Hàn Quốc là một quốc gia xem trọng Nho giáo. “Trăm thiện hiếu vi tiên”, người dân ở đây rất tôn trọng trưởng bối và cố gắng làm trọn chữ hiếu. Như cô gái Shim Cheong trong câu chuyện dân gian dưới đây cũng là một tấm gương chí hiếu vậy.

photo_2018-08-24_13-53-44Câu chuyện về nàng con gái hiếu thảo bán mình cứu cha ở xứ sở kim chi. (Ảnh: t/h)

Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái tên là Shim Cheong. Mẹ cô mất khi sinh cô ra, cha cô bị mù nên không thể đi làm. Từ lúc còn nhỏ, Shim Cheong đã phải đi làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi cha.

Một ngày nọ, Shim Cheong về nhà muộn, vì vậy, cha cô ra ngoài kiếm con gái.

Khi ông đi qua cầu thì bị ngã xuống sông. “Có ai giúp tôi không, tôi sắp chết đuối rồi”, ông hoảng loạn hét lên.

Một nhà sư đi ngang qua trông thấy và nhảy xuống sông cứu ông. Nhà sư hỏi: “Ông lão có sao không?”.

Thấy thương tình vì ông lão già cả đui mù, nhà sư khuyên ông: “Nếu lão cúng dường cho Phật ba trăm đấu gạo thì lão sẽ sáng mắt thôi”.

Nghe vậy cha của Shim Cheong rất vui, ông hứa sẽ dâng cho Đức Phật ba trăm đấu gạo. Nhưng cũng lúc đó, ông nhận ra rằng mình không đủ khả năng để mua được chừng ấy gạo.

Khi cô con gái về nhà, cô nhìn thấy vẻ buồn rầu của cha, bèn hỏi: “Có chuyện gì vậy hả cha?”.

Ông kể lại những điều đã xảy ra và lời của nhà sư.

“Cha ơi đừng lo, Shim Cheong trấn an, “Con sẽ cố gắng kiếm đủ số gạo cho cha”.

Đến một ngày kia, có một người đàn bà nói với Shim Cheong: “Cô có nghe tin gì chưa? Mấy người thủy thủ kia muốn mua một cô gái để dâng lên cho Thần Biển. Muốn bao nhiêu tiền họ cũng trả”. Nghe vậy, Shim Cheong biết mình có thể kiếm đủ tiền để mua 300 đấu gạo cho cha.

Shim Cheong đến gặp các thủy thủ muốn mua người và nói: “Tôi cần 300 đấu gạo để mắt cha tôi hết mù. Xin các người hãy mua tôi”.

Mấy người thủy thủ này không khỏi sững sờ bởi câu nói của Shim Cheong và đồng ý mua cô. Họ nói: “Cô này là đứa con gái hiếu thảo nhất trên đời”.

Cuối cùng thì cũng đến ngày cô phải rời khỏi nhà. “Thưa cha, hôm nay con sẽ qua làm con gái của gia đình Kang”, cô nói dối cha. “Để nhận nuôi con, nhà đó sẽ mang ba trăm đấu gạo đến chùa. Sau đó là cha có thể sáng mắt được rồi!”.

“Thật tuyệt vời! Cha sẽ không còn mù nữa!”, cha cô vui vẻ nói.

Shim Cheong lên trên thuyền cùng các thủy thủ. Sau khi mải miết rẽ sóng nhiều ngày, chiếc thuyền đã đến một chỗ nước sâu. Đột nhiên, có cơn gió mạnh dâng lên và biển gầm rú. Đã đến lúc rồi, các thủy thủ thúc giục Cheong nhảy xuống biển khơi đang nổi giận để làm vật cúng tế. Khi tỉnh dậy dưới biển, tai Cheong nghe thấy một loại âm nhạc thần thánh. Cô không biết mình đang ở đâu và tự nhủ: “Ta đã chết hay còn sống đây?”.

xứ sở kim chi, Trăm thiện hiếu vi tiên, hoa sen, cô gái cứu cha,

Sau khi mãi miết rẽ sóng nhiều ngày, chiếc thuyền đã đến một chỗ nước sâu. Đột nhiên, có cơn gió mạnh dâng lên và biển gầm rú. (Ảnh từ tranh-dep)

Lúc đó, có giọng nói thỏ thẻ bên cô: “Thức dậy đi nào. Đây là thủy cung. Thủy Tề nghe câu chuyện về cô, ngài hết sức xúc động. Ngài đã sai tôi đến cứu cô”.

Shim Cheong lưu lại cung điện của Thủy Tề vài ngày. Một ngày nọ, một gia nô đến gặp Shim Cheong và nói: “Vua Thủy Tề đã ra lệnh cho cô được lên bờ”. Shim Cheong được bỏ vào một đóa hoa sen khổng lồ, lấp lánh ánh sáng tinh khiết. Chầm chậm, chầm chập, đóa hoa thanh tú ấy di chuyển hướng lên, cuối cùng đã đưa Cheong lên mặt biển.

Những người thủy thủ mua Cheong phát hiện ra một hoa sen tại chỗ nước sâu mà  cô nhảy xuống. Họ hết sức ngạc nhiên, đến gần hoa sen và vớt nó lên thuyền. Bông hoa sen này được xem là một điềm lành, được những thủy thủ hết sức nâng niu. Họ mang hoa đến dâng cho vua. Khi nhà vua chạm tay vào hoa, hoa đột ngột hé nở, một nàng con gái xinh đẹp mỹ miều bước ra. Từ giây phút gặp nàng, nhà vua hết sức thương yêu và sau đó phong cho nàng làm hoàng hậu.

xứ sở kim chi, Trăm thiện hiếu vi tiên, hoa sen, cô gái cứu cha,

Bông hoa sen này được xem là một điềm lành, được những thủy thủ hết sức nâng niu. (Ảnh: Internet)

Làm mẫu nghi thiên hạ, Shim Cheong được sống trong nhung lụa phú quý nhưng vẫn khắc khoải một nỗi niềm: Nàng nhớ thương cha mình. Đến ngày kia, nhà vua trông thấy khuôn mặt khả ái của Shim Cheong đượm buồn bèn hỏi:“Tại sao nàng buồn vậy? Nói cho trẫm nghe nào”.

Shim Cheong kể cho nhà vua nghe về cuộc đời nàng. Nghe xong, ngài muốn giúp nàng tìm cha. Nhà vua nghĩ ra một kế, ngài ra lệnh tổ chức một bữa tiệc rất lớn cho tất cả những người mù trong vương quốc.

Riêng cha của Shim Cheong vẫn bị mù mặc dù những người thủy thủ đã dâng lên chùa 300 đấu gạo. Ông còn nghe dân làng kể lại con gái ông đã làm gì để cho cha sáng mắt, ông vô cùng hối hận đã để mất con.

Ngày nọ, người hàng xóm thông báo cho cha của Shim Cheong rằng nhà vua đang chuẩn bị một bữa tiệc cho người mù.

Khi cả bữa tiệc bắt đầu được tổ chức, Shim Cheong đi khắp các bàn tiệc để tìm cha nhưng không thấy. Vào ngày tiệc cuối cùng, khi Shim Cheong sắp từ bỏ hy vọng thì nàng thấy một ông già mệt nhọc và ăn mặc tồi tàn bước vào cung điện. Nàng vui mừng nhận ra đó là cha mình và tiến về phía ông.

“Cha ơi, con là Shim Cheong, con gái của cha đây!”, Cheong khóc nức nở.

Ông lão hết sức ngạc nhiên: “Cô là con gái tôi sao?”. .

Vừa lúc đó, có một phép lạ xảy ra, ông lão từ từ mở mắt và nói: “Đây là mơ sao? Hãy để cha ngắm nhìn khuôn mặt của con!”.

Nhà vua rất vui khi thấy vợ và nhạc phụ đoàn tụ. Ông ra lệnh cho bữa tiệc tiếp tục thêm một tuần nữa. Tất cả mọi người đều hoan hỉ chúc mừng. 

Shim Cheong và cha sống hạnh phúc mãi mãi.

***

Hoa sen thanh khiết trong câu chuyện tượng trưng cho tấm lòng của người con gái một mực yêu thương cha không gợn chút vị kỷ, sẵn sàng hy sinh bản thân. Ban đầu câu chuyện không hề đề cập đến dung mạo của Shim Cheong, nhưng từ đóa hoa sen bước ra, cô đã có được vẻ xinh đẹp yêu kiều, làm mẫu nghi thiên hạ và đoàn tụ với cha. Cũng như bao câu chuyện dân gian khác, những người đức hạnh sẽ được Thần linh bảo hộ và có cuộc đời tốt đẹp.

Xuân Nhạn, theo AF