Các truyền thuyết cổ xưa thường mang theo màu sắc huyền bí khiến người ta dễ xem là hư cấu. Tuy nhiên ngày nay, cùng với các khám phá khảo cổ, hiện vật, văn tự được tìm thấy,… nhiều truyền thuyết đã được chứng thực, mở ra cho chúng ta cánh cửa để có cái nhìn khách quan hơn về quá khứ.
1. Phát hiện bức tường thành được nhắc đến trong kinh Thánh ở Jerusalem
(Ảnh: messagetoeagle.com)
Cách đây vài năm, các nhà khảo cổ đã khai quật được một bức tường dài ở thành cổ David thuộc Jerusalem. Bức tường này được miêu tả trong Sách Nehemiah thuộc Kinh Thánh, viết trong khoảng năm 445 đến 420 TCN.
Câu chuyện trong Kinh Thánh kể rằng Nehemiah, viên quan tổng trấn trong triều đình Ba Tư của Vua Artaxerxes I tại thủ phủ Susa lúc đó đang rất lo lắng vì thành Jerusalem chưa có bức tường bảo vệ nào.
Được sự cho phép của nhà vua, Nehemiah bắt đầu chuyến hành trình trở lại Jerusalem để tái xây dựng thành cùng dãy tường rào bảo vệ xung quanh. Ông còn nhận được thư của nhà vua chúc ông lên đường bảo trọng và cho phép ông lấy gỗ từ cánh rừng của mình để xây dựng cổng vào, cùng dãy tường thành Jerusalem.
Năm 2005, TS. Eilat Mazar thuộc Đại học Hebrew và Trung tâm Shalem, chuyên về khảo cổ học thành Jerusalem và văn minh Phoenicia, đã khai quật được một phần nhỏ cung điện hoàng gia của vua David. Cung điện này vốn được xây bởi vua Hiram xứ Tyre, nhà thống trị Phoenica đương thời và quân đồng minh của ông.
Sau đó TS. Mazar phát hiện một dãy tường cổ, bề thế dày 5m, nằm ở phía đông cung điện. Gần dãy tường cung điện tọa lạc một tòa tháp đá lớn. Tại đây, bà còn tìm thấy một số món đồ gốm tạo hình đầu mũi tên, mảnh vỡ và các món đồ tạo tác khác.
(Ảnh: messagetoeagle.com)
Theo một câu chuyện cổ, trước đây có một người tên là Biện Hòa đã dâng cho Lệ Vương nước Sở một viên ngọc quý. Ban đầu viên ngọc này bị phủ một lớp đá bên ngoài nên khi nhìn thấy Lệ Vương cho là đá chứ không phải ngọc và nghĩ rằng Biện Hòa nói dối bèn sai người cắt chân trái của ông.
Sau đó, khi Vũ Vương nối ngôi, người này lại đem ngọc đến dâng. Vũ Vương lại sai thợ ngọc xem. Người thợ ngọc này cũng cho thứ đó là đá không phải ngọc. Vũ Vương lại cho rằng Biện Hòa nói dối, rồi sai người chặt nốt chân phải ông ta. Vì thế người ta đều thương hại người đàn ông này.
Đến khi Văn Vương lên ngôi, Biện Hòa ôm hòn ngọc, khóc ở chân núi Sở Sơn (nay là Kinh Sơn) suốt ba ngày ba đêm đến chảy cả máu mắt. Vua thấy thế, sai người đến hỏi. Biện Hòa thưa: “Tôi khóc không phải là thương hai chân tôi bị chặt, chỉ buồn một nỗi ngọc mà cho là đá, nói thật mà cho là nói dối”. Vua liền cho người xem lại thật kỹ, thì quả nhiên là ngọc thật, mới đặt tên gọi là Ngọc bích họ Hòa và từ đó viên ngọc này được coi là quốc bảo của nước Sở.
Không ngờ rằng viên ngọc này trong suốt chiều dài lịch sử Trung Hoa được các vị vua sử dụng là “bảo quốc”, đại diện cho quyền lực tối cao. Mỗi triều đại thay đổi thì chủ nhân của viên ngọc cũng thay đổi mãi đến đời vua Phổ Nghi, nhà Thanh sụp đổ sau “Cách mạng Tân Hợi” thì viên ngọc này bị thất lạc.
Không ít người hoài nghi về tính chân thật của câu chuyện trên. Tuy nhiên đến nay, sau 30 năm nghiên cứu xung quanh núi Kinh Sơn thuộc huyện Bảo Khang, tỉnh Hồ Bắc, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cuối cùng đã khai quật được một viên ngọc quý với chất lượng cao, với độ cứng tuyệt vời cùng nhiều đặc điểm giống như mô tả trong quá khứ về viên Hòa thị bích.
3. Thành phố Dwarka huyền thoại của thần Krishna
Vật liệu xây dựng, đồ gốm, các bức tường và tác phẩm điêu khắc được khai quật từ đáy biển. (Ảnh: messagetoeagle.com)
Thành phố Dwarka trước đây chỉ được nhắc đến trong các huyền thoại của người Ấn Độ. Thành phố này được cho là do Thần Krishna xây dựng trên một vùng đất có tên Kususthali. Đây là thành phố cảng được quy hoạch tốt và áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến để đáp ứng cho nhiều tàu lớn qua lại. Một xã hội văn minh đã từng sinh sống tại đây.
Các nhà sử học bắt đầu khảo sát thành phố này từ đầu thế kỷ 20, việc xác định vị trí chính xác cũng là một chủ đề tranh luận trong một thời gian dài. Một số thông tin dành cho cuộc khảo sát được tham khảo từ các tài liệu cổ như Mahabharata, Bhagvata Purana và Vishnu Purana.
Những văn tự trên mô tả Dwarka là một thành phố lớn. Sau khi sự thật về Dwarka được khẳng định cách đây không lâu, nhiều sử gia và nhà khảo cổ học cho rằng cần phải xem xét lại cách nhìn nhận của chúng ta về lịch sử nhân loại cổ đại.
Vương quốc cổ đại của Thần Krishna từng trải dài khắp miền bắc Ấn Độ và Pakistan, với thủ đô được đặt ở Dwarka ven bờ biển Gujarat, gần biên giới Pakistan.
Trong hơn 5.000 năm, Dwaraka được xem như một huyền thoại cho đến khi những khám phá khảo cổ quan trọng về thành phố này được tìm thấy ở bờ biển phía tây Ấn Độ. Các hình ảnh cho thấy phần lớn nhà cửa được cát che phủ ở độ sâu 30-40m dưới đáy biển. Nhiều vị trí trông giống các kênh đào cho thấy sự tồn tại của hệ thống dẫn nước. Thành phố dài 8km và rộng 3,2km. Nơi đây được cho là đã tồn tại trong khoảng từ 4.000-5.000 năm cho đến khi bị lũ lụt nhấn chìm cách đây 5.000 năm. Tổng thời gian từ lúc thành phố bắt đầu được xây dựng đến nay là hơn 9.000 năm.
4. Cây cầu trong sử thi Ramayana của Ấn Độ – Một công trình có niên đại 1,7 triệu năm
Hình ảnh cho thấy cây cầu cổ nối từ Sri Lanka đến Ấn Độ. Đây là cây cầu có liên quan đến nhiều câu chuyện thần thoại. (Ảnh: Enrico Baccarini)
Theo sử thi Ấn Độ cổ đại, anh hùng Ramayana, đã dẫn một đội quân khổng lồ gồm khỉ và gấu để xây dựng cây cầu băng qua mặt biển, đến một hòn đảo lớn và giải cứu người vợ của mình khỏi sự ly tán của vua quỷ Ravanna.
Vào đầu năm 2003, vệ tinh NASA đã phát hiện một cây cầu cổ kính chưa từng được biết đến ở eo biển Palk nối Ấn Độ với Sri Lanka. Cây cầu này sau đó được đặt tên là Cầu Rama.
TS. S. Badrinarayanan, cựu Giám đốc Cục Khảo sát Địa chất Ấn Độ đã nghiên cứu các mẫu vật trong lõi của cây cầu và tin rằng, chúng không phải được hình thành tự nhiên như giả thuyết của các nhà khoa học khác, mà là một cấu trúc nhân tạo, và được tạo ra cách đây hơn một triệu năm.
>>> Dải đất này phải chăng là cây cầu 1,7 triệu năm tuổi trong sử thi Ấn Độ?
5. Viên đất sét cổ 15.000 năm tuổi được nhắc đến trong kinh Cựu Ước
(Ảnh: messagetoeagle.com)
Tính chính xác của Kinh Cựu Ước trong Kinh Thánh là một chủ đề gây tranh cãi trong giới khoa học. Tuy nhiên, việc khám phá ra những phiến đất sét Ebla 15.000 năm tuổi đã góp phần củng cố tính xác thực của văn tự này.
Trong nhiều năm, các nhà phê bình kinh Cựu Ước cho rằng Moses đã tưởng tượng ra các câu chuyện trong Sách Sáng Thế, thuộc Kinh Cựu Ước, phần đầu của Kinh Thánh. Các nhà phê bình cho rằng những người cổ đại vào thời Kinh Cựu Ước quá nguyên thủy để có thể ghi chép tài liệu với độ chính xác cao. Do đó, họ cho rằng không có bằng chứng tồn tại của những người và thành phố được nhắc đến trong văn bản cổ xưa nhất Kinh Thánh này.
Tuy nhiên, theo trang Christians in Pakistan, việc phát hiện ra kho lưu trữ các phiến đất sét Ebla ở miền bắc Syria vào những năm 1970 đã xác nhận các tư liệu ghi chép trong Kinh Thánh về Tổ phụ (những nhân vật tổ tiên của người Israel) là cực kỳ chính xác. Trong các cuộc khai quật ở miền bắc Syria, người ta đã tìm thấy một thư viện lớn nằm trong phòng lưu trữ hoàng gia. Thư viện này chứa những phiến đất sét có niên đại từ 2400-2300 TCN.
6. Khu phế tích Sodom, thành phố cổ đại bị Chúa trời trừng phạt
Sự kiện hai thành phố Sodom và Gomorrah bị tàn phá được mô phỏng lại trên bức tranh sơn dầu của tác giả John Martin. Tác phẩm được trưng bày tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Laing, Newcastle Anh. (Ảnh: messagetoeagle.com)
Một nhóm sinh viên nghiên cứu Thánh Kinh thuộc Đại Học Trinity Southwest của New Mexico đã kết thúc khóa nghiên cứu thứ 10 tại vùng Tall el-Hammam. Khu vực này nằm sát với biển Chết. Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng họ đã tìm thấy một mỏ vàng cũng như một số vật dụng cho thấy vào thời đại đồ đồng cũ và giữa, tức khoảng từ năm 3.500 tới năm 1.540 trước khi Chúa Jesus giáng sinh, một thành phố rộng lớn đã được thành lập tại địa điểm nêu trên. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những dấu vết của một bức tường phòng thủ quan trọng, với nhiều cổng ra vào.
GS. Steven Collins, người hướng dẫn nhóm nghiên cứu cho biết, có rất nhiều khả năng cho thấy, thành phố vừa được phát hiện chính là thành phố Sodom được nhắc đến trong Kinh Thánh. Các nhà nghiên cứu phát hiện thành phố hưng thịnh này đã trở nên hoang vắng một cách đột ngột vào cuối thời kỳ đồ đồng. GS. Steven Collins phỏng đoán đây chính là thời điểm hai nhân vật được kể trong Kinh Thánh là Abraham và Lot đã sinh sống.
Nguyên nhân tại sao thành phố này bị phá hủy vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, giả thuyết về một vụ phóng hỏa không bị loại trừ.
Ngoài GS. Collins, cũng còn có nhiều nhà nghiên cứu khác tin rằng cả hai thành phố Sodom và Gomorrah từng phát triển thịnh vượng vào thời đồ đồng cũ và tọa lạc ngay sát bờ biển Chết.