Sống theo chuẩn mực văn hóa đạo đức truyền thống cũng là đồng tại với những phẩm chất tốt đẹp thiện lương.
Chỉ có tâm đại thiện, đại nhẫn mới có thể yêu thương và cải biến được chính kẻ thù của mình. Câu chuyện dưới đây là một bài học ý nghĩa cho cuộc sống này.
Từ thời xa xưa, tại Trung Quốc cổ đại, có vị trạng nguyên họ Vũ, tự cho mình quyền cao chức trọng, không xem ai ra gì, thường hay bắt nạt hàng xóm.
Hàng xóm của vị này là một ông lão râu bạc phơ, sống cùng với ba người con trai. Một hôm, ông lão gọi ba người con tới và nói rằng: “Ta làm chủ cái nhà này cả đời rồi, hay bị người khác bắt nạt. Các con cũng phải theo ta chịu bao nỗi oán hận không đâu, chịu biết bao nhiêu thiệt thòi. Giờ ta già rồi, tới lượt các con làm chủ gia đình. Hôm nay, ta cho mỗi con hai lạng bạc, hãy ra ngoài làm một việc thiện tích đức, khi các con trở về, ai có đạo đức tốt đẹp, ai làm tốt nhất, người đó sẽ làm chủ gia đình này”.
Một thời gian sau, ba người con trai đều đã trở về, người cha bảo các con hãy kể về việc thiện mỗi người đã làm được.
Người con trai cả nói: “Một hôm, con nhìn thấy một người phụ nữ nhảy sông tự tử, con liền lao xuống dòng sông cứu cô ấy lên bờ. Cô ấy đang mang thai, vậy là con đã cứu được hai mạng người”. Người cha gật đầu không nói gì.
Người con thứ hai nói: “Con đi qua một thôn nhỏ, nhìn thấy một ngôi nhà đang bốc cháy. Hôm đó đúng lúc gió thổi mạnh, nhìn thấy cảnh lửa cháy tràn lan trước mắt, con nhảy vào biển lửa, dập tắt đám cháy, giữ lại được bao nhiêu tài sản và cứu được sinh mệnh cả nhà họ”. Người cha vui vẻ cười, nhưng cũng không nói gì.
Người con trai út nói: “Cha cho con xin lỗi, con đã làm một việc xuẩn ngốc, con đã cứu chính kẻ thù của mình. Hôm đó, con đi ngang qua núi, nhìn thấy Vũ trạng nguyên xuất chinh thắng trận trở về, vui mừng tới đỗi uống rượu say khướt, rơi xuống vách núi cheo leo ngủ say sưa, chỉ cần y lật mình một cái là ngã xuống vách núi, thịt nát xương tan. Con vốn nghĩ để mặc y, ngã xuống núi cũng là do y vận rủi. Nhưng con lại nghĩ, biên cương cần y phòng thủ, sa trường cần y đi chinh phạt, nên cuối cùng con hét gọi y tỉnh giấc. Y vô cùng xấu hổ, cúi gập mình chào con rồi lên ngựa đi mất”.
Người cha già ha ha cười lớn, quyết định cho người con trai út làm chủ gia đình, anh cả và anh hai không phục. Người cha già nói: “Cứu mạng người chỉ cứu được một người, cứu hỏa sẽ cứu được một nhà. Chỉ có quốc gia thái bình giàu mạnh, bách tính mới có thể an cư lạc nghiệp. Em các con có thể vứt bỏ ân oán cá nhân, trước là vì nước, sau là vì nhà, đây là đạo đức cao đẹp nhất”.
Mặc dù câu chuyện rất ngắn nhưng cảm động lòng người, người cha già và ba người con trai đều là những người nhân nghĩa, mà người con trai út lại cao hơn một bậc, đại thiện đại nhẫn của anh đã cảm hóa được người hàng xóm hung bạo.
Đây là đạo đức tốt đẹp xưa nay được người đời tôn kính truyền tụng. Nhưng ngày nay, trong xã hội bon chen vì danh lợi trước mắt này, giá trị đạo đức ấy đã ngày càng mai một. Giữa người với người luôn mang tâm ngờ vực phòng bị, thiếu sự tin tưởng lẫn nhau. Dường như ai ai cũng là kẻ địch sát sườn, xã hội bại hoại, tham quan lộng hành, ai ai sống cũng thấy mệt mỏi.
Vậy nên, con người chỉ có thể quay về với giá trị văn hóa truyền thống, cải biến tâm linh mới là con đường thuần chính nhất.
Theo minhhue