Trong cuốn sách “Ngừng học” của nhà nho học thời Tùy tên Vương Đạo có một câu rất nổi tiếng: “Thông minh biết điểm dừng, khôn vặt chỉ giỏi mưu mô, trí tuệ của một người sẽ có lúc cạn kiệt, nhưng thiên đạo thì không có điểm kết thúc”.
Trong sách “Mặc Tử” sớm đã nói rằng: “Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi, khả dĩ trường cửu”, ý rằng biết đủ thì không bị nhục nhã, biết dừng thì không gặp nguy hiểm, có thể được lâu bền. Cuộc sống con người tuy có ham muốn, nhưng quý ở chỗ “biết dừng”, ý nói là biết dừng đúng lúc.
Chỉ khi lấy “biết dừng” làm mở đầu, thì mới có thể kết thúc bằng “có được”. Người xưa thường giảng: “Hữu quyền bất khả sử tẫn, hữu phúc bất khả hưởng tẫn”, tức là có quyền không được dùng hết, có phúc không được hưởng hết. Đây đều là những lời vàng ý ngọc trong đạo lý đối nhân xử thế, cũng là quy phạm dạy làm người hết sức trọng yếu.
Tất nhiên, chữ “止 – Chỉ” (dừng) trong hóa Trung Quốc không chỉ có nghĩa là “dừng lại”, mà còn có nghĩa là “cư, tại” (sống, ở). Cuộc sống trên thế gian này, khi chúng ta đối mặt với các mối quan hệ xã hội, đầu tiên nên cố gắng tìm được vị trí của riêng mình, rồi đóng tốt vai trò đó.
Ngay trong sách “Đại Học” đã có một đạo lý về biết điểm dừng của mọi việc: “Vi nhân quân, chỉ vu nhân; vi nhân thần, chỉ vu kính; vi nhân tử, chỉ vu hiếu; vi nhân phụ, chỉ vu từ; dư quốc nhân giao, chỉ vu tín”. Tạm dịch: Làm người cai trị, phải biết dừng ở nhân từ; làm quần thần, phải biết dừng ở tôn kính; làm con cái, phải biết dừng ở lòng hiếu thảo; làm một người cha, phải biết độ lượng; giao lưu với nước khác phải biết dừng ở chỗ thành tín.
Trong “Đại Học” còn giảng: “Tri chỉ nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tĩnh, tĩnh nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc”, ý rằng, biết đến cùng rồi mới định được, định mới có thể tĩnh, tĩnh rồi mới có thể suy nghĩ tinh tường, suy nghĩ tinh tường rồi mới có thể lĩnh ngộ được.
Tất cả những con bạc khôn ngoan đều biết cách rút lui đúng lúc theo đạo lý này. Khi một người đã đạt được đủ thành công – cho dù không có nhiều thành công hơn nữa – họ cũng thấy như vậy là tốt rồi. Bởi vì chuỗi may mắn luôn luôn đáng ngờ, khi may mắn đến quá nhanh và quá nhiều, nếu bạn không thận trọng, rất có thể bạn sẽ bị quật ngã bất cứ lúc nào.
Năm 1866, “Tể tướng máu sắt” Otto von Bismarck của nước Phổ (Prussia) đã tuyên bố chiến tranh chống lại Áo để đạt được sự thống nhất của Đế quốc Đức. Sau khi mọi thứ đã sẵn sàng, Bismarck đã lấy cớ cho rằng Áo quản lý không tốt Stein nên đã đưa ra cáo buộc chống lại Áo. Áo đương nhiên là không thể chịu đựng được, nên cuối cùng đã dẫn đến bùng nổ chiến tranh vào ngày 14/6/1866.
Ngày 3/7, hai đội quân Áo – Phổ quyết chiến tại Sadova, vì Phổ đã chuẩn bị đầy đủ trước khi chiến tranh, nên đã có ưu thế hơn trên chiến trường, toàn quân Áo bại trận, quân Phổ đã giành được đại thắng.
Chiến thắng của quân Phổ đã làm thay đổi hoàn toàn thái độ bảo thủ của vua William I và các tướng lĩnh Bộ Tổng tham mưu trước chiến tranh, tướng sĩ quân Phổ ý chí cao ngất, nhất trí quyết định thừa thắng xông lên, tiếp tục chiếm lĩnh các quốc gia phía Nam lân cận, trực tiếp chèn ép thủ đô Vienna của Áo, buộc Áo phải nhượng lãnh thổ bồi thường, để thể hiện sự trừng phạt.
Tại thời điểm này, Bismarck lại không nghĩ như vậy, ông muốn kiềm chế lại cuộc chiến. Là một chính trị gia có tầm nhìn xa trông rộng, ông làm như vậy cũng có phân tích hợp lý của mình trong đó. Ông nhận thức rằng việc đánh bại Áo hoàn toàn không phải là mục tiêu cuối cùng của cuộc chiến, mà mục đích cuối cùng là hoàn thành sự thống nhất của Đế quốc Đức.
Bismarck (1815-1898) là người đã thống nhất các tiểu bang Đức nhỏ lẻ thành một đế quốc Đức hùng mạnh, và trở thành thủ tướng đầu tiên của đế chế này. (Ảnh qua Famous People)
Người Pháp vì lợi ích riêng của họ, nên không bao giờ muốn có một mối đe dọa đối với an ninh xung quanh nếu như Đế quốc Đức hùng mạnh có thể thống nhất nằm ở bên cạnh, vì vậy Pháp sẽ ra sức cản trở sự thống nhất của Đế quốc Đức. Bismarck đã dựa vào điều này suy ra được, sẽ không thể tránh khỏi trận chiến giữa Phổ và Pháp, và cuộc chiến với Pháp có liên quan đến các bước quan trọng để Phổ có thể thống nhất toàn nước Đức.
Nếu thực hiện quá nhiều sự xâm lăng ở Áo và các bang miền Nam, thì sẽ kéo dài cuộc chiến, nó có thể dẫn đến sự can thiệp vũ trang của Pháp, như vậy sẽ rơi vào kế sách của Napoleon III, khiến nước Phổ rơi vào thảm khốc, những thành quả chiến thắng đã có được của Phổ sẽ bị cướp mất hết.
Bởi vậy, ông cho rằng hiện tại nên thấy đủ và dừng lại, để lại một số vùng đất nhất định cho Áo, Áo sẽ e dè trước sức mạnh của Phổ, mà không dám manh động, có thể duy trì trạng thái trung lập trong cuộc chiến tiếp theo của Phổ với Pháp.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó nhiều tướng lĩnh đã choáng ngợp, mờ mắt trước sự thành công, nên đã kiên quyết phản đối quyết định đình chiến của Bismarck, yêu cầu tàn phá thủ đô Vienna, nắm lấy cơ hội để tiêu diệt Áo. Một cơ hội tốt như vậy tuyệt đối không thể bỏ qua.
Bismarck đã chống lại tất cả các ý kiến đó, một mực kiên trì chiến lược tiết chế, và không ngừng thuyết phục nhà vua William I của Phổ, đến nỗi nước mắt đầm đìa, ông nói những lời cuối cùng tha thiết với vua rằng, nếu nhà vua không ra lệnh đình chiến, ông sẽ đệ đơn từ chức và nghỉ hưu về quê.
Sau mọi nỗ lực thuyết phục của Bismarck, William I cũng đã buộc phải nhượng bộ, trên bản tấu duyệt mà Bismarck nhận được viết rằng: “Trước cánh cổng Vienna, ta không thể không vui mừng sau chiến thắng rực rỡ của đội quân ta như vậy mà vẫn nhượng bộ cho quân bạn, chấp nhận một nền hòa bình sỉ nhục”.
Bismarck cuối cùng đã thắng vòng này, và ký một thỏa thuận đình chiến với Áo vào ngày 20/7. Ngoài việc yêu cầu Áo trả một khoản tiền bồi thường nhỏ, thì không cắt giảm 1 phân lãnh thổ nào của Áo. Sự tiết chế cao độ và uy lực mạnh mẽ này trong chiến lược của Bismarck đã xóa bỏ được nỗi lo của ông cho bước phát động chiến tranh tiếp theo giữa Pháp và Phổ.
Năm 1867, Phổ giành thắng lợi trong cuộc chiến với Pháp, thành lập ra Liên bang Bắc Đức, đặt một nền tảng quan trọng cho sự thống nhất của toàn nước Đức, bước đầu thống nhất nước Đức cơ bản đã hoàn thành.
Bismarck biết dừng đúng lúc, không phải là yếu đuối, mà là một chiến lược có tầm nhìn xa trông rộng. Vào thời điểm đó tình hình quốc tế ở châu Âu vô cùng phức tạp, tất cả các cường quốc thường liên kết với nhau, Bismarck có thể hiểu biết thấu đáo như vậy trong một tình hình phức tạp lúc bấy giờ, và cuối cùng đã thống nhất được đất nước, quả là rất đáng khen ngợi.
Trong các cuộc đọ sức giữa người và người, ngay cả khi bạn có thực lực có thể giành chiến thắng, cũng nên chú ý đừng dùng đến cạn kiệt sức mạnh, không nên dùng hết những ưu thế, nó giống như một sợi dây cao su chỉ có thể kéo dãn đến một mức độ nhất định, mặc dù nó có khả năng đàn hồi rất tốt, nhưng một khi vượt quá giới hạn, nó sẽ bị kéo đứt.
Khi cạnh tranh với người khác cũng vậy, phải biết thế nào là đủ, nếu như cứ đuổi mãi không dừng, đưa đối phương vào đường cùng, thì có thể khiến cho họ “rơi vào chỗ chết mà tái sinh”, bật lên khả năng kháng cự mạnh mẽ, một khi sức mạnh như vậy được sinh ra, e rằng rất khó để trở thành đối thủ của họ, đến lúc đó tất cả những thành quả mà bạn đạt được sẽ đổ sông đổ bể.
Phải biết thế nào là đủ, thế nào là thỏa mãn. (Ảnh qua Huffington Post)
Chỉ khi một người đã xác định rõ mình nên ở đâu, thì người đó mới có thể không bối rối và do dự, và sau đó mới có thể bình tĩnh để suy nghĩ về các vấn đề, lập kế hoạch cho cuộc sống, và cuối cùng có được một kết thúc viên mãn.
Xem ra câu nói “thông minh biết điểm dừng”, không chỉ là bài học khuyên ta biết hài lòng với mọi chuyện, mà còn là nền tảng để tâm trí trở nên bình lặng trong các hoàn cảnh mê muội mờ mịt. Đằng sau 2 chữ “biết dừng”, là sự phản ánh sâu sắc về một loại tư tưởng thuần tịnh, một loại tôn trọng đạo đức, biết yêu thương, trân trọng người và vật.
Bình tĩnh hơn một chút khi đứng trước danh lợi, thản nhiên hơn một chút khi đứng trước sự tiến thoái, đứng ở vị trí thích hợp trong từng việc khác nhau, đó mới chính là sự thông minh tuyệt vời trong cuộc sống này.