Trước khi du nhập vào Việt Nam qua con đường Trung Quốc thì các tăng nhân từ Ấn Độ đã trực tiếp truyền bá Phật giáo vào Việt Nam. Trong tiếng Ấn Độ cổ thì Budhha có nghĩa là Bậc Giác Ngộ, người Việt chúng ta đọc là Bụt. Sau đó Phật giáo cũng được truyền vào Việt Nam thông qua con đường Trung Quốc. Chữ Budha gọi theo tiếng Hán Việt là Phật Đà, sau đó lược đi gọi là Phật. Tức là Ông Phật và Ông Bụt là hai cách phiên âm khác nhau của chữ Buddha.
Mấy chục năm gần đây do biến động từ Cách mạng văn hóa, người Việt Nam do bị gián đoạn kiến thức về văn hóa truyền thống nên có sự nhầm lẫn giữa hình tượng ông Bụt với ông Tiên, tức là khi mô tả hình tượng ông Bụt lại thường mô tả với hình ảnh “ông già râu tóc bạc phơ”. Kì thực ông Bụt chính là ông Phật, còn vị “râu tóc bạc phơ” là ông Tiên, cũng gọi là ông Đạo. Khi tra trên Google với từ khóa “ông Bụt” chúng ta thấy hầu hết đều là hình ảnh “ông già râu tóc bạc phơ”, thậm chí rất nhiều trong đó thể hiện sự suồng sã. Kì thực nó thể hiện sự bất kính do thiếu hiểu biết của công chúng, người ta không biết rằng nói về Bụt cũng là đang nói về Phật.
Ông Tiên là ai ?
Vậy còn ông Tiên là ai? Có 2 trường phái tu luyện chính là trường phái Phật và trường phái Đạo, cũng gọi là Phật gia và Đạo gia. Các môn tu Phật mục đích là để thành Phật, các môn tu Đạo mục đích là để thành Tiên. Hình tượng “râu tóc bạc phơ” chính là hình tượng khi tu thành của người tu Đạo, một trong những lý do là bởi vì người tu Đạo không cắt tóc cạo râu và thường tu luyện trong thời gian rất dài. Đạo gia giảng tu Đạo có 3 ngàn 6 trăm môn, hầu hết đều là đơn truyền, mật truyền. Chỉ có số rất ít trong đó là theo con đường tôn giáo, ví dụ như Đạo giáo. Tu Đạo thường chọn đồ đệ chứ không phổ độ, họ chủ yếu tu chữ Chân nên khi tu thành cũng gọi là Chân Nhân. Các môn thuộc Đạo gia cũng có nhiều là nội ngoại kiêm tu, tức là bao gồm có luyện võ thuật. Ngày nay, một môn tu luyện của trường phái Đạo rất phổ biến là Thái Cực quyền, nhưng họ đã bị thất truyền nguyên lý tu tâm, chỉ còn phần động tác nên được coi như một môn khí công võ thuật nâng cao sức khỏe và chữa bệnh.
Về trường phái Phật, cũng gọi là Phật gia: Chúng ta biết rằng Phật Thích Ca giảng tu Phật có 8 vạn 4 ngàn môn. Vậy tại sao trong tu luyện Phật giáo chỉ có khoảng gần 20 môn? Kì thực các môn tu luyện trong lịch sử tuyệt đại đa số là đơn truyền và mật truyền nên công chúng không được biết tới. Đa số các môn tu Phật cũng không đi theo con đường tôn giáo, một số môn đi theo con đường tôn giáo chính là các môn thuộc Phật giáo. Nhiều người cũng hay nhầm lẫn giữa Phật giáo và Phật Pháp bởi vì chúng ta biết đến Phật Pháp chủ yếu là thông qua Phật giáo. Kì thực Pháp trong Phật giáo là một phần của Phật Pháp, ngay cả nguyên lý trong các môn thuộc Phật giáo cũng không giống nhau và một người tu cũng chỉ được chọn một môn thì mới có thể tu thành, gọi là “bất nhị pháp môn”. Các môn theo trường phái Phật đều chú trọng tu Thiện, do vậy người ta cũng thường biết đến các vị Phật với đặc điểm chính là sự từ bi.
Hình tượng Phật thông thường sẽ có tóc búi, một số hình tượng có chữ vạn, một số là quấn một tấm vải bố để một bên vai trần. Trong trường phái Phật cũng thường gắn với hình tượng La Hán và Bồ tát, đó là các quả vị thấp hơn quả vị Phật. Quả vị Bồ Tát đều có biểu hiện thân nữ, quả vị La Hán đều có biểu hiện thân nam và cả hai quả vị này thường không có biểu tượng chữ vạn, vì đó là biểu tượng của quả vị Phật.
Nghe “Bụt” gần gũi, nghe “Phật” cung kính
Khi chúng ta hiện nay nhắc đến ông Bụt thường có cảm giác gần gũi, nhắc đến Phật lại có cảm giác cung kính, tại sao như vậy? Bởi vì vào thời kì đầu các vị tăng nhân truyền Pháp trực tiếp từ Ấn độ vào Việt Nam – tức là giai đoạn mà người Việt gọi Phật là Bụt thì hình thức tu luyện chưa nặng về khía cạnh tôn giáo nên khi nhắc tới Ông Bụt thì có cảm giác cao quý và vĩ đại nhưng vẫn gần gũi. Đến giai đoạn Phật giáo truyền vào Việt Nam qua con đường Trung Quốc thì khi ấy Phật giáo tại Trung nguyên đã chủ yếu là các môn thuộc phái Đại thừa, các nghi lễ cũng nhiều lên. Khi đó, người Việt biết đến chữ Phật thì đã dần dần gắn với cảm giác cung kính trong tôn giáo.
Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì Phật (tức Bụt) và Tiên là các sinh mệnh cao cấp tồn tại trong các không gian cao tầng của vũ trụ. Các phương pháp tu luyện chân chính trong lịch sử đều chỉ dạy cho con người một con đường để có thể thăng hoa từ trạng thái người thường trở thành sinh mệnh cao cấp như vậy. Hoặc nếu không thể thực hành được các phương pháp tu luyện ấy thì cũng có thể trở thành người tốt để có được tương lai tốt đẹp cho bản thân và nhân loại.
Vĩ Ca