Linh hồn thường là một khía cạnh quan trọng của tôn giáo và gắn chặt với luân hồi tái sinh và các cõi tâm linh. Các nền văn hóa trên khắp thế giới đã xác nhận về việc tồn tại của linh hồn. Điều này có nghĩa là khái niệm linh hồn là không thể thiếu đối với nhiều hệ thống niềm tin và trong nhiều trường hợp, sự diễn tả và giải thích về linh hồn rất phức tạp, huyền bí và là những câu chuyện dài.

Đối với những người theo tôn giáo và phi tôn giáo, linh hồn vẫn luôn cùng tồn tại với chính bản thân họ, và ý tưởng linh hồn trêu đùa con người hoặc con người đánh mất linh hồn đã được sử dụng làm cốt truyện trong các câu chuyện như Faust qua nhiều thế hệ. Faust là một trong những nhân vật có thực được truyền thuyết hóa, đi vào đủ loại hình cũng như thể loại văn học nghệ thuật. Từ nhiều thế kỷ, sự tồn tại của tiến sĩ Faust đã không bị nghi hoặc gì nữa, sự tồn tại vừa trong thực tế vừa qua vô vàn giai thoại về sự hiển linh của các linh hồn xung quanh ông.

Trong một số nền văn hóa, chẳng hạn như các bộ lạc săn đầu người ở Indonesia, lấy phần cơ thể được cho là nơi trú ngụ linh hồn của kẻ thù là giải thưởng lớn nhất – đồng thời làm cho kẻ thù của họ không có cơ hội chuyển sang thế giới bên kia và họ sẽ lấy sức mạnh của linh hồn đó để tăng cường sức mạnh cho bộ lạc hoặc gia đình riêng của họ.

Theo quan niệm cổ xưa của dân gian Việt Nam, con người có 3 hồn 7 phách (bảy vía). Hồn là cái linh thuộc phần Khí của con người, Vía còn gọi là Phách là cái linh thuộc phần Hình của con người. Vì hồn nhẹ thì bay lên, Phách nặng thì đi xuống. Khi chết Hồn bay về trời còn Phách rơi xuống đất, Hồn thì còn mãi mãi còn Phách và xác thì tiêu tan. Đàn ông và đàn bà đều có 3 hồn thuộc tam tiêu (hoặc Tinh – Khí – Thần), đàn ông có 3 hồn và 7 vía gồm thất khiếu như 2 mắt, 2 tai, 2 mũi và miệng. Đàn bà có 3 hồn và 9 vía gồm cửu khiếu như thất khiếu cộng thêm lỗ sinh dục và lỗ vú. Khi con người bất tỉnh, người ta hú gọi hồn quay về, hồn đừng bỏ phần xác mà đi theo ma quỷ.

Còn một thuyết khác nữa cho rằng 7 vía là 7 trường năng lượng, đó là các luân xa, mỗi luân xa đều phát ra năng lượng gọi là vía. Các luân xa chính lần lượt từ trên xuống dưới gồm: Bách hội, Ấn đường, Thiên đột, Đản trung, Đan điền, Hội âm, Mệnh môn. Trong đó Bách hội được coi là để giao tiếp với các vị Thần linh, Ấn đường là nơi có con mắt thứ ba, Đan điền là bể khí.

Thông qua các luân xa, khi ngồi thiền linh hồn của con người có thể giao tiếp với các giới tâm linh (Ảnh: Pixabay)

Vụ Thành Tử trong Thái Vi Linh Thư viết về ba hồn theo Đạo giáo: “Người ta có ba hồn lần lượt là Sảng Linh, Thai Quang, và U Tinh“. Ba hồn này chính là 3 bộ phận tổ hợp thành thần khí của con người. Người ta mất đi một hồn hoặc hai hồn thì vẫn còn có thể sống sót. Nhưng nếu đã mất đi ba hồn thì sẽ trở thành một cái xác không hồn, sống đời thực vật.

Đạo giáo quan niệm, thất phách (7 vía) của người ta bao gồm: Thi Cẩu, Phục Thỉ, Tước Âm, Thôn Tặc, Phi Độc, Trừ Uế và Xú Phế. Thất phách này có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc điều tiết cơ thể con người. Mỗi phách lại đảm đương một nhiệm vụ khác nhau như: hô hấp, tiêu hóa, sinh sản, nhịp tim…

Trong quan niệm của nhà Phật, vong hồn người chết phải qua 7 lần phán xét, mỗi lần 7 ngày rồi mới được siêu thoát. Sau khi người ta chết, cứ 7 ngày là 1 kỳ tang, mất đi 1 vía. Sau bảy lần cúng kỳ tang thì cúng tuần Chung thất, tức là hết vía (49 ngày). Sau 100 ngày là cúng Tốt khốc (thôi khóc). Theo quan niệm dân gian, sau 100 ngày, hồn vía người ta đã hoàn toàn thoát ly khỏi thân xác thịt, đã chết thực sự. Khi ấy, người nhà chỉ còn niệm tưởng thương nhớ người đã mất trong lòng mà không khóc nữa. Lễ cúng ngoài mâm cơm chay mặn thông thường, còn cần đèn nhang, bông trái, trà nước. Ngày giỗ đầu gọi là lễ Tiểu tường, giỗ thứ hai là lễ Đại tường. Từ đó về sau, người ta chỉ còn cúng người đã mất vào dịp giỗ và Tết.

Người Ai Cập cổ đại có những câu chuyện mê hoặc lòng người về những gì tạo nên linh hồn và họ tin rằng linh hồn có chín thể linh hồn là: Khat, Ba, Ren, Ka, Shuyet, Jb, Akh, Sahu và Sechem.

Tám trong số này là các vị thần bất tử và đã sang thế giới bên kia và thể linh hồn thứ chín chính là cơ thể vật lý bị bỏ lại. Mỗi thể linh hồn đều có nhiệm vụ của riêng mình. Việc nghiên cứu tìm hiểu những thể linh hồn này có thể giúp chúng ta hiểu thêm về lòng tin và tín ngưỡng của người Ai Cập cổ đại.

Khát hoặc Kha – Cơ thể

Người Ai Cập cổ đại tin rằng cơ thể vật lý tự nó là một thể của linh hồn con người và gọi thể linh hồn này là Khat hoặc Kha. Đó là một thể linh hồn còn lại của linh hồn trên Trái đất. Đây là một trong những lý do khiến việc ướp xác trở nên rất quan trọng đối với người Ai Cập cổ đại – bảo tồn cơ thể vật lý thực sự là bảo tồn một phần quan trọng của linh hồn con người.

Kim Tự Tháp được cho là nơi bảo quản xác ướp của các Pharaon và Hoàng hậu (Ảnh: Wikipedia)

Sau khi một người đã chết, các lễ vật vẫn sẽ được cúng dường cho linh hồn tại cơ thể vật lý của họ bởi vì người ta tin rằng phần còn lại này của linh hồn vẫn hấp thụ một cách tự nhiên những chất dinh dưỡng và phúc lợi từ các lễ vật. Cơ thể có liên kết đến toàn bộ linh hồn của người đã từng sống ở cõi phàm trần – một khái niệm được thấy trong nhiều cách giải thích khác về linh hồn.

Ba – Tính cách

Ba có lẽ là quen thuộc nhất với các câu chuyện hiện nay về linh hồn của người Ai Cập cổ đại. Nó tạo nên tất cả các đặc tính của một người làm cho họ riêng biệt.

Mang hình dạng của một con chim với đầu người, Ba là phương tiện mà linh hồn có thể di chuyển giữa cõi phàm trần và cõi tâm linh. Người Ai Cập tin rằng Ba vẫn thỉnh thoảng đi lại giữa cả hai cõi trong khi một người vẫn còn sống, nhưng hành trình mà Ba thực hiện giữa các thế giới tăng lên đáng kể sau khi chết.

Ba, một thể linh hồn con người, trong một bản fax của một họa tiết từ Sách của cái chết. (Ảnh: A. Parrot / Public Domain )

Ba có thể giao tiếp với các vị thần và cõi tâm linh, nhưng nó là thể linh hồn cũng sẽ thường xuyên ở những nơi mà một người yêu thích khi họ còn sống, duy trì mối liên kết giữa các phần của linh hồn sống giữa các vì sao và Khat và các thành phần khác của linh hồn còn tồn tại trên Trái đất.

Câu chuyện về Ba dành thời gian ở những nơi mà một người từng yêu thích khi còn sống cũng tương tự như một số câu chuyện hiện nay về ma và những thể linh hồn lơ lửng ở nơi mà họ đặc biệt yêu thích khi họ còn sống. Ba cũng được cho là có mối liên hệ vật lý với cơ thể và nó sẽ ở lại với Khat khi nó không thăm thú các địa điểm vật lý khác hoặc giao tiếp với các vị thần.

Ren – Tên thật

Người Ai Cập cổ đại được đặt tên khi sinh và được giữ bí mật với mọi người trừ các vị thần. Tên này được coi là một phần cực kỳ quan trọng và mạnh mẽ của linh hồn với khả năng tiêu diệt một người và linh hồn của họ vĩnh viễn.

Trong suốt cuộc đời, một cá nhân chỉ được biết đến bằng biệt danh để không ai có thể biết Ren thực sự của họ để lấy sức mạnh của nó, hoặc cơ hội và kiến thức cần thiết để tiêu diệt họ.

Chừng nào Ren còn tồn tại, linh hồn sẽ có sức mạnh để tiếp tục sống sót. Miễn là việc ướp xác được hoàn thành chính xác và ướp xác thành công, Ren là một cá thể và linh hồn của họ sẽ tồn tại mãi mãi.

Một loạt các văn bản bắt đầu khoảng những năm 350 sau Công nguyên được gọi là Sách của Hơi thở đã biên soạn tên của người Ai Cập cổ đại và viết xuống để cố gắng đảm bảo họ sống sót. Sức mạnh của tên được thừa nhận bằng việc tạo ra vòng tròn khắc tên – một cách viết tên đặc biệt bên trong vòng tròn ma thuật bảo vệ – chỉ được sử dụng cho khắc tên và tước hiệu của hoàng gia.

Giống như việc giữ gìn tên, Ren rất quan trọng để bảo vệ linh hồn. Phá hủy Ren là một cách đảm bảo linh hồn bị hủy diệt mãi mãi. Đây là một phần lý do một số tên của các nhân vật bị ghét như Akhenaten đã bị xóa bỏ khỏi các di tích và văn bản theo nghi thức chính thức sau khi họ chết.

Ka – Đặc tính sống

Ka là tính chất quan trọng để phân biệt giữa người sống và chết. Người Ai Cập tin rằng, nữ thần sinh sản Heqet hoặc nữ thần sinh nở Meskhenet đã thổi Ka vào cơ thể vào lúc sinh nở. Ka là những gì làm cho trẻ sơ sinh thực sự sống.

Họ tin rằng Ka được duy trì trong suốt cuộc đời thông qua thực phẩm và đồ uống. Họ tin rằng Ka vẫn cần được nuôi dưỡng sau khi chết, đó là lý do thức ăn và đồ uống vẫn được cúng tiến cho Khat. Họ không nghĩ Ka vẫn cần ăn thức ăn vật lý, nhưng họ biết rằng các chất dinh dưỡng vẫn được Ka hấp thụ bằng hình thức siêu nhiên sau khi chết.

Một loại khay cúng dường gọi là Ngôi nhà linh hồn được làm bằng đất sét theo hình dáng ngôi nhà để cúng dường Ka. Một số ví dụ còn tồn tại thậm chí có cả mô hình thức ăn bằng đất sét trong đó, và chúng đã được sử dụng như một cách để xác định một ngôi nhà trung bình sẽ trông như thế nào ở Ai Cập cổ đại.

Một số người tin rằng Ngôi nhà linh hồn thậm chí còn được xem là nơi trú ngụ của Ka, mặc dù không có bằng chứng nào về điều này, và nhiều khả năng chúng chỉ đơn giản là một cách trình bày công phu đồ ăn thức uống cúng dường cho người quá cố.

Shuyet – Cái bóng

Người Ai Cập cổ đại tin rằng cái bóng thực sự là một thể linh hồn của con người. Nó đã từng có mặt, và họ tin rằng nó cũng đóng góp một phần để làm cho mỗi người có những đặc tính riêng biệt.

Như trong nhiều nền văn hóa khác, người Ai Cập cũng tin rằng cái bóng có liên kết theo một cách nào đó với cái chết. Shuyet được cho là người hầu của Anubis, thần chết và thế giới bên kia. Những mô tả về Shuyet thường là hình người được tô màu đen hoàn toàn.

Anubis là vị thần Ai Cập cổ đại phụ trách các nghi thức ướp xác và chôn cất, Ngài đang làm nghi thức cho một xác ướp. (Ảnh: Jeff Dahl / Public Domain )

Một số người có “Ngôi nhà cái bóng” trong số các vật phẩm làm tang lễ của họ để Shuyet có một nơi để sinh sống. Trong Sách của cái chết của Ai Cập, linh hồn được mô tả là rời khỏi ngôi mộ của người chết vào ban ngày dưới dạng một cái bóng. Shuyet chỉ được coi là một cái bóng của con người và không phải là biểu hiện chính hay có tính quyết định của người chết trong cõi hạ giới.

Jb – Trái tim

Cũng như nhiều người vẫn tin ngày nay, người Ai Cập cổ đại đã xem trái tim là ngôi nhà của cảm xúc con người. Nó cũng được coi là trung tâm của suy nghĩ, ý chí và ý định. Điều này có nghĩa Jb (trái tim) là một thể linh hồn rất quan trọng của con người, và từ trái tim xuất hiện trong nhiều lời nói và diễn đạt cảm xúc trong các tác phẩm của Ai Cập cổ đại. Trong khi các diễn đạt tiếng Anh thường nói đến trái tim như một phép ẩn dụ, thì trong những thành ngữ của người Ai Cập cổ đại, nhắc đến trái tim là nói đến trái tim vật lý.

Là một thể linh hồn, Jb là một phần để xem xét xem người chết có được vào thế giới bên kia hay không. Trái tim sẽ được cân trên thang đo bằng lông vũ – lông của sự chân chính – và nếu trái tim nặng hơn lông, người đó sẽ bị từ chối vào thế giới bên kia và trái tim của họ bị ăn thịt bởi một con quỷ tên là Ammit, được mô tả là sư tử lai hà mã-cá sấu đáng sợ.

Để duy trì và bảo vệ Jb, trái tim sẽ được ướp theo cách đặc biệt, sau đó được đặt cùng với phần còn lại của cơ thể cùng với một đồ trang sức hình bọ hung như là một bùa hộ mệnh nhằm ngăn chặn trái tim tiết lộ quá nhiều thông tin về cá nhân đó và gây nguy hiểm cho thành công trong buổi cân trái tim với lông vũ.

Akh hoặc Ikhu – thể bất tử

Akh là sự kết hợp kỳ diệu của các thể linh hồn Ba và Ka, đại diện cho sự bất tử giác ngộ sau khi chết. Sự hợp nhất kỳ diệu này của Ba và Ka sẽ chỉ có thể thành công nếu các nghi thức tang lễ chính xác được thực hiện sau khi chết.

Akh không ở gần với Khat như các thể linh hồn khác, nó sống giữa các vì sao với các vị thần, mặc dù đôi khi nó cũng trở lại cơ thể nếu cần thiết. Akh đại diện cho trí tuệ, ý chí và ý định của con người.

Akh cũng là thể linh hồn của con người có thể kết nối với những người thân yêu bằng cách xuất hiện cùng với những người thân yêu trong giấc mơ của họ.

Sahu – Thẩm phán và thể xác tinh thần

Sahu thực sự là một khía cạnh khác của Akh. Ngay khi một linh hồn được coi là xứng đáng vào thế giới bên kia, Sahu sẽ tách khỏi tất cả các thể linh hồn khác. Giống như một số câu chuyện hiện đại về ma, Sahu được cho là sẽ ám ảnh những người đã làm điều xấu với họ và bảo vệ những người mà linh hồn đã yêu. Giống như Akh có thể xuất hiện trong giấc mơ của một người, Sahu có thể nhập vào một người.

Nó thường được coi là một linh hồn báo thù và bị đổ lỗi cho bất kỳ vận mệnh xấu nào. Có một ví dụ từ thời Vương quốc Trung Ai cập, một người góa vợ đã để lại một bức thư trong mộ của người vợ quá cố cầu xin Sahu của cô ngừng ám ảnh anh ta.

Sechem hoặc Sekhem – Năng lượng cuộc sống

Sekhem là một thể khác của Akh. Không có nhiều thông tin về Sekhem, nhưng nó được coi là một loại năng lượng sống của linh hồn. Sekhem xuất hiện ở thế giới bên kia sau khi sự phán xét được thông qua và linh hồn được coi là xứng đáng.

Trong cuốn Sách về cái chết, Sekhem được mô tả như nguồn sức mạnh và là nơi mà các vị thần Horus và Osiris hưởng an lạc trong thế giới tịnh độ. Thần Osiris bị em trai ông là Set giết và chiếm lấy ngai vàng. Vợ của Osiris là Isis đã khôi phục thân xác của chồng mình, để thụ thai và sinh ra một người con trai là Horus. Horus lớn lên chiến thắng Set, khôi phục lại trật tự cho Ai Cập.

Từ phải sang: Isis, Osiris và Horus (Ảnh: Wikipedia/Public Domain)

Sekhem cũng có ảnh hưởng trong vấn đề kiểm soát môi trường xung quanh, hành vi và ứng xử của con người. Giống như Akh, Sekhem không ở cùng với Khat và cơ thể vật lý, mà ngao du giữa các vì sao cùng các vị thần và nữ thần.

Sự huyền bí của linh hồn

Cách người Ai Cập cổ đại nhận biết về các thể linh hồn biểu thị tầm quan trọng của nó đối với họ. Đó rõ ràng là một điều gì đó được hình thành trong thế giới tâm linh với một số lượng rất lớn các chi tiết, và đó là mấu chốt của niềm tin về thế giới bên kia và làm thế nào một người có thể đến được nơi đó.

Niềm tin của họ về linh hồn cũng quyết định cách họ đối xử với cơ thể sau khi chết. Xác ướp, một phần mang tính biểu tượng của văn hóa Ai Cập cổ đại, là kết quả của niềm tin của họ về Khat và các thể linh hồn khác cần một nơi để sinh sống.

Chín thể linh hồn cũng ảnh hưởng đến nhiều phần khác của văn hóa Ai Cập. Từ việc xóa bỏ tên một cách bạo lực để tiêu diệt Ren cho đến việc tạo ra các văn bản như Sách về cái chết, linh hồn là trọng tâm của các hoạt động văn hóa và xã hội Ai Cập cổ đại.

Nhờ có hệ thống niềm tin phong phú này, nhiều cổ vật đã phát triển trở thành những biểu tượng và nổi tiếng thế giới của văn hóa Ai Cập cổ đại, thế giới tâm linh lôi cuốn đã mang đến những kho báu giá trị khác nhau cho con người hiện đại.

Mỗi con người sống trong thế giới chúng ta hiện nay, chẳng phải đôi khi chúng ta có những cảm nhận về sự hiện hữu của một bóng ảnh nào đó xung quanh chúng ta sao. Khoa học ngày nay cũng đã xác nhận các hiện tượng mà không thể giải thích được ví dụ như: deja vu – tự nhiên cảm thấy bản thân đã trải qua những sự việc tương tự trước đó, những giấc mơ mà trở thành hiện thực sau một thời gian, hiện tượng bóng đè, cảm giác nhìn thấy những hình bóng đang đứng cạnh và theo dõi mình… Văn minh truyền thống của các dân tộc trên thế giới, đôi khi chúng ta nghĩ rằng đó là truyền thuyết, là huyền thoại, nhưng cũng cần có những cách tiếp cận khác để có thể thấu hiểu và đưa ra những giải thích tương xứng nâng cao giá trị đời sống văn hóa tinh thần cho nhân loại.

Theo NTDVN.COM