Đây là trải nghiệm chân thật của chính tác giả, hơn nữa không phải điều mơ thấy, mà là tận mắt nhìn thấy. Một trải nghiệm khiến tác giả kinh hồn bạt vía, không bao giờ quên.

Năm đó tôi mới lên 10 tuổi, tôi nhớ hôm đó là chủ nhật, khoảng 11h50 phút buổi tối. Bởi mải xem phim xem nên tôi quên cả giờ giấc, quên rằng ngày mai cần phải đến lớp. Lúc ấy, tôi và các chị cần phải đi ngủ, mấy chị em chúng tôi đều có một thói quen, trước khi ngủ phải lần lượt đi nhà vệ sinh. Vì tôi nhỏ nhất, nên phải đi sau cùng, nhưng mấy chị đi lâu quá, tôi đành phải sang một phòng khác.

Sau khi tôi đi xong, vừa đúng 12h đêm, các chị đều đã về phòng trước cả. Tôi cũng phải nhanh chóng đi về phòng, nhưng từ nhà vệ sinh về phòng ngủ cần phải đi ngang qua phòng khách. Lúc này, cánh cửa kính trong phòng khách đã kéo rèm rồi, dưới ánh trăng chiếu rọi xuống tôi nhìn thấy có bóng mờ, trông rất đáng sợ. Bởi tôi vốn nhát gan nên rất sợ hãi, liền muốn chạy nhanh vào trong phòng ngủ.

Khi sắp rời khỏi phòng khách, tôi liếc nhìn thấy bên ngoài cửa kính phòng khách hình như có vật gì đó. Khi tôi nhìn thấy bóng ảnh in trên cửa kính, lập tức mặt tôi tái mét, tôi đã nhìn thấy hai người ăn mặc kỳ lạ đứng ở bên ngoài cửa kính (vì có rèm cửa che lại nên họ không phát hiện thấy tôi).

Lúc đó, tôi muốn chạy ngay vào phòng ngủ, nhưng không hiểu sao chân lại không động đậy được. Cảnh sau đó mới càng khiến tôi kinh hồn bạt vía. Tôi muốn nhắm mắt lại để khỏi nhìn thấy cảnh tượng này, nhưng mắt lại không nhắm lại được. Có một người đứng giữa hai người kia; một người cao lớn hơn đâm cây quạt lông vũ xuống cổ của người đó, còn người có dáng vẻ lùn hơn cắm vật gì đó giống như lệnh bài lên trên cổ của anh ta. Khi tôi nhìn thấy cảnh này, tôi kinh sợ đến mức đầu óc trống rỗng.

“Ai?”, họ đồng thanh quát rồi nhìn về phía tôi.

“Cậu đều đã nhìn thấy cả ư?”, người cao cao kia hỏi tôi.

Ông ấy đưa cánh tay gầy guộc xuyên qua cửa kính: “Soạt…”, một âm thanh chói tai vang lên.

“A…….!” Tôi đã sợ đến không còn dám lên tiếng tiếp nữa. Bởi tôi nhìn thấy cây quạt lông vũ của ông ta vẫn còn đang chảy máu.

Tôi đột nhiên nhìn thấy gương mặt trắng bệch đó. “Đừng mà!!!” Khi tôi nhìn thấy gương mặt đó kêu lên thảm thiết, cũng khiến gương mặt tôi lại càng tái mét hơn.

Ngay chính lúc ông ấy gắng sức xuyên qua cửa kính của nhà tôi, chân của tôi lại có thể nhúc nhích được! Tôi không nói thêm lời nào, chạy nhanh nhất có thể lao thẳng vào trong phòng.

Buổi tối hôm đó, tôi mơ thấy một người, nhưng không nhìn rõ gương mặt của người đó. Tôi chỉ nhớ rằng ông ấy nói với tôi: “Xin lỗi ….. thuộc hạ của tôi đã làm cậu sợ”.

Tôi đem chuyện này kể lại với người bạn học có âm dương nhãn, kết quả cô ấy nói: “Người mà cậu nhìn thấy chính là Hắc Bạch Vô Thường. Có thể là hàng xóm hoặc trong nhà cậu có người qua đời, nên họ mới xuất hiện. Còn người mà cậu nhìn thấy trong mơ, rất có thể là Thần Thành Hoàng đấy!”

Lời này của người bạn khiến tôi sợ đến tái cả mặt. Từ đó trở đi, tôi cũng không còn nhìn thấy Hắc Bạch Vô Thường nữa.

Truyền thuyết về Hắc Bạch Vô Thường

Không kể là ở bất cứ ngôi chùa nào, hình ảnh của Hắc Bạch Vô Thường thường nhận được khá nhiều sự chú ý. Bạch Vô Thường mặc áo bào màu trắng, đầu đội mũ cao, tay cầm xiềng xích; Hắc Vô Thường khoác bộ áo bào màu đen, đầu đội mũ tròn, tay cầm thẻ bài hình vuông, trên đó viết “thiện ác phân minh”. Vẻ điềm tĩnh của Bạch Vô Thường và tính hoạt bát của Hắc Vô Thường cũng thường để lại ấn tượng sâu sắc cho mọi người.

Tương truyền Hắc Vô Thường tên là Phạm Vô Cứu, Bạch Vô Thường thì là Tạ Tất An, hai người là đôi bạn vô cùng thân thiết, cũng là người hầu trong phủ nha môn. Có một ngày, khi họ trên đường cùng đi đến huyện làng bên làm việc, đột nhiên có cơn mưa lớn kéo đến, thế là Tạ Tất An vội vàng đi đến nhà nông gần nhất để mượn dù, dặn Phạm Vô Cứu chờ ở dưới chân cầu.

Nào ngờ sau khi Tạ Tất An đi, nước sông đột ngột dâng cao, Phạm Vô Cứu vì sợ Tạ Tất An không tìm thấy mình, vì để giữ lời hẹn, nên vẫn đứng ở đó không chịu rời đi, về sau đã bị nước lũ cuốn trôi. Khi Tạ Tất An mang theo ô dù đến nơi, phát hiện người bạn thân đã bị chết đuối. Tạ Tât An vô cùng đau lòng, bèn treo cổ tự sát ở trên một cái cây, khi chết miệng thè lưỡi ra. Thiên thượng biết được tình cảm sâu nặng của hai người họ, bèn sắc phong họ làm Thần tướng, ở bên cạnh Thần Thành Hoàng phụ trách công việc lùng bắt những kẻ xấu xa.

Cũng có người nói, hình tượng Tạ Tất An (Bạch Vô Thường) chính là có hàm ý nói rằng biết tôn kính Thần linh ắt sẽ bình an; còn hình tượng Phạm Vô Cứu (Hắc Vô Thường) chính là ý chỉ người phạm pháp thì hết đường cứu giúp. Trong các chùa miếu ở Đài Loan, thường sẽ nhìn thấy một đôi tượng Thần, một cao một thấp, bước những bước chân kỳ quái, bước đi lảo đảo.

Tượng lùn tên là Hắc Vô Thường, bởi vì sắc mặt của ông là màu đen đỏ, trên tay lại còn cầm xích sắt, vậy nên lại gọi là “xích gia”; còn tượng cao tên là Bạch Vô Thường, bởi vì sắc mặt rất trắng, lưỡi thè ra rất dài, trên tay lại còn cầm chiếc quạt lông, hơn nữa lại mang theo ô dù, nên lại gọi là “bạch gia”, vậy nên mới gọi là “Hắc Bạch Vô Thường”.

Tương truyền hai người này là thuộc hạ của Thần Thành Hoàng, vào những lúc đêm khuya vắng người chuyên phụ trách đi tuần tra đường phố, bắt linh hồn của những kẻ xấu xa đến âm tào địa phủ. Vì vậy mọi người đều rất sợ họ.

Tượng Hắc Bạch Vô Thường.

Có người nói, tâm địa của Bạch Vô Thường rất thiện lương, dẫu cho có người đắc tội với ông thì ông cũng sẽ không tính toán, vậy nên lại gọi ông là “Tạ Tất An”. Lại nói ông vốn dĩ muốn nhảy xuống sông, lấy cái chết để tạ tội, nhưng do ông quá cao, hơn nữa nước sông lúc này cũng dần dần rút đi, vậy nên Bạch Vô Thường bất đắc dĩ, đành phải treo cổ chết ở bên cầu. Bạch Vô Thường khi chết trên người mang theo cây dù, lưỡi thè ra ất dài, nên hình tượng của ông, chính là hình dáng với thân hình cao ráo và cái lưỡi rất dài.

Còn tính khí của Hắc Vô Thường lại rất là nóng nảy. Đây là do lúc đó nước sông đã ngập qua đầu khiến ông chết đuối, và khi ông chết, vì giãy giụa mà sắc mặt thành màu đỏ đen, từ đó tính khí trở nên gắt gỏng, không chịu tha thứ cho người phạm tội. Vậy nên, một khi không cẩn thận mà đắc tội với ông, không kể mắc tội gì, ông ấy đều sẽ không bỏ qua, vì vậy lại gọi ông là “Phạm Vô Cứu”.

Mỗi khi đi chơi hội chùa, trên người tượng Hắc Bạch Vô Thường có treo một xâu bánh, nhiều người phụ nữ sẽ xin mang về cho trẻ nhỏ trong nhà của mình ăn, nghe nói ăn rồi có thể khiến cho trẻ nhỏ bình an chóng lớn.

Theo Tinh Hoa