Trong Tây Du Ký, Sa Tăng có thể nói là nhân vật “mờ nhạt” nhất trong 4 thầy trò. Công việc đại sự thường là do Tôn Ngộ Không phối hợp với Trư Bát Giới ra mặt, còn Sa Tăng thì rất ít nói chuyện, lâu lâu mới giúp trừ yêu.
Sa Tăng vốn là Quyển Liêm Đại tướng trên Thiên Đình, là vị thần trông coi xe loan ở điện Linh Tiêu. Năm xưa, vì vô ý làm vỡ chiếc chén lưu ly ở hội Bàn Đào mà bị đày xuống hạ giới. May mắn gặp Quan Thế Âm Bồ Tát, Sa Tăng được trở thành đồ đệ phò tá Đường Tăng để chuộc lại lỗi lầm.
Trong chuyến hành trình thỉnh kinh của 4 thầy trò, Sa Tăng chủ yếu là trông coi hành lý, bưng trà rót nước mời sư phụ và các sư huynh. Trái ngược với vẻ ngoài hung tợn, Sa Tăng lại mang một trái tim ấp áp, lương thiện. Phật gia có giảng từ bi, ở phương diện này, Sa Tăng cũng không kém hơn so với Ngộ Không hay Bát Giới.
Trong “Hồi thứ 30: Tà ma phạm chính đạo – Tiểu Long nhớ Ngộ Không”, yêu tinh Khuê Mộc Lang bắt công chúa Bách Hoa Tu của nước Bảo Tượng làm vợ. Đường Tăng cũng bị yêu tinh bắt vào động và gặp được công chúa. Công chúa mong ngóng mòn mỏi được trở về với phụ hoàng nhưng đành bất lực.
Công chúa muốn cứu Đường Tăng ra ngoài và nhờ Đường Tăng mang một bức thư cho phụ vương của mình. Chuyện này bị yêu tinh Khuê Mộc Lang biết được, và Sa Tăng đã nhận hết trách nhiệm về mình, một là để báo ơn tri ngộ của Đường Tăng, hai là để cứu công chúa.
Sa Tăng thầm nghĩ: “Công chúa đã cứu mạng sư phụ ta, quả là ơn trời biển. Nếu ta nói ra sự thực thì ông ấy sẽ giết công chúa mất. Làm vậy chẳng phải là lấy oán báo ơn hay sao? Thôi, lão Sa ta ở cùng sư phụ bấy lâu nay, cũng chẳng có công lao gì để báo đáp sư phụ. Hôm nay cũng đã bị trói ở đây, thì mang cái mạng này đền ơn sư phụ vậy”.
Sa Tăng bèn hét lớn: “Yêu quái kia, chớ thất lễ! Sư phụ ta làm gì có thư từ nào, ngươi đừng đổ oan cho sư phụ ta mà làm hại tới tính mệnh của ông ấy! Chúng ta tới đây đòi công chúa, là vì ngươi đã bắt sư phụ ta vào trong động, mà sư phụ ta đã từng nhìn thấy diện mạo của công chúa.
Chúng ta đến nước Bảo Tượng xin ấn ngọc khi đi qua biên giới. Vị hoàng đế đó mới kể về tướng mạo của công chúa, hy vọng rằng trên đường đi may mắn tìm được nàng. Sư phụ ta mới nhắc tới vị công chúa đó, hoàng đế liền biết ngay đó chính là công chúa, mới ban rượu quý và bảo chúng ta tới đòi công chúa về cho phụ vương của nàng.
Đây là sự thực, sao ngươi lại nghi ngờ công chúa viết thư gì cho hoàng đế đây? Ngươi muốn giết thì hãy giết lão Sa ta, đừng hại oan cho dân thường, mà làm tổn hại Thiên lý”.
Sa Tăng cứu công chúa nguyên nhân chủ yếu là để báo ơn sư phụ, vì sư phụ cũng từng được công chúa cứu mạng, đây là nguyên nhân chính. Còn một nguyên nhân nữa, vì Phật gia tu thiện, Sa Tăng đã đi theo Đường Tăng, cũng là người tu hành, xuất tâm từ bi cứu người là lẽ đương nhiên.
Mặc dù Sa Tăng không phải là nhân vật chính trong việc trừ yêu, nhưng được đi theo Đường Tăng là cơ duyên hiếm có nhất, cũng là một sự thiên vị rất lớn. Những gì Sa Tăng đã làm không quá đặc biệt, nhưng trong mắt của các vị Thần, họ nhìn xem một người cao thấp ra sao, không phải ở hành vi bên ngoài, mà là ở chính nội tâm.
Đức Tín, theo NTDTV, Tinhhoa