Có người ngày ngày đều tìm kiếm một người thầy thực thụ. Câu hỏi là, nếu bạn thường làm việc xấu, và người thầy thực thụ đó đang ở trước mặt bạn thì sẽ thế nào? Vì sao các vị thầy Đạo gia thường đi tìm đồ đệ chứ không phải đồ đệ đi tìm sự phụ?
Rất nhiều người đều biết rằng, tập tục của Đạo gia đều là sư phụ tìm đồ đệ, tại sao thế? Vì đồ đệ tìm thầy rất khó, hơn nữa lại là người đứng ở nơi thấp, nhìn phía trên cao mãi mãi chỉ là mây mù dày đặc, không thể thấy rõ, nếu có thể thấy rõ, vậy thì trình độ của đồ đệ cũng phải ngang bằng với người thấy, thế thì làm sao bái sư?
Nhưng người ở trên cao thì rất dễ nhìn rõ người ở phía dưới, vì thế chỉ có thể là sư phụ chủ động kiếm đồ đệ, còn đồ đệ do bản thân năng lực không đủ, căn bản là không thể phân biệt được vị thầy chân chính.
Một đồ đệ tìm được sư phụ thực thụ, xem ra là có vận khí rất tốt, kỳ thực đâu biết rằng người thầy cũng đang tìm mình? Cho nên, nói ngược lại cũng đúng, nếu bạn là một đồ đệ giỏi, bạn sẽ không bỏ lỡ một người thầy thực thụ!
Tác giả La Chân đã chia sẻ một câu chuyện như thế này:
Vào thời nhà Thanh, có một người lính tên là Y Ngũ, dáng dấp thấp bé và xấu xí, nhà thì nghèo đến nỗi trong người không một xu dính túi. Anh ta cảm thấy sống mà không có ý nghĩa gì nên vào một ngày, anh đi ra khỏi thành để treo cổ tự vẫn, nhưng may mắn thay được một ông lão phát hiện.
Ông lão hỏi anh ta: “Có chuyện gì mà sao lại đau khổ như vậy? Tại sao không muốn sống nữa?”. Y Ngũ đem sự tình kể cho ông lão nghe. Ông lão liền cười nói: “Cỏ khô vẫn có thể bảo vệ được gốc rễ của nó, con người tại sao không thể bảo vệ sinh mạng của mình chứ!
Ta thấy ngươi tràn đầy năng lượng, ánh mắt cũng tốt, là một người tài hữu dụng. Ta có một quyển sách, tặng cho ngươi xem, có thể giúp ngươi cả đời đủ ăn đủ mặc”.
Nói xong, ông lão lấy ra một cuốn sách từ ống tay áo. Trong sách toàn là bùa chú, được sao chép rất nguệch ngoạc. Y Ngũ mở ra xem, liền trả lại ông lão và nói: “Cái này trông như một vùng đất cằn cỗi, chẳng tác dụng gì”. Ông lão nói: “Tại sao vậy?”.
Y Ngũ nói: “Tôi thuê nhà của người khác để ở, nhà vừa thấp vừa ngắn, bùa chú này nếu linh nghiệm, làm sao tôi có thể để bụng đói meo mà luyện tập nó được đây?”.
Ông lão trầm mặc suy nghĩ một lát, rồi gật đầu nói: “Hoàn cảnh khốn khổ của người, rất đáng suy nghĩ. Nhưng nếu ngươi đi cùng ta, thì sẽ không có phương hại gì cả. Ngươi bằng lòng không?”.
Y Ngũ bái ông lào làm sư phụ. (Ảnh minh họa qua CineMontage)
Y Ngũ nói: “Tôi vốn dĩ không thể sống, cũng là người không muốn sống, đâu còn chỗ nào để đi chứ?”. Thế là bọn họ đi dọc theo một con đường hẻo lánh, hướng về phía bên trái. Một vài phút sau, bọn họ đến trước một cái ao, nơi này có một cây sậy lớn, kéo dài vài dặm. Phía sau cây sậy, là một ngôi nhà nhỏ, mái nhà cỏ tranh mặc dù không được tu sửa, nhưng đi vào bên trong lại rất rộng rãi và sạch sẽ.
Từ đó, Y Ngũ ở lại ngôi nhà này và theo ông lão học tập. Bọn họ một ngày hai bữa, rượu thịt đủ để ăn. Bảy ngày sau, học pháp thuật thành công, ông lão và ngôi nhà tranh đều biến mất. Y Ngũ hiểu ra, đây chính là được thần tiên chỉ điểm, nên vui vẻ trở về ngôi nhà ban đầu của mình.
Những người bạn hay cùng rượu thịt với anh ta, cảm thấy rất ngạc nhiên với việc anh ta có thể sống thoải mái qua ngày; do đó, bọn họ muốn ăn chực một bữa, nên thường thường nói một vài câu tâng bốc với anh ấy, với ý muốn được anh ta mời ăn, Y Ngũ rất thoải mái đáp ứng.
Thế là, bọn họ cùng nhau đến Phú Xuân Lầu, khoảng bảy hoặc tám người ăn uống thỏa thích và tiêu tốn tổng cộng 8.400 văn tiền. Mọi người ngồi xem anh ta sẽ trả tiền như thế nào.
Lúc này, một người đàn ông với khuôn mặt đen sạm đến trước bàn vái lạy và nói: “Chủ nhà của tôi biết rằng Y Ngũ đang ở đây để đãi khách, nên đã đặc biệt gửi rượu và tiền, xin mời xem qua”. Sau đó, anh ta tháo túi tiền từ thắt lưng ra, đặt trên bàn và rời đi. Đếm một hồi, chính xác là 8.400 văn tiền. Mọi người đều sốc, duy chỉ có Y Ngũ không cảm thấy lạ.
Sau khi từ quán ăn bước ra, vài người đã cùng nhau xuống đường dạo phố. Lúc này nhìn thấy một người cưỡi một con bạch mã lớn vội vã lướt qua. Y Ngũ đuổi theo, túm lấy con ngựa và quát lớn: “Mau đưa cho ta!”.
Người đó liền nhảy xuống ngựa, đau khổ cầu xin Y Ngũ với dáng vẻ rất sợ sệt. Y Ngũ tức giận nói: “Không đưa cho ta, ta sẽ ra tay!”. Người đó không còn cách nào khác, liền rút từ trong ngực ra một vật, đưa cho Y Ngũ. Y Ngũ nhận lấy liền bỏ qua cho người đó. Người đó leo lên ngựa bỏ đi với sự tức giận.
Đám đông tụ tập lại để hỏi chuyện gì đang xảy ra, và có ý muốn xem Y Ngũ được thứ gì. Y Ngũ lấy ra đưa cho mọi người xem, hóa ra là một cái túi da nhỏ màu hồng cánh sen, giống như bàng quang của heo bị trướng lên một nửa, không biết là thứ gì.
Y Ngũ nói: “Đây chính là túi rút khí mà người xưa nói, bên trong chính là linh hồn của một đứa trẻ. Kẻ cưỡi ngựa đó, chính là tà thần của quá khứ, thường xuyên đánh cắp linh hồn của những đứa trẻ. Nếu như không đụng trúng ta, sẽ lại có một đứa trẻ phải chết. Bây giờ chúng ta phải đi cứu đứa trẻ đó”. Mọi người xung quanh tuy không tin, nhưng vẫn đi theo anh ta.
Không bao lâu, bước vào một con hẻm nhỏ, cánh cửa hướng về phía Tây, nơi đó có một ngôi nhà, đóng cửa im thin thít, trong khuôn viên nhà truyền tới một tiếng khóc than. Y Ngũ cầm lấy chiếc túi, tiến đến khe cửa, mở chiếc túi ra, bên trong chiếc túi có một làn khói đặc bay lên và hướng về phía cánh cửa.
Y Ngũ lấy kiếm đồng tiêu diệt yêu quái. (Ảnh minh họa)
Tiếp theo đó lại nghe có người trong khuôn viên nói: “Con chúng ta tỉnh rồi!”. Tếng khóc ngay lập tức được thay bằng một tràng cười vui mừng. Y Ngũ nhanh chóng chào mọi người và rời đi. Mọi người từ đó coi anh ta như một vị thần cứu khổ cứu nạn. Y Ngũ chỉ là tuân theo ý chỉ của sư phụ mình, làm việc mà anh ta nên làm.
Có một vị quan chức lớn ở Nam Thành, con gái ông ấy bị trúng tà. Khi nghe nói Y Ngũ có thần thuật, đã nhanh chóng dùng quà hậu hĩnh để mời anh ta đến. Cô con gái đang ở trong nhà biết rằng Y Ngũ đã đến, lập tức hốt hoảng, khuôn mặt rất khó coi, tinh thần trở nên bất ổn. Sau khi Y Ngũ vào nhà, cô con gái nín thở, dựa vào góc tường, cầm bàn là để tự vệ.
Y Ngũ nhìn động tĩnh bên trong phòng, sau đó rời đi và nói với vị quan chức: “Bệnh của tiểu thư là do khí cụ của tên yêu tinh đang tác quái. Tối nay, ta sẽ tiêu diệt nó cho gia đình của ông”. Vị quan chức rất vui mừng, những gì Y Ngũ cần, tất cả đều đã được chuẩn bị sẵn sàng. Khi đến canh một, Y Ngũ mở túi da của mình và lấy ra một thanh kiếm nhỏ bằng đồng, lưỡi kiếm bay nhanh và lóe lên ánh sáng trắng, giống như một ngôi sao chổi. Y Ngũ cầm thanh kiếm nhỏ tiến vào bên trong, vị quan chức ra lệnh cho mọi người đợi bên ngoài.
Chốc sau, nghe thấy trong phòng có tiếng khiển trách, tiếng đánh đập, tiếng ném đồ đạc, và cả tiếng khóc của cô con gái, nhao nhao một trận. Qua một hồi lâu mới yên tĩnh trở lại, chỉ nghe thấy tiếng đập đầu của cô con gái và tiếng khóc than, đau khổ cầu xin. Sau một lát nữa, nghe thấy tiếng Y Ngũ gấp gáp nói: “Mau châm đèn lên!”.
Nha hoàn và vú nuôi trong nhà đại quan vội vã đi châm đèn, ánh sáng lan tỏa ra. Lúc này, Y Ngũ đã thu kiếm lại bỏ vào vỏ, cô con gái thì ngồi yên bất động trên giường. Y Ngũ chỉ vào một thứ nằm dưới đất, nói với vị quan chức: “Đây chính là khí cụ mà tên yêu tinh tác quái, bây giờ đã bắt được rồi”.
Mọi người chăm chú nhìn vào, hóa ra là một loại dây tự chế. Y Ngũ ném nó vào đống củi, dùng lửa đốt lên, đồ vật đó toàn thân chảy máu, mùi như mùi thịt nướng, cho đến hai canh giờ sau mới đốt xong. Sau đó Y Ngũ viết một lá bùa, bảo cô gái đó nuốt vào thì bệnh tình sẽ mau khỏi.
Vị quan chức rất cảm kích Y Ngũ và tặng cho anh ta rất nhiều ngân lượng. Số tiền này Y Ngũ đã để lại một ít cho việc sinh hoạt cuộc sống; số còn lại thì giúp đỡ cho người nghèo.
Lan Nham (nhà phê bình thời nhà Thanh) đã nói: “Y Ngũ muốn chết nhưng không thành, trái lại còn học được pháp thuật. Đây chính là Đạo gia tìm đồ đệ, và dạy anh ta cách hành thiện cứu thế. Y Ngũ thật là có phúc! Nếu vị thầy kia mỗi ngày đi chu du khắp nơi, gặp người nghèo là ra tay cứu giúp, thì tôi nghĩ, người nghèo khổ trên đời nhiều như vậy, vị thầy này có cứu cũng không hết!”.
Câu chuyện này xuất phát từ “Dạ Đàm Tùy Lục” của Hòa Bang Ngạch thời nhà Thanh, trong tập tiểu thuyết bút ký nhà Thanh, toàn thư 4 quyển. Hòa Bang Ngạch, năm sinh năm mất không rõ, sống vào thời vua Càn Long. Khoảng thời gian trẻ tuổi, ông đã từng sống với ông nội và cha ở vùng Tây Bắc và Đông Nam trong một thời gian dài, kiến thức phong phú, quen thuộc với “Chư Chí Dị Thư”, từng làm quan huyện lệnh.