Đằng sau những người đến nhận thi thể của ông Hàn Tuấn Thanh có khoảng mười chiếc xe cảnh sát theo sát, không cho phép chụp ảnh, càng không được phép có phóng viên xuất hiện.
Thế nhưng, không cần đến hình ảnh hay báo chí, con gái của ông Hàn Tuấn Thanh, cô Hàn Vũ sẽ không bao giờ quên được cảnh tượng mà chính mắt cô nhìn thấy ngày hôm đó: Thi thể của cha cô đầy vết thương trong tình trạng vô cùng kỳ lạ.
Cô Hàn Vũ nói với phóng viên của Epochtimes rằng: “Thi thể của cha tôi gầy lắm, trên mặt có rất nhiều vết thương, phần da ở đuôi mắt trái không thấy đâu cả, còn mặt mũi thì bị đánh đến mức thâm tím.”
Cô nói tiếp: “Tôi nhìn thấy có một vết dao cắt rất dài từ cổ họng đến ngực được khâu lại bằng chỉ đen, phần còn lại thì không thấy được nữa do bị quần áo che mất. Tôi muốn mở áo sơ mi của ông ra để xem vết cắt dài đến đâu nhưng cảnh sát đã ngăn tôi lại, rồi buộc tôi phải rời đi.”
Khi đó, chỉ có hai người thân được vào phòng đặt thi thể của ông Hàn Tuấn Thanh dưới sự giám sát của cảnh sát Bắc Kinh, bên ngoài phòng có rất nhiều người canh gác.
Cô Hàn Vũ kể lại:
“Sau đó, dì và chú của tôi cũng vào trong, họ nhất quyết cởi khuy áo của cha tôi ra thì nhìn thấy rõ ràng là một vết cắt dài từ cổ đến bụng.”
“Rồi họ dùng tay ấn vào bụng cha tôi thì nhận thấy bên trong không hề có nội tạng, hoàn toàn chỉ có đá lạnh. Bởi vì nguyên nhân này nên thời gian hỏa thiêu thi thể của cha tôi dài gấp 2 lần so với người bình thường.”
Vào năm 2004, khi ông Hàn Tuấn Thanh qua đời, bí mật về tội ác của Đảng cộng sản Trung Quốc mổ cướp tạng sống của tù nhân lương tâm vẫn chưa bị phơi bày ra ánh sáng, và tội ác được coi là “tàn ác chưa từng có trên Trái Đất” này vẫn còn kéo dài cho đến ngày hôm nay.
Hình ảnh nhiều năm trước của ông Hàn Tuấn Thanh, cha của cô Hàn Vũ.
Theo dõi và quấy rối
Vào lần đầu tiên ông Hàn bị cảnh sát bắt khi đang ở nhà tại quận Phòng Sơn Bắc Kinh. Cô Hàn Vũ và em trai nhìn thấy cảnh sát lôi cha mình ra khỏi cửa, sau đó họ lục tung căn nhà lên. Khi đó cô chỉ mới 14 tuổi, vẫn còn là một học sinh cấp 2.
Cô nói với phóng viên rằng: “Khi đó tôi nói với cảnh sát rằng người các ông bắt là người tốt, nhưng ông ta (cảnh sát) giơ tay đánh tôi…. Khoảng một tháng sau, họ lại đến bắt mẹ kế của tôi, trong nhà chỉ còn lại tôi và em trai.”
Cha mẹ Hàn Vũ bị bắt vì tập Pháp Luân Công. Đây là một pháp môn tu luyện đã được truyền rộng ra toàn thế giới, dạy con người ta trọng đức hướng thiện theo Chân – Thiện – Nhẫn, cũng như tập luyện 5 bộ công pháp gồm những động tác đơn giản.
Trước năm 1999, người dân ở Trung Quốc được tự do tu luyện Pháp Luân Công, có khoảng 100 triệu người tập luyện mỗi ngày. Tuy nhiên, cựu Tổng bí thư ĐCSTQ là Giang Trạch Dân lúc bấy giờ đã rất đố kỵ và lo sợ quá nhiều người tập luyện Pháp Luân Công sẽ ảnh hưởng đến quyền lực của ông ta, nên đã phát động một cuộc đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc, cuộc bức hại này vẫn kéo dài cho tới hôm nay.
Vào ngày hôm ấy, cảnh sát đã lục tung nhà của cô Hàn Vũ và tịch thu tất cả tài liệu có liên quan đến Pháp Luân Công.
Tiếp đó, cảnh sát vẫn tiếp tục theo dõi và sách nhiễu nhà cô Hàn Vũ. Sau đó, cô Hàn Vũ nhận được điện thoại của một học viên Pháp Luân Công hỏi cô liệu có thể ở nhà cô một đêm được không. Ngày hôm sau khi cô đi đón người này thì phát hiện xe cảnh sát đang theo dõi nên cô đành đi lòng vòng trong khu nhà rồi về.
Trong vòng một giờ đồng hồ, có vài cảnh sát đến trước cửa nhà cô, xông vào nhà, họ bắt đầu lục soát và thẩm vấn xem vừa rồi cô đi đâu, làm những gì.
“Dù bố mẹ không có nhà, họ vẫn cứ quấy rối tôi. Khoảng thời gian đó tôi rất sợ hãi cảnh sát.”
Bức ảnh cũ của ông Hàn Tuấn Thanh.
Những tháng ngày bị cô lập
Khi đến trường học, các phụ huynh dặn con của họ không được tiếp xúc với Hàn Vũ và em trai, bởi vì họ sợ gia đình mình bị liên lụy.
Những ngày tháng ấy, em trai chỉ mới 9 tuổi của Hàn Vũ dần trở nên sống nội tâm và bắt đầu trốn học. “Khi đó thằng bé còn rất nhỏ mà đã phải chịu đựng nhiều hơn tôi.”
Cuối cùng thì ông Hàn Tuấn Thanh cũng được thả về nhà, nhưng sự bức hại tàn khốc trong tù đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể xác và tinh thần của ông: những thói quen xấu trước đây như dễ nổi nóng, cờ bạc, uống rượu, hút thuốc lại quay trở lại với ông. Trước khi tập Pháp Luân Công, ông Hàn là một người sống không lành mạnh nổi tiếng trong khu vực.
“Khi cha tôi bắt đầu tập Pháp Luân Công, không khí trong cả gia đình đều được cải thiện. Khi đó, tôi cảm thấy mình vui hơn bao giờ hết.”
Sau khi được thả ra, ông Hàn đã kể với chị và em trai của ông những tra tấn mà ông phải chịu đựng trong tù. Ông thường xuyên bị quản giáo đánh đập tàn nhẫn, có lần thậm chí ông còn bị mười mấy dùi cui điện sốc cùng lúc.
Theo thời gian, ông Hàn Tuấn Thanh dần trở lại trạng thái tinh thần tốt hơn, ông lại bỏ được những thói quen xấu trước đây và quyết định tập lại Pháp Luân Công. Thế nhưng ông hoàn toàn không biết rằng chính vì quyết định này mà ông đã phải hy sinh mạng sống của mình.
Vào ngày 4/5/2004, ông Hàn Tuấn Thanh bị bắt lần thứ hai và qua đời 3 tháng sau đó.
Vì Hàn Vũ không sống ở nhà nên khi cha bị bắt đi, cô hoàn toàn không hề hay biết. Cho đến một ngày, cô nhận được một cuộc điện thoại.
Cô nhớ lại: “Khi đó tôi rất chấn động và cảm thấy vô cùng đau khổ, tôi không thể chấp nhận được sự thật này. Tôi không dám tin rằng họ thật sự đã sát hại cha tôi. Tôi cứ nghĩ người ta gọi nhầm. Cho đến khi tôi nhìn thấy thi thể của ông thì mới….”
Cô Hàn Vũ bỗng nhiên nghẹn ngào, cô trầm mặc rất lâu mới nói tiếp: “Cho đến khi nhìn thấy thi thể của ông, tôi mới hiểu rằng ông thật sự đã ra đi rồi. Khoảnh khắc đó đầu tôi hoàn toàn trống rỗng. Tôi không thể ngủ nổi và dù đã ngủ rồi cũng sẽ mơ thấy ác mộng.”
“Tôi thường hay nằm mơ thấy cha”. Tất cả những điều này là một cơn ác mộng không thể giải thoát được đối với Hàn Vũ.
“Giấy quyết định hủy án” của Cục công an Phòng Sơn thành phố Bắc Kinh tuyên bố vụ án bị hủy do ông Hàn Tuấn Thanh tử vong trong thời gian bị giam giữ.
Sự tự do và lấy lại tín ngưỡng
Khi còn nhỏ, cô Hàn Vũ đã cùng cha mẹ tập Pháp Luân Công, nhưng sau khi cha qua đời, cô cũng dừng việc tu tập.
Vào một đêm năm 2013, Hàn Vũ lại nằm mơ thấy cha trong tình trạng hoàn toàn khác: “Trong mơ, trông cha tôi rất khác, ông có vẻ vô cùng khỏe mạnh. Ông nói rằng muốn đưa tôi đến một nơi, tôi hỏi là đi đâu thì ông nói cứ đi theo ông là được.”
Cô nói tiếp: “Ông đưa tôi đến trước hai cái thang máy, một cái đang đi lên, còn một cái đi xuống. Cha và tôi đứng ở trước thang máy đang đi lên. Cha nói rằng tôi hãy đi tìm lại những gì đã mất và phải thật lòng tin vào tín ngưỡng.”
Không lâu sau khi nằm mơ, Hàn Vũ đã đi du lịch đến Hồng Kông, khi cô nhìn thấy có những học viên Pháp Luân Công đang đứng trên phố để phản đối cuộc đàn áp và giải thích sự thật về Pháp Luân Công với những người qua đường, cô đã cảm thấy vô cùng bất ngờ….
Hàn Vũ đã quyết định quay trở lại tu luyện Pháp Luân Công.
Năm 2015, khi đi du lịch đến Mỹ, Hàn Vũ đã tham gia hoạt động tập thể của các học viên Pháp Luân Công trên thế giới. Sau 5 ngày trở về Trung Quốc, bạn cùng phòng, chủ nhà và cô đều bị bắt, họ đều là học viên Pháp Luân Công.
Hàn Vũ bị đưa đến đồn cảnh sát và bị thẩm vấn tất cả chi tiết khi cô ở Mỹ. Cô bị trói trên một chiếc ghế sắt, cả ngày không được ăn uống. Cuối cùng vì không đủ chứng cứ chứng minh Hàn Vũ là học viên Pháp Luân Công nên cảnh sát đã thả cô.
Kể từ sau đó, Hàn Vũ đã hiểu đây là lúc cô phải rời khỏi Trung Quốc. Hiện nay ở Trung Quốc, tất cả mọi cơ quan đều bị kiểm soát chặt chẽ, bao gồm cả tin nhắn và thông tin trên mạng của người dân.
Khi phóng viên hỏi cô vì sao lại đến Mỹ để xin tị nạn chính trị thì Hàn Vũ cười nói: “Vì sao lại là nước Mỹ ư? Bởi vì ở đây tự do.”
Ngày 15/10/2018, cô Hàn Vũ lúc này 33 tuổi cuối cùng đã đến New York.
Cô Hàn Vũ luyện tập Pháp Luân Công ở New York.
Bước đi, chứng kiến và truyền tải sự thật
Hàn Vũ kể lại ấn tượng đầu tiên của cô đối với nước Mỹ:
“Cảm giác đầu tiên khi tôi đến đây đó chính là tự do. Khi ở Trung Quốc, tôi phải hết sức cẩn thận khi đọc sách của Pháp Luân Công, tôi chưa từng dám mang sách ra ngoài. Nhưng ở đây, tôi có thể học trên tàu điện ngầm, cũng như luyện công ở công viên và ngay cả trước Lãnh sự quán Trung Quốc mà không phải lo lắng bị bắt hoặc tra tấn.”
“Nhưng nói thật thì vẫn còn một phần của tôi vẫn chưa thoát khỏi Trung Quốc, mỗi lần nhìn thấy cảnh sát, trong tâm tôi vẫn sẽ cảm thấy sợ hãi.”
Mỗi ngày dù trời mưa hay gió, Hàn Vũ đều sẽ đến trước Lãnh sự quán Trung Quốc, cô cầm biểu ngữ trên tay hoặc phát những cuốn sách nhỏ cho người qua đường nhằm truyền tải sự thật về cuộc đàn áp đang xảy ra ở quê nhà, phơi bày những hành vi tội ác của ĐCSTQ, hy vọng có một nào đó sẽ đưa những thủ phạm bức hại cha cô ra công lý.
Khi Giang Trạch Dân phát động cuộc đàn áp mang tính hủy diệt này, ông ta đã ban hành một mật lệnh cho những người đứng đầu phòng 610 phải “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể” của các học viên Pháp Luân Công. “Phòng 610” là một tổ chức Gestapo được thành lập để chuyên đàn áp các học viên Pháp Luân Công.
Giang Trạch Dân cũng từng ra lệnh “đánh chết thì đánh chết”, “đánh chết xem như tự sát”, “không cần kiểm tra nguồn gốc thi thể, hỏa thiêu tại chỗ” đối với các học viên Pháp Luân Công.
Dù trong gần 20 năm qua, Hàn Vũ đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ mà cuộc đàn áp của ĐCSTQ mang lại, nhưng cô không cho rằng chỉ có mình là người bị hại: “Tôi cảm thấy rằng… những cảnh sát này thật ra rất đáng thương. Họ không hề biết đến sự thật, họ cho rằng những gì mình tin tưởng là đúng. Bởi vì ở Trung Quốc, người dân bị áp chế về mặt tư tưởng.”
“Nếu họ hiểu được chúng tôi (các học viên Pháp Luân Công) rốt cuộc là những người như thế nào, họ sẽ không đàn áp chúng tôi nữa.”
Hàn Vũ một lần nữa nhớ đến sự kiên định của cha mình: “Dù đến cuối cùng, ông ấy cũng không hề cúi đầu trước bức hại, ông ấy vẫn kiên trì với tín ngưỡng của mình.”
Cuối cùng cô nói: “Tôi cũng sẽ giữ vững tín ngưỡng của mình và truyền rộng sự thật, bảo vệ và giải cứu những người lương thiện đang bị đàn áp ở Trung Quốc do không từ bỏ tín ngưỡng của mình, bao gồm cả những bạn của tôi đang ở trong tù.”
Minh Ngọc
Theo trithucvn.net