Thái Tiểu Hà lúc tuổi còn trẻ đã làm đến chức Bố chính ti tại Thiểm Tây. Khi ấy có vị tri huyện già ở một huyện nọ, vì tuổi cao sức yếu, nhiều bệnh tật nên xin về hưu.
Khi vị tri huyện mới đến thay thế liền phát hiện tri huyện cũ đã làm thâm hụt ngân quĩ đến ba ngàn đồng tiền vàng. Pháp luật lúc đó hết sức nghiêm khắc, người làm thâm hụt công quỹ từ một trăm đồng tiền vàng trở lên sẽ bị tịch thu hết tài sản hiện có và bắt giam vào ngục, nếu trong thời gian quy định mà gia đình không đủ sức bồi hoàn thì sẽ phải chịu tội tử hình.
Nhưng vị tri huyện ấy làm quan hết sức thanh liêm. Sở dĩ có sự thâm hụt hơn ba ngàn đồng tiền vàng đó đều là do thất thu các khoản do triều đình quy định, vì đối với những người dân nghèo khổ ông không nỡ nặng tay cưỡng ép họ nộp vào công quỹ. Sự thật là ông không hề tham ô dù chỉ một đồng vàng. Chính vì thế mà sau khi về hưu gia sản ông chẳng có gì nhiều. Hơn thế nữa, tính tình ông hết sức cương trực, tuyệt nhiên không nhờ đến bạn bè giúp đỡ, chỉ im lặng chấp nhận tuân theo pháp luật, trói tay chờ chết mà thôi.
Thái Tiểu Hà vốn hiểu rất rõ về vị tri huyện già này. Vì thế, hai ngày sau khi vụ án được trình báo lên, ông liền cho triệu kiến vị quan huyện già. Trong buổi tiếp kiến, ông bảo người hầu lui hết ra ngoài, chỉ còn riêng mình ông với vị quan huyện rồi nói:
– Ông làm thâm hụt ngân sách hơn ba ngàn đồng tiền vàng, tôi biết ông không có khả năng hoàn trả, vậy ông hãy đưa công văn chi trả đến, tôi sẽ ký vào đó là đã nhận đủ rồi.
Vị quan tri huyện nghe Thái Tiểu Hà nói liền trả lời một cách hết sức sợ sệt:
– Làm sao hạ quan có thể dám làm như vậy?
Thái Tiểu Hà giải thích:
– Chẳng phải tôi nói đùa đâu, bởi tôi biết ngày thường ông làm quan rất chính trực, liêm khiết, chỉ vì thương dân mà phải bị liên lụy đến thân mình. Do đó tôi sẽ đem số tiền tích lũy dành dụm trong mấy năm qua để bồi thường khoản thiếu hụt này cho ông. Nhưng chuyện này phải tuyệt đối giữ bí mật, chỉ còn cách làm như vậy có thể giúp ông thoát khỏi án tử hình.
Vị quan tri huyện nghe Thái tiên sinh nói vậy thì vui mừng cực độ, cảm kích không thể nói bằng lời, dập đầu cáo biệt.
Hôm sau, vị quan tri huyện đó mang công văn giải trình chuyện thiếu hụt lên Thái Tiểu Hà. Tiên sinh lập tức phê vào ngày tháng thu nhận, rồi đóng dấu ấn lên, xem như giải quyết xong vụ án. Sau đó tiên sinh tự lấy tiền nhà nộp đủ vào ngân sách.
Sau đó, một hôm vị quan tri huyện già kia mặc quan phục đến xin gặp Thái tiên sinh, dập đầu cảm tạ và thưa:
– Tôi thọ nhận ân đức tái tạo của đại nhân, vĩnh viễn không bao giờ dám quên. Tiếc thay đời này đã già nua, suy yếu, e rằng không thể báo đáp được ơn sâu của đại nhân, chỉ còn cách nguyện với lòng sau khi chết sẽ đầu thai làm con đại nhân để báo đáp đại ân đại đức này.
Nói rồi cáo biệt về quê.
Thời gian thấm thoát trôi, mới đó đã hơn 10 năm qua. Vào một buổi trưa, Thái Tiểu Hà đang thiu thiu ngủ trong đại sảnh bỗng nhìn thấy vị quan tri huyện già năm xưa mặc quan phục bước vào nhà vái chào. Thái tiên sinh giật mình nhớ lại sự việc ngày trước, chưa kịp lên tiếng đáp lời thì bỗng thấy vị quan tri huyện đó xăm xăm đi thẳng vào buồng ngủ của vợ mình. Thái tiên sinh liền gọi ông dừng lại, ngay khi đó giựt mình tỉnh giấc.
Lát sau, người tì nữ chạy ra bẩm báo rằng phu nhân vừa sinh con trai. Thái tiên sinh nghĩ thầm: “Rốt cuộc ông ta cũng đã đến thật rồi, nhất định sau này sẽ chấn hưng gia tộc của ta.” Do đó liền đặt tên cho đứa bé mới sinh ra là Chấn Võ.
Đứa bé này rất thông minh, chưa đầy 20 tuổi đã đậu thủ khoa trong kì thi năm đó, năm Bính Thân thi đậu tiến sĩ, được đưa vào Viện Hàn lâm, sau đó được đề cử làm Quảng Đông đạo đài, quả thật đã làm vinh hiển cho cả dòng họ Thái.
(trích Tọa Hoa Chí Quả)