Trong ấn tượng của mọi người, Sa Tăng hòa thượng là một người chất phác trung hậu, siêng năng cần mẫn. Thế nhưng, lần đầu tiên xuất hiện trong Tây Du Ký, bộ dạng của Sa Tăng lại là một ác quỷ vô cùng hung dữ.
Sa Tăng hay Sa Ngộ Tĩnh là đồ đệ út của Đường Tăng đi thỉnh kinh ở Tây Thiên trong tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Khi ở trên trời, Sa Tăng từng giữ chức Quyển Liêm Đại tướng, vì làm vỡ chén lưu ly ở Hội Bàn Đào trong lúc say rượu nên bị đày xuống sông Lưu Sa làm yêu quái.
Trong Tây Du Ký miêu tả Sa Tăng như sau: “Khắp đầu tóc đỏ rối tung, hai mắt tròn xoe sáng trưng như đèn, mặt thì đen sậm, tiếng thét ầm vang như tiếng sấm, mình khoác áo lông ngỗng vàng, lưng thắt hai dải mây rừng trắng bóng, cổ đeo chuỗi vòng 9 đầu lâu, tay cầm bảo trượng hung dữ ngang tàng”.
Trong đó điều khiến người ta đặc biệt chú ý chính là chuỗi vòng đầu lâu lớn mà Sa Tăng đeo trên cổ. Liên quan đến chuỗi vòng này, Sa Tăng từng giải thích với Quan Thế Âm Bồ Tát rằng:
“Ta ở nơi đây đã ăn thịt vô số người, từ trước đến giờ những người đi qua đây đều bị ta ăn thịt. Phàm là đầu lâu còn sót lại, ta đều ném xuống sông Lưu Sa này, và chúng đã chìm hết xuống đáy. Nước con sông này lông ngỗng cũng không thể nổi lên, nhưng kỳ lạ, chỉ có 9 cái đầu lâu của người đi lấy kinh này, là nổi lềnh bềnh trên mặt nước, không chìm xuống. Ta cho rằng đây là những vật lạ, nên đã lấy dây xâu lại thành một chuỗi vòng đeo lên cổ, để khi rảnh rỗi lấy ra xem”.
Trong “Thi thoại Đường Tam Tạng thỉnh kinh” được viết trước khi tác phẩm “Tây Du Ký” ra đời, Sa Tăng từng nói với Tam Tạng pháp sư: “Dưới cổ ta là những đầu lâu của người mà ta đã từng ăn thịt”.
Trong tạp kịch “Tây Du Ký” Sa Tăng nói: “Có một tăng nhân, phát nguyện đi đến Tây Thiên thỉnh kinh, nhưng con người làm sao có thể đi qua con sông này? Hắn đã làm tăng 9 đời, cũng đã bị ta ăn thịt 9 lần, 9 chiếc đầu lâu của hắn đã được ta sâu thành chuỗi vòng cổ này”.
Những chiếc đầu lâu trên chuỗi vòng cổ dĩ nhiên đều là đời trước của Đường Tăng, nghĩa là Đường Tăng đã bị Sa Tăng ăn thịt 9 lần! Đến bây giờ thì chúng ta không khó lý giải rằng, tại sao trong “Tây Du Ký” thường nói Đường Tăng là Kim Thiền Tử chuyển thế lần thứ 10.
Cuối cùng, thầy trò Đường Tăng nhờ có sự giúp đỡ của Quan Thế Âm Bồ Tát mới cảm hóa được Sa Tăng, và vượt sông Lưu Sa thuận lợi nhờ vào chiếc bình hồ lô của Quan Thế Âm Bồ Tát. Sau đó chuỗi vòng đầu lâu đã được hóa giải, biến thành 9 ngọn gió bay đi.