(Nguyên gốc: Điển cố Huyền hồ tế thế)

Câu nói “Huyền hồ tế thế” (Dịch nghĩa: Bình hồ lô chữa bệnh cứu người), trong Hán ngữ hiện đại chỉ gọi chung người hành nghề y, dược sĩ, hoặc là mang hàm ý khen ngợi những người y thuật cao minh. Trong văn hóa truyền thống, những đại phu hành y thường dựa vào “Lấy việc hành y cứu người làm niềm vui”, dân gian cũng có không ít đại phu mà ở trong phòng khám treo hồ lô như là một biểu tượng của nghề y.

1

Điển cố “Huyền hồ tế thế” bắt nguồn từ câu chuyện cổ về Đạo gia tu luyện thời Trung Quốc cổ đại, thực ra nội hàm cũng không chỉ liên quan đến việc treo hồ lô chữa bệnh cứu người, nó thể hiện nhận thức đối với “Trời” trong văn hóa truyền thống Trung Quốc và lí giải về sự truyền thừa trong văn hóa tu luyện. Câu chuyện cổ về “Treo bình hồ lô chữa bệnh cứu người” cũng rất thú vị, đối với tư duy của con người khoa học hiện đại mà nói, nó có thể bổ sung thêm nhận thức về thế giới rộng lớn và hình thức khác nhau của vũ trụ mênh mang này.

Bên trong chiếc bình hồ lồ là chốn bồng lai tiên cảnh

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng giảng rằng trong một hạt cát có tam thiên đại thiên thế giới, ý nói chính là bên trong một hạt cát nhỏ bé lại có ba ngàn thế giới, mỗi thế giới lại có địa cầu như chúng ta, có trời có đất, có sông núi nước chảy, còn có các thể sinh mệnh sinh sôi nảy nở như nhân loại, vạn sự vạn vật.

Bên trong hạt cát nhỏ bé lại có thể có thế giới phong phú như thế, vậy bên trong chiếc bình hồ lô còn có thể chứa đựng những gì đây? Cùng xem vị Đạo sĩ cổ đại cho chúng ta thấy bên trong chiếc bình kì diệu như nào.

Vào thời nhà Hán có một người gọi là Hồ Công, liên quan đến thân thế của ông có rất nhiều cách nói khác nhau, Trương Quân Phòng thời Bắc Tống trong “Vân kiệp thất tiêm” nói rằng ông là học sinh của Khổng Tử, Lý Phưởng thời Bắc Tống trong “Thái bình ngự lãm” dẫn lời “Tam động châu nang” nói rằng ông tên là Tạ Nguyên, người Lịch Dương (nay là huyện Hòa, tỉnh An Huy), Trần Bảo Quang thời Nam Tống trong “Tam động quần tiên lục” kể rằng Hồ Công hiệu là Phù Hồ tiên sinh. Liên quan đến câu chuyện cổ về treo bình hồ lô chữa bệnh cứu người, trong “Thần tiên truyện” của Cát Hồng thời Tấn và “Hậu hán thư” của Phạm Diệp thời Lưu Tống Nam Triều đều có ghi chép lại.

Hồ Công hành nghề y ở vùng Nhữ Nam, thường mang theo bình hồ lô từ nơi xa đến khu chợ họp để hành y, mọi người ở trong chợ đều không biết ông là ai. Ông khám bệnh chủ yếu là bán thuốc trong bình hồ lô của mình, ai đến cũng không từ chối, thuốc vào thực sự có thể khỏi bệnh. Khi ông bán thuốc còn nói với người bệnh rằng: uống thuốc này vào, nhất định phải nhổ ra một thứ gì đó, sau đó bệnh sẽ được chữa khỏi. Người ta quay về nhà làm theo lời ông nói, quả nhiên ứng nghiệm.

Kể từ đó, một truyền mười, mười truyền một trăm, việc làm ăn của Hồ Công rất phát đạt, mỗi ngày đều có thể kiếm được rất nhiều tiền, ông để lại một lượng tiền, hầu như đều dành để giúp đỡ người nghèo ở trong chợ. Hồ Công đem cái bình hồ lô kia treo ở dưới mái hiên, khi mặt trời lặn, thuốc đã bán hết, bình hồ lô trống không, Hồ Công lại nhảy vào trong cái bình đó và không ai thấy được ông nữa.

2

Lúc đó, có một vị quan nhỏ phụ trách trông coi quản lí chợ, tên là Phí Trường Phòng, ông đứng ở trên lầu nhìn thấy cảnh tượng Hồ Công ở trong chợ bán thuốc xong rồi nhảy vào trong bình hồ lô một cách rõ ràng chân thực, liền biết Hồ Công không phải người tầm thường, nhất định là một người tu Đạo.

Người thời xưa đa phần bản tính thiện lương, kính Trời hướng Đạo, Phí Trường Phòng có lòng muốn bái sư học Đạo. Do đó mỗi ngày ông đều vất vả cực khổ quét dọn mặt đất trước sân nhà Hồ Công, mang đồ ăn nước uống, Hồ Công cũng tuyệt không khước từ, để mặc Phí Trường Phòng quét dọn. Trải qua một quãng thời gian rất dài, Phí Trường Phòng vẫn nhất mực lễ độ cung kính, không dám thất lễ, cũng không có bất cứ yêu cầu đề nghị nào.

Công sức bỏ ra không phụ người có lòng, cuối cùng cũng đến ngày Hồ Công nói chuyện với ông: “Tối nay đợi lúc không còn người, ngươi hãy đến chỗ của ta”. Buổi tối, Phí Trường Phòng đến như đã hẹn. Hồ Công mới nói rằng: “Ta muốn nhảy vào trong cái bình hồ lô này, ngươi có dám vào cùng không? Nếu ngươi muốn thì hãy nhảy theo ta”. Phí Trường Phòng liền theo lời Hồ Công nói, cùng ông nhảy vào bên trong bình hồ lô.

Sau khi Phí Trường Phòng nhảy vào trong, phát hiện ra thoạt nhìn cái bình này chỉ là cái hồ lô bé, vậy mà cảnh tượng bên trong lại tựa như chốn thế ngoại đào tiên, nhìn thấy tầng tầng lớp lớp lầu son gác tía. Đằng sau đình các còn có cây cầu rực rỡ cùng cầu vồng bảy sắc, quả thật là thế giới thần tiên. Hồ Công nói với Phí Trường Phòng: “Ta vốn dĩ là thần tiên trên trời, chỉ vì xử lí công sự không cần mẫn nên mới bị giáng xuống nhân gian. Ngươi là một người có căn cơ rất tốt nên mới gặp được ta, nhìn được hết thảy những điều này”.

Phí Trường Phòng vội khấu đầu, đáp: “Ta một thân phàm tục như này, có thể được ngài xót thương, được ngài chỉ giáo thì đã là đáng mừng lắm rồi”. Hồ Công lại nói: “Ngươi là một người rất tốt. Nhưng không thể đem chuyện này tiết lộ với người khác”.

Sau khi nhảy ra khỏi chiếc bình, Phí Trường Phòng đã đi theo Hồ Công để học Đạo.

Phí Trường Phòng vượt quan khảo nghiệm

Có một lần Hồ Công cùng Phí Trường Phòng đi lên lầu, ông nói: “Ta có mang ít rượu, chúng ta cùng uống”. Rượu đặt ở lầu dưới, Trường Phòng để cho hạ nhân đi lấy rượu, nhưng bình rượu lại chẳng hề nhấc lên được, lại đến thêm một vài người nữa trợ giúp, bình rượu vẫn chẳng hề nhúc nhích, cuối cùng đến tận vài chục người, bình rượu ấy tựa như ngọn núi nằm im ở đó, không thể di chuyển được.

Không còn cách nào khác, chỉ đành bẩm báo với Hồ Công, Hồ Công không nói một lời, đi xuống lầu, dùng một đầu ngón tay đã nhấc được bình rượu lên trên lầu. Mọi người đều rất kinh ngạc và bội phục ông. Hồ Công và Phí Trường Phòng cùng nhau uống rượu. Bình rượu rất nhỏ, cỡ chỉ như cái nắm tay, nhưng mà rượu bên trong uống bao nhiêu cũng không vơi, mãi đến đêm cũng không hết rượu.

Thời xưa học Đạo, sư phụ rất nghiêm khắc khảo nghiệm đệ tử, nếu để tử không vượt qua quan khảo nghiệm, có thể sẽ không được sư phụ truyền chân truyền nữa.

Hồ Công vừa uống rượu vừa nói với Phí Trường Phòng: “Ta mấy ngày nữa phải đi rồi, ngươi có nguyện ý đi theo ta không?”. Phí Trường Phòng trong lòng cũng không còn gì lưu luyến, chỉ là sợ người nhà sẽ lo lắng, đành hỏi Hồ Công: “Ta không muốn để người nhà biết, liệu có cách nào không?”. Hồ Công trả lời: “Điều này dễ thôi”. Nói rồi bèn cầm một khúc gậy trúc đưa cho Trường Phòng, dặn dò: “Ngươi đem cái này trở về nhà, nói là mình mắc bệnh rồi, sau đó đặt cái gậy này ở trên giường ngủ rồi lặng lẽ rời đi”.

Trường Phòng dựa theo lời Hồ Công phân phó mà làm theo. Người nhà phát hiện Trường Phòng qua đời vì mắc bệnh khi còn đang nằm trên giường, thống khổ khóc lóc rồi mai táng cho ông. Phí Trường Phòng sau khi rời khỏi nhà đến tìm Hồ Công, không rõ đã đi đến nơi nào. Đột nhiên một bầy hổ xuất hiện, nghiến răng gầm gừ bao vây Trường Phòng ở giữa, lúc này lại không thấy Hồ Công đâu nữa, chỉ còn lại Phí Trường Phòng. Con hổ rất hung tợn, muốn lao vào cắn xé Phí Trường Phòng, Phí Trường Phòng tâm lặng như nước, không chút động tâm. Chẳng mấy chốc, con hồ liền rời đi, biến mất.

Ngày thứ hai, Hồ Công lại đưa Phí Trường Phòng đến một hang động, phía trên hang động treo một khối đá dài mấy trượng, trùng hợp khối đá treo ngay trên đỉnh đầu của Trường Phòng bằng một sợi dây thừng. Không biết từ lúc nào đã có rất nhiều con rắn bò quấn lấy sợi dây thừng mà cắn, nhìn là biết sợi dây này sắp đứt. Phí Trường Phòng không bận tâm một chút nào. Sau một lát, Hồ Công liền đến, vỗ vỗ vai Trường Phòng và nói: “Nhụ tử khả giáo dã”, ý là tiểu tử này được, có thể dạy dỗ được.

Hồ Công đưa cho Phí Trường Phòng một cuốn phù, nói: “Ngươi có thể dùng cái này kêu thần gọi quỷ, trị bệnh trừ nạn”. Trường Phòng lo lắng không thể quay về nhà, Hồ Công liền đưa một cây gậy trúc nói rằng có thể dùng cái gậy này đề trở về nhà. Trường Phòng cưỡi lên cây gậy trúc tạm biệt Hồ Công, đột nhiên cảm giác giống như ngủ thiếp đi, vừa mở mắt tỉnh lại đã về tới nhà. Người nhà bị dọa chết khiếp, nói rằng ông chính là quỷ. Ông kể lại sự thật toàn bộ quá trình với mọi người, người nhà bèn đến quan tài mở nắp ra, bên trong chỉ còn lại cây gậy trúc, lúc này mới thở phào nhẹ nhõm và tin lời Phí Trường Phòng đã kể lại.

Phí Trường Phòng trừ yêu

Phí Trường Phòng cảm giác mình cùng Hồ Công ra ngoài mới có một ngày, nhưng người nhà lại nói ông “đã chết” một năm rồi. Lúc ông đem cây gậy trúc ném vào trong rừng, phát hiện nó không phải là một cây trúc, mà lại là một con Thanh Long.

Phí Trường Phòng sau khi về nhà thì luôn luôn hành thiện, giúp người trừ yêu trị bệnh, trị đến đâu bệnh khỏi đến đấy, không bệnh nào là không chữa được. Có khi ông cùng người ta nói chuyện, đang nói thì người này mắng chửi ầm ĩ lên, nhưng thần thái và ánh mắt lại tựa hồ như không phải là nhắm vào người đó mà chửi, sau này ông mới giải thích: Ta lúc ấy phát uy lực để đuổi con quỷ phía sau thân người đó đi!

Đạo thuật thần kì

Phí Trường Phòng sau này ghé qua Đông Hải. Thời điểm đó Đông Hải chịu cảnh hạn hán kéo dài 3 năm. Ông nói với những người cầu mưa rằng: “Đông Hải Quân (Thần quản vùng Đông Hải), lúc trước động dục niệm với Cát Bi Quân phu nhân, ta đã đem hắn nhốt lại, chờ đến lúc xử kiện. Không ngờ rằng lại quên mất việc này, dẫn tới việc hạn hán kéo dài. Ta sẽ thả hắn ra ngay, để hắn cho mưa xuống, chưa đầy một khắc nữa sẽ có mưa thôi”.

Đạo thuật của Phí Trường Phòng rất thần kì, ông có thể thu nhỏ hàng nghìn dặm núi lại, bày trước mặt mọi người, giống như bản đồ địa hình hiện nay vậy, rõ ràng chi tiết. Nếu như muốn phục hồi như cũ, ông liền kẽo dãn núi ra, trở lại diện mạo như ban đầu.

 

Dịch từ: http://www.xinsheng.net/xs/articles/gb/2019/8/13/55471.html

Đăng ngày: 13/8/2019