Khả năng tự bay lên khỏi mặt đất cũng được gọi là một công năng đặc dị của con người. Các tài liệu trên thế giới đều đã cho thấy việc con người có thể bay lên không phải là hiếm. Trong cách sách cổ đều có ghi chép lại.
Trương Hạo có khả năng bay trên không
Trương Hạo đi dạo chơi chùa Trúc Lâm ở Chân Châu, cách chùa khoảng hai trượng có một con sông nhỏ, các tăng nhân thường bắc một cây cầu gỗ để đi lại. Thời điểm Trương Hạo đến, đã gần chạng vạng tối, cầu đã được cất đi. Trương Hạo phi thân, đạp nước mà qua sông, lúc đến chùa Trúc Lâm, đôi giày chỉ bị ướt một nửa. Tăng nhân thấy thế, hết sức ngạc nhiên, cho rằng anh ta là tiên.
Trương Hạo vừa cười vừa nói: “Tôi thực sự không phải là tiên nhân đâu. Thuở còn thiếu niên, tôi có gặp được một vị sư phụ, truyền thụ cho công phu khinh thân. Luyện loại công pháp này, phải dùng gạch dày hơn một xích (0,33m), xếp ngang trên mặt đất, trải thành một bức tường thấp dài hơn ba trượng (khoảng 10m), người nhảy lên trên để bay đi.
Nếu gạch không bị đổ thì tiếp tục đổi thành gạch mỏng, cứ như vậy mà luyện tập. Bay đi qua lại, gạch không lay động, sẽ thay gạch bằng vải gần mục nát. Vải chịu được chân đạp mà không lủng, lại đổi thành đậu hũ; cuối cùng dùng giấy lụa, giấy làm bằng tre trúc. Nếu đạp lên giấy lụa mà giấy không bị rách, là có thể đạp trên nước để đi.
Nhưng khi bắt đầu cách bờ khoảng hai mươi bước chân thì phải dấy khí lên, chính là cần phải xuất ra được cái khí hùng mạnh, vọt lên mà bay đi, mũi giày chạm nước không quá năm sáu thốn thì đã đến bờ bên kia rồi. Nếu như đã đến mép nước rồi mới xung khí lên, thì không khởi được tác dụng. Lúc này dù cho có cố hết sức mà hướng lên, cũng đi không được quá hai trượng, không thể tiến thêm được nữa rồi”.
Cổ đại có chuyện Vương Mãng dùng binh, chiêu mộ người có thể bay. Có người được triệu tập, anh ta lấy lông chim kết thành một đôi cánh, buộc vào người, bay mấy chục bước liền rơi xuống. Vương Mãng mới biết loại phương pháp này không thể dùng được. Phi thân theo lời của cổ nhân, thì đều giống với phương pháp của Trương Hạo.
Đạt Ma vượt sông bằng một cọng lau
Bồ Đề Đạt Ma vượt sông bằng một cây lau. (Tranh từ Internet)
Bồ Đề Đạt Ma là con trai thứ ba của một vị vua Pallava Tamil từ Kanchipuram. Ngài vốn là đệ tử và truyền nhân của Tổ thứ 27, Bát Nhã Đa La, và là Tổ của Thiền tông Trung Quốc.
Một hôm, sư phụ Bát Nhã Đa La gọi Bồ Ðề Lạt Ma đến truyền pháp và dạy rằng: “Sáu mươi năm sau ngày ta viên tịch, đệ tử nên lưu hành sang Ðông thổ Trung Hoa truyền đạo, vì môi trường hướng Ðông rất thích hợp với Thiền Tông”. Tiếp theo đó, Bồ Ðề Đạt Ma được sư phụ truyền thụ y bát để kế thừa nhiệm vụ Tổ Thiền tông Ấn Ðộ đời thứ 28.
Ðể thực hiện lời di huấn của sư phụ mình, vào năm 517, Tổ Bồ Đề Đạt Ma từ giã Ấn Ðộ, dùng thuyền vượt biển. Sau ba năm, Ngài đến Quảng Châu, Trung Hoa, dưới triều Lương Vũ Ðế, niên hiệu Phổ Thông thứ bảy. Khi Bồ Đề Đạt Ma đi thuyền qua Nam Trung Quốc vào năm 520, vua Lương Võ Đế hay tin liền mời Ngài về Kim Lăng để hội kiến.
Tương truyền, khi gặp Đạt Ma, Vũ Đế đã hỏi ông: “Sau khi ta lên ngôi, đã xây không biết bao chùa chiền và tạo nơi ở cho các thầy tu. Ta đã tích được bao nhiêu công đức?”
Bồ Đề Đạt Ma đã trả lời: “Không có công đức”. Hoàng đế lại hỏi ông tại sao. Bồ Đề Đạt Ma đáp: “Mặc dù trông có vẻ ông có công đức, nhưng lại không phải là công đức thật”.
Vũ Đế hỏi tiếp: “Vậy thì công đức thật sự là gì?”. Bồ Đề Đạt Ma đáp: “Sống mà không có lo lắng và không có suy nghĩ gì trong tâm. Loại công đức này không thể cưỡng cầu”.
Hoàng đế lại hỏi: “Điều quan trọng nhất của Phật Pháp là gì?”. Bồ Đề Đạt Ma nói: “Khi một người có ràng buộc, thì không đắc được Phật Pháp”.
Nhưng dường như Lương Vũ Đế không thể lĩnh ngộ được những lời của Đạt Ma, thế là Đạt Ma liền rời Giang Nam. Sau khi Ngài bỏ đi, Lương Vũ Đế vô cùng hối hận, sai người đuổi theo.
Ngài đến bờ sông Trường Giang, không có thuyền, lại thấy nhóm người ngựa đang đuổi theo sau lưng, bèn bứt một cọng lau ném xuống sông rồi đứng trên đó mà vượt Trường Giang. Tích “Nhất vĩ độ giang” có nguồn gốc từ đó. Hiện nay ở Thiếu Lâm Tự núi Tung Sơn vẫn còn tượng đá tạc cảnh Ngài đạp cọng lau qua sông.
Những ghi chép trong quá khứ
Thánh Joseph nhấc bổng người lên và bay tại nhà thờ Basilica of Loreto, (Tranh: Ludovico Mazzanti)
Thánh Joseph xứ Cupertino (1603–1663), vốn là một tu sỹ ở nước Ý được ghi chép trong lịch sử là người có khả năng bay lượn. Theo ghi chép, thánh Joseph đôi lúc lơ lửng khoảng vài cm trên mặt đất, đôi lúc bay vọt lên không trung trước mặt nhiều người trên khắp nước Ý.
Hiện tượng này được Tiến sỹ Michael Grosso nghiên cứu rất kỹ. Ông đã viết một cuốn sách mang tiêu đề “The Man Who Could Fly: St. Joseph of Cupertino and the Mystery of Levitation” (Tạm dịch: Người đàn ông có thể bay: Thánh Joseph of Cupertino và bí ẩn hiện tượng bay lên không trung) do nhà xuất bản Rowman & Littlefield phát hành, trong đó ông khẳng định đầy đủ các yếu tố xác thực.
Theo tiếng Phạn, Guru là những bậc thầy cực giỏi về một chuyên ngành nhất định, có tài năng xuất chúng và địa vị cao trong xã hội. Trong yoga, Guru là những người đã tập yoga lâu năm và thực hiện được hầu hết những động tác khó cũng như những tuyệt kỹ của bộ môn này. Đã có nhiều ghi chép trong lịch sử như Guru Subbayah Pullavar là người có công năng khiến ông có khả năng lơ lửng trong không trung, trước sự chứng kiến của hàng trăm khán giả.
Guru Naruse và màn bay cách đất 1m (Ảnh: Internet)
Còn rất nhiều ghi chép khác ở các nước trên thế giới về những người tu luyện có thể bay được như Thánh Theresa, nữ tu dòng Carmelite hồi thế kỷ thứ 16, bà đã bay trước sự chứng kiến của 230 tu sỹ Công giáo. Hay nhà sư Phật giáo Tây Tạng là Daniel Dunglas Hewm hồi thế kỷ 19 đã từng bay trước mặt những người nổi tiếng như William Makepeace Thackeray, Mark Twain, Napoleon III…
Khoa học không thể giải thích
Chiểu theo định luật vạn vật hấp dẫn của Isaac Newton: mọi vật có khối lượng trong vũ trụ đều hút nhau với một lực gọi là lực hấp dẫn, lực này được đặt tại tâm của mỗi vật, tỉ lệ thuận với khối lượng của vật và tỷ lệ nghịch với khoảng cách giữa 2 vật. Như vậy, theo định luật này, con người không thể tự mình bay lên nếu không có sự trợ giúp của máy móc để thắng được lực hấp dẫn của Trái Đất.
Đã có khá nhiều các lý thuyết giải thích về nguồn gốc của lực hấp dẫn. Ví dụ: Giáo sư Erik Verlinde của Đại học Amsterdam cho rằng lực hấp dẫn thực chất không tồn tại, thứ giữ 2 vật gần nhau chính là là một loại lực đột sinh (emerge) từ Entropy (Entropy Gravity). Trong khi đó, nhà vật lý người Nga A.D Sakharov lại cho rằng hấp dẫn không phải là lực cơ bản mà nó đột sinh (emerge) từ trường lượng tử QF (Quantum Field) tương tự như thủy động học và lý thuyết đàn hồi liên tục đột sinh từ vật lý phân tử.
Cho đến nay, nguồn gốc lực hấp dẫn mà Newton đề cập đến trong định luật của ông vẫn là bí ẩn với loài người. Các nhà khoa học chưa thể lý giải được về bản chất vì sao Trái Đất có thể hút và giữ cơ thể con người và các vật thể khác đứng trên mặt đất, vì sao Mặt Trời và Trái Đất có thể giữ cho các vệ tinh quay xung quanh chúng ổn định hàng ngàn năm qua.
Các nhà thiên văn học thường cảm thấy khó khăn khi giải thích sự hoạt động của lực hút giữa các thiên thể xa xôi và phải đưa ra khái niệm “vật chất tối” để giúp cân bằng các phương trình. Chính vì vậy, việc giải thích hiện tượng con người có công năng, có thể bay lên được vẫn là điều nằm ngoài khả năng của giới khoa học.
Lời giải thích từ những người theo tín ngưỡng và tôn giáo
Có một điều dễ nhìn thấy nhất, đó là các hầu hết những người có thể bay lên được kể bên trên là những người tu luyện theo một tín ngưỡng hay tôn giáo nào đó. Vậy vì sao, người tu luyện lại có thể bay lên được?
Phật gia giảng rằng khi một người tu luyện giữ gìn đức hạnh và tiêu chuẩn tâm tính, tư tưởng của họ sẽ thăng hoa lên cảnh giới tinh thần cao hơn. Khi cảnh giới tinh thần được nâng lên, thì cơ thể của người tu luyện cũng có xảy ra những biến đổi đặc biệt, Do vậy, khi ở trạng thái tâm tĩnh lặng, tập trung, hòa ái, những người này có thể khiến cơ thể mình nâng lên khỏi mặt đất hoặc bay bổng lên trên. Điều này cũng giống như giải thích vì sao các thân xác của một số hòa thượng có thể không bị thối rữa sau hàng trăm năm hoặc để lại xá lỵ sau khi bị hỏa thiêu.
Nhưng có một điểm, những người có công năng này tuyệt đối không được mang khả năng của mình để khoe khoang với người khác. Bởi vì khi họ trở nên khoe khoang, tâm tính của họ sẽ không đạt tiêu chuẩn, và các năng lực siêu thường có thể bị mất. Đây là lý do tại sao có rất nhiều người tu luyện trong thế giới chúng ta, nhưng rất ít người đứng ra biểu diễn những khả năng này.
Theo Tinh Hoa