Bất kỳ khoản nợ nào đều là phải hoàn trả. Nếu kiếp này không trả thì kiếp sau sẽ phải hoàn trả, thậm chí phải hoàn trả gấp nhiều lần. Đây là nhân quả thiên lý! Hãy cùng xem câu chuyện được ghi trong cuốn “Khuê Xa Chí” dưới đây để hiểu thêm về điều này.
(Ảnh minh họa/Nguồn: Pixabay)
Vào triều đại nhà Minh, ở Võ An, Hà Bắc có người đàn ông tên là Lục Đại Lang là người giàu có. Tuy đã nhiều tuổi và có ba người vợ nhưng ông vẫn chưa có người con nào. Ông ta có một căn nhà khang trang ở trên một ngọn núi dùng để kinh doanh khách sạn.
Lục Đại Lang có quen biết với một vị lão hòa thượng. Hai người họ thường xuyên qua lại với nhau nên thời gian lâu dần trở nên thân thiết. Vì để có tiền xây dựng chùa nên hòa thượng hàng ngày đều đi khất thực để quyên góp. Toàn bộ số tài sản mà hòa thượng quyên góp tích lũy được đều gửi ở chỗ Lục Đại Lang bởi vì mang theo sẽ bất tiện.
Mấy năm trôi qua, số tài sản mà hòa thượng tích lũy được đã tăng lên rất nhiều. Lúc này, hòa thượng muốn lấy lại toàn bộ số tài sản đã gửi ở chỗ Lục Đại Lang. Không ngờ, Lục Đại Lang vì lòng tham nổi lên đã chiếm luôn số tài sản ấy. Hòa thượng đã nhiều lần hỏi Lục Đại Lang nhưng đều bị từ chối trả. Cuối cùng hòa thượng không còn cách nào khác đành phải kiện lên quan phủ.
Vì Lục Đại Lang nhiều lần dùng tiền hối lộ quan phủ nên hòa thượng không những không đòi được tài sản mà còn bị khép tội vu cáo lừa dối. Hòa thượng phẫn uất trong lòng, một thời gian sau lâm bệnh rồi mất.
Không lâu sau khi hòa thượng mất, một hôm đang ngủ trưa, Lục Đại Lang nằm mơ thấy hòa Thượng đến đòi nợ. Trong mơ, hòa thượng nói: “Ta đến để đòi nợ ngươi đây!”.
Vừa mơ đến đây thì ngoài cửa, người hầu báo chạy đến báo: “Lão gia! Nhị thái thái đã sinh hạ quý tử rồi!”
Lục Đại Lang đang lúc hoảng sợ vội hỏi lại: “Là con trai hay con gái?”
Người hầu trả lời: “Là con trai!”
Lục Đại Lang vừa vui mừng lại vừa lo lắng, không biết đứa trẻ này có liên quan gì đến giấc mơ mà ông vừa mơ thấy không.
Lục Đại Lang đặt tên cho con trai là Tiểu Đại Lang. Bởi vì đến tận tuổi già mới sinh được người con trai nối dõi nên Lục Đại Lang hết sức yêu chiều con. Đứa bé này đến 4 tuổi mà vẫn không nói cười. Một hôm, người hầu trong nhà vô tình đánh rơi chiếc chén, Tiểu Đại Lang nghe thấy liền bật cười. Đến tuổi thanh niên, Tiểu Đại Lang ham chơi, giao du với đám bạn xấu, tiêu tiền của không tiếc tay khiến cho tài sản gia đình bị vơi đi ít nhiều. Nhưng Lục Đại Lang cũng không vì thế mà cấm đoán, nghiêm khắc dạy bảo con.
Mấy năm sau, Tiểu Đại Lang càng sa vào ăn chơi bài bạc khiến cho gia sản trong nhà toàn bộ đều cạn kiệt, ruộng đất cũng phải bán hết để trả nợ. Đến năm ngoài 20 tuổi, Tiểu Đại Lang vì mắc bệnh nặng, lại không còn tiền chữa trị nên qua đời. Cha của Tiểu Đại Lang lúc này đã già yếu nhưng không còn tài sản, đành phải hàng ngày đi ăn xin ngoài đường sống qua ngày.
Mọi người ở trong thôn đều nói, Tiểu Đại Lang là do vị hòa thượng kia đầu thai đến làm con để đòi món nợ kiếp trước. Chứng kiến tình cảnh của gia đình Lục Đại Lang, nhiều người đã thốt lên rằng: “Thiện ác có báo là thiên lý! Nợ kiếp này không trả thì kiếp sau hoàn trả còn nặng hơn!”
Theo Đại kỷ nguyên tiếng Trung