“Đạo” tức là “con đường”, tuy nhiên trong giới tu luyện thì nói đến Đạo là
nói đến một phương pháp tu luyện nào đó, cũng là một con đường tu luyện nào đó.
Kỳ thực, đây là cách gọi của Trường phái Đạo (hay Đạo gia), trong khi Trường phái Phật (hay Phật gia) thường gọi là “Pháp”, tức là phương pháp nào đó để tu luyện. Không chỉ ngày nay – thời mạt pháp xuất hiện rất nhiều các môn tu được xem là tà đạo mà trong lịch sử cũng liên lục xuất hiện. Vậy thế nào là tà đạo? Xin bàn một chút:
“Đạo” chân chính vốn mang tính siêu thường, giúp con người thông qua
thực hành nguyên lý của môn tu luyện ấy để đạt cảnh giới siêu xuất khỏi đời
thường, có xu hướng coi nhẹ danh lợi của đời thường. Như vậy, các môn được coi là Tà Đạo thường có các đặc điểm sau:
(1). Thu phí
Chính đạo vốn là có xu hướng coi nhẹ lợi ích, cho nên Đạo nào thu phí thì chính là vì mục đích kiếm tiền mà tồn tại,không phải vì để tu luyện. Ngoại trừ các môn theo con đường tôn giáo thì nhiều trường hợp sẽ cần chi phí để duy trì bộ máy, cơ sở tu hành… nhưng bản thân việc tu luyện là không cần đến chi phí. Ngay trong các chính Pháp, chính Đạo cũng có những cá nhân lợi dụng để kiếm tiền, đó cũng là phá hoại Pháp từ bên trong, là đi theo đường tà.
(2). Hại sức khoẻ
Tu luyện thường đòi hỏi nhọc nhằn về thân thể và tâm tính mới có thể đề cao, nhưng bản chất là giúp bồi bổ tinh khí, sức lực và tinh thần cho nên kết quả thường là thân thể mạnh khỏe hơn, sung mãn hơn, tinh thần tĩnh tại bình hòa hơn. Trong khi đó cái Tà nếu không lấy đi tiền tài của người ta thì sẽ lấy đi phần tinh khí của sinh mệnh, do đó sẽ tổn hại sức khỏe, thần trí cũng ngày càng hỗn loạn, mất kiểm soát do bị mất năng lượng và bị những thứ tà kiểm soát.
(3). Xa rời cuộc sống
Tu luyện có thể chia làm hai loại, một là các môn theo hình thức tôn giáo tức là có nghi lễ, chức sắc, địa điểm thờ phụng, tổ chức… Hai là tu luyện trong đời thường (mật truyền hoặc phổ truyền). Các môn tu luyện trong đời thường không yêu cầu người tu luyện rời bỏ cuộc sống và công việc, lấy bối cảnh cuộc sống mà thực hành đề cao tâm tính. Trong khi các môn đi theo con đường tôn giáo thường yêu cầu người chuyên tu phải thoát tục, tức là rời bỏ gia đình, công việc, thậm chí tên họ cũng phải thay đổi. Đó là yêu cầu của từng môn, nhưng tu luyện trong đời thường là không xa rời cuộc sống và công việc.
(4). Phản đối hay xa rời truyền thống
Cốt lõi của văn hóa truyền thống, vốn là một phần nguyên lý của các môn tu luyện truyền ra đời thường (ở khu vực Đông Á chủ yếu là thông qua Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo). Mặc dù hình thức biểu hiện khác nhau, nhưng bản chất của văn hóa truyền thống đều là đề cao đạo đức, tôn trọng tự nhiên và sinh mệnh. Các môn tu theo con đường tôn giáo thường có các nghi lễ, nhưng đó là do đời sau hình thành nên, kì thực giai đoạn đầu được truyền xuất ra không có nghi lễ. Tức là bản chất của văn hoá truyền thống không phải vấn đề nghi lễ, mà là đề cao đạo đức, tôn trọng tự nhiên, tôn trọng sinh mệnh. Đạo nào không đề cao đạo đức, không tôn trọng tự nhiên và sinh mệnh đều là tà đạo.
(5). Có mục tiêu quyền lực chính trị hay bất cứ loại quyền lực nào trong thế tục
Bản chất của tu luyện luôn có xu hướng xa rời quyền lực thế tục. Quá trình tu luyện ít nhiều đều có gian khổ về thân thể và nhân tâm, do vậy bất kì người tu luyện nào lấy danh nghĩa tu luyện nhằm đạt được quyền lực chính trị đều có nguy cơ vứt bỏ thành quả tu luyện, môn tu nào hướng đến quyền lực chính trị thì khẳng định là đi theo đường tà. Trong các Đạo, các Pháp tu chân chính nhưng cũng luôn có những cá nhân hướng đến mục đích chính trị, hay thậm chí vì chức phẩm ngay trong tôn giáo đó thì chính là đang hướng theo đường tà rồi.
(6). Khuếch đại các ham muốn về danh, lợi
Mặc dù nguyên lý của mỗi chính đạo có sự khác nhau nhưng cốt lõi đều có xu hướng coi nhẹ các dục vọng. Trong khi những thứ tà thường khuếch đại một hay nhiều các loại dục vọng của con người, bởi vì trong quá trình phát tiết các dục vọng ấy người ta sẽ bị hao tổn năng lượng và mất khả năng kiểm soát bản thân. Những thứ tà sẽ thông qua đó lấy đi năng lượng của con người và kiểm soát người đó.
(7). Khuyến khích làm các việc sát sinh, tranh đấu
Bất kể là chính đạo nào cũng đều coi trọng sinh mệnh, trong khi một số tà đạo thậm chí khuyến khích sát hại sinh mệnh. Ngay cả các hành động như tranh đấu, thị phi… cũng đều tạo ra thêm nghiệp lực, do vậy bên Tà thường có xu hướng khuyến khích, bên Chính có xu hướng hạn chế hoặc giới cấm việc sát sinh và tranh đấu.
(8). Lôi kéo tham gia, bắt buộc ở lại
Bản chất sâu thẳm bên trong mỗi con người đều là thiện lương, chân thật, do vậy tất cả các chính đạo đều hướng con người trở lại với bản tính vốn có, chỉ là mỗi môn có thể nhấn mạnh về một hay nhiều đặc điểm của bản tính ấy. VD các môn tu thuộc trường phái Đạo thường chú trọng về tính Chân để trở thành Chân Nhân, các môn theo trường phái Phật thướng chú trọng về tính Thiện, thể hiện ra sự từ bi, ngay cả Thiên Chúa Giáo nhấn mạnh về lòng bác ái cũng là cách mô tả khác của từ bi.
Do vậy con người khi tiếp xúc với chính đạo sẽ dễ tự nhiên được khơi gợi và tự giác thực hành. Trong khi con đường tà đi theo hướng ngược lại, bản thân nó là phản với vũ trụ, với bản tính thiện lương của con người. Do vậy các tà đạo đó thường dùng nhiều cách thức ép buộc con người đi theo và hăm dọa gây tổn thất về danh, lợi, tình nào đó nếu rời bỏ.
Hiện nay, một môn tu luyện đang được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, đó là Pháp Luân Đại Pháp (cũng gọi là Pháp Luân Công – vi.falundafa.org). Vậy chúng ta xem xét Pháp Luân Công so sánh với các tiêu chí trên đây:
(1) thu phí:
Một trong hai cuốn sách chính của Pháp Luân Công có nêu: “Là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, tương lai chư vị [nếu] ra truyền công, đối với chư vị chúng tôi có hai yêu cầu [như sau]: Yêu cầu thứ nhất là không được thu phí.” Như vậy điểm này về nguyên lý là rất rõ. Trong thực tế có thể kiểm chứng khá dễ dàng từ các học viên tại các điểm luyện công công cộng tại Việt Nam.
(2) Sức khỏe:
Điểm dễ nhận thấy nhất từ Pháp Luân Công là khả năng chữa bệnh và nâng cao sức khỏe. Nói chung điều này rất dễ kiểm chứng qua hàng ngàn các trải nghiệm của người tập tại Việt Nam qua các thông tin trực tiếp tại điểm luyện công cộng hay qua các bài viết đăng trên mạng có số điện thoại liên hệ.
(3). Công việc, cuộc sống:
Pháp Luân Công không đi theo con đường tôn giáo, mà tu luyện trong đời thường. Do vậy tất cả những người tập Pháp Luân Công được yêu cầu đảm bảo cuộc sống, công việc như bình thường, khác biệt nằm ở sự cải biến bên trong tư tưởng của mỗi người. Trong thực tế, nếu có sự cải biến về đạo đức thì thường cũng đạt được yêu cầu cao hơn trong công việc và cuộc sống.
(4). Văn hóa truyền thống:
Gốc rễ của văn hóa truyền thống là tôn trọng đạo đức, tôn trọng tự nhiên và sinh mệnh. Văn hoá Á Đông chủ yếu xuất phát từ ba tôn giáo, Phật giáo chú trọng thiện, Nho giáo nói về Nhân Nghĩa Lễ trí Tín và sự bao dung Nhẫn nhường, Đạo giáo nói về Chân. Pháp Luân Công lấy nguyên lý Chân Thiện Nhẫn làm căn bản cho nên nó cũng tương hợp với gốc rễ của văn hóa truyền thống. Pháp Luân Công không có nghi lễ tôn giáo, nên cũng không phủ định các nghi lễ của các tôn giáo và các nghi lễ trong cuộc sống như hiếu hỉ…
(5). Tham dự chính trị:
Trong cuốn Đại Viên Mãn Pháp (một trong hai cuốn sách chính của Pháp Luân Công), phần phục lục IV, mục 5 có ghi rõ: “Các học viên Pháp Luân Đại Pháp, [hãy] lấy tu luyện tâm tính làm [cơ] bản, tuyệt đối không được can thiệp đến chính trị quốc gia, càng không được tham dự vào hoạt động đấu tranh có tính chính trị; ai vi phạm thì đã không còn là đệ tử Pháp Luân Đại Pháp, hết thảy những hậu quả đều do đương sự tự chịu trách nhiệm.”
Trong các bài giảng khác, người sáng lập của Pháp Luân Công cũng nhiều lần nhắc lại nội dung này. Tất nhiên một số cá nhân đang làm công việc trong lĩnh vực chính trị thì đó là công việc của cá nhân với xã hội, một số người trong cuộc sống cũng có quan điểm về xã hội hay chính trị thì cũng là việc của cá nhân người đó. Tại nhiều nước có thành lập Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp nhằm đảm bảo yêu cầu của luật pháp khi tham dự các hoạt động cộng đồng nhưng bản thân những người đại diện của các Hiệp hội này không có quyền lực với các thành viên.
Các Bài giảng của Pháp Luân Công đều có trên internet, do vậy không ai có thể lợi dụng để lôi kéo học viên làm chính trị. Bởi vì mọi người đều căn cứ vào nguyên lý nên sẽ lập tức nhận ra. Có một số cá biệt tại Việt Nam đã từng làm ra việc nào đó có tính chính trị, nhưng ngay lập tức bị cô lập bởi cộng đồng học viên. Thực chất tu luyện của bất cứ môn nào, nếu gắn với mục đích quyền lực chính trị, hay danh lợi đều ngay lập tức phá hỏng thành quả tu luyện.
(6). Liên quan đến mục đích về danh lợi:
Cốt yếu của tu luyện Pháp Luân Đại Pháp là coi nhẹ hơn các ham muốn về danh, lợi, ngôn ngữ tu luyện gọi là “từ bỏ chấp trước”. Tu luyện chân chính của các môn đều có xu hướng này, chỉ khác là các môn theo con đường tôn giáo thường thoát tục, thực hiện các giới cấm để ngăn cách người tu luyện với cuộc sống đời thường. Người tu luyện Pháp Luân Công vẫn sống cuộc sống bình thường, có kinh doanh, có chức vị như bình thường, nhưng tu luyện đòi hỏi người ta không nên thái quá trong truy cầu danh lợi.
(7). Vấn đề sát sinh, uống rượu và chất kích thích:
Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp tuy ở trong đời thường, nhưng vấn đề sát sinh, uống rượu và chất kích thích là các giới cấm nghiêm khắc. Bởi vì nó sẽ gây khó khăn rất lớn cho tu luyện của người ta, thậm chí huỷ hoại thành quả tu luyện. Cơ chế trong tu luyện Pháp Luân Công, cũng hỗ trợ người ta từ bỏ được việc dụng chất kích thích dễ dàng hơn. Các ví dụ tham khảo về các tình huống từ bỏ được các loại chất kích thích này ngay tại Việt Nam khá nhiều.
(8). Vấn đề lôi kéo hay bắt buộc ở lại:
Một trong những điểm khác biệt của tu luyện Pháp Luân Đại Pháp là không có tổ chức, mỗi người đều có thể tham gia, rút khỏi tùy ý và không có điều gì ràng buộc. Một số quốc gia do yêu cầu của pháp luật sở tại nên có thể thành lập các Hiệp Hội Pháp Luân Đại Pháp, nhưng không có quyền lực với bất kì học viên nào, cũng không có lương bổng, chỉ để có danh nghĩa với cộng đồng. Thông thường một số người tình nguyện là người hỗ trợ cho người mới ở các điểm luyện công, nhưng cũng không cố định, không phải là chức danh chính thức.
Một người được coi là học viên Pháp Luân Công khi nghiêm túc thực hành nguyên lý Chân Thiện Nhẫn, luyện công và đọc sách của Pháp Luân Công thường xuyên để đề cao tâm tính. Tóm lại, nếu bất cứ ai có thể tìm hiểu nội dung nguyên lý của Pháp Luân Công đều có thể hiểu rõ. Vì mặc dù là một môn tu luyện, nhưng nguyên lý được trình bày ra trong thời kì hiện đại, cho người hiện đại nên ngôn ngữ dễ hiểu, kết hợp với nhiều kiến thức trong khoa học, văn hoá truyền thống, tôn giáo, tu luyện nên giúp người đọc đều có thể tiếp thu. Nếu không có duyên bước vào tu luyện, cũng có thể giúp người ta hiểu được nhiều điều trước nay chưa lý giải được, hiểu được các quy luật trong cuộc sống, từ đó có thể đối diện với cuộc sống một cách chủ động hơn.
Kết luận
Khi nói CHÍNH ĐẠO hay TÀ ĐẠO, điều này xuất phát từ chính đặc điểm thực sự của một môn ấy, không phải do một lực lượng nào hay cá nhân ai đó phán xét. Trong lịch sử tất cả các Chính giáo đều từng trải qua bức hại bởi một lực lượng quyền lực thế tục. Điển hình là Thiên Chúa giáo của Chúa Giê su bị chính quyền La Mã bức hại, Phật Giáo bị Bà La Môn giáo bức hại khi mới khai truyền tại Ấn Độ cổ, cũng bị nhiều chính quyền tại Trung Quốc bức hại trong lịch sử.
Tất nhiên trong khi bức hại thì luận điệu thường dùng là chụp mũ tuyên truyền các Chính giáo này là Tà và đủ các loại thông tin tiêu cực khác. Lịch sử đã lặp lại khi chính quyền ĐCSTQ đã tiến hành bức hại học viên Pháp Luân Công từ năm 1999. Không chỉ sử dụng các hành động vô cùng tàn ác, ĐCSTQ còn dùng hết năng lực chính trị, kinh tế, ngoại giao… để tuyên truyền vu khống Pháp Luân Công. Không chỉ tuyên truyền trong nước mà còn ra cả nước ngoài, để mọi người lý giải cuộc đàn áp theo cách mà ĐCSTQ muốn.
Mặc dù tất cả các triều đại bức hại Chính giáo trong lịch sử sau đó đều đi đến diệt vong, nhưng trong tuyên truyền của kẻ bức hại ấy thì vô số người cũng hiểu sai, thậm chí hùa theo bức hại chứ không tự mình tìm hiểu để có nhận thức độc lập, từ đó hủy hoại đi tương lai của chính mình, đây cũng là một trong những điều đáng tiếc và bài học lớn nhất của lịch sử nhân loại.
Hoa Liên