Các nhà khoa học đã khám phá ra một “Cold Spot – Điểm lạnh” bí ẩn trong không gian có thể chứng minh vũ trụ của chúng ta chỉ là một trong vô số các vũ trụ đang đồng thời tồn tại.
Nhiều nhà khoa học vũ trụ tin rằng vũ trụ quan sát được của chúng ta dù vô cùng rộng lớn nhưng cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong biển vũ trụ mà ta không quan sát được. Các nhà khoa học cho rằng có những vũ trụ song song tồn tại bên cạnh chúng ta.
Về mặt lý thuyết thì trong một vũ trụ song song nào đó có thể tồn tại bản sao của Thiên hà, bản sao của Hệ Mặt trời, bản sao của Trái đất và bản sao của chính chúng ta. Chính điều đó gợi ra cảm hứng cho các nhà làm phim khoa học viễn tưởng sau này.
Có 4 dạng vũ trụ song song. Nếu ở vũ trụ song song cấp 1 (các vũ trụ ở cùng không gian nhưng ngoài phạm vi quan sát được) và vũ trụ song song cấp 2 (tồn tại trong các bong bóng vũ trụ biệt lập với bong bóng chứa vũ trụ của chúng ta) được cho là ở khoảng cách rất xa thì vũ trụ song song cấp 3 lại cực kỳ gần chúng ta.
Theo các nhà khoa học thì không gian chúng ta đang sống và cảm nhận chỉ có 4 chiều (3 hướng + thời gian) nhưng không gian vũ trụ có thể lên đến 11 chiều. Do đó, có những vũ trụ ở không gian chiều thứ 5 hay 6 mà ta không thể cảm nhận được dù chúng đang tồn tại sát chúng ta, chỉ cách ta vài milimet…
Gần đây, các nhà khoa học đã khám phá ra một “Điểm lạnh” trong không gian có thể chứng minh vũ trụ của chúng ta chỉ là một trong vô số các vũ trụ đang đồng thời tồn tại.
“Điểm lạnh” là một khoảng không gian 13 tỷ năm tuổi có kích thước 1,8 tỷ năm ánh sáng, và nhiệt độ lạnh hơn 0,00015 độ C so với không gian xung quanh. Và theo các nhà khoa học, điểm lạnh này có thể là bằng chứng đầu tiên cho thấy sự tồn tại của hệ đa vũ trụ.
Vòng tròn nhỏ trong biểu đồ nhiệt trên chính là “điểm lạnh” đang được nghiên cứu. (Ảnh: ScienceAlert)
Dù có nhiệt độ thấp hơn không nhiều, nhưng khi nó trải ra cả một vùng không gian rộng lớn, các nhà thiên văn học không thể giải thích được nguyên nhân tạo ra khoảng không khổng lồ này.
Một số nhà khoa học cho rằng điểm lạnh này rất có thể chính là điểm giao nhau giữa vũ trụ chúng ta với vũ trụ khác, và nếu luận điểm này đúng thì ta sẽ chứng minh được luôn thuyết đa vũ trụ. “Điểm lạnh” kia chẳng khác nào một vết chà xát giữa hai vật thể khổng lồ – hai vũ trụ.
Nếu khẳng định trên là đúng, “Điểm lạnh” biểu thị rằng vũ trụ rộng lớn của chúng ta chứa một số lượng vô hạn các vũ trụ song song.
Lý thuyết này không phải là một chủ đề của khoa học viễn tưởng, như chuyên gia về thiên văn học, Tiến sĩ Stuart Clarke đã viết trên tờ Guardian:
Những thế giới không thể đếm hết này tồn tại cạnh nhau ở những chiều không gian lớn hơn mà giác quan của chúng ta không thể nhận biết được. Mỗi vũ trụ đó đều chứa những phiên bản khác nhau của sự vật.
Việc một vũ trụ song song khác tồn tại sẽ làm thay đổi cái nhìn của con người với thực tại, với vũ trụ này và thậm chí, với chính bản thân ta khi biết rằng ngoài kia, một thực thể khác giống mình cũng đang có một cuộc đời của riêng họ.
Xa xưa, nhà thiên văn học Copernicus đã nói rằng Trái Đất không phải trung tâm Vũ trụ, Hubble dạy ta rằng Mặt Trời cũng chẳng phải trung tâm Vũ trụ mà chỉ đơn giản là một quả cầu lửa trong một thiên hà trong hàng tỷ các thiên hà khác.
Nếu hệ đa vũ trụ tồn tại, thì đến vũ trụ mà ta đang sống này cũng sẽ không còn đặc biệt và độc nhất nữa.