Nếu mắt người ta có thể nhìn mọi vật ở mức vi quan, nhìn thấy mọi thứ trong thế giới nhỏ hơn thế giới thực tại ta đang nhìn thấy, thì sẽ phát hiện bên trong đó cũng có một thế giới rộng lớn bao la.

1Trong mỗi đóa hoa có một thế giới, trong mỗi chiếc lá có một thiên đường. (Ảnh: Pinterest)

Người xưa có câu: “Trong mỗi đóa hoa có một thế giới, trong mỗi chiếc lá có một thiên đường”. Từ thời Ấn Độ cổ đại, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có thể nhìn thấy tam thiên đại thiên thế giới trong một hạt cát. Đạo giáo lại tin rằng cơ thể người là một tiểu vũ trụ.

Trong chính sử, văn hóa dân gian, cũng có ghi chép những câu chuyện về một số người có thể bước vào một thế giới rộng lớn chỉ từ một tấc vuông. Câu chuyện rất thú vị và làm cho những người hiện tại chúng ta khó mà tin nổi.

Trong bình có động tiên

Vào thời Đông Hán, ở vùng Nhữ Nam có một người tên là Phí Trưởng Phường, là tiểu thương trong thị trấn. Trong thành phố, có một ông lão bán thuốc thường treo một cái bình ở bên cạnh cửa hàng.

Mỗi ngày sau khi kết thúc buổi chợ, ông lão lại nhảy vào trong bình. Việc làm của ông lão diễn ra thường xuyên, nhưng không ai nhìn thấy, duy chỉ một ngày nọ, Phí Trưởng Phường vô tình quan sát được khi ngồi trên lầu.

Cảm thấy vô cùng ngạc nhiên, anh ta tìm gặp ông lão, lại kính cẩn mang cho ông rượu và thịt. Ông lão hiểu ý và bảo anh có thể trở lại vào ngày mai.

Ngày hôm sau, Phí Trưởng Phường tới gặp ông lão. Ông nắm tay anh và hai người cùng nhảy vào bình. Nhìn bề ngoài, tuy cái miệng bình khá nhỏ, nhưng sau khi nhảy vào, bên trong bình là một thế giới rộng lớn.

Thế giới trong đó tuyệt đẹp, chứa đầy những món ngon và các loại rượu hảo hạng. Hai người ăn uống no say mới cùng nhau đi ra ngoài. Từ đó Phí Trưởng Phường bái ông lão làm thầy và xin đi theo học hỏi.

Từ điển cố này, câu nói ‘trong bình có động tiên” được sử dụng để mô tả về xứ sở thần tiên, và “bình công’ được sử dụng để mô tả những người có khả năng phi thường.

2Câu nói ‘trong bình có động tiên” được sử dụng để mô tả về xứ sở thần tiên, và “bình công’ được sử dụng để mô tả những người có khả năng phi thường. (Ảnh: RuCoin)

Trong ngực có càn khôn

Đạo gia từ thời cổ đại luôn tin rằng cơ thể người là một tiểu vũ trụ. Nếu dùng khái niệm vĩ mô của vũ trụ để miêu tả thân thể người, thì thế giới bên trong cơ thể là gì? Trong các ghi chép của Nhạc Quân thời nhà Thanh, có câu chuyện về một người tên Bình Dương Sinh.

Thủa đó, không ai biết rõ lai lịch của Bình Dương Sinh ra sao. Người ta kể rằng khi còn là một đứa trẻ, anh ta đột nhiên mất tích. Đến năm mười lăm tuổi mới trở về nhà, nhưng bỗng nhiên bị câm điếc.

Không những vậy, cử chỉ hành động vụng về, đầu tóc không chải, cũng không tắm rửa, không đội mũ, lúc nào cũng mặc một bộ quần áo rách. Có điều càng đặc biệt hơn là anh ta không ăn cũng không uống nước, mùa đông không bao giờ mặc áo ấm.

Có một thư sinh họ Chu, thấy cử chỉ hành động của Bình Dương Sinh khác với người thường nên luôn nghĩ cách tìm ra bí mật, nhưng đều không có kết quả. Một ngày nọ, sau khi trời tạnh mưa, anh đi dạo ở cánh đồng gần nhà. Trong lúc đó vô tình thấy Bình Dương Sinh đang đi trong bùn, nhưng hai chân kỳ lạ lại không ngập xuống bùn và không bị vấy bẩn.

Thư sinh bí mật đi theo anh ta vào một ngôi miếu cổ và nấp sau cánh cửa nhìn qua khe quan sát. Thật kỳ lạ, các bức tượng thần bằng đất sét trong miếu đều đứng lên đón chào anh ta. Bình Dương Sinh cúi đầu chào lại và ngồi trên một bậc đá để nói chuyện với họ. Lúc này vị thư sinh mới phát hiện hóa ra người này không hề bị câm.

Tối hôm sau, thư sinh họ Chu đến gặp Bình Dương Sinh với hy vọng được chỉ giáo. Bình Dương Sinh chỉ mỉm cười và nói với thư sinh rằng anh ta không phải là một vị thần tiên, mà chỉ là một nhà ảo thuật.

Nói xong bình thản cởi áo để lộ ngực, trên có một cái lỗ vuông dài khoảng một tấc, và bảo thư sinh bước vào trong. Ban đầu, anh ta không tin, nhưng làm động tác như nhấc chân nhấc chân bước lên bậc thang. Đột nhiên, anh cảm thấy cơ thể nhẹ nhàng bay lên và từ từ chui vào lồng ngực của ‘người câm’ qua cái lỗ trên ngực.

Thế giới bên trong lỗ vuông đó, có những người nông dân đang làm ruộng, lại có những người khuân vác đang gánh thứ gì đó vội vã bước đi trên đường. Lại có những người đang giơ nghi trượng hét lớn dẹp đường, lại có người chạy theo những đứa trẻ bỏ trốn, lại có chợ, có thị trấn buôn bán tất cả các loại hàng hóa. Dù là hoa, cỏ, cây cối, chim muông hay bất kể thứ gì đều thấy có và giống hệt như thế giới bên ngoài.

3Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có thể nhìn thấy tam thiên đại thiên thế giới trong một hạt cát. Đạo giáo lại tin rằng cơ thể người là một tiểu vũ trụ. (Ảnh: Pinterest)

Thư sinh họ Chu ăn ở, đi lại nằm ngồi trong thế giới nhỏ bé đó mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Anh chỉ thấy một tâm thái thoải mái, thư thái, dễ chịu, thanh thản và bình an tới mức gần như quên mất rằng mình đang ở trong lồng ngực của Bình Dương Sinh.

Cứ như vậy, ba ngày trôi qua vị thư sinh chợt nhìn thấy một cung điện lấp lánh những ánh sáng như giát bằng châu ngọc. Người dân trong thành phố đang mặc quần áo gấm vóc lụa là đẹp phi thường, đội mũ quan bằng ngọc, ăn những món cao lương mĩ vị, uống trà bằng nước đun sôi từ tuyết đá. Những chú chim khổng tước, bói cá, chim loan, hạc… đang nhẹ nhàng như khiêu vũ trước cổng. Mặc dù không có gió nhưng lại có thể nghe thấy những âm thanh trong trẻo đưa đến từ tự nhiên.

Trong thế giới đó, thư sinh họ Chu đã đi một chặng đường rất dài và không thể nhớ được mình đã ở bao nhiêu nơi. Nhưng nhìn thấy trăng tròn rồi lại khuyết, đông qua xuân tới, thời gian lặp đi lặp lại tuần hoàn, không có kết thúc. Anh cảm thấy tương lai dường như mờ mịt, như là đi mãi mà không thể tới đầu, cô đơn và tuyệt vọng anh ngồi xuống bật khóc hu hu như một đứa trẻ bị mất đồ chơi.

Anh cứ nghĩ rằng mình đang mơ, nhưng đây lại không phải là một giấc mơ, nghĩ rằng mình đã chết nhưng không phải chết. Sau khi chịu đựng từng đợt từng đợt tổn thương, anh thấy mình không thể chịu đựng được thêm nữa bèn hét to tên của Bình Dương Sinh.

Đột nhiên, anh cảm thấy mình rơi ra khỏi tai trái của Bình Dương Sinh và trở về với thế giới thực tại. Chỉ nhìn thấy chiếc đèn trên bàn vẫn còn sáng, người gõ mõ gõ bốn tiếng điểm canh tư. Chỉ trong một thời gian ngắn, Chu thư sinh đã trải nghiệm những điều khó quên trong đời.

(Theo tập “Hậu Hán Thư” quyển 82 hạ, “Nhĩ thực lục nhị biên”, tập 3)

Nhật Hạ (Theo Epoch Times)