Tai họa là do điều ác tích lại, hạnh phúc có duyên cớ từ việc thiện mà thành, câu chuyện Đậu Yên Sơn bỏ ác hành thiện, từ chỗ không có con nối dõi đến chỗ sinh được 5 người con nổi danh thiên hạ, chính là một ví dụ như thế.
Bỏ ác hành thiện, Đậu Yên Sơn sinh hạ được năm con trai vang danh thiên hạ. (Ảnh: Internet)
Trong cuốn sách nhập môn dành cho trẻ em nổi tiếng của Trung Quốc “Tam tự kinh” có viết: “Đậu Yến Sơn, hữu nghĩa phương. Giáo ngũ tử, danh câu dương”, ý rằng Lão Đậu ở Yên Sơn, có phương pháp giáo dục. Dạy dỗ năm người con, cả năm đều thành danh. Câu chuyện này được lưu truyền rộng rãi và trở thành bài học làm người sâu sắc cho hậu thế.
Đậu Vũ Quân là người sống vào thời Hậu Tấn thuộc thời kỳ Ngũ Đại ở Trung Quốc. Ông ở tại Kế Châu, thời cổ đại chính là nước Yên, vì vậy người ta gọi ông là Đậu Yên Sơn. Ông nội của Vũ Quân là Đậu Tốn, từng đảm nhận chức Ngọc Điền lệnh; cha là Đậu Tư Cung, từng đảm nhận chức Tư Mã ở Quy Châu, anh trai Vũ Tích nổi tiếng thơ văn.
Đậu Yên Sơn là con thứ mười trong nhà, lúc ông còn nhỏ, cha đã qua đời, mẹ thương con từ nhỏ ốm yếu, nên rất nuông chiều đứa con nhỏ nhất này. Gia đình ông vô cùng giàu có, thế nhưng tâm ông lại bất chính, thường khi dễ người nghèo, làm việc thất đức, cũng vì thế mà 30 tuổi vẫn chưa có con. Chuyện này ở thời xưa là một điều cực kỳ hổ thẹn.
Mơ một giấc mơ làm thay đổi tính tình
Một đêm, ông nằm mộng thấy ông nội và người cha đã qua đời của mình trở về, nói: “Con tâm địa bất chính, đức hạnh không đứng đắn, lại làm việc ác như vậy, chẳng trách giờ chưa có con mà còn đoản mệnh nữa. Con nhất định phải cải tà quy chính, giúp người tích đức, có như vậy mới hy vọng thay đổi được số mệnh”.
Đậu Vũ Quân tỉnh lại từ giấc mộng, lời khuyên của cha già vẫn quanh quẩn bên tai. Từ đó về sau, Đậu Vũ Quân cả đời đều làm việc tốt.
Trong nhà có một người hầu lấy trộm tiền của ông. Người hầu này không còn tiền trả, nên đã viết một tờ giấy nợ buộc trên lưng con gái hơn mười tuổi, Đậu Vũ Quân đọc thấy trên giấy nợ viết: “Bán đứa bé này, đền bù số tiền nợ”. Người hầu này sau đó cũng trốn đi biệt xứ.
Đậu Vũ Quân thương xót đứa bé gái, ông liền đốt tờ giấy nợ, nói: “Ta sẽ nuôi con gái của anh ta, đợi con bé lớn lên, tìm cho nó một gia đình khá giả”. Đứa bé gái sau này trưởng thành, Đậu Vũ Quân thay cô chuẩn bị đồ cưới, tìm cho cô một phu quân hiền đức.
Cả nhà người hầu cảm ơn vô cùng, từ nơi khác trở về, đến nhà của Đậu Vũ Quân khóc lóc sám hối lỗi lầm. Đậu Vũ Quân không truy cứu chuyện cũ, còn khuyên ông ta quay đầu, trở về làm người lương thiện.
Có một năm nọ vào Tết Nguyên Tiêu, Đậu Vũ Quân đến cửa Phật dâng hương, chợt phát hiện bên cạnh bậc thang ở điện sau có một túi tiền, bên trong là 200 lượng bạc và 30 lượng bạc. Cái này nhất định là của người khác đánh rơi, nhưng trời đã tối, ông không dám ở trong chùa lâu, bèn cầm lấy túi tiền đi về nhà.
Vừa rạng sáng ngày hôm sau, Đậu Vũ Quân lại đi tới ngôi chùa đó, ngồi ở chỗ cũ đợi người bị mất đồ tới tìm kiếm. Chỉ thấy một người xa xa khóc đi đến. Đậu Vũ Quân hỏi vì sao ông ta khóc?
Người kia nói: “Phụ thân phạm tội, sắp bị lưu đày đến biên cương, vì chuộc tội cho phụ thân, tôi mượn đông mượn tây từ bạn bè người thân, vất vả lắm mới gom góp được 200 lượng bạc, 30 lượng vàng, tất cả đều cất trong một cái túi, không lúc nào dám để rời khỏi người. Ai ngờ vừa rồi sờ lại, túi tiền đã không còn. Tôi chuẩn bị đem số vàng bạc đó đi làm tiền chuộc, mà bây giờ không còn tiền, chỉ sợ đời này không còn gặp lại phụ thân được nữa”.
Biết rõ người này chính là người mất đồ, Đậu Vũ Quân đưa ông ta về nhà, sau khi xác nhận số tiền chính xác, không chỉ đem túi trả lại mà còn tặng cho ông ta một ít tiền bạc. Người kia cúi lạy cảm ơn lòng tốt của ông.
Hàng xóm có tang không có tiền mua quan tài, ông xuất tiền ra mua quan tài mai táng chôn cất; con cái nhà nghèo không thể kết hôn, ông cũng bỏ tiền giúp đỡ họ làm đám cưới. Người nghèo khó không biết làm sao để sống, ông cho vay tiền làm vốn để bán buôn.
Chính bản thân ông cũng không bao giờ hoang phí, thu nhập hàng năm, ngoại trừ tiền sinh hoạt tất yếu của gia đình, còn lại đều dùng để cứu giúp người khác.
Năm đứa con nổi tiếng
Một đêm nọ, Đậu Yên Sơn lại nằm mộng thấy cha. Lần này cha ông nói: “Hiện giờ con đã tích được rất nhiều đức, ông Trời sẽ ban cho con năm đứa con trai, và thọ mệnh của con cũng được kéo dài 36 năm, năm đứa con sau này đều được danh vọng vinh hoa”
Sau khi tỉnh dậy, Đậu Vũ Quân biết rằng đây chỉ là một giấc mơ, nhưng ông càng tu dưỡng bản thân hơn nữa, làm nhiều việc thiện. Sau đó, vợ ông quả nhiên sinh hạ được năm người con trai.
Đậu Vũ Quân rất coi trọng sự giáo dục con trẻ, thường dạy chúng thái độ đối nhân xử thế và đạo lý Thánh hiền. Năm người con dưới sự dạy dỗ của ông đều đỗ đạt, người quê ông không ai không ca tụng.
Con trưởng của Đậu gia là Đậu Nghi, làm đến chức Lễ bộ thượng thư; con thứ Đậu Nghiễm, làm Lễ bộ thị lang; con thứ ba Đậu Khản, làm Tả bổ khuyết; con thứ tư Đậu Xưng, làm Tả gián nghị đại phu; đứa con thứ năm Đậu Hi, làm Khởi cư lang.
Đậu Vũ Quân ban đầu chỉ đảm nhiệm một chức quan viên bình thường, về sau làm Thái thường thiếu khanh, phụ trách quản lý lễ nghi trong triều đình; sau này lại đảm nhiệm chức Hữu gián nghị đại phu, phụ trách công việc chưởng quản tùy tùng, là đại thần nổi tiếng thời Ngũ Đại Hậu Chu. Bản thân Đậu Vũ Quân cũng sống đến tám, chín mươi tuổi, không bệnh mà chết.
Từ câu chuyện trên không khó để nhận ra rằng, trọng đức hành thiện có thể được phúc báo và thay đổi vận hạn, còn làm việc ác trái với đạo đức ắt sẽ gặp ác báo.
Người xưa từng nói: “Giác giả sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Bởi vì người giác ngộ hiểu rõ và tin tưởng làm việc ác sẽ gặp ác báo, cho nên không dám làm chuyện ác, đương nhiên cũng có thể tránh được ác báo. Còn người ngu dốt lại không tin vào chuyện làm việc ác ắt gặp ác báo, vậy nên luôn vì lợi ích cá nhân mà không từ thủ đoạn tạo nên ác duyên, đến khi ác báo giáng xuống đầu thì mới biết sợ, nhưng đáng tiếc là đã quá muộn.
Trong “Danh hiền tập” có một câu danh ngôn: “Mã đáo huyền nhai thu cương vãn, thuyền đáo giang tâm bổ lậu trì” nghĩa là phải lo trước tính sau, phòng họa khi chưa xảy ra.
Cuộc đời trên nhân thế ai có thể vượt ra khỏi luật nhân quả báo ứng đây? Nhưng vận mệnh là có thể lựa chọn, chỉ cần lựa chọn chính xác, hành theo ý trời thì có thể thay đổi vận mệnh. Trước đây đã làm chuyện ác thì phải lập lức sửa đổi, đừng để sai lại thêm sai, không ắt sẽ gieo nhân nào gặp quả nấy.
Tuệ Tâm, theo One Site World