Cổ nhân có câu: “Vạn ác dâm vi thủ”, tà dâm chính là một tội ác, là điều mà những bậc chính nhân quân tử đều nghiêm khắc giữ mình, không bao giờ dám phạm phải.
Người xưa đều rất chú trọng tu dưỡng đạo đức nhân luân, cũng tin rằng hành thiện là phải lấy thủ đức bất tà dâm làm trọng. Người có thể nhìn sắc mà bất tà dâm ắt sẽ tích đại âm đức, được đại phúc báo.
Danh y cự tuyệt tà dâm được phúc báo
Thời xưa ở một địa phương nọ có một vị lương y tên là Hà Trừng. Ông Hà rất nổi tiếng nhờ tài năng y thuật cao siêu của mình.
Ở cùng quê với ông có một người tên là Tôn Miễn Chi lâm bệnh và ốm yếu đã lâu. Nghe được tên tuổi của vị lương y họ Hà, ông Tôn đã nhờ vợ mình là Du Thị đi mời ông Hà về nhà chữa bệnh.
Sau khi ông Hà đến nhà ông Tôn, vợ ông Tôn liền đưa ông tới một căn phòng kín sau nhà và nói với ông rằng: “Chồng tôi bị bệnh từ rất lâu rồi, tài sản trong nhà đã bán hết để thuốc thang cho ông ấy. Chúng tôi bây giờ chẳng còn gì để trả cho ông. Tôi sẵn sàng trao thân mình cho ông để trả tiền chi phí thuốc thang cho chồng tôi”.
Ông Hà nghiêm giọng nói: “Sao bà lại nói những lời như thế? Bà không cần quá lo lắng về chuyện ấy, tôi sẽ cố gắng hết sức để chữa trị cho chồng bà. Nếu tôi đồng ý những lời bà nói khi nãy thì chẳng phải tôi sẽ thành tiểu nhân suốt đời sao? Hơn nữa, bà cũng sẽ mất đi tiết hạnh của mình. Cho dù là không ai lên án chuyện như thế đi nữa thì cũng làm sao tránh khỏi sự trừng phạt của ông trời chứ?”.
Vợ ông Tôn rất xấu hổ và lặng lẽ đi ra khỏi phòng. Sau này vị lương y họ Hà đã cố gắng hết sức và chữa khỏi được bệnh cho ông Tôn mà không lấy một đồng tiền công nào.
Vào một đêm nọ, khi ông Hà đang ngủ thì một giấc mơ xuất hiện. Trong giấc mơ ấy, ông thấy mình được một vị Thần dẫn tới giữa công đường.
Một vị quan trên công đường đã nói với ông Hà: “Ông đã có công cứu chữa bệnh giúp người không lấy một đồng xu, hơn nữa lại không tư tâm lợi dụng vợ người. Vì thế, ông sẽ được ban thưởng một chức quan của triều đình và hưởng lương cao”.
Không lâu sau, Thái tử bị bệnh nặng. Hoàng thượng liền cho mời ông Hà vào hoàng cung để chạy chữa cho Thái tử. Chỉ với một đơn thuốc, vị danh y đã chữa khỏi bệnh cho Thái tử.
Hoàng thượng vô cùng hài lòng và đã ban cho ông Hà một chức quan rất cao cùng với số của cải lớn. Kỳ thực, mọi chuyện xảy ra sau đó đều đúng như những gì mà ông Hà gặp trong giấc mơ trước đó.
Địch Nhân Kiệt gặp mỹ nhân quyến rũ
Tuổi thanh niên Địch Nhân Kiệt có tướng mạo cao lớn, khôi ngô, tuấn tú. Một lần đến kinh thành dự thi giữa đường trú lại một quán trọ. Khi Địch Nhân Kiệt đang đọc sách dưới ánh đèn trong đêm yên tĩnh thì bất ngờ có một thiếu phụ xinh đẹp bước vào. Thiếu phụ này là con dâu của gia chủ quán trọ.
Cô gái này sau khi kết hôn thì chồng sớm qua đời, vào lúc ban ngày đã trông thấy Địch Nhân Kiệt tướng mạo tuấn tú phi phàm nên trong lòng đã động tình, không kìm nén được. Thiếu phụ chờ đến tối mới lấy lý do xin lửa đến phòng Địch Nhân Kiệt để quyến rũ.
Địch Nhân Kiệt biết rõ ý đồ của thiếu phụ nhưng không chút động lòng. Hơn nữa, ông còn nói lời chân thành: “Vẻ đẹp diễm lệ của cô khiến ta nhớ lại lời của lão hòa thượng đã căn dặn”.
Sắc đẹp chỉ là thứ vô thường, sẽ tàn phai theo năm tháng, đừng vì ham muốn nhất thời mà tạo nghiệp. (Ảnh: Read01)
Thiếu phụ hiếu kỳ gặng hỏi, Địch Nhân Kiệt lên tiếng trả lời: “Trước khi đi ta có ở nhờ trong chùa đọc sách. Vị hòa thượng già trong chùa trông thấy tướng mạo của ta đã cho lời khuyên: ‘Cậu có tướng mạo anh tuấn đĩnh đạc như thế, sau này nhất định hiển quý vang danh. Nhưng cậu cần phải nhớ không được tham sắc phạm dục để hủy hoại tiền đồ’.
Ta thưa: ‘Mỹ sắc ai ai cũng thích, sao có thể ngăn nổi ham muốn này?’
Vị hòa thượng già liền chỉ dạy: “Khi con thấy một khuôn mặt xinh đẹp, lúc dục niệm bị kích thích, nếu con tưởng tượng mỹ nữ là hồ ly tinh hút máu, ma quỷ rắn độc, tưởng tượng khuôn mặt mỹ lệ thành mặt người trọng bệnh, vừa vàng vọt lại khắc khổ, giống mặt quỷ. Tưởng tượng lớp son phấn quyến rũ thành vẻ mặt của người lúc sắp lâm chung, tưởng tượng người duyên dáng thục nữ mê hoặc thành người bị nhiễm giang mai lở loét hôi thối, khiến người ta chỉ muốn bịt mũi bỏ chạy. Một khi giao hợp với cô ta không những bị hút hết máu huyết, tinh khí khô cạn mà trăm bệnh thâm nhập, chịu tận cùng đau khổ. Nếu làm được như thế thì dục niệm sẽ lạnh lẽo như băng”.
Thiếu phụ nghe Địch Nhân Kiệt nói thì có chút đăm chiêu.
Địch Nhân Kiệt lại nói tiếp: “Lời dạy của lão hòa thượng ta ghi khắc vào tim. Vì thế vừa rồi cô vừa mắt liếc đong đưa thì những lời của vị lão hòa thượng lại văng vẳng bên tai ta. Cô xưa nay có đủ ý chí giữ mình như thế thật vô cùng đáng quý, chớ vì chút xao động nhất thời mà hủy hoại thanh danh bao công giữ gìn. Huống hồ trên cô còn có cha mẹ chồng tuổi già, dưới có con thơ dại, ai cũng cần cô quan tâm chăm sóc. Nếu thông gian với ta, bỏ đi theo ta thì cha mẹ chồng già yếu và con thơ không còn chỗ nương tựa.
Những nàng dâu thời xưa biết giữ lễ tiết luôn được người đời tôn vinh, ví như Hàn Cửu Anh vì sợ bị bọn sắc tặc cưỡng hiếp đã tự hủy làm xấu đi cái mũi của mình. Hay phu nhân Cao Trọng Cử gặp tên dâm đãng đã dùng cán gương chọc vào hai mắt mình, hủy dung mạo để giữ lễ tiết. Còn có rất nhiều tấm gương kiên trung, một lòng giữ gìn phẩm giá, trong đó có người nhảy xuống giếng, có người lấy đồ nóng hủy dung nhan, họ nghĩ ra rất nhiều cách để giữ mình…”
Thiếu phụ sau khi nghe Địch Nhân Kiệt nói thì trong tâm cảm động, nước mắt trào ra, lên tiếng cảm tạ: “Cảm tạ ân công đại đức, không những bảo toàn tiết tháo cho tôi mà còn dạy tôi một bài học. Từ nay về sau tôi kiên quyết giữ lòng như nước đọng, băng thanh ngọc khiết, giữ trọn tiết tháo, đền đáp lời dạy của ân công hôm nay”. Nói xong thiếu phụ liên tục bái tạ rồi xin cáo từ.
Về sau, người thiếu phụ này đã làm đúng như lời hứa, kiên thủ phụ tiết, hiển danh trong vùng và được người đời ca ngợi.
Quả thực là, ông trời không phụ lòng người có thiện đức. Địch Nhân Kiệt sau đó vào kinh dự thi đã đỗ trạng nguyên. Sau này ông lại làm đến chức quan tể tướng, giúp đỡ triều đình an bang định quốc, được lưu danh sử sách.
Điển cố: “Ngồi mà trong lòng vẫn không loạn”
“Tọa hoài bất loạn” (ngồi mà trong lòng vẫn không loạn), ý chỉ người đàn ông đoan chính, dù ở cạnh người phụ nữ mà trong tâm không nảy sinh ý đồ xấu.
Trong “Thuần chính mông cầu” thời nhà Nguyên có ghi chép về điển cố này như sau:
Liễu Hạ Huệ sống ở nước Lỗ vào thời Xuân Thu. Một hôm vào đêm đông giá rét, có một người phụ nữ vô gia cư đến nhà ông tìm nơi trú ẩn nhờ. Liễu Hạ Huệ lo ngại rằng cô gái này có thể sẽ chết vì lạnh, nên ông đã để cô vào trong nhà và ngồi trên đùi mình.
Hơn nữa, ông còn quấn áo mình quanh người của cô và áp cơ thể của cô vào mình để cô gái đỡ lạnh. Họ đã ngồi như vậy suốt đêm và ông đã không làm bất kỳ điều gì không đứng đắn.
Cũng theo sử sách ghi chép, Liễu Hạ Huệ vừa có tài an bang lại có đủ đạo đức của một chính nhân quân tử. Ông được Khổng Tử, Mạnh Tử xưng là hiền nhân, thánh nhân, người có đạo đức cao thượng. Điển cố “Tọa hoài bất loạn” cũng được lưu truyền mãi cho đến ngày nay.