Tôn giáo tín ngưỡng là một bộ phận quan trọng của văn hóa truyền thống Trung Hoa. Trong lịch sử Trung Quốc mấy nghìn năm, ba tôn giáo Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo vẫn luôn đồng thời tồn tại. Về sau này, các giáo phái Tây phương cũng du nhập vào Trung Quốc, trở thành tín ngưỡng tinh thần của một bộ phận người dân Trung Hoa. Tuy nhiên, kể từ khi giành chính quyền năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã không ngừng sử dụng các thủ đoạn nhằm phá hoại và tiêu diệt tôn giáo, từ bên ngoài lẫn bên trong.
Từ bên ngoài, ĐCSTQ gia tăng đàn áp tôn giáo. Năm 2018, các cộng đồng tín ngưỡng tôn giáo ở các nơi tại Trung Quốc đã phải đối mặt với mối đe dọa chưa từng có: Giáo hội gia đình Cơ Đốc giáo bị tấn công, người Hồi giáo Tân Cương đang bị giam giữ và giám sát, bức hại ở Tây tạng cũng đang nghiêm trọng hơn.
Từ bên trong, ĐCSTQ đưa những người không có tín ngưỡng vào bên trong tôn giáo, trực tiếp dẫn dắt những người có tín ngưỡng đi theo con đường sai lầm, đồng thời khiến những người chưa bước chân vào tôn giáo cảm thấy chán ghét tôn giáo. Năm 2018, trong Phật giáo Trung Quốc xuất hiện hàng loạt sự kiện “kỳ lạ”, từ việc lạm dụng các nữ tu, đến thương mại hóa chốn tu hành, gần đây nhất là quản lý cả việc chuyển sinh của Đạt Ma… ĐCSTQ đã áp dụng triệt để tuyên bố “Công phá pháo đài dễ nhất là đánh từ bên trong” của Lenin, coi đó như kim chỉ nam để phá hủy triệt để các tôn giáo.
Theo Báo cáo thường niên mới được công bố gần đây của Hiệp hội Viện trợ Trung Quốc (China Aid), năm 2018, sự thay đổi lớn nhất trong mối quan hệ giữa chính trị và tôn giáo tại Trung Quốc là chính trị thống lĩnh tôn giáo. Hát quốc ca trong nhà thờ, treo ảnh của Mao Trạch Đông và Tập Cận Bình ở 2 bên bục giảng trong nhà thờ, hợp nhất Cục Các vấn đề tôn giáo thuộc Quốc vụ viện vào Bộ Mặt trận Thống nhất Trung ương, tất cả những điều này đều cho thấy chính quyền đều không hề che giấu sự kiểm soát đối với tôn giáo.
Chính sách tôn giáo của ĐCSTQ chính là tiêu diệt tôn giáo
Ông Diệp Tiểu Văn (giữa) tại Hội đàm Tôn giáo Thế giới (Ảnh: Kim Young-ho/Epoch Times)
The Epoch Times đưa tin ngày 9/12/2017, kỹ sư cấp cao về kết cấu của Bộ Kiến thiết Trung Quốc Hà Lập Chí đã kể lại rằng 17 năm trước (năm 2000), ông từng tận mắt xem một video về cuộc họp cấp cao của ĐCSTQ, nội dung là đương nhiệm Cục trưởng Cục quản lý Sự vụ Tôn giáo quốc gia khi đó là Diệp Tiểu Văn tổ chức một buổi thuyết giảng với bí thư đảng ủy, các bộ ủy các cơ quan trung ương và Quốc vụ viện. Video dài 4 tiếng đồng hồ, trong đó ông Diệp Tiểu Văn nhắc đến mục đích cuối cùng của các chính sách tôn giáo của ĐCSTQ chính là tiêu diệt tất cả các tín ngưỡng tôn giáo, tiêu diệt linh hồn của nhân loại, đồng thời đưa ra 3 bước cụ thể.
Thứ nhất, mời những thủ lĩnh tôn giáo của dân tộc thiểu số đó đến Bắc Kinh làm quan to, Lạt Ma Tây Tạng cũng vậy, Ban Thiền cũng vậy, để họ hưởng thụ cuộc sống, cho họ những đãi ngộ tốt nhất để họ quên đi cái gì là tín ngưỡng tôn giáo.
Thứ hai, đối với những lãnh tụ tôn giáo hoặc chưởng môn phái không phục tùng, tức những người không nghe theo ĐCSTQ, thì tiến hành công kích họ, bắt giam, không để họ có không gian tồn tại.
Thứ 3, tiến hành đẩy mạnh giáo dục thuyết vô Thần trong những khu vực tín ngưỡng tôn giáo rộng, để những lớp người trẻ, những thế hệ mới không còn tin vào cha ông của họ nữa. Như vậy, theo thời gian, những tín ngưỡng tôn giáo lâu đời ở những nơi này sẽ dần dần không còn tồn tại nữa. Khống chế số người tín ngưỡng tôn giáo ở mức thấp nhất, dần dần giảm thiểu, cuối cùng đạt đến mức tôn giáo không còn tồn tại được nữa.
Trong đoạn video, ông Diệp Tiểu Văn còn nhấn mạnh, trong 50 năm trước, về cơ bản ĐCSTQ đã tiêu diệt tín ngưỡng tôn giáo của người Hán, và “thành công” trong việc cải tạo những tôn giáo còn tồn tại ở Trung Quốc thành một bộ phận phục vụ mục đích chính trị xã hội chủ nghĩa, nhưng sự xuất hiện của Pháp Luân Công lại khiến cho “thành quả” này biến thành hư không. Vì thế họ cần phải “thực hiện mục tiêu cuối cùng, chính là trước tiên giải quyết cho xong vấn đề Pháp Luân Công. Giải quyết thế nào? Chính là cần trừ bỏ tận gốc Pháp Luân Công.”
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu từ ngày 20/7/1999. (Ảnh: minghui.org)
Theo tài liệu công khai cho thấy, tại Trung Quốc Đại Lục, Pháp Luân Công truyền ra từ năm 1992, đến năm 1999, truyền thông của Trung Quốc đưa tin có từ 70 triệu đến 100 triệu người tập luyện Pháp Luân Công, con số này đã vượt qua tổng số đảng viên của ĐCSTQ lúc bấy giờ. Hơn nữa còn có rất nhiều đảng viên ĐCSTQ cũng đang tập luyện môn này. Tuy nhiên, ngày 20/7/1999, ĐCSTQ bắt đầu đàn áp, bức hại toàn diện Pháp Luân Công, ông Giang Trạch Dân từng lớn giọng nói “tiêu diệt Pháp Luân Công trong 3 tháng”, đồng thời thực thi chính sách “bôi nhọ danh dự, vắt kiệt kinh tế, hủy hoại thân thể”. Cuộc bức hại nhân quyền đối với người dân Trung Quốc Đại Lục vẫn tiếp diễn đến hiện nay và chưa hề dừng lại, ĐCSTQ thậm chí còn thu hoạch nội tạng sống người tu luyện Pháp Luân Công một cách tà ác đến cùng cực, phạm vào tội ác trước đây chưa từng có trên hành tinh này.
Cùng với mục tiêu tiêu diệt tôn giáo, ĐCSTQ không ngừng thao túng tôn giáo, tạo ra cái gọi là “tôn giáo quốc doanh” làm cơ quan ngôn luận cho ĐCSTQ, đảng nói gì thì họ nói theo, đến lúc cần thiết họ sẽ lên tiếng thay đảng và bênh vực đảng. Những tôn giáo quốc doanh này hoàn toàn méo mó biến dị, từ lâu đã không còn là tôn giáo đúng nghĩa nữa.
ĐCSTQ yêu cầu các tôn giáo đề cao “giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi”
Sau khi xây dựng chính quyền, ĐCSTQ đã biến hệ thống tôn giáo truyền thống thành một phần của hệ thống chính trị nhà nước. Dù Phật giáo hay Đạo giáo cũng chỉ là một công cụ chính trị, một đơn vị hành chính của ĐCSTQ.
Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, ĐCSTQ đã phát động một phong trào sâu rộng nhằm thực hiện cái họ gọi là “hán hóa” tôn giáo: làm cho các tôn giáo có nhiều “tính Trung Quốc” bằng cách đưa tất cả các tôn giáo dưới sự kiểm soát toàn diện của ĐCSTQ (thực chất là “đảng hóa” tôn giáo, làm cho các tôn giáo có nhiều “tính đảng”). Trung Quốc hiện nay công nhận 5 tôn giáo – Phật giáo, Đạo giáo, Hồi giáo, Công giáo và Tin lành – và đã bắt đầu một chiến dịch thay thế các nhà chức sắc tôn giáo được chính quyền thừa nhận trong cả năm tôn giáo này bằng các lãnh đạo thân ĐCSTQ, những người được dạy phải tuân lệnh ĐCSTQ và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Các chức sắc tôn giáo muốn tồn tại ở Trung Quốc phải đi học lớp huấn luyện “yêu nước”.
Những chức sắc tôn giáo mà được chế độ Bắc Kinh cho phép duy trì quyền lực bị ép phải tham gia “đào tạo mở rộng” tại Viện Xã hội chủ nghĩa Trung ương để dạy về tư tưởng Mác-xít. Viện Xã hội chủ nghĩa này được thiết kế riêng cho các cá nhân không phải là thành viên của ĐCSTQ, nhưng phải tham gia học tập để phù hợp với giáo lý của giai cấp cầm quyền. Các chức sắc tôn giáo tham gia các lớp học “chuyển hóa” này được dạy phải đề cao chủ nghĩa xã hội, sáng kiến “Một vành đai một con đường” và sự sáng suốt của Tư tưởng Tập Cận Bình. Các linh mục, mục sư và đạo sư được ĐCSTQ phê duyệt cũng đã bắt đầu công việc xóa bỏ bất cứ điều gì trong tôn giáo của họ mâu thuẫn với giáo lý của “Tư tưởng Tập Cận Bình”.
Việc cải tổ Công giáo – ảnh hưởng tới cả Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc và Giáo hội Yêu nước Tin Lành – sẽ “tăng tỷ lệ các giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa yêu nước và lịch sử Trung Quốc vào chương trình giảng dạy của các viện thần học có trụ sở tại Trung Quốc, cũng như thúc đẩy các yếu tố Trung Quốc vào các bài rao giảng giáo lý, các bài thơ ca tôn giáo, trang phục và các thiết kế nhà thờ”.
Hiện tại, Giáo hội Công giáo Trung Quốc không thuộc Tòa thánh Vatican, Rome. Tòa thánh đã cấm các tín đồ Công giáo tham gia vào các nghi lễ của giáo hội Trung Quốc từ năm 1988.
Hội Hồi giáo Trung Quốc cũng đã tiến hành một chiến dịch tương tự khi ép tất cả các nhà thờ Hồi giáo phải đề cao “lá cờ quốc gia, Hiến pháp Trung Quốc, các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi và văn hóa Trung Quốc truyền thống [đã bị ĐCSTQ cải biến]”.
ĐCSTQ làm biến chất Phật giáo
Tôn giáo là cõi tu hành, chú trọng “thế giới bên kia” và “vương quốc Thiên Đường”. Nhưng hòa thượng chính trị và mục sư chính trị thuộc Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ lại thêu dệt ra những thứ lầm lạc như “Phật giáo thế gian”, “Tôn giáo là chân lý, chủ nghĩa xã hội cũng là chân lý”, và “không có mâu thuẫn giữa thế tục và thế giới bên kia”. ĐCSTQ khuyến khích người xuất gia theo đuổi hạnh phúc và sự thịnh vượng của thế giới hiện tại, thay đổi giáo lý và ý nghĩa của tôn giáo.
Phá hoại giáo luật Phật giáo
Năm 1952, Trung Quốc thiết lập “Giáo hội Phật giáo Trung Quốc”, trong các hội viên có nhiều người đề nghị phải bỏ thanh quy giới luật trong Phật giáo, cho rằng những nguyên tắc này hại chết nhiều thanh niên nam nữ. Một số thậm chí ủng hộ “quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, các nhà sư nam và nữ được kết hôn, uống rượu ăn thịt, phải được tự do, không ai phải chịu kiểm soát.”
ĐCSTQ tịch thu điền sản, buộc tăng ni học chủ nghĩa Mác, cưỡng ép nhồi sọ, buộc các tăng ni tham gia lao động. Ví dụ, tại Ninh Ba tỉnh Chiết Giang có một “Công trường Phật giáo”, trong đó có hơn 25.000 tăng ni bị ép lao động, hoang đường hơn là ĐCSTQ khuyến khích tăng ni kết hôn, dẫn đến sự tan rã đức tin Phật giáo. Ví dụ trước ngày 8/3 vào năm 1951, Hội Phụ nữ Trường Sa tỉnh Hồ Nam lệnh cho các nữ tu trên toàn tỉnh trong vài ngày phải quyết định kết hôn. Ngoài ra, các nam tu sĩ còn trẻ khỏe phải gia nhập quân đội, bị đưa đến chiến trường làm bia đỡ đạn!
Các hòa thượng chính trị thêu dệt ra thuyết “diệt trừ phản cách mạng là từ bi lớn hơn” nhằm đả phá nguyên tắc cấm sát sinh của Phật giáo. Thậm chí trong thời kỳ “chống Mỹ và hỗ trợ Bắc Triều Tiên”, các nhà sư còn được đưa lên tiền tuyết để giết người.
Mới đây nhất, sau Đại hội 19 của ĐCSTQ, Phó hội trưởng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc – Hòa thượng Ấn Thuận tuyên bố Đại hội 19 là “Phật kinh đương đại”. Thậm chí, Viện Phật học Nam Hải, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã tổ chức “Lớp bồi dưỡng học tập tinh thần Đại hội 19” của Hiệp hội Phật giáo tỉnh Hải Nam, “hòa thượng” Ấn Thuận, đương nhiệm Phó hội trưởng Hiệp hội Phật giáo phụ trách chủ trì lớp học nói, “báo cáo Đại hội 19 là Phật kinh đương đại, tôi đã chép tay 3 lần, và còn đang chuẩn bị tiếp tục chép thêm 10 lần.”
Tệ hơn nữa, các danh sơn Phật giáo còn bị đưa vào thương mại hóa. Theo thông tin từ trang web ủa Ủy ban Giám sát Chứng khoán Trung Quốc, hồi tháng 4/2018 Công ty Cổ phần Phát triển du lịch Phổ Đà Sơn công bố Bản dự thảo cho biết, theo kế hoạch Phổ Đà Sơn sẽ được đưa lên sàn chứng khoán. Thị trường Cổ phiếu A (cổ phiếu phổ thông Nhân dân tệ) sẽ có đủ bốn khu núi nổi tiếng của Phật giáo Trung Quốc. Địa điểm cụ thể của bốn ngọn núi Phật giáo nổi tiếng Trung Quốc này lần lượt là: Cửu Hoa ở An Huy, Ngũ Đài ở Sơn Tây, Phổ Đà ở Chiết Giang, và Nga Mi ở Tứ Xuyên. Theo như thông báo, mục tiêu IPO Phổ Đà Sơn dự tính là 615 triệu Nhân dân tệ, nguồn thu sẽ tập trung đầu tư vào cáp treo, tàu thuyền, và nhà đậu xe lập thể.
“Quản lý Sự Đầu thai của Phật sống”
Ngày 18/3/2019 vừa qua, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma trong một cuộc phỏng vấn mới đây nói rằng sau khi ông qua đời, có thể ông sẽ đầu thai tại Ấn Độ, nơi ông sống lưu vong trong 60 năm qua và cảnh báo bất cứ người nào được chỉ định bởi Bắc Kinh để kế tục vị trí của ông không nên được tôn trọng.
Một ngày sau khi phát biểu của Đạt Lai Lạt Ma được công bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc có phản ứng rằng Trung Quốc có các điều luật quản lý sự luân hồi của Phật sống và Đạt Lai Lạt Ma hiện tại cũng phải tuân thủ điều này. Phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Việc đầu thai của các vị phật sống là một thể chế đặc sắc được kế thừa trong Phật giáo Tây Tạng, xuất hiện với một loạt các tập tục và lễ nghi. Chính quyền Trung Quốc thi hành chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo. Thể chế đầu thai này được tôn trọng và bảo vệ bởi các cơ quan pháp lý như Luật Vấn đề Tôn giáo và Các biện pháp quản lý Sự Đầu thai của Phật sống… Do đó việc đầu thai của Phật sống, bao gồm Đạt Lai Lạt Ma phải tuân theo pháp luật Trung Quốc và các quy định, và theo nghi lễ tôn giáo cũng như tập tục lịch sử. “
Nhằm kiểm soát người Tây Tạng khiến họ dần dần từ bỏ tín ngưỡng của mình, năm 2007, Ban Quản lý Nhà nước về vấn đề Tôn giáo Trung Quốc ban hành Các biện pháp về Quản lý sự Đầu thai của Phật sống. (Hiện tại Ban quản lý nhà nước về vấn đề Tôn giáo được đặt ngay trực tiếp dưới quyền điều khiển của Bộ Mặt trận Trung ương thống nhất của ĐCSTQ). Điều 2 của Luật Quản lý đầu thai Phật sống quy định rằng “sự luân hồi của một Phật sống phải tuân theo các nguyên tắc bảo vệ sự thống nhất quốc gia, bảo vệ sự hòa hợp tôn giáo và xã hội và duy trì trật tự của Phật giáo Tây Tạng”. Điều này đồng nghĩa với việc “Phật sống Tây Tạng chuyển thế” bắt buộc phải được chính quyền Đại Lục thẩm tra phê chuẩn.
Luật này được đưa ra rõ ràng nhằm chống lại việc Đạt Lai Lạt Ma trong tương lai, người đang sống lưu vong ở Ấn Độ. Từ lâu nhiều người đã nhận định rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ tìm cách chọn ra Đạt Lai Lạt Ma kế vị để đảm bảo lãnh đạo cao nhất của Phật Giáo Tây Tạng phù hợp với các yêu cầu, chính sách của Bắc Kinh.
Trên thực tế, Phật giáo Tây Tạng vẫn luôn là bia ngắm bức hại của ĐCSTQ. Năm 1950, ĐCSTQ cho quân đội đến chiếm lĩnh Tây Tạng. Năm 1959, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã phải lưu vong sang Ấn Độ, bị ĐCSTQ coi là “phiến loạn”. Năm 1966, sau khi phát động Đại Cách mạng Văn hóa, rất nhiều Lạt ma bị cưỡng chế hoàn tục, nhiều kinh thư quý giá bị thiêu hủy. Đến năm 1976, vùng Tây Tạng nguyên có 2.700 ngôi chùa giảm xuống chỉ còn 8 ngôi chùa, trong đó chùa Đại Chiêu được xây dựng vào hơn 1.300 năm trước từ thời đại nhà Đường, ngôi chùa quan trọng nhất của Tây Tạng cũng bị cướp bóc trong Đại Cách mạng Văn hóa.
Tạm kết
Phá hoại tôn giáo không chỉ là việc khiến con người hiểu sai về tôn giáo, mà còn phá hủy tôn giáo từ bên trong, biến tôn giáo đó thành một thứ tà đạo, đánh tráo các giáo lý chân chính bằng giáo lý tà đạo nhưng vẫn giữ nguyên tên nhằm phục vụ cho các mục tiêu quyền lực thay vì mục tiêu chân chính của tôn giáo là giúp con người đề cao đạo đức.
Lịch sử nhân loại cho thấy có 5 thủ đoạn thường dùng để phá hoại một tôn giáo, đó là:
- Phá hủy môi trường lưu truyền
- Làm méo mó giáo nghĩa
- Dựng chuyện, chụp mũ, tuyên truyền, kích động thù hận
- Phá hoại từ bên trong
- Tôn giáo chính trị – Sùng bái cá nhân
Phá hoại từ bên trong là cài những người không có tín ngưỡng vào bên trong tôn giáo, trực tiếp dẫn dắt những người có tín ngưỡng đi theo con đường sai lầm, đồng thời khiến những người chưa bước chân vào tôn giáo cảm thấy chán ghét tôn giáo… từ đó mà hủy đi niềm tin của con người nói chung vào giá trị chân chính của tu luyện, nâng cao chuẩn mực đạo đức, hướng về cội nguồn của văn hóa truyền thống.