Đó là một buổi sáng ngày thứ 3 của tháng 6 khi chuyến bay của hãng hàng không Qantas hạ cánh xuống sân bay Tom Bradley, Los Angeles muộn do khởi hành chậm trễ từ Melbourne. Tiến sỹ Margaret Trey liên tục nhìn vào đồng hồ, đếm từng phút giây với hy vọng sẽ kịp chuyến bay tiếp theo tới New York. Ra khỏi máy bay Qantas, bà nhanh chóng làm thủ tục nhập cảnh, lấy hành lý ký gửi, rồi chạy một mạch tới khu hải quan, để kịp thời check-in. Xung quanh bà là một hàng dài hành khách trong một chuyến bay khác từ nước Úc vừa hạ cánh cũng muốn tới New York. Nhưng đã quá muộn: người ta thông báo rằng, chuyến bay tới New York đã cất cánh, khiến rất nhiều người, trong đó có bà, đứng như trời trồng ở sân bay Tom Bradley.
Trong cái rủi có cái may, Margaret không ngờ rằng, tại đây diễn ra một cuộc gặp gỡ kỳ lạ. Hai con đường xa lạ bỗng nhiên giao nhau tại quầy bán vé!
Giữa không gian hỗn loạn, người người qua lại, nói năng, Margaret có thể nhận ra vẻ căng thẳng trên khuôn mặt nhân viên quầy vé khi phải đối diện với một “cơn lốc” những lời đề nghị từ các hành khách lỡ chuyến bay vừa rồi. Margaret cố gắng bám víu vào tia hy vọng cuối cùng ấy để có thể đến New York nhanh hơn. Trong lúc đó, bà để ý thấy một phụ nữ với mái tóc xoăn óng vàng hàng bên cạnh, bất ngờ cất lời với ngữ điệu Úc quen thuộc: “Xin lỗi cho hỏi, khi nào thì chuyến bay kế tiếp sẽ cất cánh, tôi muốn tới New York”. “Tôi cũng vậy, tôi cũng muốn tới New York”, Margaret cũng chớp lấy cơ hội. Và cuộc trò chuyện bắt đầu từ đó.
Người phụ nữ ấy tên là Barbara Schaefer, đã trạc ngoại ngũ tuần. Hai người họ cùng đến một hội thảo ở New York. Barbara bay thẳng từ Melbourne tới đây, còn Margaret thì xuất phát từ Adelaide. 2 người đi trên 2 chuyến bay khác nhau của hãng hàng không Qantas nhưng lại hạ cánh gần như cùng lúc ở Los Angeles. Nhân viên quầy vé nói họ có thể bay tới New York cùng chuyến, nhưng họ sẽ phải đợi đến ngày hôm sau. Hoặc nếu muốn bay ngay lúc đó, họ sẽ phải đến sân bay JFK vào nửa đêm trong 2 chuyến riêng biệt.
Họ nghỉ trong cùng một khách sạn, và ăn tối cùng nhau ở khu cà phê. Trong suốt bữa ăn, Barbara mới biết, hoá ra Margaret chính là tác giả của nghiên cứu “Một cuộc khảo sát của Australia” về lợi ích của Pháp Luân Công mà bà rất quan tâm. Có tất cả 590 học viên Pháp Luân Công từ 30 quốc gia trên thế giới tham gia vào bảng khảo sát, và Barbara cũng hoàn thành bảng câu hỏi đó. Margaret dĩ nhiên rất biết ơn sự đóng góp của Barbara, họ nói chuyện một hồi và Margaret không nén nổi tò mò: “Vậy bạn bắt đầu tập Pháp Luân Công khi nào?”. Nghe Barbara miêu tả về tình trạng sức khoẻ của mình khi luyện tập, Margaret chợt nhớ tới người trả lời số 289 (R289).
Đây là trường hợp mà Margaret rất ấn tượng. R289 đã trải nghiệm sự kỳ diệu của Pháp Luân Công khi phục hồi khỏi những căn bệnh nghiêm trọng như gãy xương sọ, rò rỉ dịch tuỷ cột sống, gãy xương gò má, mũi, xương hàm, cổ tay và đầu gối phải, và một loạt các vấn đề sức khỏe khác. Bà đã luôn thắc mắc về người trả lời số 289 vì bảng khảo sát trực tuyến không cho biết danh tính của người tham gia. Và giờ đây, khi người bà luôn tò mò và muốn gặp đang hiện diện ngay trước mặt bà với nụ cười thân thiện như chưa từng trải qua một biến cố sức khoẻ nào, bà không thốt nên lời. Như một phép màu của tạo hoá vậy! Trong cả hàng trăm hành khách lỡ chuyến bay hôm ấy, từ rất nhiều những lịch trình bay khác nhau, R289 bỗng nhiên xuất hiện ở quầy bán vé, ngay cạnh bà.
Margaret nhìn chằm chằm Barbara từ đầu tới chân, cố tìm ra những dấu hiệu của việc trải qua những tai nạn nghiêm trọng, nhưng không thể. Barbara trước mặt bà là một con người hoàn toàn khoẻ mạnh với một vẻ tĩnh tại đáng ngạc nhiên.
Margaret như được tiếp thêm năng lượng, bệnh nghề nghiệp trỗi dậy, những sợi mì Ý trên bàn ăn bỗng trở nên thừa thãi. Không nén nổi sự tò mò, Margaret đề nghị Barbara chia sẻ về câu chuyện của mình. Giữa những khoảnh khắc vui vẻ pha lẫn sự hoài niệm, Barbara kiên nhẫn trả lời những câu hỏi dồn dập của Margaret. Họ ngồi đó, tận hưởng không biết bao nhiêu tách trà chanh, đàm đạo cho đến tận sáng sớm, trong suốt gần 6 tiếng đồng hồ.
Những âm thanh của giọng nói, tiếng dao kéo và tiếng leng keng của thuỷ tinh trôi dần dần vào không trung khi Margaret dán mắt vào Barbara, nín thở theo từng lời bà nói.
Barbara khi ấy đã 50 tuổi, đang tận hưởng niềm vui của một hoạ sỹ, nhưng tai nạn ngày hôm đó đã thay đổi cuộc đời bà mãi mãi. Sinh ra và lớn lên ở Ba Lan, Barbara theo đuổi ngành nghệ thuật trong 7 năm, sau đó bà rời quê hương đến sinh sống tại Úc hơn 30 năm trước. Bà làm công việc khôi phục và bảo tồn những kiến trúc lịch sử được hơn 20 năm. Như rất nhiều gia đình nhập cư ở Úc, sự nghiệp thành đạt nhưng cũng đầy thử thách của Barbara là sự kết hợp giữa tình yêu và sự cống hiến gian khổ.
Bà thường làm việc một mình trong nhiều giờ trên các giàn giáo treo lơ lửng giữa không trung để khôi phục tranh vẽ trên trần và tường của các tòa nhà cổ xưa. Một số dự án đáng nhớ nhất của Barbara là phục hồi tòa nhà cũ của Tập đoàn ANZ (Tập đoàn Ngân hàng Úc New Zealand), tòa nhà Ngân hàng Anh, Scotland và Ngân hàng Úc thế kỷ 19 tại phố Collins sầm uất của Melbourne, thư viện Tòa nhà Quốc hội Melbourne và Tòa thị chính Bendigo 120 tuổi. Với kinh nghiệm và kỹ thuật hội hoạ điêu luyện của mình, Barbara đã hồi sinh những tòa nhà lịch sử, trả lại cho chúng vẻ huy hoàng trước đây.
13 năm trước, vào ngày 11/11/2003, Barbara làm việc một mình tại nhà thờ Macedonian Orthodox, khôi phục lại các bức tranh trên trần nhà rất cao. Sau bữa trưa, bà dự định chỉ tiếp tục công việc một lát, nên đã quyết định trèo lên chiếc ghế ở giàn treo mà không đeo dây bảo hiểm. Trong lúc rướn tay thêm một vài cm, Barbara chẳng may mất thăng bằng và ngã đập đầu xuống sàn nhà từ độ cao 7m. Âm thanh cuối cùng bà nghe được đó là tiếng lạo xạo, vỡ nứt khi đầu bà đập xuống nền bê tông. Những gì xảy ra tiếp theo thì giống như một chuyện hoang đường.
Barbara không biết chính xác mình đã nằm bất tỉnh trên sàn nhà trong bao lâu, có thể là trong vài tiếng, bởi khi bà bắt đầu làm việc là lúc 1 giờ trưa, và khi tới bệnh viện đã là hơn 5 giờ. Bà tỉnh dậy trong một vũng máu. Ngay lập tức, bà nhận ra mình phải tìm ra chiếc điện thoại gần nhất trong nhà thờ. Bằng cách nào đó, bà đã có thể đứng dậy và lê bước 20 mét để tự gọi xe cứu thương. “Làm sao bà có thể làm được?”. Barbara chỉ lắc đầu: “Tôi không biết, tôi chỉ nghĩ mình cần sự giúp đỡ. Đầu gối phải của tôi bị gãy cong gập ra phía trước, phía sau và mọi hướng. Tôi chỉ có thể đi rất chậm, từng bước một”. Margaret bàng hoàng hỏi liệu bà có thấy đau không, Barbara lắc đầu, “Tôi không thấy sợ gì cả. Tôi cảm thấy rất bình tĩnh, như một người đã vượt qua khỏi trải nghiệm cận tử”.
“Tôi chỉ tập trung vào một việc duy nhất đó là tìm kiếm sự giúp đỡ”. Khi đã ở trong phòng giáo hội, Barbara phải hất điện thoại ra, dùng một ngón tay để bấm số gọi xe cứu thương. “Nó không dễ dàng chút nào. Tôi có thể cảm thấy thứ gì đó đang di chuyển trong đầu. Sau đó tôi phát hiện ra xương sọ của mình bị nứt một vài chỗ. Mũi và hốc mũi của tôi bị vỡ nát. Hàm trên của tôi đã bị gãy ba chỗ. Xương tay tôi bị gãy dập và trồi ra ngoài”. Khi Barbara mô tả về vết thương, Margaret không thể tượng tưởng được làm sao bà ấy có thể tự đứng dậy và đi xa được đến thế để gọi xe cứu thương.
Các bác sỹ đã xếp những phần xương sọ bị vỡ lại với nhau, nhưng dịch tuỷ đã chảy xuống mũi của bà và cổ họng, bà thậm chí còn nuốt phải nó. Sau đó, bà phải làm một cuộc phẫu thuật khác. Tuy việc rò rỉ dịch tuỷ đã được chữa trị nhưng bà vẫn có thể nếm được dòng chất lỏng ấy chảy trong cổ họng. Thêm vào đó, bà liên tục trải qua những cơn đau dữ dội đến nỗi chồng bà phải thức dậy nửa đêm trong vài tiếng đồng hồ kiên nhẫn bôi kem cortisone trên lưng, cánh tay và bàn tay của Barbara. Trong đầu thì luôn văng vẳng những âm thanh như chiếc máy khoan. Cuộc sống của bà lúc ấy tựa như địa ngục đầy tuyệt vọng.
Bác sỹ nói bà không thể nào hồi phục hoàn toàn, và đưa cho bà 4 trang giấy dày đặc ghi những vấn đề sức khoẻ mà bà phải sống chung với nó. Và điều kinh khủng nhất với Barbara là triệu chứng mất trí nhớ. “Một lần tôi đi gặp bác sỹ của mình và sau khi ra khỏi phòng, tôi không biết tôi đã đi tới đây bằng xe ô tô hay là phương tiện công cộng. Tôi không nhớ số điện thoại của mình, không thể tìm thấy chìa khoá. Và tôi cứ lang thang nửa giờ đồng hồ như thế. Rồi tôi cũng tìm thấy xe của mình. Chìa khoá vẫn đang cắm vào ổ và xe vẫn đang chạy. Xe đã hết sạch xăng”. Vì vậy, bác sỹ không cho phép Barbara rời nhà mà không có một cuốn sổ tay để viết ra những thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại, nơi bà sẽ đến, việc bà sẽ làm, và khi nào bà nên trở về.
“Đã bao giờ bạn nghe về sức mạnh của tâm thức và khái niệm ý thức vượt khỏi vật chất chưa? Hoặc là câu chuyện của một bà mẹ điên rồ, khi chứng kiến con của bà bị một chiếc xe hơi chèn qua, đã lao tới và thể hiện một sức mạnh phi phàm khi nâng xe lên và kéo con ra?”. Giọng Barbara bất chợt vang lên, kéo Margaret ra khỏi trạng thái mơ màng.
Khi xe cứu thương đến, thậm chí Barbara có thể tự đi ra xe, khiến tất cả y tá và bác sỹ ở hiện trường phải kinh ngạc. Họ cố gắng thuyết phục bà nằm trên giường bệnh và tiêm thuốc giảm đau. Nhưng bà nói không cần. Tuy nhiên sau khi họ tiêm một mũi thì Barbara thực sự phải phục tùng. Hẳn là khi ấy trông bà giống như một “đống hỗn độn” đến nỗi bác sỹ tại bệnh viện Hoàng gia Melbourne phải từ chối khi bà muốn soi gương trước ca phẫu thuật.
“Tôi luyện công trước, vào 7 tuần sau cuộc phẫu thuật, lúc ấy trông tôi vẫn như một xác ướp Ai Cập khi bị phủ kín bởi băng y tế. Và tôi cảm thấy thật vi diệu. Không thể tin được! Chúa ơi, tôi chỉ biết mình cần tập Pháp Luân Công nhiều hơn”. Các bài luyện tập đã giải thoát Barbara khỏi những cơn đau dai dẳng. Barbara không biết cảm giác dễ chịu ấy kéo dài cho đến khi nào. Nhưng bà không quan tâm, bà chỉ biết rằng nó đang có hiệu quả. Thay vì phải dùng thuốc giảm đau, Barbara chăm chỉ tập luyện cho dù cơ thể vẫn rất khó cử động.
Nếu các ngôi nhà cổ được phục hồi bởi sự tận tâm và tài năng của Barbara, thì mạng sống và cơ thể của bà được cứu chữa bởi cuốn sách kỳ diệu “Chuyển Pháp Luân”. 2 tuần sau khi bà luyện công, Barbara bắt đầu đọc sách, mặc dù tai nạn ảnh hưởng tới thị lực của bà. Ngày đầu tiên, việc đọc không được dễ dàng cho lắm, nhưng bà vẫn kiên trì từng chút từng chút một, giống như khi tự mình bò dậy và đi tới bốt điện thoại gọi xe cứu thương.
Vào ngày thứ 2 khi đọc sách, Barbara để ý thấy thị lực của mình đã cải thiện, bà có thể đọc nhanh hơn. Sau khi đọc xong bài giảng thứ nhất, bà tiếp tục đọc bài giảng thứ hai, và phát hiện ra nội dung của các bài giảng thật hấp dẫn. Bà không thể đặt cuốn sách xuống. Cuối ngày thứ ba, một điều kì lạ xảy ra, Barbara cảm thấy mình được tiếp thêm nguồn năng lượng, giống như một dòng điện mạnh mẽ đang di chuyển ở ngón tay lên đến cánh tay.
Càng đọc sách, Barbara càng hiểu rõ vì sao mình lại được trải nghiệm điều kỳ diệu ấy. Tâm trí bà được khai sáng, bà hiểu hơn về ý nghĩa cuộc đời.
4 tháng sau tai nạn, Barbara lại có thể lên giàn treo và làm điều mà bà yêu thích. Bà cũng không hề sợ độ cao. Bà thấy mình chỉ cần một dây đeo an toàn lớn hơn. Công việc của bà tiếp tục trong êm đẹp, và chắc chắn rằng nó không dành cho những người yếu tim và thiếu kiên nhẫn. Bà phải cạo từng lớp, từng mảng màu, để lộ ra màu gốc và các hoa văn. Bà mất 2 năm nữa để hoàn thành nó, và hầu hết thời gian đó bà đều ở “lưng chừng” với giàn treo.
Sau cuộc gặp gỡ định mệnh, hai người họ vẫn giữ liên lạc với nhau. Vào tháng 5/2013, Barbara và Margaret lại có dịp bay tới New York.
10 năm đã trôi qua kể từ ngày Barbara phục hồi hoàn toàn từ tai nạn bất ngờ. Ngồi trên chiếc ghế tựa ở công viên Dag Hammarskjold Plaza gần toà nhà của Liên Hợp Quốc, Barbara trông thật khoẻ khoắn. Và dù vừa phải bay chuyến bay muộn từ Melbourne tối hôm trước, nhưng bà vẫn tươi tắn như một đoá hoa cúc trong chiếc áo Pháp Luân Công màu vàng. “Có bị jet-lag không?”, Margaret hỏi. “Không, không chút nào hết!”, Barbara trả lời.
Trong cảm giác tuyệt vọng đó, Pháp Luân Công như sự cứu rỗi cuối cùng. Cho đến tận bây giờ, Barbara không ngừng biết ơn môn tu luyện thần kỳ. Không dưới vài lần Barbara nhấn mạnh rằng bà chưa bao giờ bỏ lỡ một ngày luyện công và đọc sách nào trong suốt 6 năm qua. Ngay cả khi phải di chuyển, trên máy bay bà vẫn có thể ngồi thiền một cách khoan thai trên chiếc ghế hành khách.
Barbara rất hăng hái tham gia các hoạt động ở Melbourne để chia sẻ với người dân vẻ đẹp của Pháp Luân Đại Pháp và sự hồi phục phi thường của bà. Bất cứ khi nào có cơ hội quay trở về quê hương Ba Lan, bà cũng tham dự cùng học viên Pháp Luân Công ở đó. “Tôi nghĩ rằng sẽ rất quan trọng để cộng đồng hiểu được Pháp Luân Công tốt nhường nào, và tôi đã được trao một cuộc đời mới ra sao. Tôi hy vọng rằng học viên Trung Quốc sẽ sớm được tự do luyện tập như tôi bây giờ”.
Câu chuyện được viết từ cuốn sách “The Mindful Practice of Falun Gong: Meditation for Health, Wellness, and Beyond” của tác giả Margaret Trey.
Bén duyên với Pháp Luân Công vào năm 1997, Tiến sỹ Margaret Trey khi ấy đang tập một môn thiền Vipassana của một nhà sư Myanmar. Trước đó, bà đã tập yoga gần 20 năm. Là một tư vấn viên về sức khoẻ tự nhiên, lại theo đuổi một lối sống toàn diện và lành mạnh, bà ngay lập tức tò mò với Pháp Luân Công khi được anh trai giới thiệu. Và dĩ nhiên, cơ thể, tâm trí và tinh thần bà được cải thiện rất nhiều từ khi tu luyện. Đây dường như là điều bà tìm kiếm bấy lâu.
Vào năm 2003, một cánh cửa mở ra khi trường đại học tâm lý và chính sách xã hội Nam Úc (The University of South Australia School of Psychology, Social Work, and Social Policy) lần đầu tiên có chương trình tiến sỹ về Tư vấn (Doctor of Counselling), Margaret không chần chừ nộp hồ sơ và được nhận. Tháng 7 năm 2003, bà quyết tâm thực hiện ước mơ hoàn thành một nghiên cứu về lợi ích của Pháp Luân Công theo đúng tiêu chuẩn của một nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, hành trình này không hề dễ dàng bởi chưa có một luận án tiến sỹ quốc tế nào (vượt xa biên giới Trung quốc) dưới sự giám sát của Học viện hàn lâm phương Tây được thực hiện về đề tài này.
Cuối năm 2006, sau 3 năm mà không tìm được giáo viên hướng dẫn, Tiến sỹ John Court, Giám đốc chương trình Doctor of Counselling, tuyên bố sẽ đảm nhận vai trò giáo viên hướng dẫn, dù đã 70 tuổi. Sau đó, một người cũng rất quan tâm tới yoga và thiền định, Tiến sỹ Heather Mattner, đã trở thành giáo viên hướng dẫn số 2 của Margaret. Nhờ sự giúp đỡ, truyền động lực của 2 người đặc biệt này mà Margaret đã hoàn thành luận án vào năm 2010.
Cuốn sách “The Mindful Practice of Falun Gong: Meditation for Health, Wellness, and Beyond” có thể được xem là một điều phi thường khi đưa ra được những dẫn chứng xác thực, thuyết phục về hiệu quả với tâm và thân của Pháp Luân Công sau vô vàn khó khăn.
Thiện Phong
(Ảnh bìa: “Zhan Shan Ren Art/Adobe Stock – Minh hoạ: Đại Kỷ Nguyên)