Virus Corona Vũ Hán đã tấn công toàn cầu và nhiều quốc gia liên tiếp đang yêu cầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm. Có thông tin cho biết Bộ an ninh Quốc gia Trung Quốc đã trình báo cáo nội bộ lên lãnh đạo cấp cao cảnh báo rằng: sau trận đại dịch toàn cầu, xu hướng chống đối Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lên đến một tầm cao mới kể từ sự kiện ‘Lục Tứ’ năm 1989. Chính quyền Bắc Kinh phải chuẩn bị tốt cho “trường hợp xấu nhất” xảy ra.
Ngày 4/5, hãng Reuters của Anh đưa tin độc quyền rằng các chuyên gia cố vấn của “Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc” (CICIR), thuộc Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc, vào đầu tháng 4 đã đệ trình báo cáo lên lãnh đạo cao cấp Bắc Kinh. Trong đó, báo cáo cảnh báo rằng do sự bùng phát dịch bệnh, sự bất bình của toàn cầu đối với chính phủ Trung Quốc đã lên đến mức cao nhất kể từ sự kiện ‘Lục Tứ’ năm 1989. Có thể có một “làn sóng chống ĐCSTQ” trên toàn thế giới, không loại trừ khả năng xảy ra xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Vì vậy, Trung Quốc cần chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.
Do Reuters chưa có được toàn văn bản báo cáo, nên đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Trung Quốc để xác nhận rằng báo cáo này là có thực hay không. Phản hồi của Bộ này là “không thể cung cấp bất kỳ thông tin liên quan nào”.
Theo thông tin công khai, tiền thân của CICIR là Sở Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc. Sở này do Chu Ân Lai thành lập vào năm 1965. Vào thời điểm đó, ông Chu lãnh đạo tổ Đối ngoại Trung ương, phục vụ các quan chức cấp cao của ĐCSTQ. Sở Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc cũng là tổ chức giảng dạy và nghiên cứu quan hệ quốc tế duy nhất trong thời Cách mạng Văn hóa.
Đến năm 1980, Đặng Tiểu Bình đã chỉ thị cho viện này thành Sở nghiên cứu đối ngoại công khai; năm 2003, Sở Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc được đổi tên thành Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc (CICIR). Viện này có một số sở nghiên cứu, viện nghiên cứu trực thuộc và trung tâm nghiên cứu, cũng như văn phòng trưởng khoa và các bộ phận khác.
Tính đến thời điểm đưa tin, CICIR đã không có câu trả lời về vấn đề này.
Thông tin chỉ ra rằng trong những năm gần đây, chính quyền ĐCSTQ đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích về các vấn đề như thương mại Trung – Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan và Biển Đông. Hiện nay, virus Corona Vũ Hán đã lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới. Tính đến ngày 4/5/2020, hơn 3,4 triệu người ở hơn 220 quốc gia và khu vực trên thế giới được chẩn đoán nhiễm dịch và hơn 240.000 người đã tử vong vì căn bệnh này.
Không chỉ vậy, trong khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh vẫn tiếp diễn, các ngành hàng không, du lịch, giải trí, thể thao, thị trường dầu mỏ, thị trường tài chính và các khía cạnh khác trên toàn cầu phải chịu ảnh hưởng rất lớn. Hiện tại, các tổ chức, quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Thụy Điển, Đức, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu đều công khai yêu cầu truy cứu trách nhiệm đối với chính quyền ĐCSTQ và tiến hành điều tra độc lập về nguồn gốc của virus.
Đến ngày 4/5, các tổ chức nhà nước hoặc cá nhân của ít nhất 8 quốc gia (Hoa Kỳ, Anh, Ý, Đức, Ai Cập, Ấn Độ, Nigeria và Úc) đã đệ đơn kiện Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về dịch bệnh. Theo tuyên bố của họ, tổng số tiền yêu cầu bồi thường được ước tính là hàng trăm nghìn tỷ USD.
Theo Washington Post, riêng Hoa Kỳ đã có ít nhất 7 vụ kiện ĐCSTQ về dịch bệnh, trong đó yêu cầu bồi thường lên tới 20 nghìn tỷ USD, tương đương 1,5 lần GDP của Trung Quốc vào năm ngoái.
Theo secretchina