Cổ nhân thường dạy: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, nhân quả ở đời xưa nay không bao giờ sai lạc, nợ người phải hoàn trả là lẽ thường tình trong vũ trụ.
Nợ một đồng tiền muối phải đầu thai làm trâu trả nợ
Ngày xưa, ở nước Kế Tân có hai anh em trai, người anh xuất gia tu hành, chứng đắc quả vị La Hán, còn người em ở nhà gây dựng sự nghiệp kinh doanh, người anh thường xuyên đến khích lệ dạy bảo người em, phải thực hành theo điều Phật dạy bảo, thường xuyên tu thiện tích phúc. Nếu mà có thể tu thiện thì không chỉ bây giờ có lợi ích, mà đến khi kết thúc sinh mệnh, cũng sẽ được đầu thai đến nơi tốt.
Người em luôn luôn trả lời: “Anh à, anh bây giờ xuất gia rồi, đừng xen vào những việc thế tục này nữa, em còn phải chăm sóc vợ, ruộng đất, tài sản, tiền bạc cần phải có. Em có nhiều việc phải xử lý như thế, anh đừng lãng phí lời nói, lãng phí thời gian nữa!”.
Về sau người em sinh bệnh mà chết, đầu thai thành súc vật, biến thành một con trâu, hàng ngày đều phải chở muối vào nội thành cho chủ. Người anh tu hành từ trong nội thành đi ra gặp phải, liền giảng giải, con trâu này nghe xong đau khổ bi thương mà khóc không dừng.
Chủ nhân của con trâu liền hỏi người anh kia: “Anh rốt cuộc nói cái gì mà khiến con trâu của tôi buồn phiền khổ sở như thế?”.
Người anh trai trả lời: “Con trâu này kiếp trước là em trai của tôi, trước đây vì thiếu nợ ông một đồng tiền muối ăn, cho nên phải đầu thai thành trâu, giúp ông làm việc để hoàn trả nợ nần”.
Trong “Tam thế nhân quả văn” có viết: “Vì sao kiếp này làm trâu ngựa, bởi vì kiếp trước nợ tiền không trả hết nợ”. Thiếu nợ một đồng tiền muối mà phải trả một cái giá đắt như thế, huống chi thiếu người khác mấy trăm đồng, mấy ngàn đồng, mấy vạn, mấy chục vạn mà không trả?
Tiền chúng ta mắc nợ cũng sinh ra lãi giống như tiền tiết kiệm trong ngân hàng vậy, mỗi ngày không trả thì mỗi ngày tiền lãi sẽ tăng lên. Hành vi “vay tiền không trả”, hoặc “vay tiền không muốn trả” là một biểu hiện của tâm ích kỷ, tráo trở. Chiếu theo luật nhân quả trong đạo Phật thì hành vi đó chính là cách gieo nghiệp nghèo hèn cho mình.
Nợ 3000 lượng bạc trắng cuối cùng cũng phải hoàn lại đầy đủ
Trong thôn Ngõa Gia Điếm cách Bắc Kinh khoảng hơn mười dặm có một gia đình rất giàu, mọi người thường gọi là “Tiền viên ngoại”. Ở cách nhà họ khoảng hai dặm có một gia đình nông dân họ Lý, mọi người thường gọi là “Lý lão nhị”.
Lý lão nhị là người biết làm một chút công việc xây dựng, cho nên ông thường xuyên đến nhà Tiền viên ngoại để làm các việc đó cho gia đình này. Mỗi lần Lý lão nhị đến làm việc nhà Tiền viên ngoại, Tiền gia đều trả cho ông không ít tiền công. Bởi vì hai nhà thường xuyên qua lại nên Tiền gia coi Lý lão nhị là Lý đệ, còn Lý lão nhị gọi Tiền gia là Tiền đại ca.
Một năm nọ, cả nhà Tiền viên ngoại đều phải đến phía Nam làm việc trong thời gian mấy tháng mới trở về. Tiền viên ngoại cho gọi Lý lão nhị đến nói chuyện: “Lý đệ! Hai gia đình chúng ta có mối quan hệ tốt đẹp, ta nay gọi đệ đến là có chút việc muốn nhờ, không biết là Lý đệ có giúp được không?”
Lý đệ nói: “Tiền đại ca, đại ca có việc gì cứ việc nói, nếu là việc đệ có thể xử lý được thì nhất định sẽ cố gắng làm”.
Tiền viên ngoại nói: “Ta có một lượng lớn rượu quý, chỉ sợ người ngoài lấy trộm mất, muốn chuyển đến nhà đệ để đệ trông coi giúp, không biết ý đệ thế nào?”.
Lý đệ nói: “Đại ca à, đệ còn tưởng việc gì to tát, đại ca cứ yên tâm đi đi, khi nào đại ca trở về đệ sẽ trả lại nguyên vẹn”.
Thế là, Tiền viên ngoại cho người làm đưa đến nhà Lý lão nhị 30 vò rượu quý, Lý lão nhị đem chúng cất giữ trong một phòng trống ở phía Tây rồi khóa chặt cửa lại.
Loáng một cái mà đã hai tháng trôi qua, gia đình nhà Tiền viên ngoại đi mà không thấy có tin tức gì về báo về.
Một hôm, Lý lão nhị nhớ ra Tiền viên ngoại có gửi ba chục vò rượu quý liền mở cửa phòng để xem xem một chút. Khi ông mở cửa phòng ra xem, thấy ba mươi vò rượu đều dùng một loại giấy đặc biệt dán miệng, trên thân vò rượu còn dán giấy màu hồng, trên đó đều ghi một chữ rất đậm “Rượu”.
Lý lão nhị dùng hai tay nhấc một vò rượu lên rồi lắc qua lắc lại nhưng lại thấy không có mùi vị gì. Ông ta thầm nghĩ: “Vò rượu này dù dán kín miệng rồi thì vẫn có thể ngửi thấy mùi rượu chứ”.
Hai tay ông ta lại lắc lắc nhưng cũng không nghe thấy âm thanh của rượu, cuối cùng ông ta quyết định mở một vò rượu ra xem. Nhưng thứ mà được đổ ra lại khiến ông ta vô cùng kinh ngạc, bởi trong đó không phải rượu, mà toàn là bạc trắng. Ông ta bắt đầu mở hết cả 30 vò rượu ra, và đếm được đúng 3000 lượng bạc trắng.
Lão nhị nghĩ: “Đây đúng là tiền trên trời rơi xuống…!”. Nhìn thấy số bạc này, Lý lão nhị nổi lòng tham, ông ta nghĩ hết cách để số bạc này biến thành của mình. Cuối cùng, Lão nhị nghĩ ra một chiêu thâm hiểm là đi ra ngoài mua rất nhiều rượu ngon về rồi rót đầy vào các vò rượu kia, sau đó dán kín lại như lúc ban đầu, còn số bạc đó ông ta đem chôn hết xuống phần đất trong nhà.
Mấy tháng sau, gia đình Tiền viên ngoại trở về, Lý lão nhị liền mang 30 vò rượu kia trả lại. Khi Lý lão nhị vừa đi khỏi, Tiền viên ngoại mở các vò rượu ra xem xét, nào ngờ tất cả bạc trắng đã biến thành rượu trắng.
Tiền viên ngoại hiểu rõ: “Vậy là toàn bộ số tiền tích góp cả đời mình đã bị Lý lão nhị chiếm hết”. Ông cũng có ý định đến cửa quan để tố cáo Lý lão nhị nhưng lại nghĩ: “Ta lúc trước đã nói với Lý lão nhị toàn bộ các vò này là rượu, nên việc ông ta trả lại rượu thì không kiện gì được”.
Việc này quả thực khiến ông đành phải ngậm bồ hòn mà im lặng, có nỗi khổ mà không nói được ra. Tiền viên ngoại từ đó vừa nén giận vừa nén uất ức trong lòng, không quá nửa năm sau thì chết.
Lý lão nhị thấy Tiền viên ngoại đã chết, không có người tìm ông ta đòi lại nên liền dùng số tiền đó chi tiêu cho gia đình. Ông ta mua một ngôi nhà rất lớn, lại cưới thêm mấy bà vợ bé, quả thật là: “Khi xưa nghèo hèn thì vắng vẻ, hôm nay thì đông đúc như trảy hội”.
Một hôm, Lý nhị đang nằm ngủ thì mơ thấy cảnh tượng: Ông đang ở trong phòng uống trà, đột nhiên cánh cửa mở ra, một người từ bên ngoài đi vào, ông ta nhìn kỹ thì ra là Tiền viên ngoại. Tiền viên ngoại trên vai có mang một cái bao rồi nhìn ông ta cười ha hả nói: “Ta đến để đòi nợ đây!”. Lý lão nhị đột nhiên tỉnh giấc, toàn thân toát mồ hôi.
Đúng lúc ấy, một nữ hầu đến nói với ông ta: “Xin chúc mừng lão gia, phu nhân đã sinh cho ngài một công tử rất bụ bẫm ạ!”.
Đây vốn là một chuyện tốt, nhưng nghĩ đến giấc mộng vừa rồi, Lão nhị thấy bất ổn trong lòng, ông luôn nghĩ đứa con trai vừa ra đời có liên quan gì đó đến giấc mộng kia. Vì thế, ông ta luôn cảnh giác với đứa con này. Thế nhưng, đứa con này lại hiếu thuận với cha một cách lạ thường.
Đến tuổi tới trường, Lý nhị nhờ mấy thầy giáo dạy cho cậu, đứa trẻ này cái gì cũng học rất nhanh, thứ gì đã học qua là dường như không quên. Lão nhị cũng từng khoe với mọi người con trai ông là một đứa bé kỳ tài, tương lai có thể thi đỗ làm quan. Sau một thời gian dài, giấc mộng kia cũng dần dần đi vào quên lãng.
Năm đó con trai của Lý nhị gia tròn 18 tuổi và đi vào kinh dự thi. Quả nhiên, cậu ta thi đỗ, làm quan thất phẩm. Gia đình Lão nhị treo đèn đỏ khắp nơi, ai nấy đều vui mừng khôn xiết, bạn bè người thân đều đến chúc mừng.
Trong bữa tiệc có một người nói: “Thời buổi này nhiều người dùng tiền mua quan, ta thấy nhà Lý huynh cũng không thiếu tiền, chi bằng tốn chút tiền mua cho con trai chức quan to hơn một chút, nếu như huynh bằng lòng, ta có thể dẫn huynh đến gặp một người giúp huynh”.
Tất cả mọi người đang ngồi dự tiệc đều cho đó là ý kiến hay. Lý nhị nghĩ: “Đứa con trai duy nhất của mình tài hoa hơn người, làm quan thất phẩm thì quá là uổng phí, mua một chức quan to hơn cũng được”. Thế là, Lý nhị bỏ ra một số tiền rất lớn để mua một chức quan cho con trai mình.
Mấy tháng sau, Tể tướng quả thực đã phong cho con trai Lý nhị làm quan tứ phẩm. Đây cũng là một việc vui mừng, Lý gia lại tổ chức một buổi tiệc chúc mừng. Nhiều quan lại và bà mai mối đều có lời ngỏ ý, nhưng cậu ta không đồng ý một ai mà chỉ chọn thiên kim tiểu thư của một vị quan lớn trong triều đình.
Thế là Lý nhị đành phải bỏ ra một số tiền lớn để nhờ bà mối làm mai giúp, sau khi bỏ ra rất nhiều tiền thì nhà gái cũng đồng ý, nhưng họ lại yêu cầu một lễ hỏi thật lớn. Không có cách nào khác, Lão nhị đành phải thuận theo, cuối cùng thì mọi việc cũng xong xuôi.
Ngày đón dâu cũng đã định xong, chỉ còn vài ngày nữa là tới, Lý nhị trong lòng vô cùng vui mừng phấn khởi. Buổi tối hôm đó, ông ta sau khi uống mấy chén rượu rồi đi ngủ thì giấc mơ của 18 năm trước lại hiện ra trước mắt ông: Tiền viên ngoại cười ha hả nói với ông ta: “Ngươi thiếu ta một khoản nợ, ta lấy lại trong 18 năm, cuối cùng cũng phải trở về rồi, còn mang theo một chút tiền lãi nữa!”.
Tiền viên ngoại vừa nói xong còn đưa tay vỗ vỗ vào chiếc bao khoác trên vai, quả thật cái bao khi ông ta mang đến trong giấc mơ trước là rỗng mà bây giờ đã phồng to rồi. Tiền viên ngoại còn nói tiếp: “Khoản nợ đã lấy xong rồi, ta cũng nên đi thôi!”. Lý nhị giật mình bừng tỉnh. Đúng lúc ấy, một người hầu hớt hải chạy vào: “Lão gia, không hay rồi, công tử bị bệnh rồi, ông mau đi xem đi!”.
Lý nhị vội vàng đến phòng con trai xem xét, không ngờ con trai của ông ta đã bị chết rồi. Lý lão nhị ngồi phịch xuống đất, mọi chuyện ông đều hiểu rõ: “Hóa ra Tiền viên ngoại đầu thai làm con trai mình để đến đòi nợ”.
Ông hồi tưởng lại mọi chuyện, từ khi con trai sinh ra, đi học, đi thi, mua quan, đính hôn… thì cũng tiêu hết không kém ba nghìn hai trăm lượng bạc, ông ngẫm: “Thảo nào Tiền viên ngoại trước khi đi còn nói là mang theo chút tiền lãi”.
Từ đó về sau, Lý nhị cả người cả của đều không còn gì cả, hàng ngày ngồi bên lề đường ăn xin và kể lại chuyện mình lừa gạt hại người nhằm khuyên bảo mọi người đừng làm việc thất đức, trái lương tâm bởi vì việc thiếu nợ người ta là đều phải trả. Nhưng mọi người đều cho rằng Lý lão nhị đã bị điên rồi…