Câu nói của Khổng Tử: “Thực bất yếm tinh, khoái bất yếm tế” (Gạo cần phải tinh, thịt cần phải mịn), bị hiểu sai lệch, bị cho là cổ vũ chủ nghĩa ẩm thực, ăn ngon, cầu kỳ…

Người hiện đại giải thích là: “Gạo càng tinh càng tốt, thịt thái càng nhỏ càng tốt“. Từ đó cho rằng Khổng Tử kén cá chọn canh, ăn uống cầu kỳ, hưởng thụ, và bị chụp cho cái mũ “quý tộc”, “giai cấp bóc lột”… Đây thực ra là sự hiểu sai về Khổng Tử.

Câu này có nguồn gốc trong thiên Hương đảng, sách Luận ngữ, nguyên văn: “Trai tất biến thực, cư tất thiên tọa. Thực bất yếm tinh, khoái bất yếm tế. Thực ý nhi ế, ngư nỗi nhi nhục bại, bất thực. Sắc ác bất thực, khứu ác bất thực. Thất  nhẫm bất thực, bất thời bất thực. Cát bất chính, bất thực…

Tạm dịch: “Trai giới phải thay đổi món ăn, ở phải chuyển chỗ ở. Gạo cần phải tinh, thịt cần phải mịn. Món ăn ôi thiu, cá ươn thịt ôi không ăn. Thức ăn biến sắc không ăn, thức ăn có mùi không ăn. Nấu ăn không thích hợp không ăn, không đúng lúc không ăn. Thái không thích hợp không ăn…

Gạo cần phải tinh, thịt cần phải mịn. Món ăn ôi thiu, cá ươn thịt ôi không ăn. Thức ăn biến sắc không ăn, thức ăn có mùi không ăn.
Gạo cần phải tinh, thịt cần phải mịn. Món ăn ôi thiu, cá ươn thịt ôi không ăn. Thức ăn biến sắc không ăn, thức ăn có mùi không ăn. Nấu ăn không thích hợp không ăn, không đúng lúc không ăn. (Ảnh: Shutterstock)

Từ đoạn văn này chúng ta có thể thấy, đây là yêu cầu của Khổng Tử đối với món ăn để cúng tế, trai giới, hoàn toàn không phải Khổng Tử cầu kỳ ăn uống thường nhật.

Một số người cho rằng, Khổng Tử là người vô Thần. Nhưng nếu Khổng Tử vô Thần thì tại sao ông lại cúng tế? Hơn nữa Khổng Tử coi trọng nhất là cúng tế tổ tiên và Thần linh Trời Đất. Thực tế Khổng Tử thành tín Thần linh; trong sách Trung Dung, Khổng Tử có nói: người bình thường không trông thấy Thần, không nghe thấy Thần, nhưng quỷ Thần làm chủ tạo hóa… vì vậy ông nhấn mạnh, cúng tế quỷ Thần cần phải “Trai minh phục thịnh“, nghĩa là phải “Trai giới nghiêm túc, lễ phục chỉnh tề“.

Khổng Tử nói: “Tế Thần như Thần tại“, tuy không trông thấy Thần, nhưng khi cúng tế thì phải thành kính giống như Thần đang ở trước mặt.

Do đó câu: “Thực bất yếm tinh, khoái bất yếm tế” (Món ăn cần phải tinh, thịt cần phải mịn) là nói về món ăn dùng để cúng tế, cần phải có yêu cầu đặc biệt, không được xử lý như món ăn thông thường. Khi cúng tế, gạo phải đầy đặn, cố gắng dùng gạo ngon tinh tế. Thịt cố gắng thái mỏng và đều. Nguyên liệu và cách chế biến món ăn cần chú trọng sạch sẽ và thái, cắt đúng cách. Đó đều là tuân theo quy định đối với món ăn dùng cúng tế, bày tỏ lòng thành kính đối với quỷ Thần, tổ tiên, như vậy mới đạt được “Tận Nhân”“Tận Lễ” của Nho gia.

Học giả Tiền Mục cho rằng “Bất yếm” có nghĩa là “Không ăn no”, ý tứ là khi trai giới thì nhất định phải thay đổi thói quen ăn uống thường ngày, không được vì thức ăn ngon mà ăn quá nhiều. Cách giải thích này cũng phù hợp với Đạo “khắc kỷ phục lễ” nhất quán của Khổng Tử.

(Món ăn cần phải tinh, thịt cần phải mịn) là nói về món ăn dùng để cúng tế, cần phải có yêu cầu đặc biệt, không được xử lý như món ăn thông thường.
Món ăn cần phải tinh, thịt cần phải mịn là nói về món ăn dùng để cúng tế, cần phải có yêu cầu đặc biệt, không được xử lý như món ăn thông thường. (Ảnh: Shutterstock)

Trong Thuyết văn giải tự“Yếm” có nghĩa là “Trách”, là “ép”, tức có ý cưỡng bức, cưỡng cầu. Theo nghĩa này thì câu nói trên có nghĩa là: “Gạo không cần buộc phải ngon, tinh tế, ăn thịt không cần buộc phải thái nhỏ“. Đây cũng là một biểu hiện “người quân tử ăn không cầu no, ở không cầu an“.

Những cách hiểu, lý giải trên tuy khác nhau nhưng có điểm thống nhất, đó là hoàn toàn trái ngược với cách hiểu theo giải thích của một số người hiện đại theo chủ nghĩa duy vật, hưởng lạc. Bởi vì trong lòng người mà có Thần, có lễ thì mới tự ước thúc bản thân. Thoát ly khỏi hàm nghĩa của tầng văn hóa này của Nho gia thì câu này bị giải thích sai, trở thành lý do để cổ vũ con người chạy theo vật chất, ăn uống hưởng lạc.

Đa số người bình thường truy cầu ăn ngon, để thỏa mãn ham dục ăn uống, nên thường xa hoa thừa mứa, thức ăn không ngon thì ăn ít hoặc không ăn. Nhưng Khổng Tử trừ khi cúng tế ra thì ông không cầu kỳ về đồ ăn, không vì bữa ăn ngon mà ăn no, không vì thịt ngon mà ăn nhiều. Ăn cơm gạo thô cho no bụng, uống nước lã để giải khát, gối đầu lên cánh tay đi ngủ, vẫn thấy niềm vui ở trong đó. Người quân tử ăn uống phải có tiết chế, tiết kiệm, sao có thể đề xướng món ăn chế biến ngon thì ăn nhiều? “Người trí thức lập chí hướng học Đạo mà lại xấu hổ bởi trang phục xấu, đồ ăn kém thì không đủ tư cách để cùng đàm đạo”.

Theo NTDVN.COM

Tài liệu tham khảo:
– Luận ngữ
– Trung dung
– Luận ngữ tập thích – tác giả: Trình Thụ Đức
– Vận thư – tác giả: Tống Đinh Độ.
– Luận ngữ tân giải – tác giả: Tiền Mục