Triết học gia Aristotle từng nói: “Bất kỳ ai cũng đều có thể tức giận, đó là chuyện rất dễ dàng, nhưng để tức giận đúng đối tượng, đúng thời điểm, đúng phương thức thì không dễ”. Quả là vậy, lúc bản thân nổi giận, mấy ai có thể tự kiềm chế cảm xúc được đây?
Khi bị người khác khiêu khích, chúng ta ắt rất muốn trả thù và công kích đối phương; khi ai đó phạm sai lầm hết lần này tới lần khác, chúng ta không nhịn được muốn nổi điên lên. Như vậy ít nhất cũng thoải mái hơn một chút.
Nhưng sau khi nổi giận thì sao? Bạn có thấy hối hận không? Có thấy giải quyết được vấn đề? Có kết quả tốt đẹp không? Bạn sẽ trở nên thân thiết hơn với người kia, hay là ngược lại?
Hậu quả của tức giận so với nguyên nhân còn đáng sợ hơn
Từng có một người phụ nữ viết thư trách móc tác giả Dale Carnegie, bởi vì trong lúc ông đang diễn thuyết về chuyện của Tổng thống Abraham Lincoln trên radio, đã đề cập đến rất nhiều chi tiết ngày tháng bị sai.
Người phụ nữ kia vô cùng yêu thích Lincoln, cho nên cô ấy đã viết lá thư bằng một ngữ khí rất tức giận: “Nếu như đến cả cái cơ bản nhất về tự truyện cuộc đời của Lincoln mà ông cũng không biết, thì đừng lên radio nói chuyện, điều này là sự sỉ nhục đối với Lincoln. Nếu như tài liệu của ông vẫn chưa đầy đủ, vậy thì tốt nhất là thu thập lại thông tin kỹ càng trước khi diễn thuyết”.
Dale Carnegie lúc ấy rất nổi tiếng và đã viết được nhiều cuốn sách bán chạy. Bởi vậy, khi nhận được bức thư ông cảm thấy bị xúc phạm, nên vô cùng tức giận, lập tức viết một lá thư đáp trả với ngữ điệu tương tự. Nhưng lúc ấy đã tối rồi, trợ lý đã về nhà hết, ông đành để lá thư lại trên bàn, định buổi sáng hôm sau mới gửi.
Đến sáng, khi chuẩn bị bỏ lá thư vào phong bì thì ông đọc lại nó một lần nữa, trong lòng đắn đo: “Mình đã quá nóng giận, người phụ nữ kia cũng không viết như thế, cô ấy không đáng để mình nổi giận đến vậy”. Hơn nữa, theo một khía cạnh nào đó, cô ấy nói cũng có lý, vì vậy ông bèn xé lá thư này, viết lại một lá thư hoàn toàn khác.
Trong lá thư này không chứa đựng sự tức giận, trái lại, còn cảm ơn cô ấy đã giúp ông nhận ra sai sót. Sau đó, ông lại nghĩ: “Nếu như chỉ trong vòng mười hai tiếng đã tạo ra sự thay đổi lớn như vậy, sao mình không đợi thêm vài ngày nữa, hiện chưa cần gửi liền lá thư này”.
Ông bèn thử nghiệm, lại để bức thư trên bàn. Đến buổi tối, ông đọc lại nó lần nữa, sửa vài chữ trong đó. Đến ngày thứ bảy, bức thư đó trở thành một lá thư tình.
“Người phụ nữ đó cuối cùng quả là một người rất tốt”, Carnegie nói: “Cô ấy là một trong những người bạn tốt nhất trong cuộc đời tôi. Nếu như ngày đó người trợ lý của tôi chưa đi, mà lá thư này được gửi, như vậy mọi chuyện sẽ thành ra thế nào, tôi nhất định sẽ có thêm một kẻ thù”.
Phát tiết nóng giận tuy thoải mái hơn buồn bực trong lòng, nhưng tâm bình khí hòa mới là thượng sách…
Trong “Luật điển Hebrew” có khắc: “Người vào lúc tức giận, sẽ phạm sai lầm”. Kinh Thánh Tân Ước “Philemon” cũng viết: “Khi con người tức giận, họ đều điên khùng”. Dù cho nguyên nhân tức giận là gì, vào lúc bạn tức đến sôi máu, nói năng không lựa lời, có thể sẽ làm tổn thương người khác, phá hủy một tình bạn, thậm chí làm chuyện mà khiến mình hối hận cả đời.
Theo thống kê, đa số sự cố giao thông xảy ra bởi vì người điều khiển phương tiện trong trạng thái tức giận, kích động; hôn nhân tan vỡ bởi vì tranh cãi không ngừng; người dễ tức giận thường chết sớm hơn so với hút thuốc, uống rượu, cao huyết áp, cholesterol cao.
Hậu quả của tức giận so với nguyên nhân thường đáng sợ hơn. Nếu như bạn đến trại giam và thử hỏi một lượt, hơn phân nửa sẽ nói với bạn: “Nếu như lúc ấy không bị kích động như vậy thì bây giờ tôi cũng không phải vào tù”.
Có rất nhiều việc khiến ta hối tiếc cũng chỉ xuất phát từ nóng giận. Cho nên, tuyệt đối đừng kích động. Trước hết bình tĩnh lại, thử chờ một lúc, nghĩ xem hôm sau mình sẽ cảm thấy thế nào.
Chờ đến lúc bạn nhìn lại, tin rằng bạn sẽ nói với chính mình: “Thật may là hôm qua mình không nổi giận, không đưa ra quyết định sai lầm”. Loại cảm giác này so với tức giận tốt hơn trăm ngàn lần.
Cái gọi là “trí tuệ” là thanh âm từ trong nội tâm khi bạn bình tĩnh, vui vẻ và hạnh phúc. Nhớ kỹ, tuy phát tiết cơn giận thì thoải mái hơn buồn bực trong lòng, nhưng tâm bình khí hòa mới là thượng sách.
Ba “tuyệt chiêu” làm dịu tâm trạng
- Thử tự hỏi chính mình, việc này thật sự có quan trọng như vậy hay không? Một khi bạn suy nghĩ lý tính hơn, có thể nhận ra chính mình phải chăng “chuyện bé xé ra to”.
- Chuyện này cần tức đến vậy sao? Tức giận có ích không? Vấn đề này có thể làm bạn nguôi ngoai, hoặc dập tan lửa giận.
- Bây giờ nên làm điều gì có ý nghĩa? Bạn có thể ra ngoài chạy vài vòng, chơi vài trận bóng rổ, quét dọn phòng ốc một lượt, làm vườn trồng một luống rau hay hoa cỏ, hoặc là biến phẫn nộ thành nhiệt tình, nỗ lực đạt được sự nghiệp, thành tích tốt đẹp.
Tuệ Tâm, theo Epoch Times