Vi Cao được người đời biết đến là một vị danh tướng tài hoa triều Đường. Không chỉ thế, tên tuổi của ông còng gắn liền với một câu chuyện luân hồi chuyển thế ly kỳ thú vị. Tương truyền rằng, ông chính Võ hầu Gia Cát Lượng chuyển sinh.
Vi Cao (746 – 805), tự Thành võ, người Kinh Triệu, Vạn Niên (nay là Thiểm Tây, Tây An), là danh thần triều Đường, xuất thân trong danh môn vọng tộc Kinh Triệu Vi thị, cháu đời thứ 7 của Vi Nguyên Lễ, con thứ 23 của Vi Bôn. Vi Cao xuất thân danh môn vọng tộc, không những là nhà quân sự kiệt xuất thời nhà Đường, đại tướng trấn giữ nơi biên cương danh chấn một phương, còn là một thi nhân giàu tình cảm. Cả cuộc đời ông là một truyền kỳ đầy màu sắc huyền thoại.
Võ hầu tái sinh chuyển thế ở đất Thục (giản xưng của Tứ Xuyên ngày nay)
Sách cổ “Thần tăng truyền” có ghi: Tây Nguyên năm 746, gia tộc thanh danh hiển hách Vi thị chào đón một hài nhi, đặt tên là Vi Cao. Khi Vi Cao tròn 1 tháng tuổi, trong nhà tổ chức lễ triệu tăng trai, mời rất nhiều cao tăng đến chúc phúc cho hài nhi. Một vị tăng nhân tha hương không rõ tên họ, không mời mà đến, nhà họ Cao thấy tướng mạo người này xấu xí, cho rằng người này đến ăn chực, nên không cho ông vào nhập tiệc, chỉ để ông ngồi bên ngoài trên một chiếc chiếu rách.
Dùng cơm xong, Vi gia sai vú em bồng đứa trẻ ra nhận lời chúc phúc của các tăng nhân. Bỗng nhiên, người tăng nọ tiến đến hỏi đứa trẻ: “Cách biệt đã lâu rồi, vẫn khỏe chứ?”, tiểu Vi Cao dường như nghe hiểu, nhoẻn miệng cười với ông, mọi người ai cũng vô cùng kinh ngạc.
Phụ thân của Vi Cao nói: “Tiểu nhi mới sinh được 1 tháng, sư phụ sao lại nói ‘cách biệt đã lâu rồi’ chứ?”. Vị tăng nói: “Đây không phải điều mà thí chủ có thể biết được”. Vi gia hỏi một lần nữa, vị tăng mới nói: “Hài nhi này chính là chuyển thế của Gia cát Võ hầu! Võ hầu sinh vào cuối thời Đông Hán, là thừa tướng Tây Thục, người Thục đã nhận ân huệ của ông ấy bấy lâu nay. Giờ đây ông lại giáng sinh 1 lần nữa, tương lai sẽ là thống soái Thục môn, hơn nữa sẽ nhận được lời chúc phúc của người Thục. Trước đây, ta ở Kiếm Môn, cùng đứa trẻ này rất hữu hảo, hôm nay nghe nói ông ta giáng sinh ở nhà lão Vi, nên ta mới không quản xa xôi mà đến”.
Vi gia nghe xong cảm thấy vô cùng kỳ dị, vì thế mới lấy “Võ hầu” làm tên tự của Vi Cao. Về sau, Vi Cao tuổi trẻ đã chấp chưởng ấn soái thống chế quân coi giữ Kiếm Nam, được tấn thăng làm Thái úy kiêm chức Trung thư lệnh, nhậm chức tại đất Thục 18 năm, quả nhiên đúng như lời vị tăng đã nói.
Kiếp sau lại tiếp tục duyên kiếp trước
Vi Cao lúc tuổi còn trẻ làm gia sư cho con trai nhà Khương quận trưởng vùng Giang Hạ, tên là Kinh Bảo. Kinh Bảo có một tiểu nha hoàn tên Ngọc Tiêu, mới 10 tuổi, thường đến hầu hạ Vi Cao. Vài năm sau, khi tuổi của Ngọc Tiêu đã lớn, giữa 2 bên lại phát sinh tình cảm mến mộ nhau. Không bao lâu, Vi Cao nhận được thư nhà thúc giục về gấp, trước lúc chia tay 2 người lưu luyến không rời, hai mắt đẫm lệ, trước sự chứng kiến của Kinh Bảo, 2 người cùng nhau hẹn ước, ít thì 5 năm, nhiều thì 7 năm, Vi Cao sẽ đến lấy Ngọc Tiêu làm thê tử. Vi Cao còn để lại 1 chiếc nhẫn ngọc, lại viết 1 bài thơ tặng cho Ngọc Tiêu.
5 năm trôi qua, Vi Cao vẫn không quay lại, Ngọc Tiêu mỗi ngày đều như chim anh vũ lẳng lặng trông về nơi xa. Lại 2 năm trôi qua, đến mùa xuân năm thứ 8, Ngọc Tiêu thở dài: “Lang quân Vi Cao đi đã hơn 7 năm rồi, chắc chắn sẽ không quay lại nữa”. Nàng nhớ kỹ bài thơ Vi Cao đã tặng, tuyệt thực mà chết. Khương gia thương tiếc nàng chết vì tiết tháo, đeo chiếc nhẫn ngọc kia vào ngón giữa tay nàng rồi chôn cùng với linh cửu mai táng.
Về sau, Vi Cao được phong quan tiến tước, triều đình phái chàng trấn thủ nơi Tây Thục, khi bình phản sửa oan sai, gặp lại Khương Kinh Bảo bị oan sai trong ngục, chàng giải oan cho Khương Bảo, còn giữ Bảo ở bên cạnh mình làm trợ tá.
Thời chiến loạn vừa mới chấm dứt, bao nhiêu thứ cần phục hồi, công vụ bề bộn, bẵng cho đến mấy tháng sau, Vi Cao mới hỏi thăm tin tức của Ngọc Tiêu. Khương Kinh Bảo kể lại cho Vi Cao nghe quá trình Ngọc Tiêu vì tình mà chết. Nghe xong, Vi Cao, hổ thẹn áy náy, bi thương không dứt. Từ đó về sau, chàng một lòng hướng phật, khắc khổ chép kinh, sửa chữa và chế tạo tượng Phật để báo đáp mảnh tình son sắt của Ngọc Tiêu.
Từng thời khắc, Vi Cao đều nhớ đến Ngọc Tiêu, chỉ hận vô duyên không cùng nàng gặp nhau được một lần nữa. Một tổ sư sơn nhân, nghe nói có thuật chiêu hồn Lý Thiếu Quân, có thể khiến người chết và thân nhân gặp mặt. Ông bảo Vi Cao trai giới 7 ngày, trong một đêm khuya ánh trăng mờ mịt, Ngọc Tiêu phiêu nhiên lướt tới. Sau khi nhìn thấy Vi Cao, nàng thi lễ cảm tạ:“Nhờ công chàng phó xuất chép kinh tạc tượng, sau 10 ngày thiếp sẽ được thác sinh giáng thế. 13 năm sau, là ngày thiếp 1 lần nữa được hầu hạ chàng, báo đáp đại ân”. Lúc gần đi, nàng mỉm cười nói: “Là do trượng phu bạc tình bạc nghĩa, để cho ta cùng chàng sinh tử chia cắt”.
Về sau, vì có công cai quản, Vi Cao được phong tấn chức Trung Thư lệnh. Trong thời gian ông quản lý Tây Thục, các nơi đều phục tùng thuận theo, các tộc phía Tây Nam cũng đều nhân tâm quy thuận. Có một năm ông cử hành lễ mừng sinh nhật, Lư Bát Tọa huyện Đông Xuyên tặng cho ông một ca nữ. Người này chưa đến 14, 15 tuổi, tên cũng gọi là Ngọc Tiêu.
Vi Cao nhìn kỹ, Ngọc Tiêu này đúng là Ngọc Tiêu nhà Khương Kinh Bảo, hơn nữa ngón giữa bàn tay của cô cũng có một vết thịt hình chiếc nhẫn, loáng thoáng có thể nhìn thấy giống với hình dạng chiếc nhẫn mà Vi Cao đã tặng cho Ngọc Tiêu lúc chia ly năm nào. Trải qua sinh tử kỳ duyên này, Vi Cao xúc động thở dài: “Rốt cuộc ta cũng có thể hiểu được sự phân biệt giữa sống và chết chỉ là 2 từ “Lai (đến)” và “Vãng (đi)”. Lời nói năm đó của vong hồn của Ngọc Tiêu, giờ đã được nghiệm chứng.
Không nhìn được Vi Cao là quý nhân
Vi Cao lúc tuổi còn trẻ gia đạo suy sụp, không xu dính túi. Trương Diên Thưởng, trấn thủ Xuyên Tây, gia thế hiển hách, năm đó kén rể. Vợ ông là Miêu thị tuệ nhãn tinh anh, chọn lựa Tú tài Vi Cao. Bà nói: “Tương lai tôn quý của Vi Cao, không người nào có thể sánh”, liền đem con gái gả cho chàng.
Hai, ba năm trôi qua, Vi Cao vẫn chưa thành đạt, Trương Diên Thưởng bắt đầu hối hận, đối với Vi Cao rất xấc xược, nô tỳ trong nhà cũng dần dần xem thường chàng, chỉ có phu nhân Miêu thị cùng thê tử Trương thị luôn đối xử tốt với Vi Cao. Chàng vô cùng phiền muộn, bèn cáo từ Trương gia, chuẩn bị một mình đông du, thê tử Trương thị đem toàn bộ trang sức cưới tặng hết cho chàng.
Trương Diên Thưởng đối với việc này rất vui vẻ, tặng cho chàng dùng 7 con ngựa làm vật phẩm. Mỗi khi đến một trạm dịch, chàng lại kêu 1 con ngựa chở vật phẩm quay lại gia trang, đi qua 7 trạm dịch, toàn bộ vật phẩm đã trở về hết gia trang, chỉ còn lại đồ trang sức của thê tử và một túi sách vở.
Về sau, Vi Cao chấp quyền quân sự Lũng Hữu, cùng Đường Đức Tông (Lý Quát) tuần tra Phụng Thiên, lập công đầu ở phía tây. Được Đức Tông phái đi với thân phận là Kim Ngô tướng quân đến trấn thủ Tây Xuyên, tiếp quản Trương Diên Thưởng. Miêu phu nhân sau khi nghe được tin này, vui vẻ nói: “Nếu là Vi Cao, ắt phải là con rể Vi lang”. Trương Diên Thưởng cười nói: “Thiên hạ này, người trùng tên trùng họ nhiều vô kể, tên Vi Cao kia chắc đã sớm chết nơi nào rồi, làm thế nào mà lại kế thừa vị trí của ta chứ? Lời của nữ nhân mà nói… không chuẩn xác”. Miêu phu nhân nói:“Vi Cao tuy nghèo hèn, nhưng lại là anh hùng khí khái ngút trời. Lúc ấy, khi cùng ông nói chuyện, chưa từng có nói qua một câu nịnh nọt, từ đó có thể thấy được việc lập công, ắt chỉ có Vi Cao mà thôi”.
Sáng ngày thứ hai, tân quan vào thành, Trương Diên Thưởng xem xét quả nhiên chính là con rể Vi lang, vô cùng xấu hổ, nói: “Ta đúng là không biết nhìn người”. Nói xong liền từ thành cửa Tây rời đi. Vi Cao cảm kích ân nhạc mẫu biết nhìn người, đối với bà một mực vô cùng tốt. Từ đó về sau, người làm quan có tiền trong nhà, không ai dám khinh thường con rể nghèo hèn. Quách Viên có thơ rằng:
Khổng tử tòng chu hựu thích tần
Cổ lai thánh hiền xuất phong trần
Khả tiếu đương nhật Trương Diên Thưởng
Bất thức Vi cao thị quý nhân
Tạm dịch:
Khổng Tử từ Chu lại sang Tần
Xưa nay bậc thánh mạo phong trần
Buồn cười ngày đó Trương Diên Thưởng
Không biết Vi Cao tựa quý nhân
Vi Cao chẳng những văn có thể an bang, võ có thể định quốc, càng là người am hiểu thi thư, tinh thông âm luật. Cả đời ông cung kính hướng Phật, cũng có công giúp việc xây Nhạc Sơn đại tượng, từng 2 lần bị dừng, cuối cùng đã xây xong.
Mai Mai, dịch từ kannewyork, Tinhhoa