Lễ xá tội vong nhân, được người Việt chúng ta rất xem trọng, đây là ngày những người còn sống thể hiện sự kính trọng đối với người đã khuất, cũng như bố thí cho các vong linh khốn khổ. Vậy nguồn gốc của tập tục này vốn bắt nguồn từ đâu?
Tháng cô hồn hay tháng “xá tội vong nhân” là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người Việt, được truyền từ đời này sang đời khác và rất được người Việt coi trọng.
Nhiều nền văn hóa xưa nay vẫn tin rằng, con người là có phần hồn và phần xác. Con người khi qua đời thì phần hồn vẫn tồn tại, tùy theo đức và nghiệp tích trong đời này mà được đầu thai khiếp khác hay bị đày xuống địa ngục, hoặc làm quỷ đói quấy nhiễu dương gian.
Trong Phật giáo cũng có giải thích rằng, quỷ đói là một dạng tái sinh khi con người chết đi, nếu làm nhiều việc tốt, chúng sẽ được đầu thai kiếp khác làm người. Ngược lại, nếu làm điều xấu, tùy theo các mức độ mà chúng sẽ bị đầy xuống địa ngục, nhẹ hơn thì đầu thai làm súc sinh và nhẹ nhất làm ngạ quỷ. Tháng 7 dân gian thường xem là tháng của “quỷ đói”.
Vì thế người Việt cho rằng cúng cô hồn là một hành động nhân đạo, thể hiện lòng kính trọng, tôn nghiêm của người còn sống đối với người đã khuất, đề cao việc báo hiếu và làm phúc bố thí, đồng thời cũng là dịp để tự nhắc nhở bản thân sống có đức để sau này không phải đi con đường của cô hồn dã quỷ. Phong tục này bắt nguồn từ những câu chuyện truyền thuyết có từ xa xưa.<
Nguồn gốc lễ Xá tội vong nhân
Ngày xá tội vong nhân bắt nguồn từ tích cổ Trung Hoa gắn liền với truyền thuyết dân gian cho rằng từ mùng 2/7 Âm lịch, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan để ma quỷ trở lại cõi trần và đến rằm thì tất cả phải trở về, cửa địa ngục đóng lại.
Chính vì thế mà theo tục lệ dân gian, người trần sẽ cúng cháo, gạo, muối cho quỷ đói, một phần là vì thương thay cho cảnh ngộ của những sinh linh này, phần là để chúng không quấy nhiễu cuộc sống thường ngày.
Trong quan niệm của nhà Phật cũng có 3 truyền thuyết kể về sự tích tháng cô hồn. Có chuyện kể rằng ngày trước, quỷ thường hay quấy phá, làm hại người, khiến họ không thể yên ổn làm ăn, khổ quá bèn kêu lên Phật. Đức Phật giúp con người trục quỷ, đày chúng xuống địa ngục. Thế nhưng vì sự từ bi, ngài cho phép chúng trở lại dương gian mỗi năm một lần vào dịp rằm tháng 7.
Một câu chuyện khác kể rằng, một đại đệ tử của Phật là đức A Nan Đà vào một buổi tối đang ngồi trong tịnh thì thấy một con Ngạ quỷ người gầy quắt, cổ dài, miệng nhả ra lửa bước vào, nói rằng 3 ngày nữa A Nan Đà sẽ chết và cũng trở thành quỷ miệng lửa (diệm khẩu) như nó.
Một đại đệ tử của Phật là đức A Nan Đà vào một buổi tối đang ngồi trong tịnh thì thấy một con Ngạ quỷ người gầy quắt, cổ dài, miệng nhả ra lửa bước vào, nói rằng 3 ngày nữa A Nan Đà sẽ chết và cũng trở thành quỷ miệng lửa (diệm khẩu) như nó. (Ảnh từ Deepthroaters)
Quỷ nói: “Nếu muốn tránh thì ông phải bố thí cho lũ ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc đồ ăn, và cúng dường Tam bảo giúp chúng tôi, để chúng tôi được tái sinh vào cõi trên, thì ông cũng được tăng thọ”.
A Nan Đà sau đó đi gặp Đức Phật, được Phật truyền cho bài chú “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni”, đem tụng trong lễ cúng để thêm phước. Y theo lời báo của quỷ miệng lửa, A Nan Đà sau đó làm theo, cúng quỷ đói và đọc bài chú Đức Phật truyền cho nên mới thoát được kiếp nạn.
Cũng có truyền thuyết kể rằng, phong tục cúng quảy và hồi hướng cho thân nhân đã qua đời đã có từ thời Đức Phật (thế kỷ 6 TCN) và được khuyến khích trong cộng đồng những người tin vào nhân quả nghiệp báo và sinh tử luân hồi. Sau khi đạo Phật truyền vào Việt Nam, trong sự tương giao với văn hoá bản địa cúng giỗ và thờ phụng tổ tiên, phong tục cúng quảy và hồi hướng phước cho người thân đã khuất được lưu truyền rộng rãi ở nước ta và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Vào thời Đức Phật còn tại thế, một hôm vua Bình Sa Vương (Bimbisara) nằm mộng thấy những chúng sinh đói khổ rách rưới đeo bám vào tường thành kêu khóc thảm thiết. Vốn là người giàu lòng từ bi, nhà vua rất xúc động và thỉnh giáo Đức Phật xem họ là ai và phải làm gì để cho họ bớt khổ? Đức Phật cho nhà vua biết các chúng sinh đó là những thân bằng, quyến thuộc của vua trong quá khứ xa xôi.
Vì họ kém duyên phước, khi sống chỉ biết tranh giành hơn thua, vun vén cho bản thân để sống qua ngày mà không biết làm phước, không được học đạo và không sống có đạo, không biết chia sẻ, không biết quan tâm đến người khác, v.v. nên sau khi chết đi phải thọ sinh vào những cảnh giới đau khổ.
Vì khi còn sống ăn ở không tốt nên khi chết đi phải thọ sinh vào những cảnh giới đau khổ. (Ảnh từ tiin)
Những chúng sinh xuất hiện trong giấc mơ của đức vua đã bị kẹt trong cảnh giới đó nhiều trăm năm, nhiều triệu năm, từ thời đức Phật Ca Diếp và cho đến khi Đức Phật Thích Ca xuất hiện trên thế gian, họ mới có cơ hội được tạm thời xuất hiện. Cũng vì một người thân trong quá khứ của họ nay là đức vua Bình Sa Vương là người biết đạo và có khả năng làm phước hồi hướng công đức cho họ, nên họ xuất hiện để xin cứu giúp.
Đức Phật với tâm đại từ bi chiếu cái nhìn thanh tịnh vào nhân gian và thấy rằng các thân bằng quyến thuộc thời xưa thường đến nhà thân nhân. Họ đứng tựa vào vách hay ngoài cửa, đứng ở ngã ba đường hay ở cổng thành, mong mỏi người thân của họ nhận ra và làm phước nhân danh họ để họ có thể thoát khỏi cảnh khổ.
Dựa vào người, chi bằng hãy dựa vào bản thân mình
Tuy rằng phước đức do người thân hồi hướng cho có thể khởi phần nào tác dụng, nhưng trong dòng xoáy bất tận của luân hồi, nghiệp lực do ai gây ra thì chính người đó phải hoàn trả, làm ác đoạ vào đường ác, làm thiện thăng lên cõi lành. Vậy nên, phải chăng mỗi một người còn sống nên nhìn vào các vong hồn khốn khổ mà biết sợ, biết tự chuẩn bị cho ngày sau.
“Chuẩn bị” ở đây không phải là xây cất lăng tẩm nguy nga, hay nhắn nhủ cháu con đốt vàng mã, nhà lầu xe hơi để nhận lại nơi suối vàng. Mà là sự chuẩn bị sáng suốt sau khi thấu triệt quy luật nhân quả luân hồi, chuẩn bị phước lành từ những việc làm thiện, lời nói thiện và ý nghĩ thiện. Người xưa nói: “Tích đức hành thiện”, không phải là triết lý suông, mà quả thật là cách chuẩn bị vững chắc nhất cho tương lai vậy.
Theo Tinhhoa