Bất kỳ ai đã xem phim ” Tây Du Kí” chắc hẳn vẫn còn ấn tượng tình tiết Tôn Ngộ Không đại náo Đông Hải Long cung, thực ra trong sách cổ Trung Quốc cũng có rất nhiều ghi chép về Long Vương và Long cung nhưng con người hiện đại đều coi đó là huyền thoại.

TKiKWB-20180626-long-cung-va-chuyen-nguoi-tho-moc-mat-tich-8-nam-rongTrong cuốn bút ký “Cổ phu vu đình tạp lục” của nhà thơ nổi tiếng triều Thanh Vương Sĩ Chân, có ghi lại huyền thoại Long Vương mời thợ mộc tạo Long cung. (Ảnh: Internet)

Thợ mộc tạo Long cung

Trong cuốn bút ký “Cổ phu vu đình tạp lục” của nhà thơ nổi tiếng triều Thanh Vương Sĩ Chân, có ghi lại huyền thoại Long Vương mời thợ mộc tạo Long cung.

Vào năm thứ 30 thời vua Khang Hy, ở Ninh Hải Châu có mười mấy thợ mộc muốn đi làm ăn xa để kiếm thêm chút tiền nuôi sống gia đình. Thế là, những người thợ mộc này thuê một chiếc thuyền của Dương Ngự Sử và chọn một ngày lành để xuất hành.

Bất ngờ trên biển nổi lên gió bão đánh chìm thuyền của họ, người ta cho rằng những thợ mộc này đã bị chôn vùi dưới đáy biển, lành ít dữ nhiều. Nhưng không ngờ đến 8 năm sau, những người thợ mộc này quay về, lại còn kể lại những việc kì lạ mà họ đã trải qua vào năm đó.

Theo hồi tưởng của những người thợ mộc: Năm đó, khi thuyền của họ gặp bão trên biển, đột nhiên 4 con quỷ có vẻ mặt dữ tợn xuất hiện, không nói không rằng cứ thế kéo con thuyền xuống đáy biển.

Những người thợ mộc này sợ tới mức đều nhắm chặt mắt lại, họ cho rằng lần này nhất định sẽ chết đuối dưới biển, trở thành mồi cho cá. Thế nhưng sau khi chìm xuống nước, họ lại không bị sặc nước, ngược lại giống như đang đi trên đất liền. Họ trợn mắt lên nhìn, thì ra 4 con quỷ dẫn đường phía trước, bọn họ đi theo sau.

Đi mãi thì tới một hoàng cung, lúc này một con quỷ quay đầu lại nói với những người thợ mộc: “Đây là Long cung, Long Vương muốn xây dựng một cung điện nhưng lại thiếu thợ mộc, cho nên mới đưa bọn ngươi tới đây, các ngươi chớ sợ“. Nói xong, chúng liền đưa những người thợ mộc đến công trường.

truyền thuyết, Tây Du Ký, Long Vương, long cung,

Tranh sơn dầu thuyền buồm đánh cá trên biển.

Qủy sứ lại bảo những người thợ mộc mỗi người uống một bình rượu, sau khi họ uống xong rượu, cảm thấy vừa đỡ khát vừa đỡ đói. Thế là họ liền bắt đầu xây dựng một cung điện lớn cách Long cung không xa.

Những người thợ mộc dựng cột trụ, lắp xà nhà, làm việc cả ngày lẫn đêm, mặc dù công việc rất mệt, nhưng họ không cảm thấy đói và khát. Cứ như thế, nhóm thợ mộc xây cung điện cho Long Vương suốt tám năm mới xong, họ tạo ra một cung điện nguy nga tráng lệ.

Lúc đó, 4 tên quỷ đến truyền mệnh lệnh của Long Vương: “Các ngươi đã làm việc ở đây một thời gian dài, bây giờ có thể về nhà! Long Vương thưởng tiền công cho các ngươi ở trên thuyền, các ngươi tự đi lấy đi!”.

Sau đó quỷ sứ lại bảo mỗi người thợ mộc uống một bát mật, sau đó đưa họ lên thuyền. Bọn quỷ lại nắm vào bốn góc thuyền, kéo lên mặt biển, rồi rời đi. Chiếc thuyền chạy rất nhanh trên biển, chỉ trong chốc lát thuyền đã cập bờ biển. Lúc này đám thợ mộc mới cảm thấy vừa khát vừa đói, họ phát hiện trên thuyền có mấy ngàn lượng bạc, thế là mọi người liền chia tiền ra rồi vui vẻ về nhà.

Còn với với chủ thuyền là Dương Ngự sử, những người thợ mộc tặng cho ông một cây san hô, người ta nói rằng đây là một phần thưởng của Long Vương.

Tôn Tư Mạc cứu Tiểu Long tử

Sách “Liệt tiên toàn truyện” có ghi lại một câu chuyện giữa danh y Tôn Tư Mạc và Long Vương. Tôn Tư Mạc thuở nhỏ thông minh hơn người, thích đọc sách đạo gia lão tử. Vào thời Chu Tuyên Đế, lúc thời cuộc rung chuyển, ông ẩn cư ở núi Thái Bạch và học đạo, luyện khí dưỡng thần, hiểu rõ lí luận thiên văn, tinh thông y dược, làm không ít việc thiện.

Một lần, ông nhìn thấy một con rắn nhỏ bị mục đồng đánh bị thương chảy máu, ông liền cởi y phục của mình ra để đổi lấy con rắn đó với mục đồng, sau đó thoa thuốc trị thương cho con rắn nhỏ rồi thả nó vào trong bụi cỏ.

Mười mấy ngày sau, Tôn Tư Mạc đi ra ngoài và gặp người thiếu niên khôi ngô tuấn tú mặc chiếc áo trắng cưỡi ngựa đi qua. Người thiếu niên này nhảy xuống lưng ngựa đến bái tạ Tôn Tư Mạc: “Đa tạ ngài đã cứu em trai tôi“.

Tôn Tư Mạc rất đỗi ngạc nhiên, ông chưa kịp hiểu ý của người thiếu niên này thì cậu lại thành kính mời ông đến nhà.

Cậu ta đưa ngựa cho Tôn Tư Mạc cưỡi, còn mình dắt ngựa, hai chân như đang ở trên không, bước đi như mây bay. Chớp mắt cái đã đến thành quách, bên trong trăm hoa đua nở, cây cảnh tươi tốt, phòng xá vàng son lộng lẫy, đúng là phong thái của một Vương phủ.

Người thiếu niên thành kính mời Tôn Tư Mạc vào nhà. Bên trong có một người mặc áo đỏ, đầu đội mũ quả dưa, phía sau có nhiều người hầu, vẻ mặt niềm nở đi ra đón chào.

Ông liên tục cảm tạ Tôn Tư Mạc: “Nhà tôi chịu ân lớn của ngài, cho nên đặc biệt phái con trai tới mời ngài“. Nói đoạn ông quay lại chỉ vào một bé trai mặc áo xanh nói: “Mấy ngày trước nó một mình đi ra ngoài, bị mục đồng đánh trọng thương, may nhờ có ngài cởi y phục cứu chuộc mới còn sống đến hôm nay“. Sau đó ông ta lại bảo cậu con trai này ra bái tạ Tôn Tư Mạc.

Tôn Tư Mạc giờ mới nhớ ra sự việc mấy ngày trước ông cởi bỏ y phục để cứu chuộc con rắn nhỏ, ông lén hỏi người bên cạnh đây là đâu, người kia nói với ông: “Đây là thủy phủ Kính Dương”. Thì ra con rắn nhỏ mà ông đã cứu là con trai nhỏ của Long Vương.

Long Vương sắp xếp thiết yến chiêu đãi Tôn Tư Mạc, cứ như thế qua 3 ngày, Long Vương lại tặng cho ông nhiều lụa là châu báu, Tôn Tư Mạc kiên quyết không nhận. Vì vậy Long Vương liền ra lệnh cho con trai cầm 30 phương thuốc của Long cung tặng cho Tôn Tư Mạc.

Trước lúc chia tay, ông nói với Tôn Tư Mạc: “Những phương thuốc này có thể giúp ngài tế thế cứu nhân“, rồi mới sai người tiễn Tôn Tư Mạc về nhà.

Sau khi Tôn Tư Mạc dùng những phương thuốc này, phát hiện ra rằng nó rất linh nghiệm. Vì thế ông liền ghi lại những phương thuốc này trong “Thiên Kim Yếu Phương”.

Trung Quốc cổ đại có rất nhiều câu chuyện lưu truyền đến ngày nay kể lại lịch sử huy hoàng tồn tại của nhân thần, chỉ là trong con mắt người hiện đại thì chúng lại trở thành truyền thuyết, thần thoại hư vô.

Tú Văn, Theo NTDTV