Cổ nhân cho rằng, giữa trời đất và con người là có thể cảm ứng, tác động qua lại lẫn nhau. Từ đó, con người có thể dựa vào sự biến hóa của thiên tượng mà đoán biết trước được nhân loại sắp gặp phải chuyện gì.
Theo sử sách ghi chép lại, Tinh tượng học (kỹ thuật suy đoán số mệnh dựa trên độ sáng, vị trí của sao chiếu mệnh) đã ra đời và có lịch sử hàng ngàn năm. Từ bản chất người ta xác định Tinh tượng học, Thái cực, Hà đồ, Lạc thư, Chu dịch, Bát quái là cùng ra đời vào thời kỳ văn minh tiền sử.
Trong văn hóa Tây phương có 12 chòm sao đối ứng với vận mệnh, tình yêu và sự nghiệp của 12 loại người. Đây thực ra chỉ là một loại tổng quát, hơn nữa là biểu hiện bề ngoài rất nông cạn trong việc vận dụng Tinh tượng học.
Dự ngôn của người Maya được phát hiện trong thời kỳ cận đại lại là sự vận dụng rất sâu xa về phương diện này. Thực ra thuật quan sát bầu trời rộng lớn tinh thâm của văn hóa phương Đông mấy nghìn năm nay đã vượt rất xa khỏi trình độ khoa học kỹ thuật của nhân loại lần này.
Lật lại các bộ sách cổ của Trung Quốc, sẽ thấy rằng cho dù là sử ký, kinh thư, tiểu thuyết, luận thư (tác phẩm nghiên cứu) v.v., trong đó đều có ghi chép những nhân vật và sự việc có liên quan đến tinh tượng, sự biến động của 28 chòm sao trên trời lại ảnh hưởng trực tiếp đến việc truyền ngôi báu, chiến loạn và ổn định tại nhân gian, lớn thì thay đổi triều đại, nhỏ thì một trận chiến tranh, nhỏ nữa là sự hưng vong của một người, đều có sự quan hệ đối ứng với các tinh tú.
Ngoài ra còn có hình thức quan sát bầu trời để lấy thông tin, làm chuyện đại sự, thực ra chính là vận dụng một loại khoa học kỹ thuật vô cùng cao siêu, so với vệ tinh và tình báo hiện đại không biết là thâm sâu và tiên tiến gấp bao nhiêu lần.
Từ trong những ghi chép chúng ta biết được Quỷ Cốc Tử, Khương Thượng, Trương Lương cho đến Gia Cát Lượng, Thiệu Ung, Lưu Bá Ôn v.v., đều là những cao thủ tài giỏi.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, có một chương tiết miêu tả về khả năng quan sát các vì sao của Gia Cát Lượng.
Đêm tối, Khổng Minh thân mang bệnh, vén lều ra ngoài, ngước nhìn lên trời quan sát thiên văn, xem xong ông vô cùng kinh hoàng; ông vào trong lều nói với Khương Duy: “Ta nguy đến nơi mất rồi!”
Khương Duy hỏi: “Thừa tướng cớ sao lại nói lời như vậy?”
Gia Cát Lượng nhìn thiên tượng biết số mệnh mình sắp gặp nguy hiểm. (Ảnh: Sohu)
Khổng Minh đáp: “Ta thấy trong ba ngôi sao, sao Khách Tinh sáng lên gấp bội, sao Chủ Tinh lại u ám, sao Tướng Phụ bóng tối lờ mờ; thiên tượng như vậy, đủ biết mệnh ta!”
Khương Duy nói: “Cho dù thiên tượng như vậy, thừa tướng sao không dùng phép cầu an dâng sao giải hạn để vãn hồi?”.
Khổng Minh nói: “Ta am hiểu phép ấy, nhưng chưa biết Thiên ý ra sao”.
Mặt khác, Tư Mã Ý trong Ngụy Cung cũng bằng cách quan sát như thế mà phát hiện và đoán về Gia Cát Lượng. Tư Mã Ý mừng lắm, và nói với Hạ Hầu Bá rằng: “Ta thấy tướng tinh đổi ngôi, Khổng Minh chắc chắn có bệnh, không lâu tất sẽ chết”.
Kết quả, bệnh của Khổng Minh bị Tư Mã Ý đoán còn chính xác hơn cả đại phu, không lâu sau quả thật Khổng Minh qua đời.
Trong Phi Long Truyện cũng có một đoạn tự thuật “Cao Hành Châu ban đêm quan sát tinh tượng” như sau:
Cao Hành Châu rời chỗ ngồi, đi ra ngoài lều quân, chỉ thấy ngũ cung bốn phía, nghiêm cẩn cung kính. Lại cảm thấy gió lạnh tạt vào mặt, toàn thân lạnh như băng. Ngẩng đầu lên nhìn một cái, thì thấy bầu trời đầy sao sáng chói không trung.
Lại hướng về sông Ngân quan sát thì thấy miệng sao Tử Vi sinh ra khí đen, lúc thì sáng lúc thì u ám, sao Khách Tinh ở vị trí đế vị, sao Minh Tinh vượng khí chiếu thẳng xuống Thần Châu. Biết được thiên hạ Đại Hán không lâu nữa, tất sẽ thuộc về Quách Uy, vì đó mà lo âu.
Lại qua mấy ngày, bệnh tình càng nặng. Đêm hôm đó, lúc canh ba, trong tâm Cao Hành Châu vì hoài nghi lo lắng nên đã gọi con trai: “Con trai ta, con đỡ ta ra ngoài để quan sát lại tinh tượng xem thế nào”.
Hoài Đức nói: “Cha thân thể bất an, cần phải tĩnh dưỡng, đợi khi bệnh khỏi rồi hãy lại đi xem”. Hành Châu nói: “Con cứ đỡ ta đi, đừng có ngăn cản ta”.
Hoài Đức không dám làm trái, đành đỡ phụ thân đi ra ngoài lều ngóng xem thiên tượng. Nhìn thấy ngôi sao chiếu mệnh của mình ảm đạm u ám, Hành Châu đứng không vững, thở dài một tiếng, rồi im lặng không nói lời nào.
Hoài Đức đỡ cha vào hậu đường, ngồi trên chõng, ông buồn bã than vãn. Hoài Đức hỏi: “Cha quan sát sao xong, sao không nói gì mà lại thở dài?”
Hành Châu trả lời: “Con trai, làm sao con có thể biết được những điều huyền diệu sâu xa ẩn chứa trong các ngôi sao chứ? Ta không nói gì, con cũng càng không biết duyên cớ trong đó. Để ta nói cho con biết rồi con tự sẽ hiểu.
Vừa rồi ta quan sát thiên văn, nhìn thấy ngôi sao chiếu mệnh mình mờ tối, lại thêm đêm qua quan sát thấy sao Khách Tinh ở vị trí đế vị, sao Chủ không rõ, điều này dự báo cho việc thay đổi chủ mới. Lại thấy vượng khí chiếu thẳng xuống Thần Châu, ứng tại Quách Uy thừa kế thiên hạ. Cha của con vâng mệnh dẫn binh lên trước chống giặc, nào ngờ ông trời không cho, liền giáng xuống tai nạn, ta không thể tiêu diệt địch, âu cũng là ý trời”.
Nếu có người hoài nghi những chuyện trên chỉ là do tiểu thuyết gia hư cấu rồi viết ra để tăng thêm sự hấp dẫn vào trong sách, vậy thì một số điều miêu tả dưới đây đều có ghi chép về triều đại và thời gian, lại khó có thể làm người ta hoài nghi nữa:
Khai Nguyên năm thứ 2 Đường triều, vào buổi tối ngày 29/05, có một ngôi sao băng lớn xuyên qua sao Bắc Đẩu rồi rơi xuống hướng Tây Bắc. Có vô số những ngôi sao nhỏ cũng rơi xuống theo, toàn bộ các ngôi sao trên trời đều lắc động, đến khi trời sáng mới dừng lại. Tháng 07, Tương Vương chết, sau khi chết được đặt danh hiệu “Thương đế”. Tháng 10 dân tộc Thổ Phồn tiến vào Lũng Tả, cướp đoạt dê ngựa, bị tử thương vô số. Tháng 6 năm này, gió lớn khiến cây đại thụ và nhà cửa đều bị gió cuốn đổ, cây cối trên đường phố ở Trường An, trong 10 cây thì có 7-8 cây bật cả rễ. Khi thành Trường An vừa mới bắt đầu kiến thiết, cây hòe mà tướng đứng đầu nhà Tùy là Cao Dĩnh trồng, có lẽ đã được hơn trăm năm, lúc đó ngay cả rễ cũng bị nhổ bật lên.
Trúc ở núi Chung Nam khai hoa kết trái phủ kín cả vùng sơn cốc, trông giống như hạt lúa mạch. Năm đó cả nước xảy ra mất mùa, những cây trúc đó cũng đều khô héo mà chết. Vùng Lĩnh Nam cũng như thế, người ta đều lấy nó để ăn, ngâm nó trong nước suối rồi cho thêm bột mì, bởi trông giống như hạt gạo nên người ta có thể ăn nó.
Tương Khải thời Hậu Hán nói: “Khi những cây trúc đều khô héo, không ngoài ba năm, người chủ đất nước sẽ chết. Cây trúc của nhà ai kết trái mà chết khô, người gia trưởng sẽ chết”. Trúc trên núi Chung Nam nở hoa rồi khô héo và chết, quả nhiên Khai Nguyên năm thứ tư Thái Thượng Hoàng băng hà.
Ngày 07/01 năm đầu Diên Hòa triều Đường, sao Thái Bạch hiển hiện ngay giữa ban ngày. Hôm đó Thái Thượng Hoàng nhường lại ngôi vị. Đây là điềm báo thay đổi quốc chủ! Đến tháng 8, tháng 9, sao Thái Bạch lại xuất hiện, quốc hiệu được đổi thành “Tiên Thiên” (niên hiệu của Đường Huyền Tông Lý Long Cơ). Ngày 07/02 năm thứ hai, Thái Thượng Hoàng bị phế truất, vị quan Trung thư lệnh Tiêu Chí Trung, Thị Trung Sầm Hy bị giết. Thôi Thực bị lưu đày, không lâu sau Thôi Thực cũng bị giết chết.
Trong những năm Nghi Phụng của triều Đường, trên bầu trời có trường tinh chiếm cả nửa trời, xuất hiện ở phía Đông, hơn 30 ngày mới mất hẳn. Bắt đầu từ lúc đó liền có Thổ Phồn nổ dậy, Hung Nô tạo phản, Từ Kính Nghiệp làm loạn, Bạch Thiết Dư phản nghịch, Bác Dự gây rối, Trung Mặc hoành hành ngang ngược, Khiết Đan vượt qua Cung Phủ, Đột Quyết; tổng cộng chết hơn một trăm vạn người. Hơn 30 năm, chiến tranh vẫn chưa dừng lại.
Trên đây chỉ là đưa ra vài ví dụ xảy ra về sự biến hóa của thiên tượng thời vương triều Đường. Trong lịch sử các triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh, những sự việc như thế này có rất nhiều, đều được những nhà tinh tượng học quan sát và ghi chép lại giống như dự báo thời tiết.
Người xưa quan sát bầu trời biết được thế gian biến hóa một cách chuẩn xác đến như vậy, làm cho người ta không thể không cảm phụ trí huệ của người xưa cũng sự tuyệt diệu của văn hóa Thần truyền của phương Đông!