Tại Vương quốc Anh, các bộ trưởng và các quan chức cấp cao tại Phố Downing cho biết Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với việc đòi bồi thường về vấn đề xử lý ổ dịch và có nguy cơ trở thành “quốc gia bị bài xích”, theo một bài viết trên tờ The Mail vào ngày 28/3. Bài viết tường thuật chi tiết rằng các cố vấn khoa học đã cảnh báo Thủ tướng Boris Johnson về vấn đề: số liệu thống kê chính thức số ca nhiễm virus Corona Vũ Hán của Trung Quốc “đã thấp hơn con số thực tế mà ĐCSTQ đưa ra từ 15 đến 40 lần”, và chính quyền Bắc Kinh vì mục đích đạt được lợi ích kinh tế nên đang dốc sức trục lợi từ đại dịch này.
Theo The Epoch Times