Cuộc sống có quá nhiều những cám dỗ và con người thật sự rất yếu kém, khả năng khống chế quá kém, trôi theo cuộc sống đã thật sự đánh mất bản thân. Đã đến lúc chúng ta phải tỉnh thức.

7siVoh-20180703-giao-vien-canada-tai-viet-nam-song-tinh-thucJesse Peterson-giáo viên tiếng Anh người Canada. (Ảnh: yutobe)

Chúng ta tự tạo ra cho mình và cho lẫn nhau những chiếc bẫy, tự sa vào đó và tự hỏi tại sao cuộc sống không thoải mái. Nhưng điều nực cười là sống lâu trong cái bẫy đó thì lại thành quen, họ đều thấy bình thường. Tôi không nghĩ sống theo tiêu chuẩn của người khác đã thiết kế ra như các chương trình truyền hình, thói quen nạp đường, bia rượu, game, truyền thông xã hội, chạy theo mốt mới…“.

Đó là một trong những chia sẻ trong bài viết về những trải nghiệm của anh Jesse Peterson – một giáo viên dạy tiếng Anh người Canada đã sống ở Việt Nam 7 năm.

-***-

Tôi ngồi xem bóng đá với vài người bạn và một gia đình Việt kiều Anh. Họ có bốn con, tôi nhìn chúng và nói với bạn tôi: “Thấy không? Bọn trẻ ngồi rất ngoan. Không như mấy đứa nhỏ khác, chúng đi khắp nơi, làm phiền mọi người. Em nên tiếp tục nuôi con kiểu phương Tây này”.

 “Jesse, nhìn lại đi. Chúng ngoan vì đang dùng điện thoại đó”.

Tôi nhìn lại và hơi bị sốc. Đúng thật, bốn đứa trẻ đang dùng cả iphone và ipad. Việc cha mẹ cho con tiếp xúc công nghệ khi còn quá nhỏ rất nguy hiểm. Tôi ngao ngán: “Ồ, còn tệ hơn cả thiếu kỷ luật”.

Tiếng Anh có từ “awake”. Nó có nghĩa đen là thức dậy nhưng cũng có nghĩa bóng là tỉnh thức, đừng mê đắm vào điều gì. “Tỉnh thức” là việc thành công trong chống lại sự cám dỗ tinh vi, không bị lạc trong những “mật ngọt” của cuộc sống, không bị mất tập trung vào nhiều thứ luôn được “giăng bẫy” sẵn với con người.

Rất nhiều lần tôi cáu với chính mình vì tự động mở Facebook trong vô thức, xem hôm nay mình có bao nhiêu like, bạn bè có gì mới không. Nó khiến tôi bị mất thời gian và mất đi sự tập trung vào cuộc sống thật của tôi.

Tôi nhớ một tài xế chở tôi đi miền Tây. Mỗi lần dừng xe để nghỉ là ông mở Clash of Clans – một game trên điện thoại – và chơi nó. “Tôi chơi lâu rồi, giờ không bỏ được đâu, phí thời gian đã đầu tư”, ông cười. Game đã thôi miên, khiến ông quên mất đi con người và cảnh vật thật xung quanh.

Một người Canada, bạn tôi, đang ở Việt Nam. Anh uống cà phê khi thức dậy, hút thuốc lá cả ngày, tối thì uống bia. Caffeine và đường trong cà phê, nicotine trong thuốc lá, cồn trong bia đi vào não, kích động cảm xúc và hành vi của anh suốt cả ngày. Điều đó chỉ chấm dứt nếu anh thay đổi, thôi không nạp các hóa chất đó vào người.

Một đứa con nhà hàng xóm khá là béo phì. Cậu bé hay uống nước ngọt vì đã xem những quảng cáo hấp dẫn của các công ty bán hàng, rồi cộng thêm thói quen bị nghiện đường trong sữa và đồ ăn từ nhỏ. Trên truyền hình Việt Nam, tôi thấy họ quảng cáo sữa “tốt cho sức khỏe” nhưng sự thực thì ngược lại, sữa bò chưa chắc đã tốt cho sức khỏe – khoa học đã chứng minh điều này; còn đường là “cái chết trắng”, vô cùng hại cho sức khỏe. Vậy mà quảng cáo, vì mục tiêu bán hàng, vẫn cứ “thôi miên” người ta. Những người phụ nữ thì bị thôi miên bằng cách mua hàng tấn mỹ phẩm đắt tiền, thương hiệu thời trang thiết kế, phẫu thuật thẩm mỹ.

Và giờ này, bóng đá. Hai người đàn ông đã tự tử bằng thuốc chuột và thuốc trừ sâu vì thua cá độ bóng đá hôm qua, tại TP HCM.

Tôi khá là thích chơi bóng đá vì nó tốt cho sức khỏe. Tôi cũng biết rất nhiều người cũng u mê vì bóng đá. Thực sự bóng đá không phải là vấn đề, mà cách họ sống trong mùa World Cup mới là điều đáng nói. Họ không xem bóng đá một cách lành mạnh mà lấy bóng đá như cái cớ để nhậu nhẹt và cá độ. Những người đàn ông này được bệnh viện cấp cứu, họ sẽ trở về với món nợ cá độ bóng đá cộng thêm viện phí.

Tôi nhớ lúc nhỏ tuổi, bố hay phàn nàn em trai và tôi: “Hôm nay thời tiết đẹp lắm, sao lại ngồi xem phim hoạt hình cả buổi sáng?”. Lúc đó tôi không hiểu tại sao bố lại ghét tivi trong khi tất cả mọi người đều có ít nhất một cái trong nhà. Sau này tôi mới hiểu, xem tivi nhiều bạn sẽ hệt như một zombie (xác sống), một phần não mình bị tắt do sóng não chùng xuống.

Chúng ta tự tạo ra cho mình và cho lẫn nhau những chiếc bẫy, tự sa vào đó và tự hỏi tại sao cuộc sống không thoải mái. Nhưng điều nực cười là sống lâu trong cái bẫy đó thì lại thành quen, họ đều thấy bình thường. Tôi không nghĩ sống theo tiêu chuẩn của người khác đã thiết kế ra như các chương trình truyền hình, thói quen nạp đường, bia rượu, game, truyền thông xã hội, chạy theo mốt mới… là một cuộc sống ý nghĩa. Tôi nghĩ đã đến lúc ta phải sống với sự tỉnh thức nhiều hơn. Dành thời gian và sự tập trung cho những gì thực sự quan trọng với cuộc đời mình, như sức khỏe, công việc cần thiết, người thân, việc làm ý nghĩa… Đó là cách từ từ để kéo mình ra khỏi đầm lầy.

Bộ não con người cũng là một loại cơ bắp. Vùng vỏ não ở trán trước là chỗ kiểm soát sự tập trung của mình, đó cũng là chỗ bị tấn công bởi tivi, game… Nhưng mình có thể giành lại nó bằng cách chỉ cần dùng nó nhiều hơn, từ bỏ tất cả những thứ thôi miên mình bằng một ý chí mạnh mẽ. Cá nhân tôi đã chiến đấu giành lại cuộc sống của mình bằng cách đọc sách, vẽ, thiền, tập thể dục, ngồi ngắm thiên nhiên.

 Gần đây, tôi thấy vui nhất khi chỉ ngồi với bạn thân nhất và uống một ít trà, chơi cờ vua, hay nói chuyện nhẹ nhàng về một cuốn sách hay học cái mới – “bắt” điều gì mới mẻ chui vào cái đầu mình.

Khi có khả năng kiểm soát thói quen xấu của bộ não, ta sẽ vui hơn rất nhiều so với việc ăn đường, có nhà to, xe hơi, bạc vàng.

Theo VNE