Châu Âu đang khốn đốn

Những ngày này, cả thế giới đang chú tâm theo dõi tình hình diễn biến dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. Sau Trung Quốc, Hàn Quốc, giờ đây tình hình diễn biến căng thẳng nhất lại đang là các nước châu Âu. Các nước tây Âu như Ý, Tây Ban Nha, Pháp… đang là tâm điểm chú ý, đặc biệt là nước  Ý với số ca tử vong đã vượt qua con số báo cáo từ chính quyền Trung Quốc, tính đến ngày 19/03/2020.

Giờ đây, nhiều người đang đặt ra câu hỏi, phải chăng các biện pháp hà khắc của chính quyền độc tài Trung Quốc đã tỏ ra hiệu quả hơn so với cách làm của các nước tự do?

Cả thế giới trong tháng 2 và đầu tháng 3/2020 đều rùng mình với diễn biến dịch bệnh căng thẳng tại Trung Quốc. Đặc biệt là hình ảnh các hành động từ hà khắc đến dãn man của hệ thống chính quyền. Rất nhiều người bị cưỡng chế đi cách li một cách rất bạo lực, nhiều người bị đánh đập chỉ vì không đeo khẩu trang khi ra ngoài, hoặc nhiều ngôi nhà bị chặn cửa. Những đoạn video cho thấy một số người bị rơi từ chung cư cao tầng chỉ vì tìm cách thoát ra ngoài, hoặc cả gia đình chết bên trong nhà mà không ai biết.

Tuy nhiên, đến ngày 10/03/2020, tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình tới thăm Vũ Hán, đánh dấu tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát. Những diễn biến này khiến nhiều người cho rằng, mặc dù thể chế độc tài hà khắc đến dã man của ĐCSTQ luôn bị cả thế giới phản đối, nhưng nó lại tỏ ra hiệu quả khi ứng phó với tình hình dịch bệnh?

Các quốc gia tự do có đối phó dịch hiệu quả?

Hàn Quốc là một trong các quốc gia có diễn biến dịch bệnh căng thẳng nhất tính đến đầu tháng 3/2020. Tuy nhiên cách làm của chính phủ Hàn Quốc khác với chính quyền Trung Quốc. Thay vì cách ly hà khắc hàng chục triệu người, Hàn Quốc tiến hành xét nghiệm quy mô lớn với 10.000 người mỗi ngày. Những người dương tính sẽ được mô tả lại hành trình di chuyển và tiếp xúc và được công khai cho xã hội. Như vậy nhiều người sẽ tự biết mình có cần đi xét nghiệm hay không. Cho đến ngày 25/03/2020, Hàn Quốc có 9.137 người được xác nhận dương tính, nhưng chỉ có 126 người tử vong. So với con số 500 – 600 người được xác nhận nhiễm bệnh mỗi ngày cuối tháng 02/2020, hiện mỗi ngày Hàn Quốc chỉ ghi nhận thêm trên dưới 100 người dương tính với COVID-19.

Trường hợp đáng nói nhất về hiệu quả chống dịch viêm phổi Vũ Hán chính là Đài Loan. Mặc dù Đài Loan là nước có nguy cơ cao hàng đầu với đại dịch lần này do lưu lượng người qua lại với Trung Quốc là rất lớn, lên tới hàng triệu người mỗi năm. Nhưng ngay từ trước khi chính quyền Trung Quốc công khai thừa nhận tình hình dịch bệnh đã ở mức nghiêm trọng, chính phủ Đài Loan đã thực hiện công tác phòng chống nghiêm nghặt. Theo tờ JAMA Network, ngay từ ngày 31/12/2019, Đài Loan đã cho kiểm tra các hành khách có triệu trứng ho, sốt đến từ Vũ Hán. Tức là trước tới 20 ngày so với khi tổng bí thư Tập Cận Bình có phát biểu về tình hình dịch bệnh.

Thay vì phong tỏa thông tin về dịch bệnh, Đài Loan ngay lập tức mở các chiến dịch tuyên truyền để toàn dân nắm được tình hình và các cách thức đối phó từ rất sớm. Chính phủ cũng cấm xuất khẩu khẩu trang ngay từ ngày 24/01/2020, hạ giá khẩu trang xuống mức 6 Đài tệ (4.600đ), nâng quy mô sản xuất từ 4 lên tới 10 triệu khẩu trang mỗi ngày chỉ sau 1 tháng. Ngay cả tổng thống Thái Anh Văn cũng làm một video về cách thức các nhà thuốc phân phối khẩu trang phẫu thuật. Những người có nguy cơ lây nhiễm được thông báo để tự cách li và xét nghiệm sớm nhất có thể, tránh tình trạng phong tỏa quy mô lớn. Chính phủ Đài Loan cũng cấm nhập cảnh đối với người đến từ Trung Quốc ngay từ 06/02/2020, mặc dù chịu áp lực phản đối từ chính quyền Trung Quốc.

Cho đến ngày 25/03/2020, Đài Loan chỉ có 235 người được xác nhận dương tính với COVID-19. Thậm chí dưới sức ép từ chính quyền Trung Quốc, Đài Loan không được tiếp xúc trực tiếp với thông tin từ tổ chức y tế thế giới (WHO). Nhưng sự chủ động, độc lập và tự do thông tin của một thể chế pháp trị đã giúp Đài Loan có được kết quả tốt trong phòng chống đại dịch. RFI dẫn lời Bộ trưởng Y Tế Đài Loan Trần Thời Trung (Chen Shih Chung) tuyên bố : «Người dân Đài Loan không tin vào cơ chế dự phòng ở Hoa lục, và sự không minh bạch của hệ thống y tế Trung Quốc».

Cho đến nay, Italy, Iran và Tây Ban Nha là ba nước có số người chết vì dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán tồi tệ nhất chỉ sau Trung Quốc, cũng lại là ba nước có sự trợ giúp lớn nhất từ chính quyền Trung Quốc. Nhưng Iran là một thể chế độc tài, trong khi Italy cũng đã áp dụng các biện pháp khắc nghiệt, thậm chí phong tỏa toàn quốc từ ngày 10/03/2020. RFI ngày 20/03/2020 dẫn thông tin cho biết trong những ngày qua cảnh sát Ý đã phạt tới 44.000 người vì không chấp hành lệnh phong tỏa.

Hiện Đài Loan, Kong Kong và Việt Nam là các khu vực đang đối phó tốt với dịch viêm phổi Vũ Hán. Có một đặc điểm chung là người dân ở ba khu vực này đều không tin chính quyền Trung Quốc, thậm chí luôn phản đối. Do vậy việc ứng phó với dịch bệnh của chính phủ và người dân ba khu vực này khá chủ động. Trong khi người châu Âu vốn không có nhiều trải nghiệm trong quan hệ với Trung Quốc. Mức độ chi phối truyền thông của chính quyền Trung Quốc tại châu Âu, đặc biệt là tây Âu là rất lớn, nên tâm lý người dân và chính phủ dễ dàng tin theo cái gọi là “thông tin chính thống” về dịch bệnh từ Trung Quốc. Họ đã rất chậm trễ trong ứng phó với dịch bệnh lần này, thậm chí cả xã hội đều rất chủ quan, kết quả là họ đang phải trả giá rất đáng tiếc.

Kết luận

Như vậy, có thể nói đặc điểm thể chế tự do hay độc tài không phải là yếu tố quyết định hiệu quả trong phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán. Mà ngoài năng lực của các chính phủ, thì sự hiểu biết về bản chất thông tin từ chính quyền Trung Quốc trong trường hợp này mới là yếu tố hữu hiệu. Không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia có chung đường biên giới xung quanh Trung Quốc gồm cả các nước lớn như Nga, Ấn Độ vốn có nguy cơ cao nhất với dịch bệnh lần này thì cho đến nay vẫn đang kiểm soát khá tốt tình hình. Bởi vì chính sự trải nghiệm thực tiễn mấy chục năm qua trong quan hệ với Trung Quốc, đã giúp người dân và chính phủ các nước láng giềng chủ động đối phó dịch từ rất sớm mà không căn cứ vào thông tin “chính thức” từ truyền thông của chính quyền Trung Quốc.

Những ngày này, chính quyền Trung Quốc đang cho biết nhiều ngày không có ca nhiễm mới, ngoại trừ các ca từ người mới nhập cảnh. Nhưng với những gì đã trải qua, thế giới có lẽ lại đối diện thêm một lần nữa về việc tin hay không tin chính quyền Trung Quốc. Theo công bố của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) ngày 19/03/2020, số thuê bao di động trong tháng 2 tại nước này đã giảm 21 triệu, không biết họ đã đi đâu? Chỉ riêng điều này đã làm cho thông tin được báo cáo về số ca tử vong tại Trung Quốc là đáng ngờ. Ngay cả với Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam có mức độ ứng phó rất hiệu quả, thì mỗi ngày vẫn đang có thêm một số ca nhiễm mới.

Một số chính trị gia nhiều nước bắt đầu đổ lỗi cho chính quyền Trung Quốc trong đại dịch vì thiếu minh bạch thông tin. Nhưng có lẽ điều tốt hơn với họ là tự trách bản thân, vì đã không hiểu được bản chất mà tin vào thông tin từ chính quyền Trung Quốc. Tất cả chúng ta đều mong rằng tình hình tại Trung Quốc thực sự đã ổn, và rồi thế giới cũng ổn trở lại. Chính quyền Trung Quốc đang thúc ép sản xuất và sinh hoạt nhanh chóng quay lại như cũ. Tổng bí thư Tập Cận Bình cũng đang gọi điện cho lãnh đạo nhiều nước đề nghị “hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm”. Nhưng nếu tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc thực sự chưa ổn và lại tái bùng phát, thì với nhiều nước, ngay cả việc rút kinh nghiệm một lần nữa trong quan hệ với chính quyền Trung Quốc cũng không còn cơ hội.

Nguồn: DKN.TV (có chỉnh lý và cập nhật thông tin)