“Một người đang tâm bỏ vợ chỉ vì hư danh thì không xứng tiếp tục được phúc báo mà đỗ bảng vàng, cho dù tổ tiên đã từng tích đức nhiều bao nhiêu!” – Dẫu chỉ là cảnh báo trong mộng ở một cố sự từ đời nhà Thanh nhưng đến nay vẫn có giá trị nhân văn sâu sắc.
Hình minh họa: internet
Vào thời nhà Thanh có một cậu bé được sinh ra trong gia đình quý tộc và đính ước ngay từ nhỏ với một cô gái cũng con nhà quyền quý. Gia tộc nhà cậu bé này vốn là người nhân từ độ lượng, luôn hào phóng giúp đỡ người nghèo khó xung quanh.
Cha của cậu cũng vậy, ông không bao giờ tiếc hầu bao để trợ giúp dân nghèo. Đến năm cậu bé 10 tuổi thì không may trong vùng xảy ra nạn đói kém. Dân chúng khổ sở lầm than, cha của cậu thấy vậy bèn lấy phần lớn gia sản đem cứu đói cho dân.
Vì quyên góp từ thiện quá nhiều nên chẳng bao lâu sau nhà cậu đã cạn kiệt tài sản. Đến khi người cha thanh liêm và nhân từ đó chết đi, ông chỉ để lại cho vợ và con trai đúng một căn nhà đơn sơ.
Cậu bé từ đó sống trong cảnh bần hàn, lớn lên trở thành một chàng thư sinh khôi ngô tuấn tú. Chàng quyết tâm dùi mài kinh sử, mong sớm đỗ bảng vàng vinh danh gia tộc. Đến năm chàng trai lập gia thất, mẹ chàng đã phải vay mượn một số tiền khá lớn để làm sính lễ cưới hỏi cô tiểu thư con nhà giàu như đính ước gần 20 năm trước.
Tuy nhiên cha cô gái giờ đã đổi ý vì thấy gia cảnh chàng thư sinh quá nghèo khổ, không môn đăng hộ đối. Nhưng nếu từ chối thẳng thừng thì lại không phải với thiên hạ và sẽ bị chê cười. Bởi vậy ông bèn nghĩ ra kế thay người hầu gái giả làm con gái mình rồi gả cho chàng thư sinh. Vì đôi bên chưa gặp gỡ bao giờ cho nên khi đám cưới, chàng trai vẫn không hay biết gì, vui mừng hạnh phúc lấy được ý trung nhân đính ước từ thuở còn thơ.
Rất may mắn là cô hầu gái này lại là người xinh đẹp nết na, hai vợ chồng sống với nhau tâm đầu ý hợp.
Vài năm sau, chàng thư sinh tới thăm nhạc phụ. Khi đi đến thị trấn, anh gặp ngay một đám người, họ không ngừng chế giễu anh là lấy phải người hầu gái nhà quan. Thư sinh rất tức giận và yêu cầu họ xin lỗi. Tuy nhiên, không những không xin lỗi mà lại có thêm nhiều người đến để chê cười anh.
Thấy vậy thư sinh bèn quay về nhà và hỏi vợ cho ra nhẽ. Lúc này người vợ đã thú nhận mọi việc.
Trước đó, chàng thư sinh từng có một giấc mơ, anh tới một nơi tiên cảnh bồng lai tuyệt đẹp, và gặp hai tiên nữ đang cùng thêu chiếc áo choàng của quan. Khi anh hỏi họ đang làm gì, tiên nữ mỉm cười và đáp áo choàng thêu dành cho người đứng đầu bảng Tiến sĩ sắp tới, và trên đó ghi rõ tên họ của thư sinh này.
Thư sinh vì thế càng có chí quyết tâm dùi mài kinh sử. Nhưng sau khi biết bị gạt chuyện lập gia thất, anh cảm thấy mình bị rơi xuống tầng hạ đẳng vì lấy phải đứa hầu nhà quan mấy năm rồi. Lòng chán nản, anh chẳng thiết học hành và cứ tự trách phận kêu Trời.
Cuối cùng anh quyết định sẽ lấy một người vợ khác xuất thân quyền quý để khôi phục danh tiếng cũng như xứng với mình hơn.
Một đêm nọ, anh lại nằm mơ giấc mơ như trên, nhưng lần này các tiên nữ tỏ vẻ thờ ơ lãnh đạm với anh. Khi nhìn vào chiếc áo choàng trên tay họ, anh phát hiện tên mình bị mờ và không thể nhận rõ là tên ai trên chiếc áo. Anh sốt ruột và lo lắng nên đã cầu xin tiên nữ nói rõ sự tình.
Một tiên nữ nói: “Một người đang tâm bỏ vợ chỉ vì hư danh thì không xứng tiếp tục được phúc báo mà đỗ bảng vàng, cho dù tổ tiên đã từng tích đức nhiều bao nhiêu!”.
Nghe xong câu này người thư sinh chợt tỉnh giấc, lòng thấy hối hận vì những suy nghĩ bồng bột và xấu xa của mình. Anh hứa với lòng sẽ chung thủy với vợ cho đến hết đời này.
Quả thật thời gian sau, chàng thư sinh đã vinh danh bảng vàng và sau đó trở thành quan lớn trong triều, sự nghiệp ngày càng thăng tiến.
Những gì xảy ra ở câu chuyện trên đều theo luật Nhân quả của Trời đất. Tổ tiên tích đức con cháu ắt được nhờ. Tuy nhiên nếu con cháu phóng túng bản thân, không giữ một chữ Đức thì sớm muộn cũng sẽ tiêu tan sạch vận may và gặp mạt vận. Chỉ cần có Đức thì một người sẽ luôn luôn được phúc báo.