Một vị đồng tu đã từng viết bài thơ có tên “Cây hồ dương trên sa mạc”:
Là cây hồ dương ngạo nghễ trên sa mạc
Trải qua nắng gắt cùng giá rét
Vì lữ khách nghỉ chân mà duỗi căng tán rộng
Lấy cả thân mình che ánh mặt trời chói chang
Là cây hồ dương bất khuất trên sa mạc
Ngàn năm đứng sừng sững
Ngàn năm phong sương
Đổ xuống rồi vẫn nguyên vẹn như trước
Ngàn năm bất hủ quật cường
Là cảnh tượng không thể quên trên sa mạc
Hành trình đằng đẵng cùng nhau đi chung một con đường
Đã thêm vào biết bao nhiêu mộng tưởng
Đã xua tan bao nhiêu ly biệt lẫn bi thương
Là cây hồ dương cô độc trên sa mạc
Cô tịch ngàn năm vì một đời bi tráng
Mà có thể là vì những vì sao lấp lánh trong vũ trụ bao la kia
Cam nguyện vận mệnh ngàn năm trong luân hồi
Làm một cây khô
Một cây hồ dương sừng sững trên sa mạc
Năm 2010, có một vị đồng tu ở Tân Cương nhờ người chuyển cho tôi một lá thư, thời điểm đó vì bị bức hại phi pháp mà tôi không kịp nhận, đợi đến khi tôi đọc được bức thư này thì đã là đầu tháng 01 năm 2011.
Lúc ấy đọc thư xong tôi rất cảm khái: Bất kể kiếp này chúng ta ở phương trời nào, có bối cảnh và kinh nghiệm gì chăng nữa thì hết thảy đều không quan trọng, quan trọng là Đại Pháp mà chúng ta đắc được ở đời này đã khiến tâm của chúng ta tương liên, khiến nguyện của chúng ta nối liền.
Mọi người đều biết rằng rất nhiều đồng tu ở vùng Tân Cương của Trung Quốc Đại lục có cuộc sống sinh hoạt không hề dễ dàng, chẳng những vậy còn cần làm tốt việc mà một người tu luyện nên làm, điều này khiến mọi thứ càng thêm khó khăn. Tôi mượn bài viết này như một cơ hội kể lại quá trình tìm Pháp ở Tân Cương trong kiếp trước của một vị đồng tu, hy vọng chúng ta đều có thể vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, tại hoàn cảnh xã hội… để bước đi thật tốt con đường mà chúng ta nên đi.
Vào triều đại nhà Minh, người tu luyện này chuyển sinh thành con trai của một cặp vợ chồng thương nhân, khi ấy cậu bé khoảng 10 tuổi. Đoàn thương nhân men theo tuyến Lâu Lan – A Khắc Tô – Khách Thập Nhất của con đường Tơ Lụa cổ đại để đem những vật phẩm như tơ lụa, gốm sứ, lá trà, và cả tranh thư pháp… đến bán ở khu vực Trung Á, Tây Á. Khi họ đi tới gần sông A Lý Mộc thì gặp phải bọn cướp, trong lúc tứ tán hỗn loạn, cậu bé bị lạc khỏi cha mẹ và đoàn thương nhân. Cậu một mình đi đến bờ sông A Lý Mộc, phía xa là cát vàng, trước mặt là nước sông, đối diện với tình cảnh này cậu bé bỗng chốc không biết phải xoay sở ra sao.
Vì đây là lần đầu tiên trong đời cậu đi con đường này, hơn nữa lại quá nhỏ tuổi, chưa từng trải qua hoàn cảnh khốn khó như thế nên cậu bé liền cảm thấy khổ não và bất lực.
Trời chập tối, gió lớn rít qua, cát sỏi táp vào khuôn mặt bé nhỏ đau rát, cổ họng sớm đã khóc khản cả rồi. Chẳng còn cách nào, cậu đành tìm một chỗ tránh gió cuộn mình nép vào trong lánh nạn, trải qua một đêm đầy hốt hoảng sợ hãi.
Trời vừa rạng sáng, dường như có một giọng nói bảo cậu hãy men theo bờ sông đi một mạch về phía trước. Cậu đi đến gần giữa trưa thì thấy dường như cách đó không xa xuất hiện một thôn trang và người qua lại, cậu bé vô cùng mừng rỡ rảo bước thật nhanh, nhưng thôn trang và đám người cứ mãi cách cậu đúng một khoảng như thế (hiện tượng ảo ảnh), sau đó thậm chí còn không nhìn thấy chút bóng dáng nào nữa. Đến lúc này, ý chí của cậu đã hoàn toàn sụp đổ, thêm vào đó là nhiệt độ trên sa mạc lên rất cao (lúc ấy đang là giao mùa xuân hạ nên trời không quá nóng). Cậu như quả bóng hết hơi, nằm dài trên bờ sông chờ đợi, hoặc có người đến cứu, hoặc là Tử Thần đến mang đi.
Trong lúc nằm chờ, cậu thực sự quá kiệt sức nên bất tri bất giác chìm vào hôn mê. Đến khi cậu mở mắt ra, lại đã thấy mình đang nằm trong một túp lều. Có một cô bé trạc tuổi nhìn thấy cậu tỉnh lại liền vỗ tay mừng rỡ, cô vội vàng chạy ra khỏi lều tìm cha mẹ tới, cha mẹ cô bé vừa nhìn thấy cậu tỉnh lại cũng vô cùng vui mừng, bèn lấy cho cậu chút nước và đồ ăn. Ăn xong rồi, cha mẹ cô bé mới hỏi cậu tại sao lại nằm hôn mê bất tỉnh bên bờ sông, cậu bé kể lại đầu đuôi câu chuyện.
Mẹ cô bé thở dài một tiếng: “Quả đúng là Ông Trời không tuyệt đường sống của ai, mấy ngày trước ta nằm mơ, mơ thấy mình nhặt về một đứa trẻ, xem ra giấc mơ này của ta thành sự thật rồi”.
Bà thấy việc đến nước này, vậy cũng nhận cậu bé làm con nuôi. Sau này cậu mới biết gia đình cô bé vốn mở một quán trọ trên ốc đảo gần đó, cung cấp chỗ ăn nghỉ cho khách vãng lai, hôm ấy mẹ của cô bé muốn ra ngoài cưỡi ngựa đi dạo, thế nên mới gặp cậu ở bờ sông rồi cứu cậu về.
Quanh ốc đảo này có rất nhiều rừng hồ dương, thi thoảng cô bé lại dẫn cậu vào rừng hồ dương chơi, còn nói cho cậu biết cây hồ dương có thể sống đến ngàn năm tuổi. Cũng có khi cậu chợt nhớ đến cha mẹ và các cô chú trong đoàn thương nhân rồi nước mắt đầm đìa, cô bé ở bên cạnh an ủi cậu, pha trò để làm cậu vui.
Thời gian trôi qua thật nhanh, chớp mắt đã qua 10 năm nữa, trong thời gian 10 năm này, cha mẹ nuôi cũng nhờ rất nhiều người tìm kiếm cha mẹ cậu và đoàn thương nhân, nhưng rốt cuộc thông tin nhận được lại là: Rất nhiều người đều đã bị bọn cướp sát hại, hàng hoá cũng bị cướp hết. Cậu nghe xong đau buồn chật vật mất một thời gian.
Lúc này, cô bé đến an ủi cậu, nói rằng: “Anh xem cây hồ dương có thể sống được ngàn năm, khi chết rồi vẫn có thể kéo dài thêm 1.000 năm nữa mới đổ, đổ rồi vẫn còn 1.000 năm nữa mới bị mục nát, vậy tổng cộng là 3.000 năm, 3.000 năm ấy xảy ra biết bao nhiêu chuyện bi ai và tiếc nuối!”
Cậu nghĩ một hồi lâu, rồi chầm chậm lẩm bẩm một mình: “Đem chuyện cha mẹ ta và đoàn thương nhân bị sát hại so sánh với sự tồn tại 3.000 năm của cây hồ dương, dường như thời gian và mức độ thống khổ là không thể bì được”. “Đúng là như vậy, khi gặp chuyện thì xoay sở vượt qua là tốt rồi”.
Sau đó cha mẹ đưa hai cô cậu cùng đến một vùng gần đó thăm Động Thiên Phật (gồm ba hang động là Khố Mộc Thổ Lạp, Khắc Tư Nhĩ và Sâm Mộc Tắc Gỗ), khi ngắm nhìn những bức tượng Phật này, cậu ngay lập tức bị cuốn hút, cảm thấy thì ra sinh mệnh vốn có thể sống một cách tuyệt diệu và ý nghĩa như vậy.
Lúc này cậu không chỉ khởi lên tâm kính ngưỡng Thần Phật, mà còn có nguyện vọng muốn quay trở về thiên đàng.
Tại đây câu nói với cha mẹ những suy nghĩ của mình, cha mẹ nuôi vốn định gả vợ cho cậu, giờ thấy cậu nói như vậy, cảm thấy cậu bé là người rất có căn cơ, vậy nên sau khi quay về họ luôn để mắt đến cậu, xem xem liệu có thể có cao nhân dạy dỗ cậu về mặt tu hành được hay không.
Sau đó mấy năm, vào một buổi trưa, có một vị tự xưng là tăng nhân từ ngoại bang (nước ngoài) đến đây. Vị tăng nhân này vừa nhìn thấy cậu liền nói, xem ra con và ta thực sự có duyên, ta phải đem con tới đỉnh núi cao nhất (núi Himalaya) mà ở tại đó tu hành.
Cha mẹ nuôi của cậu và cô bé có chút luyến tiếc không nỡ rời xa, nhưng lại không muốn làm lỡ đại sự tu hành của cậu. Vậy nên sang ngày thứ hai họ đã khởi hành.
Khi họ đi đến chân núi Côn Luân, có một vị cao tăng xuất hiện, vị cao tăng này nhìn thấy vị tăng nhân ngoại quốc mang theo cậu bé, liền chặn lại hỏi xem họ muốn đi đâu. Vị tăng nhân ngoại quốc trả lời rằng họ cần đến núi Himalaya tu hành. Vị cao tăng kia nghĩ một hồi bèn nói: “Trước mắt chúng ta khoan đi tới đó. Bởi vì tương lai tại Trung Thổ còn cần truyền ra một Đại Pháp vạn cổ khó gặp. Hai người còn cần kết rất nhiều duyên với người và việc ở Trung Thổ mới được. Nếu như đi tới Himalaya thì sợ là đến lúc ấy sẽ khó mà kết được Pháp duyên khó đắc này”.
Hai người họ nghe xong vội vã nói: “Vậy chúng tôi hiện tại phải làm sao?”. Cao tăng cười: “Cây hồ dương và ốc đảo là dựa vào nhau mà tồn tại đó!”.
Thấy hai người họ mãi vẫn chưa hiểu, cao tăng lại lặp lại một lần nữa. Nói xong liền đi mất.
Vị tăng nhân ngoại quốc và cậu nhìn nhau một lúc lâu, cuối cùng hiểu ra rằng: “Đầu tiên chúng ta cần ở trong thế tục này có chính niệm tu hành, và kiên định tin tưởng rằng nhất định có thể gặp được vị Giác giả truyền Đại Pháp vạn cổ khó khặp trong tương lai. Vị Giác giả ấy cũng nhất định có trăm phương ngàn kế để tìm ra chúng ta!”.
Hay thầy trò không nghĩ đến chuyện đi Himalaya nữa, mà ở tại bờ Nam của Sa mạc Taklamakan tìm một ốc đảo có nhiều rừng hồ dương rồi thu xếp ổn định. Họ ở tại nơi này chờ đợi vị Giác giả sẽ truyền Đại Pháp trong tương lai. Lần chờ đợi này kéo dài 60 năm.
Trong 60 năm chờ đợi tưởng chừng như vô tận ấy, bất kể cảm thấy vô vọng đến mức nào, họ đều lấy tinh thần của cây hồ dương 3.000 năm không mục nát để khích lệ bản thân. Cuối cùng, đến một ngày vị Giác giả mà họ chờ đợi đã đến.
Vị Giác giả ấy xuất hiện trong hình dạng của một thương nhân. Người thương nhân này đến gặp họ nói: “Bản thân ta có một món đồ gốm cũ, có thể phản chiếu ra được tương lai hai người sẽ kết duyên với ai, nhưng phải dùng ‘tâm’ mà đổi lấy”.
Vị tăng nhân ngoại quốc (lúc này đã trăm tuổi rồi) nghe như có ý ở trong lời, bèn cố ý dò xét: “Tương lai liệu chúng tôi có thể gặp được Đại Pháp quảng độ thế nhân chăng?”.
Cậu nghe người thương nhân và vị tăng nói chuyện qua lại, bỗng nhiên sáng rõ vấn đề, liền thẳng thắn nói: “Nếu ngài biết có cách nào để chúng tôi đời này có thể gặp được vị Giác giả sẽ truyền Đại Pháp trong tương lai, xin ngài hãy làm ơn nói thẳng cho cho chúng tôi biết”.
Thương nhân nói: “Chẳng phải ta đã nói rồi sao, dùng tâm mà đổi lấy”.
Cậu nghe xong lập tức kéo vạt áo quỳ rạp xuống, thành khẩn hướng về phía thương nhân cầu xin vị ấy cho phép họ tương lai có thể đắc Pháp tu hành. Họ đã chờ đợi 60 năm cũng chính là vì một lần gặp ngày hôm nay thôi.
Thương nhân cười nói: “Thực ra trong dòng sông dài vô tận của lịch sử, tất cả những phó xuất và tất cả khoảng thời gian mà hai người đã chờ đợi để tương lai được đắc Pháp còn lớn hơn rất rất nhiều so với hiện tại. Dù sao chăng nữa, hôm nay duyên phận đã kết thành, vậy trong tương lai khi thật sự có thể đắc được Đại Pháp, cần phải tu cho thật tốt!”
Hai người họ rơi lệ, không ngừng khấu đầu. Đến khi họ lau nước mắt ngẩng đầu lên, thương nhân đã sớm biết mất không thấy hình bóng nữa.
Vị tăng thấy cậu bé có chút thất thần liền an ủi cậu, nói: “Tại sa mạc hồng trần vô tận này, chúng ta hãy làm một ốc đảo tâm linh, dùng ý chí 3.000 năm không mục nát của cây hồ dương để chờ đợi Đại Pháp vạn cổ khó gặp”.
Cậu bé chầm chậm gật đầu…
Đây chính là:
Hồng trần đại mạc tầm chân Pháp
Tâm như lục châu thiện niệm hóa
Hồ dương ý chí cửu canh kiên
Đắc Pháp quy chân tốc đồng hóa!
Dịch nghĩa:
Tại sa mạc chốn hồng trần tìm chân Pháp
Tâm như ốc đảo hóa thiện niệm
Ý chí như cây hồ dương chờ đợi càng thêm kiên định
Đắc Pháp quy chân mau chóng đồng hóa!
Tác giả: Đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc Đại lục
Nguồn: ChanhKien.org