Người xưa vẫn dạy rằng: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, con người sinh ra bản chất đều là người lương thiện. Vậy nên, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng không thể đánh mất đi bản tính tiên thiên thuần tịnh đó…
Người ta cho rằng, càng hiểu biết thì càng thông minh, càng thông minh thì càng biết thu vén cái có lợi về mình. Nhưng càng hiểu biết thì con người càng mất đi sự thanh khiết vốn có, như vậy liệu có phải là thông minh?
Nhân sinh không hoàn hảo, không có điều gì trên đời là hoàn mĩ. Vậy vì sao nên thiện, vì sao nên bỏ qua những khiếm khuyết, bao dung những sai sót của vạn vật trên đời? Chẳng phải chỉ vì một chữ an hay sao.
Cả đời vất vả ngược xuôi cũng chỉ vì muốn ấm no, hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc là gì? Hài lòng là hạnh phúc. Nếu hài lòng thì dù không quá sung túc cũng hạnh phúc. Không biết hài lòng thì giàu có vẫn buồn lo. Hạnh phúc không hoàn toàn phụ thuộc vào vật chất. hạnh phúc dựa vào niềm tin và cách biết đủ của mỗi người.
Thế thì tại sao phải cố gắng, chen chúc để đạt được thứ này thứ kia. Như thế có hạnh phúc hay không? Sao phải hạm hãi người này, đay nghiến người kia, như thế có an bình hay không? Vòng luẩn quẩn cuộc sống mà hầu như ai cũng vướng phải: muốn hạnh phúc – cố gắng làm việc, học tập, sống hướng về phía trước – gặp áp lực, phải đua tranh, dùng thủ đoạn – mệt mỏi, không hạnh phúc.
Thế nên, người biết lương thiện mới là người sáng suốt nhất. Vì lương thiện nên biết đủ, vì lương thiện mà tha thứ, vì lương thiện mà không làm ác, không hại người, không ganh ghét. Tâm an thì thân nhàn, nội tâm yên tĩnh thì cuộc sống cũng dễ dàng hơn rất nhiều.
Ta lương thiện thì đáp lại ta sẽ là sự thanh thản, không vướng mắc, không lo lắng, tự giải thoát bản thân khỏi những khổ đau. Buông bỏ oán giận, tích phúc tích đức, chưa biết có được hồi báo như luật nhân quả hay không nhưng chính lúc đang làm thiện, sống thiện, nghĩ thiện như vật thì đã thấy thoải mái, vui vẻ và được yêu quý rồi.
Thế nên, trí tuệ cao nhất chính là đạo đức, khôn ngoan nhất là phẩm hạnh. Biết được điều này, chắc chắn yên vui.