Phía bên kia đại dương, nó được giấu vào một tấm bia mộ giả dành cho lễ Halloween. Qua một hành trình dài, nó lên kệ của siêu thị Kmart, được mua về, dúi vào trong một nhà kho tại Damascus, Oregon, Mỹ, suốt 1 năm trời. Điều tử tế phía bên này đại dương chỉ thực sự bắt đầu khi bà mẹ hai con Julie Keith lấy món quà ra, chuẩn bị cho dịp sinh nhật gần Halloween của cô con gái 4 tuổi. Cô bé hào hứng, nhảy qua nhảy lại, bóc quà. Đó là bữa tiệc đầu tiên mà em được phép tự tổ chức.
Đột ngột, một mảnh giấy rơi ra… Keith hơi ngạc nhiên khi thấy trên đó là những hàng chữ viết tay bằng 2 thứ tiếng – Anh và Trung:
“Thưa ngài: Nếu ngài thi thoảng có mua món hàng này, xin làm ơn gửi bức thư của tôi tới Tổ chức Nhân quyền Quốc tế…” tiếp sau đó, bức thư mô tả hoàn cảnh tra tấn và lạm dụng tàn bạo tại một nơi gọi là Mã Tam Gia. Bức thư nhắn nhủ, “hàng nghìn người đang bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại sẽ nhớ ơn ngài mãi mãi…”
Khoảng lặng của Keith khiến con gái cô thoáng dừng lại. Cô bé chưa biết đọc, nhưng em có thể cảm thấy mẹ mình đang rất bối rối.
“Tra tấn ư? Trừng phạt ư? Người có tín ngưỡng bị cầm tù? Rốt cuộc ai đã viết bức thư? Vì sao nó lại xuất hiện trong một hộp quà Halloween cho con trẻ?” – Keith không ngừng tự hỏi.
Trong một thời đại mà lòng tốt và điều tử tế trở thành trò tiêu khiển trên truyền hình, việc đầu tiên Keith làm là kiểm chứng. Cô lên mạng tra cứu về Mã Tam Gia, rồi sửng sốt khi biết rằng trại lao động này có một biệt danh khác: địa ngục. Địa ngục trần gian Mã Tam Gia, đó là nơi những nhà bảo vệ nhân quyền, nhà bất đồng chính kiến và các tù nhân bị giam giữ vì tín ngưỡng, đối mặt với tra tấn tàn bạo, lạm dụng tình dục, tẩy não, cho đến khi họ “nhận sai” hoặc ký cam kết thay đổi.
Không thể kết nối được với một tổ chức nhân quyền nào, Keith gọi tới một tờ báo địa phương. Bức thư nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới truyền thông. Áp lực quốc tế đổn dồn tới Trung Quốc. Cuối cùng một bước ngoặt lịch sử xuất hiện: các trại lao động cưỡng bức Trung Quốc buộc phải đóng cửa hoặc đổi tên, trong đó có cả Mã Tam Gia.
Nhưng câu chuyện chưa hề kết thúc…
Giờ đây, năm 2018, 6 năm sau khi bức thư cầu cứu được công bố, toàn bộ câu chuyện về người viết thư mới xuất hiện trong một bộ phim tài liệu cảm động mang tên “Thư từ Mã Tam Gia”. Đó là tác phẩm của nhà làm phim từng nhận giải Peabody danh giá, Leon Lee, cùng ông Tôn Nghị, người đã viết bức thư, và một người quay phim ẩn danh tại Trung Quốc. Sự phối hợp xuyên đại dương đó đã tạo nên một bộ phim đặc biệt.
Nhà làm phim Leon Lee được sinh ra tại Trung Quốc, và hiện đang sinh sống tại Canada. Anh nổi tiếng với hàng loạt bộ phim về những điều “không được nhắc tới” tại Trung Quốc, trong đó nổi bật là bộ phim “Thu hoạch con người” (Human Harvest), bộ phim nói về tội ác thu hoạch nội tạng sống từ những người tập Pháp Luân Công do chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn. “Thu hoạch con người” từng nhận được giải Peabody vào năm 2014.
Sau khi nghe kể về bức thư vượt đại dương và câu chuyện của Keith, Leon Lee quyết định tìm kiếm người đàn ông đã viết bức thư này. Năm 2016, 4 năm sau khi sự việc xảy ra, nhờ một phóng viên – nhà hoạt động trong mạng lưới ngầm tại Trung Quốc, cuối cùng Leon Lee đã liên lạc được với chủ nhân bức thư – ông Tôn Nghị.
Một cuộc gọi Skype bảo mật đã kết nối họ với nhau, và ông Tôn cho hay, ông đang viết một cuốn sách về câu chuyện của mình. Tuy nhiên, ông cảm thấy rằng thông điệp mà ông truyền đạt đến tất cả mọi người sẽ mạnh mẽ hơn bên trong một bộ phim. Tôn Nghị không biết làm phim, thậm chí chưa từng dùng một chiếc camera. Còn Leon Lee thì không thể quay lại Trung Quốc sau những bộ phim vạch trần tội ác của chính quyền mà anh làm.
Qua Skype, Lee bắt đầu giúp ông Tôn làm phim, hướng dẫn ông mua các thiết bị cần thiết, đồng thời khuyên ông tìm thêm một người bạn đồng hành. Ông Tôn và người bạn ẩn danh đó đã thực hiện những thước phim ngay tại Trung Quốc, ghi lại quá trình ông Tôn bắt đầu tập luyện môn khí công mang tên Pháp Luân Công; việc môn khí công này bị đàn áp tàn bạo tại Trung Quốc; những màn tra tấn địa ngục mà ông Tôn đã phải trải qua trong trại lao động; cùng quá trình ông giấu 20 bức thư cầu cứu vào các hộp quà Halloween, những hộp quà mà ông hy vọng sẽ tới thế giới phương Tây, vì chúng được đóng gói bằng tiếng Anh.
Ông Tôn cùng người bạn ẩn danh của mình đã mạo hiểm cả tính mạng trong quá trình làm phim, bởi cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc vẫn đang diễn ra, tính cho đến thời điểm năm 2018. Hơn nữa, việc mổ cướp nội tạng của người tập Pháp Luân Công vẫn chưa hề dừng lại.
Tất cả những thước phim quay được, được rút gọn, mã hóa vào trong một dịch vụ bảo mật trên mạng. Và nhà làm phim Leon Lee sẽ phản hồi lại cho ông Tôn về các cảnh quay chưa đạt. Sau đó, những thước phim gốc được cho vào trong một ổ cứng bảo mật và vận chuyển qua mạng lưới các nhà hoạt động ngầm ở Trung Quốc để tới Canada. Khi Leon Lee nhận được ổ cứng, ông Tôn sẽ gửi mật mã cho anh. Và “nếu như tôi nhập sai mật mã, ổ cứng sẽ bị khóa và tất cả các thước phim đều bị mất”, Leon Lee chia sẻ.
Năm 2012, vào lúc bức thư cầu cứu được công bố, ông Tôn thực tế đã thoát khỏi Mã Tam Gia. Và sau khi những thước phim cuối cùng của “Thư từ Mã Tam Gia” hoàn thành, ông Tôn đã trốn khỏi Trung Quốc, tới Jakarta xin tị nạn. Mãi đến lúc này, nhà làm phim và nhân vật chính mới được gặp mặt nhau trực tiếp…
“Sau khi gặp ông ấy, tôi cứ luôn tự hỏi rằng làm sao mà một người đàn ông lịch sự và trầm lặng như vậy lại có được một dũng khí lớn đến thế”, Leon Lee tâm sự.
“Thư từ Mã Tam Gia” được trình chiếu hôm 27/4, 29/4 và 4/5/2018 tại Liên hoan Phim tài liệu Quốc tế Canada (Hot Docs) và 5/5 tại Liên hoan Phim tài liệu DOXA, Vancouver, Canada.
Hành trình đầy hiểm nguy của ông Tôn Nghị đã được “Thư từ Mã Tam Gia” kể lại, nhưng câu chuyện về những điều tử tế chưa dừng lại ở đây…
Bà mẹ hai con Keith, người đã công bố bức thư của ông Tôn Nghị, luôn day dứt về những điều đã xảy ra. Cô tâm sự:
Tôi vẫn luôn suy nghĩ lại về quyết định của mình lúc đó. Có người đã nói với tôi rằng, bởi vì tôi công bố bức thư mà những tù nhân tại Mã Tam Gia bị trừng phạt, vì thế đáng lẽ tôi nên im lặng. Liệu tôi đã khiến những con người cách mình nửa vòng trái đất gặp hiểm nguy? Hay làm phiền lòng chính quyền Trung Quốc. Có lẽ… Nhưng kể cả vậy, tôi cũng chưa hiểu hết hệ quả của những việc mình đã làm.
Áp lực quốc tế bắt nguồn từ hành động của Keith đã tạo ra được một bước ngoặt lịch sử ở Trung Quốc: các trại lao động cưỡng bức buộc phải đóng cửa hoặc đổi tên, trong đó có cả Mã Tam Gia. Nhưng cuộc đàn áp vẫn tiếp diễn, sự tra tấn trở nên ẩn núp hơn, rút về các trung tâm giáo dưỡng hay bệnh viện tâm thần.
Nhiều năm sau, mãi cho đến khi gặp Tôn Nghị, nhìn người đàn ông gầy gò nhỏ bé và ít nói, Keith mới thực sự thấu hiểu ý nghĩa bên trong hành động của mình:
“Bây giờ, tôi không còn cảm thấy vui mừng khi mua được những món quà giảm giá cho các con, vì tôi biết cái giá phải trả cho điều đó. Tôi nói với các con mình rằng có nhiều quà không phải là quan trọng – điều tốt là có được những món quà tử tế. Nếu những người làm ra chúng được đối xử tốt, món quà sẽ bền lâu hơn và mang đến nhiều kỷ niệm đẹp. Chúng ta sẽ sở hữu ít hơn, nhưng chúng ta không cần những món quà không tử tế.”
Cô tâm sự:
“Tôn Nghị đã bị giam trong 2 năm rưỡi vì tập môn thiền định Pháp Luân Công, môn tập bị chính quyền Trung Quốc đàn áp. Ông ấy đã không từ bỏ đức tin của mình, và ông ấy đã phải trả giá cho dũng khí ấy. Ông là người vô cùng đặc biệt, người đã thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi.”
Điều Keith tự hào nhất là cô con gái 10 tuổi của mình. Ở trường, cô bé đã chia sẻ câu chuyện của ông Tôn Nghị với tất cả mọi người, để tất cả các đứa trẻ khác thấu hiểu một bài học về sự tử tế.
Không chỉ Keith và con, có những con người đặc biệt khác cũng được thay đổi nhờ Tôn Nghị. “Thư từ Mã Tam Gia” bao gồm hai cuộc phỏng vấn với hai lính gác từng làm việc tại Mã Tam Gia. Họ đã đồng ý tham gia vào bộ phim, bất chấp những hậu quả mà nó có thể mang tới. Nhà làm phim Leon Lee đã từng rất áy náy cho sự an toàn của họ, nhưng với họ, đó là tiếng gọi lương tri: “… họ đã rất nhẹ nhõm sau khi được phỏng vấn. Vì với họ, lần đầu tiên trong cuộc đời, họ đã làm được một điều đúng đắn”.
Tôn Nghị đã viết 20 bức thư, nhưng chỉ có một bức thư được công bố. Nếu Keith không lên tiếng, có lẽ hàng chục nghìn người vẫn đang bị tra tấn trong các trại lao động cải tạo cưỡng bức của Trung Quốc.
Bài: Nguyễn Vĩnh.
Thiết kế: Kim Tuyến.
Trailer phim “Thư từ Mã Tam Gia”